Mẹ đảm Hà thành “giải mã” hiện tượng con không ngừng ném thức ăn, đi kèm thần chú phát huy hiệu quả thay vì “phát điên”
Tin liên quan
Mẹ bé Shin chia sẻ, việc con ném thức ăn là hoàn toàn bình thường đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi, điều này xảy ra vì nhiều lý do.
Con ném thức ăn đi có thể vì con đã bị ép ăn chúng. Điều đó làm con sợ, hoặc đơn giản con không thích món đó vì hình dạng của nó, hoặc con đã từng thử nó nhưng không thích vị đó, hoặc con không biết cách để ăn.
Con không biết cách thể hiện nào khác ngoài việc ném chúng đi – đó là cách để con giao tiếp. Mặt khác, các con luôn học thông qua nhân - quả, rằng nếu như con ném xuống sàn thì một điều gì đó sẽ xảy ra, miếng thức ăn đó sẽ nát bét, phát ra tiếng tép tép vui tai, hoặc thú vị hơn là có một bạn cún đi qua và ăn mất luôn.
Chị Nhung và bé Shin (Ảnh: NVCC)
“Thậm chí, nếu như ta giận dữ hoặc hét lên vì con ném thức ăn, thì con nhận ra rằng, mình làm thế này là mẹ sẽ chú ý. Mẹ sẽ phản ứng gì đó, và con có thể muốn ném thêm thật nhiều. Bố mẹ càng hét lên thì con sẽ càng muốn ném, giống như một hành động thách thức vậy. Chắc chắn không ít phụ huynh đã gặp vấn đề này, nhưng mình khuyên rằng, hãy thật bình tĩnh, hãy hiểu rằng con đang muốn thu hút sự chú ý mà thôi”, chị Nhung nhấn mạnh.
Mặc dù hành động ném thức ăn đối với con ở độ tuổi nhỏ là bình thường. Nhưng nó sẽ trở thành một thói quen, lúc con lớn hơn khi con không tự mình dừng lại. Chưa kể đến việc điều này ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ. Do đó, mẹ Shin cũng đưa ra một số giải pháp xử lý tình huống này như sau:
Các con mới làm quen với thức ăn, thường rất thích chơi với thức ăn, nếu mẹ đặt quá nhiều lên bàn sẽ khiến con cảm thấy khá rối, muốn nghịch nhiều hơn. Vì thế hãy cung cấp lượng ít, sau đó bổ sung khi bé đã ăn hết và muốn tiếp tục sẽ giúp con giảm hoặc không ném đồ ăn đi.
Bé Shin cũng từng có hành động ném đồ ăn khiến mẹ nổi nóng (Ảnh: NVCC)
Mới đầu, con sẽ chưa biết đâu là thức ăn đâu là đồ chơi, vậy tốt nhất hãy giúp con nhận biết, hãy nói về thức ăn, màu sắc, hình dáng, tên của chúng, nếm thử thậm chí cho bé tham gia và quan sát mẹ nấu, ... sau đó loại bỏ hết đồ chơi có trên bàn ăn. Hãy giúp con phân biệt con có thể làm gì với thức ăn, và có thể làm những gì với đồ chơi như: “Đây là thức ăn (tên thức ăn), con có thể ăn (ăn làm mẫu cho con), còn đây là bóng con có thể ném chúng”.
Bà mẹ Hà Thành bày tỏ: “Quan trọng vẫn phải để con trải nghiệm, phải đưa bóng cho con, cho con được ném chúng đi, như thế con mới biết rằng, cái này ném đi được. Khi con ném được cũng nên khích lệ con, điều đó cho con thấy việc này thật thú vị. Nhưng khi con ném hết thức ăn đi ,thì trên đĩa sẽ không còn gì cho con ăn cả.
Khi con đặt thức ăn đúng vị trí hãy khen ngợi con. Cách này áp dụng thường xuyên, nhiều lần, linh hoạt trong nhiều tình huống. Điều này, cũng giúp con phân biệt được cái gì ăn được, cái gì không, hạn chế việc bé hay bỏ mọi thứ bé nhặt được vào miệng, mút tay,… Mình cũng không quá lo lắng khi con có thể nếm cả cát, đất,.. nhưng chắc chắn con sẽ không ăn chúng mãi. Hay khi thấy con nếm một củ cà rốt sống, trong lần tới chắc chắn con sẽ chọn cà rốt chín vì nó ăn được...”.
