Nhìn lại hành trình 1 năm đầu nuôi con nhỏ, Hà Anh tự chiêm nghiệm ra nhiều điều

2019-06-20 17:00
- Lần đầu chăm con nhỏ, siêu mẫu Hà Anh trải qua những nỗi vất vả như bao bà mẹ khác: mặt phờ phạc như zombie vì thiếu ngủ, quần áo xộc xệch... Nhưng với Hà Anh đây cũng là hành trình tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc.

Lấy chồng Tây lại từng sống ở nước ngoài nhiều năm nên cách Hà Anh chăm sóc con gái cũng có đôi nét khác biệt so với các bà mẹ truyền thống khác. Từ khi con gái còn bé, Hà Anh đã nỗ lực học hỏi để đem đến những điều tốt nhất cho con. Thay vì ép buộc, chân dài này luôn lắng nghe, thấu hiểu những điều con muốn và cần để bé có thể phát triển tốt nhất.  

Chỉ còn 6 ngày nữa là con gái Hà Anh - bé Myla sẽ tròn 1 tuổi. Nhìn lại hành trình gần 1 năm nuôi con, siêu mẫu này đã nghiệm ra những điều rất thú vị.  

Siêu mẫu Hà Anh viết:  

"Nuôi con 1 năm đầu - Những điều nhìn lại:  

Ngày 26/6 này là sinh nhật bé Myla tròn 1 tuổi. Mừng bé lớn mỗi ngày, khoẻ mỗi ngày và nhí nhố rất đúng kiểu Myla mỗi ngày một chuyện tôi cũng muốn tự chúc mừng chính bản thân mình vì đã “vượt qua” một năm đầu nuôi con một cách “thuận buồn xuôi mái”. Tôi muốn chia sẻ với mọi người những điều tôi tự “nghiệm” ra trong quá trình nuôi con để các mẹ cùng đọc tham khảo nhé.  

​   Hà Anh tự chúc mừng bản thân khi đã  vượt qua một năm đầu nuôi con một cách “thuận buồn xuôi mái". 

Mang bầu: Niềm hạnh phúc ngập tràn  

Tôi rất tin rằng tinh thần thoải mái, khoẻ mạnh của người mẹ đóng một vai trò lớn đối với sự phát triển khoẻ mạnh và tính cách vui tươi của đứa con trong bụng. Cuộc sống mỗi người đếu có những mối lo, stress khác nhau. Nhưng khi có bầu, hãy cố gắng “quẳng gánh nặng âu lo”, nếu không vì mình, thì là vì đứa con bé bỏng trong bụng. Tôi cũng không đến mức “thai giáo” cho con này nọ, nhưng tôi luôn cố gắng sống hoạt bát năng động, tập yoga cho cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần thư thái.  

Không nghĩ đến những chuyện bực mình, không bắt lỗi nhỏ nhặt để cãi vã với chồng. Tôi nghe nhạc piano nhẹ nhàng, suy nghĩ tích cực, viết lách thư giãn, ăn mặc đẹp (đừng tiếc mua cho mình những quần áo giày dép xinh đẹp thay đổi theo kích cỡ lớn lên của chiếc bụng), đừng bỏ quên dưỡng da, điểm trang nhẹ nhàng, đi hẹn hò lãng mạn với chồng, tiếp tục những cử chỉ thân mật gần gũi với chồng mình. Khi trái Tim mình thật sự hạnh phúc, tin vào những điều tốt đẹp sẽ xảy đến. Mọi điều tốt đẹp sẽ xảy đến!  

Sinh con: Đau thì đau, nhưng có gì mà phải sợ?  

Từ khi trước khi bầu bí, tôi rất là sợ khi nghĩ đến đẻ con sẽ đau đớn. Nghe các mẹ khác tả lại và thỉnh thoảng những đoạn clip khác được truyền tay nhau (đừng xem!) sẽ làm chúng ta hoang mang. Nhưng đối với tôi, một người thực tế, khi tôi đã mang con trong bụng, là tôi đã xác định tất cả! “Chuyện gì xảy đến sẽ xảy đến!” Có nó trong bụng rồi nhất định giờ sẽ phải sinh nó ra. Không lẽ giữ mãi? Hi hi thế nên đến lúc đẻ sẽ đẻ. Đau mấy cũng phải chịu, và sẽ chịu được! Người khác làm được mình cũng sẽ làm được. Mất công sợ để làm gì, tốn sức! Bring it on! Rồi sẽ qua!  

