Mẹo nhỏ cực hay ho giúp mẹ không còn lo lắng việc “đánh vật” với con những ngày đầu ăn dặm
Tin liên quan
Ăn dặm được xem là một bước ngoặt lớn với các bé, khi ấy con bước vào một hành trình mới, nên các mẹ không thể không lo lắng. Thế nhưng, với sự chuẩn bị cùng kinh nghiệm nhỏ của mình, chị Nhung đã khiến hành trình ấy bớt chông gai và ít nước mắt hơn.
Chị Nhung và con trai (Ảnh: NVCC)
“Mình cho bé Shin ăn dặm khi con được 6 tháng tuổi. Đến nay, con đã được tròn 9 tháng. Trộm vía con ăn ngoan ngủ ngoan và chơi ngoan, biết khá nhiều điều về thế giới này. Quan điểm của mình là để con tự do khám phá, tự phát triển hết khả năng của mình, được chơi được ăn thoải mái, được tôn trọng. Nhưng nếu con có thể làm thì hãy để con có cơ hội làm”, chị Nhung chia sẻ.
Theo đó, một số vấn đề về việc con chuẩn bị ăn dặm mà các mẹ cần lưu ý được chị Nhung chia sẻ chi tiết như sau:
Tập cho bé ăn rau
Chị Nhung cho rằng, tốt nhất là nên bắt đầu ngay khi bắt đầu ăn dặm, luôn luôn giới thiệu và đa dạng loại rau trong mỗi bữa ăn. Nên ăn rau trước thịt sau, nhất là những rau xanh. Ăn chế độ đầy đủ rau quả trong bữa sáng, trưa, tối, bữa phụ. Các loại quả sẽ ăn từ quả nhạt - ngọt dần- chua. Mẹ nên cho bé ăn đầy đủ, nhưng lưu ý không nên cho ăn quá nhiều. Giới thiệu và cắt phù hợp với khả năng xử lý của bé, thích cảm giác lưỡi bé bằng cách tạo vài thử thách nhỏ, để bé thích khám phá chinh phục món rau ấy, như thay đổi cấu trúc thức ăn đa dạng, độ mềm khác nhau trong một bữa.
Ví dụ, nếu một bữa chỉ ăn đồ dai, bé không xử lý được, bé sẽ cáu kỉnh, vậy nên mẹ cần chuẩn bị thêm cả món dễ xử lý để bé luyện tập dễ dàng. Nếu bé tỏ vẻ không thích, mẹ sẽ giới thiệu lại vào một bữa khác không xa. Nếu vẫn không thích, mẹ đổi cách chế biến như hấp - xào với thịt - bọc thịt hấp - luộc- ăn salad, kèm với trái cây, nấu soup, làm bánh... khi bé dần thích ứng thì lại quay lại món nguyên thủy. Mẹ cũng nên nói với bé tên loại rau được ăn trong bữa đó, kể cả các món khác cũng vậy. Mẹ nên cho bé nhìn thấy hoặc có thể tham gia hái rau, nhặt rau với bố mẹ để tạo sự kích thích tò mò khám phá. Bên cạnh đó, có thể cho bé ngồi cùng ăn với gia đình, khi thấy bố mẹ ăn nhiều rau con cũng sẽ học theo.
Tập cho bé ăn đạm
“Việc này cơ bản vẫn giống như tập cho bé ăn rau. Nhưng thịt, cá, tôm trứng... có rất rất nhiều cách chế biến đa dạng, vì thế các mẹ dễ dàng trổ tài nấu nướng cho con thưởng thức. Nhưng tốt nhất, mình nghĩ nên giới thiệu thịt mềm như thịt gà, cá, trước tiên để bé làm quen rồi mới bắt đầu đến những món đạm khác”, chị Nhung nhấn mạnh.
Một số bé sợ mùi tanh tanh của hải sản, thủy sản: tôm , cá ,.... mẹ nên chế biến và sơ chế để át mùi này. Bên cạnh đó, mẹ cũng không cần thiết phải kiêng khem quá nhiều. Càng cho bé ăn đa dạng thì bé càng không kén ăn, tuy nhiên cần lưu ý một số thực phẩm dễ gây dị ứng, đầy bụng, lạnh bụng.. Mẹ đừng quên cho bé ăn dần dần cả thịt mỡ, không nên chỉ cho bé ăn mỗi thịt nạc, điều đó cũng không tốt cho chế độ dinh dưỡng của bé.
Biết trân trọng đồ ăn khi đã có khả năng
Khi bé mới bắt đầu ăn, thức ăn còn vương vãi, bé ăn rồi nhả vì không nuốt được, khi đó bé chưa có khả năng xử lý thức ăn gọn gàng. Hoặc khi bé học xúc thìa còn lúc túng, thức ăn vương vãi khắp nơi, những khi ấy mẹ cần vui vẻ dọn dẹp giúp bé.
Nhưng khi bé đã có thể ăn gọn mà vẫn cố tình ném thức ăn đi nghịch ngợm, thì mẹ có thể hướng dẫn cho bé, giúp bé hiểu và trân trọng đồ ăn hơn. Cần nhất quán ngay từ đầu, thì mọi việc sẽ rất tự nhiên, tuyệt đối đừng nên để sai rồi sửa lại, lúc đó hành trình sẽ rất gian nan. Mẹ cũng đừng quát tháo bé, hãy hướng bé từ từ, nói cho bé hiểu, nếu không những hành động tiêu cực của mẹ sẽ khiến mọi thứ phản tác dụng.
Vòng tròn ăn ngon để được ăn ngon
Mẹ trẻ Sài thành đưa ra quan điểm: “Mỗi bữa ăn, mình luôn chuẩn bi một phần ăn gồm đầy đủ nhóm chất, đặt từng món lên bàn cho bé chọn. Món nào bé không thích sẽ ném đi. Mẹ sẽ bù thêm 1 đến 2 lần. Nếu vẫn ném đi sẽ không bù tiếp.
Thực ra, nếu bé đã không thích mà cứ cố gắng bắt ép, con cũng cáu. Vậy nên lúc ấy mẹ hãy hỏi con không thích món này à. Con không ăn nó nữa mẹ cất nhé… hoặc mẹ có thể ăn thử cho bé nhìn. Mẹ một miếng con một miếng mẹ con mình cùng ăn, hòa chung với vị giác cảm xúc của con. Con nhăn mặt mẹ cũng nhăn mặt. Con chua mẹ cũng chua. Con thấy ngon mẹ cũng thấy ngon... Đừng nghĩ bé chưa hiểu gì, nói bé không biết”.
Muốn con bước vào hành trình ăn dặm hiệu qủa, bố mẹ cũng phải làm gương, không bao giờ được nhè hay vứt đồ ăn đi. Không lãng phí đồ ăn, đặc biệt là trước mặt con. Không chỉ ngày một ngày hai, mà cần phát triển theo khả năng hiểu biết của con. Từ những hành động nhỏ nhất của bố mẹ cũng đang hướng bé làm theo như vậy. Ngay khi bắt đầu ăn dặm, bố mẹ hãy hướng bé trân trọng đồ ăn. Ngay từ khi tập thìa hãy hướng bé trân trọng cả cái thìa cái bát.
Tóm lại, chị Nhung đưa ra lời khuyên hữu ích đó là, cha mẹ hãy là người làm gương và hướng dẫn bé ngay từ đầu, tất cả không phải là ép buộc cũng không có sự quát mắng nào cả, có như vậy mọi điều bé nhận thức và hành động mới tự nhiên. Bên cạnh đó, mẹ đừng la mắng hay trách con ăn bừa bộn, bé bừa bộn là khám phá nhưng nếu bé cố tình ném đồ đi, thì phải hướng dẫn bé cái đúng. Với đồ chơi, với sách vở, với bất kì một điều gì đều cần như vậy.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất