Không chỉ đánh “hội đồng”, đây cũng là kiểu BẮT NẠT KINH ĐIỂN của bạn học khiến trẻ bị trầm cảm nặng

Thu Hà 2019-04-03 06:33
- Ngoài việc đánh “hội đồng”, bạn học còn có thể “tra tấn” con bạn bằng những lời nói chê bai. Tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng những câu nói này khắc sâu trong tâm trí khiến con sợ hãi không dám đến trường

Bắt nạt đâu cần "động tay chân"

Vụ việc nữ sinh bị bạn đánh hội đồng dã man ở Hưng Yên đến nỗi phải nhập viện tâm thần là lời cảnh báo mạnh mẽ tới tất cả các bậc phụ huynh về vấn nạn bạo lực, bắt nạt học đường.

Sự thực là, không chỉ có đánh “hội đồng”, "động tay chân", "dùng nắm đấm" mới “gây chuyện lớn” mà bạn học có thể bát nạt con bạn, khiến con đau đớn bằng lời nói.

Bị gọi bằng biệt hiệu, bị trêu chọc về khiếm khuyết ngoại hình, bị cả đám bạn nói xấu sau lưng, “tẩy chay hội đồng”, lăng mạ bạn trên mạng xã hội… luôn là kiểu bạo lực tinh thần khủng khiếp với trẻ.

Không chỉ đánh “hội đồng”, đây cũng là kiểu BẮT NẠT KINH ĐIỂN của bạn học khiến trẻ bị trầm cảm nặng

Bắt nạt bằng lời nói cũng khiến trẻ bị trầm cảm. Ảnh minh họa.

“Mày là đồ béo, mày là đứa không bình thường, hay mách lẻo…” “Con thấy nhỏ bạn mê một anh lớp lớn, con chỉ khuyên bạn lo học, thế mà bạn nghỉ chơi còn muốn đánh con”.

“Thầy đang giảng bài, các bạn nói chuyện nhiều, con nói mấy bạn im lặng, bạn đánh vào đầu con chửi con ngu và rất thường xuyên ăn hiếp con, con chán đến lớp”.

“Các bạn gái trong lớp nói con khó gần, không hợp gu, nên không ai chơi với con, con không thích đến trường”. “Làm sao để gia nhập vào đám bạn, con không có sở thích giống các bạn….con chỉ ngồi trong lớp 1 mình vào giờ ra chơi…”

“Con nghĩ quan điểm của mình là đúng nên tranh luận với các bạn, sao các bạn lại nói con hiếu thắng và chảnh”...

Đó là tâm sự giật mình của các em về việc bị bạn học bắt nạt mà Tiến sĩ Tâm lý Phan Thị Huyền Trân (Dr Pepper) đã gặp trong các ca tư vấn tâm lý tuổi teen.

“Có những bé vừa đi học về, chào ba mẹ xong là lao ngay vào phòng, đóng cửa, không nói chuyện với ai, không ra ngoài trừ giờ ăn, giờ đi tắm. Tìm hiểu kỹ, cha mẹ mới tá hỏa do con bị bạn bắt bạt, cô lập ở trường học”, Tiến sĩ Huyền Trân kể.

Nhận diện con bị bắt nạt ở trường

“Con đang độ tuổi đi học rất nhạy cảm, nhất là lứa tuổi teen. Mỗi lời nói chê bai, tẩy chay, cô lập, hăm dọa của bạn và đặc biệt là khi trẻ bị bị đánh sẽ khắc rất sâu trong tâm trí.

Trong khi đó, con cũng ít dám tâm sự với ba mẹ, thầy cô vì sẽ mang tiếng và bị bạn chê trách là mách lẻo. Trẻ cho rằng cách giải quyết tốt nhất là im lặng và chịu đựng mà cha mẹ không hề biết”, Tiến sĩ Huyền Trân nhận định.

Thường trẻ bị bắt nạt ở trường sẽ im lặng, rất khó chia sẻ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không khó để nhận ra sự bất thường trong cảm xúc, tâm lý của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Không chỉ đánh “hội đồng”, đây cũng là kiểu BẮT NẠT KINH ĐIỂN của bạn học khiến trẻ bị trầm cảm nặng

Trẻ bị trầm cảm có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nguy hiểm, trong đó có tự sát. Ảnh minh họa.

Theo Tiến sĩ Huyền Trân, các mẹ hãy chú ý đến các dấu hiệu sau, rất có thể con bạn đã bị bắt nạt ở trường.

Dấu hiệu đầu tiên là con sợ đến lớp, hay đòi nghỉ học ở nhà.

Khi về nhà, trẻ chơi game, sử dụng phone nhiều, đóng cửa trong phòng, ít nói chuyện với ai.

Mặt khác, trẻ cũng hay thức khuya, ngủ không ngon và giấc ngủ không điều độ.

Trẻ hay tỏ ra sợ sệt, không kể nhiều chuyện trong lớp, khó ngủ, hay gặp ác mộng, hay giật mình, căng thẳng.

Trẻ rất dễ cáu giận vô cớ, hay nạt em nhỏ.

Hãy lưu ý đến số lượng bạn bè của trẻ. Trẻ bị bắt nạt thường ít có bạn, không có bạn thân và hay cho rằng “không ai thích con”. Từ việc bị bạn bè cô lập, trẻ luôn cảm thấy tự ti, cảm thấy làm gì cũng sai.

“Bị bắt nạt lâu ngày, một mình chịu đựng nỗi sợ hãi, trẻ sẽ ngủ không ngon, gặp nhiều ác mộng, dẫn đến trầm cảm, thậm chí trầm cảm nặng rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Huyền Trân cảnh báo.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nghệ sĩ Giang Còi qua đời: Dẫu biết cuộc sống vô thường, mà sao vẫn thật tiếc thương