Từ từ trang bị thông tin: Đừng ép mình biết tất cả, dự đoán được mọi tình huống, mọi giai đoạn.  

Tôi sinh con lần đầu, nên cũng chẳng biết cái gì cả. Nhưng kinh nghiệm sống ở đời cho tôi hiểu rằng “cứ bình tĩnh, trang bị kiến thức dần theo từng giai đoạn” thì sẽ giải quyết được mọi khó khăn thôi!  

Tôi không phát hoảng lên và đi mua mọi cuốn sách để đọc, vào từng trang nhóm mẹ bỉm sữa để học hỏi kinh nghiệm. Vì tôi lo rằng mình sẽ choáng ngợp với mọi thông tin. Vậy là tôi cưỡng lại mong muốn “biết hết” để quẳng đi lo xa. Khi nào bầu sẽ tìm hiểu về bầu, mỗi giai đoạn lại tìm hiểu sâu hơn về giai đoạn đó. Google chủ yếu là để trấn an bản thân những thay đổi đối với mình hay con là rất bình thường. Nuôi con giai đoạn sơ sinh sẽ tìm hiểu về giai đoạn sơ sinh, không cần lo trước việc bò lẫy, ăn uống…. Đâu khắc có đó! Đó cũng là cách giải quyết công việc của tôi “First thing first” và “One thing at a time” (Việc nào quan trọng làm trước, từng việc một trong mỗi thời điểm cụ thể”.  

3 tháng đầu đời: Tập trung để giữ cho con… sống  

Chắc bà mẹ nào cũng như tôi, thỉnh thoảng lại sờ xem con có còn thở không. Có khi nó ngủ say quá mình con lay nó xem nó có cử động không. Đau đớn cơ thể vẫn còn, em bé vừa ra khỏi bụng còn nhiều bỡ ngỡ, khóc nhiều, vợ chồng thiếu kinh nghiệm nên làm mọi thứ mình nghĩ con cần chứ không phải là con cần thực sự ví dụ nó đang ngủ say giữa đêm thì lôi nó ra thay tã làm nó khóc nhèo nhẹo v.v…  

Lúc này hãy học chấp nhận “Mình sẽ thiếu ngủ như con zombie và rất có thể mặt mũi mình sẽ phờ phạc, quần áo xộc xệch. Cho con bú phải mặc áo quần cho bú thô kệch, xấu xí”. Nghĩ rằng “It’s ok!” vì mọi tập trung bây giờ là dành cho con. Nhưng, nếu có điều kiện hãy tranh thủ chải đầu, thoa kem dưỡng cơ thể, mặt mũi, ăn mặc tươm tất một chút! Hãy tắm! Bạn sẽ cảm thấy mình “giống người” hơn. Nuôi con là một quá trình dài lâu chứ không nhất thời. Hãy giữ sức để “chiến đấu” một cách khoẻ manh tinh tường cho cả những giai đoạn sau, đừng đốt cháy hết sức lực của mình như con thiêu thân.  

Hãy âu yếm, ôm ấp, tự tay chăm sóc con nhiều nhất có thể - Đừng lạm dụng sự giúp đỡ của bảo mẫu, mẹ...  

Hãy xem những thước phim về thế giới động vật với những chim mẹ mớm cho chim con ăn, hay khỉ con ôm choàng khỉ mẹ, hay cả con cá tha lôi đàn con đi khắp nơi- Sinh con ra và nuôi con, mang lại sự gắn kết và tình yêu giữa con và bố mẹ. Tôi luôn tận dụng sự giúp đỡ của cô nanny khi cần nghỉ ngơi lấy lại sức. Nhưng nếu có thể, tôi luôn muốn ôm con cho con bú trực tiếp, thay tã cho con hay sau này, tự tay bón cho con ăn, chơi với con.  

Con tôi hiểu được, mẹ (và ba) là những người quan trọng nhất trên cuộc đời này. Mẹ và ba sẽ ở bên ngay khi con sợ, con khóc, con buồn. Con có thể trông cậy và tin tưởng ở ba mẹ… Tất cả những điều này không chỉ là do mình nghĩ, hoặc nói ra, mà được chứng minh bằng hành động từ nhỏ đến lớn, mỗi ngày, ngày hay đêm từ khi con sinh ra. Dù có thể con chưa hiểu nhưng con sẽ hiểu vì sự hiện diện, chăm sóc, nụ cười của mẹ sẽ luôn ở bên con.  

Hãy luôn mỉm cười với con: Nói yêu con, khen thưởng động viên con từ khi lọt lòng  

Mọi người thường hay thắc mắc “Bé Myla sao tươi quá!”. Có một điều tôi biết rằng, mỗi lần bé mở mắt ra nhìn thấy gương mặt mẹ, là sẽ gặp nụ cười rạng rỡ của tôi “Chào con gái bé bỏng đáng yêu của mẹ” Tôi thường hay nói, kèm theo nụ cười từ sâu thẳm trái tim, toả hơi ấm qua ánh mắt, miệng cười, giọng nói cũng cười.  

Xem lại video tôi nhận thấy ngay cả khi bé mới đẻ, hay sau này 2,3 tháng, bé đã biết mỉm cười lại với mẹ khi nhìn thấy mẹ cười. Bé sẽ hiểu, mìm cười là phản xạ dĩ nhiên. Bé vui tươi, dĩ nhiên, bởi mẹ luôn cho con thấy một cuộc đời vui tươi.  

Nói chuyện với con  

Một trong những điểm yếu của người Việt Nam chúng mình là khả năng kém bộc lộ cảm xúc qua lời nói và cử chỉ bởi văn hoá và giáo dục của chúng ta. Chúng ta chăm nấu nướng, tắm giặt, mua đồ đẹp cho con để thể hiện tình yêu không cần lời nói. Chúng ta nghĩ con sẽ hiểu.  

Bé Myla rất xinh xắn, đáng yêu  

Nhưng không, tình yêu cần được thể hiện qua cử chỉ, lời nói. Hãy hướng cho con có thói quen bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ qua lời nói từ khi con nhỏ bằng cách thường xuyên nói chuyện với con. Đứa bé luôn háo hức và đón nhận những mới mẻ, qua những lời nói của bô mẹ, bé sẽ được tiếp nhận thông tin một cách vô thức, tiếp nhận ngôn ngữ như một điều dĩ nhiên “Myla bé bỏng của mẹ, hôm qua con nằm mơ thấy gì? - tôi thường hay hỏi con mỗi sáng! Rồi tôi tự trả lời con, tự tưởng tượng và phịa ra một ti tỉ thứ buồn cười ngộ nghĩnh và “lải nhải” nó với con.  

Đến giờ tôi lại hay đọc các bài vè cho con nghe “chuồn chuồn bay thấp thì mưa” - khi tôi chỉ cho con xem con chuồn chuồn, hay hát “sên sển sền sên mày lên công chúa” khi chỉ cho con xem con ốc sên…. Bé Myla gần 1 tuổi, dù mới chỉ bắt chước âm thanh của những từ đơn giản như “ếch ộp, mẹ, hay dad dad..” Nhưng bé bày tỏ phản xạ muốn nói rất rõ. Bé bắt chước chỉ vào sách và nói giống mẹ bằng thứ ngôn ngữ bé của bé. Hay “nói chuyện” “chỉ đạo” các bạn bé xung quanh… Tôi không tham vọng con phải biết nói bằng chừng này chừng này tuổi. Nhưng tôi rất vui khi bé tỏ ra có hứng thú với …ngôn ngữ.  

Đừng dọa con, lừa con, hay giới thiệu cho chúng những “thứ” chúng phải sợ  

Con người chúng ta bị cản trở đến với tình yêu, hạnh phúc, thành công, cơ hội bằng biết bao “Nỗi Sợ”. Chúng ta đều biết điều này. Nỗi sợ làm chúng ta không có khả năng sáng tạo, suy nghĩ những điều mà không ai nghĩ tới, giới hạn khả năng và cơ hội của chúng ta. Vậy tại sao chúng ta lại dạy cho con biết sợ?  

Tôi rất sợ chuột, nhưng tôi ngồi xem hoạt hình về chuột nấu ăn với con. Vì tôi mong con tôi lớn lên sẽ không bao giờ phải run sợ trước con vật vớ vẩn như con chuột. Tôi không doạ con về con này cắn, con kia xấu, cái nọ bẩn… đó chỉ là những khái niệm của người lớn chúng ta tự định nghĩa thế thôi. Có gì mà phải sợ? Kể cả ngã, đau, bẩn, hay con khóc?  

Con cần tự có những trải nghiệm mà mình kiểm soát về độ an toàn, nhưng cũng đừng doạ chúng sợ những nỗi sợ vô lý và không cơ sở “Mẹ không yêu con nữa đâu”, “Con ba bị bắt”.  

Thay vào đó nếu con vô tình làm mẹ đau, tôi sẽ nói “Myla làm mẹ đau, mẹ buồn đấy Myla biết không?” Rồi tôi cầm tay con vuốt vào má mình rồi nói “Myla dịu dàng với mẹ, Myla yêu mẹ! Mẹ yêu Myla!”  

Đừng ép con ăn - hay làm những thứ chúng không thích  

Hãy đọc cảm xúc của con. Hãy cho con thấy ăn uống hay làm điều gì đó thật vui. Mới tập ăn hãy cho con nếm thử các vị qua đầu lưỡi từ những thứ chúng ta đang ăn. Bé sẽ cảm thấy được “tham gia như người lớn”.  

Nếu bé tỏ ra không thích, hãy thử giới thiệu lại khi khác.  

Bé đã không thích, phản kháng quyết liệt, hãy tạm dừng lại. Đừng ép uổng con để tạo ra ấn tương xấu về việc ăn uống, ngủ nghỉ.  

Hà Anh khuyên các mẹ: "Đừng ép uổng con để tạo ra ấn tương xấu về việc ăn uống, ngủ nghỉ".  

Khi chúng bắt buộc phải làm những điều chúng không thích (ngoáy mũi, thay tã), tôi vừa làm vừa giải thích với con “Mẹ xin lỗi con, mẹ biết con không thích những cũng phải làm thôi vì ngoáy mũi xong con sẽ dễ thở hơn”, “Có đau đâu sao con phải cáu?”….. để con hiểu đôi khi những điều con không thich nhưng vẫn phải làm là có cơ sở.  

Đừng ngại giới thiệu những trải nghiệm mới cho con  

Đừng nghĩ chúng là trẻ con có biết gì đâu, có nhớ gì đâu. Hãy cho chúng gần gũi với thiên nhiên, ngắm, sờ, ngửi, tiếp xúc với mọi người, đi du lịch, tham gia các hoạt động cùng người lớn.  

Tôi vẫn nghĩ rằng Myla có thê không nhớ về những nơi từng đến, nhưng con sẽ được vô thức hình thành tính cách cởi mở, yêu thích thiên nhiên, dạ dĩ với mọi người…. Những tính cách đó, bạn nghĩ từ đâu mà chúng ta tự có?  

Tôi nghĩ đó là do hình thành từ những trải nghiệm của bố mẹ bên bé, những suy nghĩ, cảm nhận của bố mẹ giới thiệu cho con từ tấm bé  

Như các bạn cũng thấy, 1 năm nhìn lại, tôi không chia sẻ về bí kíp ăn, ngủ,… bởi tôi coi đó là điều tự nhiên. Dù mẹ có thể có những giai đoạn khó khăn khi đào tạo cho bé làm quen với những giai đoạn này. Nhưng khi bé lớn, những điều này sẽ là điều dĩ nhiên. Những gíá trị của một con người không nằm ở cân nặng, hay “biết làm gì tại thời điểm bao nhiêu tháng”, mà sẽ ở việc họ có phải là con người hạnh phúc, hoà đồng hay không? Có hay e sợ hay dũng cảm? Người sáng tạo, sẵn sàng dấn thân hay luôn quản ngại mọi điều? Họ có cởi mở để sống có ý nghĩa, hạnh phúc và tận hưởng hay sống để làm theo mọi lề lối xã hội muốn họ tuân theo?  

Mỗi đứa trẻ là một tạo hoá kỳ diệu, không một hay nhiều cuốn sách nào có thể định nghĩa được cuộc đời chúng, hay dám chắc mở ra mọi tiềm năng cho cuộc sống của chúng.  

Chúng ta, những bà mẹ, ông bố có thể mở ra một thế giới rộng mở đầy những khả năng và cơ hội thú vị cho chúng…".  

 

Theo Nld.com.vn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cuộc sống của những hot girl đình đám xứ Bắc: Người làm dâu tỷ phú, người làm CEO danh tiếng