Kinh nghiệm cực đắt giá của mẹ Việt Kiều rèn con ngủ xuyên đêm giúp bé ngon giấc, mẹ khoẻ re, dư sức đi làm
Tin liên quan
Chị Lê Anh chia sẻ, hồi mới sinh con chị cũng không để ý đến chuyện rèn con ngủ lắm, mấy tuần đầu con cũng gắt ngủ kinh khủng, đêm có khi khóc từ 7h-12h, có khi 2h sáng mới chịu ngủ, làm mẹ bơ phờ. Sau đó bà mẹ trẻ đã tham khảo thêm quyển The No-cry Sleep Solution và On Becoming Baby-wise, tiếp thu những gì cho là phù hợp, chị Lê Anh mới thấy là nếu làm đúng các điều sau thì chẳng bao giờ bé gắt ngủ hay mẹ phải đánh vật với giấc ngủ của trẻ cả.
Thứ nhất, hiểu được quy luật 12 tiếng ngủ đêm của trẻ
Theo bà mẹ Việt Kiều, trẻ sơ sinh thường có chu kì ngủ đêm là 12 tiếng, dù ăn hay không ăn đêm thì căn bản là sẽ ngủ liền 12 tiếng rồi mới dậy hẳn. Tuy nhiên 12 tiếng ngủ đêm của trẻ không có nghĩa là đêm của người lớn. 12 tiếng đó có thể bắt đầu từ 6h sáng đến 6h chiều hoặc từ 6h chiều đến 6h sáng. Chính vì thế nên việc đầu tiên và quan trọng nhất là bố mẹ phải luyện cho trẻ phân biệt ngày đêm. Một khi bé có thể ngủ đêm ra đêm, ngày ra ngày thì dù bé có quấy đêm thế nào, kiểu gì đêm bố mẹ cũng có thể ngủ đủ.
Chị Lê Anh và bé Phan Lan
Như bé Phan Lan nhà chị Lê Anh, chu kì đêm từ 6h chiều đến 6h tối (hồi mới sinh). Chị bắt đầu đi ngủ lúc 10h tối, đêm mỗi lần bé dậy chị mất tầm 45 phút -1 tiếng (15 phút cho bé ti/thay tã, 15-30 phút bế vỗ cho bé ợ hơi rồi mới đặt bé nằm lại và 15 phút hút sữa thừa do bé không hút hết và 15 phút để mẹ ngủ lại). Nếu đêm bé có thức tầm 3,4 lần thì đêm tối thiểu mẹ vẫn ngủ được ít nhất 4,5 tiếng tổng cộng, mà đa phần là 6 tiếng. Chính vì thế nên mặc dù ở 1 mình, vừa đi làm vừa chăm bé nhưng chị vẫn ngủ đủ, vẫn có sức đi làm bình thường.
Thứ hai, không ngủ quá nhiều quá lâu vào ban ngày
Tùy từng độ tuổi mà trẻ sơ sinh có nhu cầu ngủ trong ngày khác nhau, chẳng hạn bé 0-4 tháng tuổi cần 15-18h/ ngày, nếu đêm bé đã ngủ 12 tiếng thì ngày sẽ cần 3-6h ngủ chia đều làm 3 lần, mỗi lần sẽ ngủ từ 1-2h. Như vậy trong 1 ngày lấy số giờ ngủ tối đa (2h) làm chuẩn, bố mẹ không nên để cho bé ngủ quá 2h 1 lần. Giữa các giấc ngủ cần có lúc thức theo quy luật ăn-ngủ-chơi thay phiên nhau. Nếu thức quá lâu mà không được ngủ bé cũng sẽ mệt, hay ngủ quá lâu một giấc ban ngày thì bé sẽ bị nhầm lẫn với giấc ban đêm và làm buổi đêm ngủ không sâu.
Thứ 3, cho bé đi ngủ sớm
Không hiểu sao những buổi đêm của bé sơ sinh thường sớm một cách kì lạ. Khi mới sinh ra, có khi buổi đêm bắt đầu từ 5,6h chiều. Càng lớn thì các bé sẽ ngủ muộn hơn chút xíu nhưng mà thông thường trong 1 năm đầu đời, bé sẽ đi ngủ không quá 8h tối. Chị Lê Anh cho rằng, nếu bé bắt đầu ngủ đêm muộn quá thì thường sẽ có tình trạng gắt ngủ, hoặc quá giấc thì mãi không ngủ được.
Nên đối với các trẻ hay quấy khóc đến đêm mới chịu ngủ thì cách tốt nhất là các mẹ hãy cho bé đi ngủ luôn từ giấc ngủ chiều muộn. Nhiều bé hay có giấc ngủ lúc 5,6h chiều nhưng bố mẹ lại nghĩ đó là ngủ ngắn, nên lại cho bé dậy buổi tối rồi mới đi ngủ lại. Nhưng nếu bố mẹ cho con đi ngủ sớm (dưới 8h tối) thì bé sẽ ngủ ngon hơn hẳn. Tùy lứa tuổi thì trước giờ ngủ đêm không nên cho bé các khoảng thơi gian quá gần.
Khoảnh khắc say giấc của bé Phan Lan được mẹ ghi lại
Thứ 4, thiết lập quy trình đi ngủ cho bé
Bà mẹ Việt Kiều chia sẻ, từ 3 tháng tuổi, bé đã có thể nhận biết được các quy luật có tính lặp lại nên bố mẹ có thể thiết kế những hành động lặp lại để tạo phản xạ cho bé như bedtime routine. Đối với bé Phan Lan, chị Lê Anh luôn tắm trước khi đi ngủ, tắm xong thì vừa massage mẹ hát cho bé nghe, uống sữa rồi tắt đèn đi ngủ.. Điều này giúp bé tạo ra phản xạ vô thức của hành động, chỉ cần thực hiện đúng quy trình đó là bé sẽ muốn đi ngủ. Tuy 3 tháng tuổi bé mới bắt đầu hiểu các quy luật lặp lại, nhưng bedtime routine được khuyến khích thực hiện ngay từ khi mới sinh ra. Mục đích là tạo ra một loạt các hành động làm bé dễ chiu nhất, giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Mẹ bé Phan Lan cho biết thêm, ở Việt Nam khuyến cáo không tắm buổi tối, nhưng ở nước ngoài hay các quyển sách về chăm sóc trẻ lại rất khuyến khích việc tắm táp trước giấc ngủ đêm. Vì việc thư giãn, tắm táp và massage giúp cho bé thoải mái và dễ ngủ nhất. Thế nên ngay từ khi mới sinh chị Lê Anh đã áp dụng cho bé tắm trước khi đi ngủ, ngày nóng cũng như lạnh, ốm hay không, lúc nào Phan Lan cũng được tắm trước khi đi ngủ hết. Nếu không tắm bồn thì ít nhất cũng lau người. Kết quả là bây giờ, dù đang chơi vui vẻ, tỉnh táo, chỉ cần gọi đi tắm, nhấc ra khỏi bồn tắm, quấn vào khăn là cậu bé đã ngủ gà ngủ gật rồi ngáy khò khò sau đó chưa đầy 5 phút.
Thứ năm, môi trường ngủ ổn định
Quy luật ngủ của trẻ không giống như người lớn, thông thường tầm 45p - 1 tiếng bé sẽ chuyển giấc một lần. Chính vì thế nên nhiều mẹ cứ hay than phiền là bé cứ 1 tiếng dậy 1 lần suốt đêm. Chị Lê Anh khẳng định, để bé tự chuyển giấc được thì một trong những điêu cơ bản là phải để môi trường ngủ của bé ổn định. Nếu như trước khi đi ngủ, bé được bế rong, rung lắc, ti mẹ trước khi ngủ, thì khi chuyển giấc bé có thể sẽ đòi hỏi những điều tương tự.
Hay nếu lúc trước khi ngủ, bé phải được ôm mới ngủ thì bé cũng sẽ đòi ôm cả đêm mới ngủ ngon. Thế nên muốn bé ngủ yên giấc thì bố mẹ cần phải giữ môi trường ngủ nhất quán. Ví dụ cho bé ti xong cữ cuối trước khi ngủ, có thể bế đứng lên vỗ ợ, rồi đặt nhẹ nhàng xuống khi bé còn thức rồi vỗ nhẹ cho bé ngủ.
Thứ sáu, đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ khi thức giấc
Bà mẹ Việt Kiểu chia sẻ: “Trẻ có vô vàn lý do thức dậy nửa đêm chứ không phải chỉ vì đói. Các mẹ đừng tạo thói quen tất cả mọi vấn đề đều giải quyết bằng ti mẹ. Đúng là ti mẹ là thứ giúp dỗ bé dễ nhất, đơn giản nhất, nhưng đó không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Sữa mẹ có chất an thần, nên nó thường dỗ dành được trẻ, nhưng như vậy không khác nào bệnh gì cũng cho uống thuốc giảm đau mà không cho thuốc chữa bệnh.
Ví dụ như bé nào bị trào ngược, đầy hơi nửa đêm nên dậy khóc, ti mẹ có thể làm bé quên đi lúc đấy, nhưng nằm một lúc thì trào ngược và đầy hơi càng nặng thì bé lại dậy khóc tiếp. Tương tự nếu bé bị nóng quá, lạnh quá hoặc bị đau ở đâu đấy. Có vô vàn các lí do làm bé thức giấc buổi đêm mà mình cũng đã nói ở trên đó. Thế nên các mẹ cần phải tìm hiều và quan sát kĩ để giúp bé giải quyết đúng nhu cầu của mình chứ đừng vội vàng cho bé ti ngay”.
Thứ bảy, hoạt động vui chơi của bé
Thực ra việc chơi của bé không liên quan trực tiếp lắm đến vụ ngủ xuyên đêm mà quan trọng nhất vẫn là thiết lập nếp sinh hoạt ăn ngủ ban ngày hợp lí cho trẻ. Thực ra chị Lê Anh cho rằng, không thấy sách nào viết về mối liên hệ của các hoạt động ban ngày đến giấc ngủ ban đêm của trẻ, nhưng chị quan sát thấy các bé nào mà ban ngày có nhiều hoạt động, tương tác nhiều thì ban đêm cũng sẽ ngủ ngon và sâu hơn. Vì vậy, đây cũng là một trong những vấn để các mẹ nên lưu ý.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất