Mang song thai mừng thì mừng thật nhưng cũng tiềm ẩn mối lo thường trực này

2017-03-29 20:41
- Nhiều sản phụ rất hoang mang, lo lắng khi biết mình mang song thai bởi khi đó người mẹ phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn hẳn so với những bà mẹ đơn thai.

Nguy cơ đối với mẹ  

Theo các chuyên gia y tế, khi mang đa thai, sản phụ dễ bị sẩy thai nhất là 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ thai bất thường, dị tật cũng cao hơn so với đơn thai. Phụ nữ mang song thai có dấu hiệu phù sớm nhiều hơn do tử cung to chèn ép tuần hoàn chi dưới. Thai phụ cũng mệt mỏi, đi lại khó khăn do các cơ quan làm việc tăng cường hơn, huy động các cơ khớp, xương. Tử cung to nhanh làm thai phụ cảm thấy khó thở.  

Sinh non là biến chứng thường gặp khi mang song thai. Triệu chứng tiền sản giật cũng xảy ra thường xuyên và sớm hơn các trường hợp mang 1 thai. Nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung cao gấp 10 lần so với phụ nữ mang 1 thai. Và tỷ lệ thai chết lưu cũng cao hơn do sự mất cân bằng tuần hoàn giữa 2 thai. Một nguy cơ nữa của người mang song thai là đa ối, thường xảy ra vào thời kỳ cuối của 3 tháng giữa thai kỳ. Nhau bám thấp do sự tăng bề mặt của bánh nhau, làm tăng nguy cơ đẻ non, chảy máu do bong nhau, ngôi thai bất thường. Nguy cơ cao trong chuyển dạ như: đẻ khó do cơn co tử cung; đẻ khó thai thứ hai; 2 thai mắc nhau; sang chấn sản khoa; đờ tử cung sau đẻ... 

song thai

Song thai và nguy cơ đối với thai nhi 

Tình trạng song thai thường dẫn đến sự phát triển bất cân xứng và chênh lệch cân nặng giữa 2 thai do có 1 thai chậm phát triển trong tử cung. Nếu sự chênh lệch cân nặng trên 25% giữa thai nhỏ và thai lớn dễ dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, co giật, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử của thai nhi. Ngoài ra, đối với song thai còn dễ xảy ra tình trạng thai chết lưu, thai non tháng, thai dị dạng và chậm phát triển. Đặc biệt, trong song thai, xu hướng sinh thiếu tháng nhiều hơn sinh đủ tháng.  

Mang song thai cũng dễ mắc hội chứng thai truyền máu cho nhau. Trong đó, khoảng 90% trường hợp này không được phát hiện sớm đã dẫn đến tử vong cho 1 thai. 25% số thai đôi sống sót sau khi bị hội chứng thai truyền máu cho nhau nhưng không được điều trị sẽ có thương tổn về thần kinh. Khi mang thai đôi nhưng 2 thai phát triển không đều là do có bất thường ở những mạch máu trong bánh nhau dẫn đến sự cung cấp máu không đều cho mỗi thai. Y học gọi là hội chứng thai truyền máu cho nhau tức là có thai cho máu và có thai nhận máu. Trạng thái này gây nguy hiểm cho cả 2 thai nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.  

Bất thường về nhận máu không đều ở 2 thai chỉ gặp ở những thai đôi phát triển từ 1 trứng và chung 1 bánh nhau, chung 1 buồng ối. Gọi là thai đôi 1 trứng khi 1 tinh trùng chỉ thụ tinh cho một noãn (trứng) và sẽ phát triển thành 2 thai có cùng giới tính (nam hoặc nữ), có chung các đặc điểm thể chất (da, tóc, màu mắt, cấu trúc cơ thể) và gen học (nhóm máu, nhóm huyết thanh, khả năng dung nạp mô cho nên có thể nhận mô ghép).  

Bằng chứng có sự phát triển hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau bao gồm: 2 thai phát triển không đều (một thai to hơn thai kia) - có quá nhiều nước ối ở một thai hoặc có quá ít nước ối ở thai kia. 

Giải pháp nào cho hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau?

Cho đến nay, chưa có điều trị đặc hiệu mà chỉ có một số phương pháp điều trị tạm thời được mô tả: chọc phá vách ngăn để làm thông thương giữa 2 buồng ối; Đốt laser đối với các mạch máu nối nhau ở phần nông của bánh nhau; giảm thiểu thai bằng cách làm chết thai nhi có tình trạng nặng; chọc dẫn lưu nước ối định kỳ. Phương pháp đốt laser thắt mạch máu truyền từ thai nọ sang thai kia đã được áp dụng tại Pháp, tỷ lệ thất bại là 25%. Các giáo sư Pháp cũng đã sang Việt Nam hướng dẫn phương pháp này nhưng do tỷ lệ thất bại còn cao nên hiện tại Việt Nam chưa áp dụng.  

Có đề phòng được không? 

Không có cách đề phòng thai đôi hay nhiều hơn, nhưng nếu có điều quan trọng là phải xác định sớm bằng siêu âm có bánh nhau riêng hay chung. Hội chứng thai truyền máu cho nhau là vấn đề có nguy cơ cao và có thể xảy ra đột ngột, bất cứ lúc nào khi đang mang thai do đó cần được kiểm tra bằng siêu âm thường xuyên, mỗi tuần 1 lần, từ tuần thứ 16 trở đi (khoảng 4 tháng). Tuy nhiên thai phụ có thể nghi ngờ song thai nếu: tăng cân quá nhiều; tử cung lớn hơn so với tháng mang thai; ốm nghén nghiêm trọng: buồn nôn và nôn vọt rất nhiều; có những cử động của thai nhi sớm hơn bình thường. 

Cần theo dõi và khám thai thường xuyên 

Mặc dù, mang song thai phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng những nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu thai phụ sớm khám và theo dõi thường xuyên tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ tư vấn, có những hướng dẫn hợp lý cho thai phụ.  

Lời khuyên của các chuyên gia y tế, khi mang thai nói chung và mang đa thai nói riêng, các thai phụ cần đến khám và theo dõi tại các cơ sở y tế. Nếu có những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn, bàn bạc để lựa chọn quyết định ít gây tổn hại nhất về sức khỏe, tinh thần. Mỗi lần khám, cần siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai. Vì song thai dễ có tình trạng thai to, thai bé và các bọc ối cũng vậy... 3 tháng cuối càng phải theo dõi chặt chẽ để có thể dưỡng thai ít nhất 37 tuần tuổi vì dễ bị sinh non.  

Khi chuyển dạ, thai phụ nhất thiết phải đến những cơ sở y tế có khoa hồi sức cho trẻ sơ sinh. Có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý. Điều quan trọng với người mang song thai là cần được tư vấn, cho biết trước tất cả những nguy cơ, khó khăn để chuẩn bị về tâm lý và cần được sự động viên, an ủi, giúp đỡ từ người thân.  

Theo bác sĩ Thanh Hảo/Sức Khỏe Đời Sống

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 bí quyết giúp hội con gái Hàn diện váy dài mà không hề dừ, trái lại còn trẻ trung vô cùng