Tuy nhiên, con từng bước được uốn nắn và dạy dỗ đúng đắn về việc không được phép vứt đồ ăn lung tung (Ảnh: NVCC)
Đối với những thức ăn con chưa biết cách ăn, chưa xử lý được, hoặc chưa thích, con có thể ném hoặc nhè và ném đi,... chị Nhung cho hay, nên tôn trọng việc con chưa thể ăn, hay chấp nhận con không muốn ăn nó. Nhưng ba mẹ nên hướng dẫn để con không nên ném xuống sàn. Nên dành một chỗ trên mặt bàn để con đặt vào đó. Khi con chuẩn bị ném xuống sàn, bình tĩnh, giữ cổ tay con di chuyển nhẹ nhàng đến phần bàn có thể.
“Con chưa nhai được món này à, vậy con đặt ở đây giúp mẹ nhé” – sau mỗi lần đó hãy bày tỏ sự khen ngợi với bé. Hãy cười tươi, và nhìn vào hành động đó của con. Và việc gì cũng vậy, phải thực hiện nhiều lần, thể hiện nhất quán thì con mới có thể hiểu được.
“Trong mấy tháng gần đây, mình nhận ra khi con lỡ xúc miếng to quá, hoặc ăn phải miếng thịt dai quá, hoặc con nhìn thấy cái gì đó lạ, con muốn nhè. Con hay nhè ra tay, rồi bỏ vào một cái bát cái đĩa nào đó hoặc khua khua.
Con muốn hỏi mình chỗ để, mình chỉ vào mâm, "con để ở đây" là con để vào đó. Thậm chí con ăn no rồi, không muốn ăn nữa mà thừa một chút, cũng không bao giờ vứt lung tung, con sẽ đưa cho mẹ, hoặc bê vào cất trong bếp... thật tuyệt vời vì con tự giác làm thế.
Một điều nữa đó là, hãy cho con làm, nếu con ném xuống sàn, sau khi ăn con nên nhặt chúng bỏ vào thùng rác. Hoặc khi con ăn chuối con có thể tự bóc vỏ, nhưng con sẽ vứt xuống ngay chỗ con ngồi, nhưng mình không bao giờ nhặt chúng, cũng không gấp gáp. Cho dù con ăn trong bao lâu thì vỏ chuối vẫn ở đó, và sau khi ăn con nên cầm vứt vào thùng giác. Shin luôn làm thế, thậm chí không cần mẹ nhắc. Trẻ con rất thích làm những việc như thế này”, mẹ Shin cho hay.
Bình tĩnh nhất có thể và kiểm soát cảm xúc là bài học cũng như bí quyết dạy con của chị Nhung (Ảnh: NVCC)
Bà mẹ trẻ cũng khẳng định, tất cả những điều này quyết định bởi sự bình tĩnh của mẹ. Khi mẹ vừa chuẩn bị một khay thức ăn ngon lành, bao yêu thương và công sức trao cho con với nụ cười thật tươi, nhưng nụ cười chưa tắt con đã ném chúng xuống sàn, ném liên tục, ném tất cả.
Tất nhiên mẹ sẽ khó mà bình tĩnh được. Nhưng ba mẹ hãy cố gắng đừng đánh mất kiên nhẫn, đừng giơ tay đánh tay con. Bản thân chị Nhung cũng từng bị đặt vào hoàn cảnh này, dù biết đó là điều hoàn toàn bình thường ở con, nhưng có lúc chị đã tỏ thái độ khi con ném thức ăn đi, thậm chí muốn quát lên, chỉ là tỏ thái độ thôi, nhưng con sẽ nhận ra ngay, và con lập tức đổ hết tất cả xuống bàn bóp, xoa, ném hết xuống nền, hành động trở nên khó kiểm soát hơn.
Thay vào đó, bà mẹ trẻ khuyên rằng, hãy hít một hơi, im lặng một chút và cần bình tĩnh, thậm chí là giả vờ bình tĩnh nhất có thể khi thể hiện với con. Hãy nhẹ nhàng và giúp con học cách thể hiện mong muốn, cũng như cảm xúc của mình tích cực hơn. Những lần sau đó, có thể chính mình cũng học được cách kiên nhẫn hơn với con.
“Đừng đánh vào tay con, vì con không sai, con cũng không biết đúng và sai thế nào. Nếu con sai thì đó là do bố mẹ con sai, đánh con hôm nay có thể khiến con không làm sai vào ngày mai, con có thể ngoan đúng như những gì bố mẹ mong đợi. Nhưng con sẽ không bao giờ được là chính mình, không bao giờ dám thử với cái mới, vì con sợ bố mẹ đánh.
Nếu ta không hiểu con trước thì mọi cách xử lý sẽ chỉ đẩy con ra xa hơn. Con không biết cách thể hiện mong muốn với bố mẹ, những cảm xúc dồn nén ở con sẽ khiến không khí trong nhà căng thẳng hơn. Con chỉ biết khóc và đánh, bố mẹ chỉ đánh và quát ,”nín đi, im đi, ăn đi”, và tất cả trở nên bế tắc thực sự”, chị Nhung đưa ra lời khuyên.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất