Mẹ Đà Nẵng bật mí 6 bước quan trọng để con tiếp cận tiếng Anh một cách tự nhiên, tiến bộ nhanh nhất
Tin liên quan
Ngày nay nhiều bậc phụ huynh cho con học tiếng Anh từ khi còn nhỏ với mong muốn lớn lên con sẽ giỏi tiếng Anh. Chính vì thế họ tìm cách "nhồi nhét" ép con học tiếng Anh từ lúc 1, 2 tuổi. Vậy việc "nhồi nhét" ép con như vậy là đúng hay sai?
Nói về vấn đề này, chị Phan Thùy Na (28 tuổi, Đà Nẵng) cho hay: "Trong việc này, mẹ cần hiểu rõ "giáo dục sớm" và "nhồi nhét" ép con học sớm là 2 cái hoàn toàn khác nhau. Trước đây em từng làm cho 1 tổ chức Phi chính phủ của Ý tại Đà Nẵng. Em từng gặp khá nhiều em bé nói rất sõi cả Anh, cả Việt tuy chỉ mới 2 tuổi. Sau này khi sinh con (bé Quốc Minh - Cà Ri) em tìm hiểu thì thấy không phải trẻ nhỏ thì không thể làm quen với ngoại ngữ mà ngược lại, trẻ nhỏ còn tiếp thu nhanh hơn người lớn rất nhiều. Cái mà mẹ cần không phải là sợ người khác chỉ trích 'tại sao cho con làm quen sớm với ngoại ngữ', mà cái mẹ cần là tìm cách nào để con làm quen 1 cách tự nhiên nhất như tiếng mẹ đẻ, và giúp con có thể phân biệt được đối tượng nào con sẽ dùng tiếng Việt, đối tượng nào con nên dùng tiếng Anh".
Bé Cà Ri 2 tuổi (Ảnh NVCC)
Việc làm quen với 1 ngôn ngữ mới ở độ tuổi này không phải là mẹ dạy một loạt rồi nhồi vào đầu con cả mớ kiến thức, sau đó bắt con nói như vẹt cho bằng bạn bằng bè. Đây là nhồi nhét ép con học chứ không phải giáo dục con.
Chị Na nói tiếp: "Việc học phải dựa trên tinh thần tự nguyện, hợp tác vui vẻ, khi con không muốn học thì mẹ cũng không nên ép con hoặc đẩy con vào thế bị động khiến con ngại giao tiếp cũng như có ác cảm với việc học ngoại ngữ".
Chị nói như vậy là vì có rất nhiều mẹ vì muốn con giỏi ngoại ngữ nên gửi con vào các trung tâm ngoại ngữ với học phí khá cao. Rồi ảo tưởng rằng, con đã học trung tâm thì ắt hẳn sẽ giỏi giang, sẽ tự tin giao tiếp, rồi mẹ tìm cách thử trình độ của con ở mọi hoàn cảnh. Có khi đang đi công viên, mẹ thấy có vị khách nước ngoài liền đẩy con tới nói chuyện với họ. Nếu con tỏ ra e ngại hoặc không chịu nghe lời thì mẹ lại lập tức mắng mỏ, trách móc khiến con rơi vào thế bị động. Lâu dần, mẹ vẫn tiếp tục dạy con theo cách đó, con sẽ chẳng giỏi hơn, bạo dạn hơn mà chỉ làm con sợ và ghét tiếng Anh mà thôi.
Hiện nay, chị Na cũng đã và đang cho Cà ri tiếp cận dần với tiếng Anh một cách tự nhiên nhất. Chị chia sẻ kinh nghiệm của mình về phương pháp đó như sau:
+ Đầu tiên, mẹ cũng phải trang bị vốn tiếng Anh cơ bản cho chính bản thân mình.
Chị Na kể, từ nào chị cảm thấy đọc chưa chính xác thì sẽ tra từ điển hoặc tải 1 phần mềm đọc chuẩn tiếng Anh để khi cần thì sử dụng. Tuyệt đối không nên đọc mà không biết mình đã đọc chuẩn chưa. Vì như thế, con sẽ đọc theo mẹ và dẫn đến tình trạng con đọc sai giống mẹ.
+ Thứ hai, bắt đầu cho con làm quen ngoại ngữ từ những hoạt động đơn giản nhất như: hát, kể chuyện, múa, vận động...
Ví dụ buổi tối chị Na thường cùng con chơi trò lật mở sách. Mẹ mở ra, miệng đọc "open", lặp lại như thế vài lần. Sau đó nhờ con: "Cà Ri, open your book, please!"(Cà Ri mở sách ra đi con!). Cứ chơi vui vẻ như vậy. Ban đầu con sẽ chưa quen nhưng dần dần khi mẹ nhờ nhiều lần con sẽ tự biết câu ấy là "mở ra" hay "đóng lại", rồi lại cho con ra đóng và mở cửa. Con sẽ hào hứng chơi cùng mẹ, tiếp thu ngoại ngữ 1 cách đơn giản và tự nhiên nhất.
+ Thứ ba, cùng con trải nghiệm
Khi con đã làm quen với những từ cơ bản rồi, mẹ lại cùng con trải nghiệm ở những nơi có người nước ngoài. chị kể: "Rất may nhà Cà Ri ở Đà Nẵng, lượng khách nước ngoài là rất đông. Đó là điều kiện thuận lợi để con tiếp cận với tiếng Anh một cách tự nhiên nhất. Cuối tuần 2 mẹ con lại đi để làm quen với người nước ngoài. Nhưng ban đầu, em cũng chỉ để con ngồi gần và quan sát thôi chứ không nên ép con bắt chuyện với người lạ ngay lập tức, sẽ làm con sợ".
+ Thứ tư, mẹ phải là người làm gương cho con
Mẹ chủ động giao tiếp với các cô chú nước ngoài trước, để con quan sát. Sau đó giới thiệu 1 chút về con cho cô/chú. Chắc chắn các cô/chú người nước ngoài chẳng bao giờ bỏ qua con, mà chào con ngay. Nếu con im lặng không hợp tác, mẹ vẫn tiếp tục giao tiếp bằng vốn từ của mình dù ít dù nhiều. Chứ không thể để con thấy mẹ cũng ngại giao tiếp được. Khi thấy mẹ giao tiếp như vậy, dần dần con cũng quen và hợp tác, dù chỉ là câu chào đơn giản.
Chị Na chia sẻ: "Cà Ri là một đứa trẻ nội tâm, ban đầu gặp người lạ, con luôn nép vào mẹ sợ hãi, không bao giờ hoà mình vào đám đông, nhưng mẹ vẫn cứ kiên trì đưa con đến nơi đông người, cho con ngồi quan sát cũng không sao, không thúc ép, không chê bai. Mẹ luôn ngồi quan sát cùng con rồi thi thoảng hỏi con có muốn chơi cùng mọi người không. Nếu con không thích thì mẹ cũng không ép. Đến khi con tự mình hoà vào đám đông không rụt rè, thì mẹ tin là mẹ đang đi đúng. Trải nghiệm làm quen với ngoại ngữ cũng như vậy. Em cũng cứ kiên trì đợi con khi con sẵn sàng, con sẽ tiếp xúc với họ bằng vốn từ, bằng biểu cảm của con".
+ Thứ năm, hạn chế cho con sử dụng các thiết bị kết nối mạng.
Chị Na kể, Cà Ri dưới 2 tuổi chỉ dùng điện thoại khi người thân cần video call hoặc cho con xem nhạc tiếng Anh 15 phút dưới sự quan sát của mẹ. Hiện tại Cà Ri trên 2 tuổi thì mẹ phân loại các chương trình giáo dục và chỉ cho con xem khi mẹ thấy chương trình ấy có ích cho con. Việc cho con xem youtube quá sớm và xem vô tội vạ, xem thì mới ăn hết cháo, xem thì mới ngồi yên, vô tình mẹ góp phần làm con rối loạn ngôn ngữ ở độ tuổi này. Nhiều mẹ ngộ nhận rằng, cho con xem nhiều các bài hát tiếng Anh... sẽ giúp con phát triển ngoại ngữ.
+ Thứ sáu, mẹ phải dành thời gian cho con.
Các mẹ đừng bao giờ cho rằng vì mình quá bận và con mình quá nhỏ để làm quen với ngoại ngữ: 5 năm đầu đời là giai đoạn vàng để con phát triển cả kĩ năng cứng và kĩ năng mềm. Thế nên chỉ vì mẹ bận mà ngay cả cuối tuần cũng không thể tạo ra trò chơi để đồng hành với con thì nghĩa là mẹ đã bỏ qua mất giai đoạn vàng này để con phát triển não bộ.
Các mẹ cần nhớ: "Nghề làm mẹ là nghề mẹ phải học cả đời. Mỗi người đều chỉ có 24h, nên việc phân bố thời gian hợp lí cho công việc và cho con là điều trong tầm tay của mẹ".
Mẹ Khoai
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất