Gạt nỗi lo lắng con ăn dặm chỉ huy bị hóc, nghẹn, mẹ 9X chỉ ra dấu hiệu nhận biết và cách xử trí cực thông minh để nuôi con nhàn tênh
Tin liên quan
Chị Lan chia sẻ, bé Moon được mẹ cho ăn dặm từ 5,5 tuổi, đến bây giờ con đã có thể ăn mọi thứ có một cách rất ngon lành. “Mình thấy rằng, băn khoăn lớn nhất của các bố mẹ, khi tìm hiểu về phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW) là lo sợ con bị hóc. Nhiều người khi chứng kiến con bị ho, sặc, nôn trớ liên tục, đã vội kết luận rằng, con chưa biết xử lí thức ăn và không phù hợp với phương pháp này. Nhưng trên thực tế những quan niệm này chưa hẳn là đúng”, chị Lan nhấn mạnh.
Chị Mỹ Lan và bé Moon (Ảnh: NVCC)
Sự thật cần biết về phản xạ oẹ và nhai của bé
Phản xạ ọe
Mẹ trẻ 9X cho hay, phản xạ ọe thực chất là một phản xạ an toàn và hữu ích của cơ thể, trước những đồ ăn có kích cỡ và khối lượng không phù hợp, giúp cho những thức ăn đó không thể tiến sâu vào đường thở và không gây hóc. Khác với người lớn, các bé từ 6 tháng đến dưới 1 tuổi có phản xạ ọe được kích hoạt ngay ở đầu lưỡi, nên sẽ dễ ọe hơn rất nhiều. Ọe còn là cách để bé tự học tập và rút kinh nghiệm, thông qua ăn uống. Sau một vài lần ọe, bé sẽ dần dần biết cách không nuốt miếng thức ăn quá to, đồng thời điều chỉnh được khối lượng ăn để không bị nghẹn vì ăn quá nhiều.
Mẹ trẻ 9X cho rằng, đôi khi cha mẹ không nên can thiệp quá sớm khi thấy trẻ bị hóc, nghẹn để con có thể tự rèn luyện kỹ năng (Ảnh: NVCC)
Phản xạ nhai
Về vấn đề này, chị Lan cũng đưa ra quan điểm, nhai là sự kết hợp giữa lưỡi và các cơ trong khoang miệng, để nhào trộn và nghiền nát thức ăn. Răng chỉ là một trong những công cụ để nhai. Phản xạ nhai thường có từ lúc bé được khoảng 6-7 tháng tuổi, khi hầu hết các bé đều chưa mọc răng hoặc chỉ lác đác vài chiếc, do đó công cụ tốt nhất để tập nhai trong giai đoạn này, chính là lợi của bé.
Bên cạnh đó, mẹ trẻ 9X cũng khẳng định: “Khác với suy đoán của nhiều người, cho rằng lợi bé mềm và yếu. “Bộ nhá” này vô cùng lợi hại trong việc xử lí nhiều loại thức ăn thô, không kém gì người lớn với đầy đủ hàm răng bình thường.
Nhiều người có thói quen cho bé ăn bột, cháo xay đến khi bé mọc đủ răng mới tập ăn thô và tập nhai. Nhưng ở giai đoạn muộn như vậy, phản xạ nhai của bé đã giảm đi đáng kể, phản xạ ọe của trẻ đã bị đẩy lùi về phía cuống lưỡi, giống như người lớn khiến nguy cơ hóc của bé tăng cao hơn, việc tập ăn thô lúc này sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức của bố mẹ. Trên thực tế, ăn dặm bé chỉ huy là phương pháp rất an toàn, nếu bố mẹ tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc khi tập ăn dặm cho bé”.
Trong trường hợp khẩn cấp cha mẹ cũng nên học các kỹ năng sơ cứu cơ bản cho trẻ kịp thời (Ảnh: NVCC)
Một số nguyên tắc khoa học giúp bé tránh hóc, oẹ khi ăn dặm chỉ huy
Trải qua hành trình nuôi con, chị Mỹ Lan chỉ ra một số tips nhỏ siêu hiệu quả lại khoa học như sau:
Không để bé ngồi một mình với thức ăn, luôn thắt dây an toàn cho bé khi ăn.
Chỉ cho bé ăn dặm BLW khi con đã có thể ngồi vững mà không cần hoặc cần rất ít sự trợ giúp của người lớn. Không để bé chạy nhảy, hay ngồi ở nơi bé không giữ thẳng lưng, bị ngửa cổ ra sau
Không đút đồ ăn vào miệng bé. Bắt đầu với những thực phẩm an toàn, dễ cầm nắm, không chọn các loại đậu, quả có hạt hay dễ gây nghẹn như khoai lang, các loại rau lá vì dễ dính vào vòm họng bé gây hóc. Phân biệt rõ hóc - ọe – học kỹ năng cấp cứu hóc khi cần thiết.
Cách xử lí khi bé bị ọe
Chị Mỹ Lan chia sẻ, có những trường hợp cha mẹ chưa nên can thiệp nhanh chóng khi con bị hóc, oẹ để con tự rèn luyện phản xạ của mình. Đó là khi bé có dấu hiệu bị nghẹn, ho và đang cố gắng ọe để đẩy thức ăn ra ngoài, điều này chứng tỏ bé đang tự giải quyết được vấn đề. Cha mẹ nên bình tĩnh quan sát tiếp, tuyệt đối không móc họng hay cho con uống nước, vì những hành động này có thể khiến dị vật đi sâu hơn vào đường thở, dẫn đến nguy cơ bị hóc tăng cao.
Các bước xử lí khi bé bị hóc
“Quan sát cụ thể qua những lần bé Moon ăn dặm, mình nhận thấy rằng, một em bé bị hóc thực sự thường sẽ im lặng, mặt tím tái, không thể ho, khóc hay kêu, vì lúc này đường thở đã bị dị vật bít hoàn toàn. Khi đó, nếu mẹ ở cùng người khác, hãy nhờ gọi xe cấp cứu, trong lúc đó mẹ thực hiện các phương pháp sơ cứu khẩn cấp.
Nhưng nếu chỉ có một mình với bé, mẹ hãy thực hiện sơ cứu trước và sau đó gọi xe cấp cứu. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nguy hiểm khác, hãy lập tức gọi ngay xe cấp cứu, khi thấy cổ họng bé bị sưng, tim đập nhanh hoặc đột ngột ngất xỉu”.
Tóm lại, chị Lan khẳng định, ăn dặm bé chỉ huy là một phương pháp rất hữu ích, trong việc khuyến khích con ăn tự giác và yêu thích việc ăn uống. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên thực hiện dựa trên cơ sở bố mẹ tìm hiểu kỹ và nắm vững cách sơ cứu khẩn cấp, để đảm bảo an toàn cho bé trong quá trình ăn.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất