Cặp sinh đôi ti vặt khiến bố mẹ mất ngủ cả tháng, mẹ 9X khắc phục bằng biện pháp nhẹ nhàng khiến con ngoan, mẹ nhàn tênh
Tin liên quan
Bà mẹ 2 con chia sẻ, trước đây khi nuôi 2 bé Rin, Ren, chị cũng đã gặp phải tình huống này trong suốt 2 tháng. Khi ấy vợ chồng chị vô cùng mệt mỏi, vì chưa kịp ngủ thì 2 bé lại khóc đòi ăn.
Gia đình hạnh phúc của chị Ánh Tuyết (Ảnh: NVCC)
Vậy như thế nào là ti vặt?
Chị Ánh Tuyết chia sẻ: “Bé sơ sinh nếu sinh đủ tháng (trên 37 tuần và trên 2,5 kg ) thì có khả năng dự trữ được năng lượng lâu, nên ti 3h/lần, mỗi lần chỉ trong 30 phút là kết thúc. Nếu thời gian bé bú kéo dài hơn 30 phút, là bé bú nhơi (vừa bú vừa chơi), còn nếu mỗi cữ ngắn hơn 3 tiếng là ti vặt. Nhưng thường với các bé ti mẹ trực tiếp, trong những ngày đầu sữa mẹ chưa về nhiều, nên các bé ti không đủ nên mau đói. Trong thời gian 1 tuần đầu đến 1 tháng đầu các mẹ nên tập trung cho bé ti mẹ nhiều để gọi sữa về nhiều. Khi sữa về nhiều rồi mới tính tới kéo giãn cữ cho bé”.
Tác hại của việc ti vặt?
Theo đó, mẹ trẻ Bình Dương cũng đưa ra tác hại của việc bé ti vặt như sau:
- Tác hại đầu tiên đó chính là bé ti vặt nên ăn liên tục, mỗi lần ăn rất ít nên mẹ mất cả ngày chỉ để cho bé ăn, không nghỉ ngơi được.
- Bé không học được cách ăn no, ăn cho ra bữa.
- Ban ngày bé không ăn no thì tối cũng vậy. Tối bé sẽ đói liên tục và không ngủ được sâu giấc. Ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển não bộ và phục hồi năng lượng của bé, dẫn đến bé dễ mệt và gắt gỏng vào ban ngày. Bé sẽ lại tiếp tục ăn vặt - lại mệt và lại mất ngủ.
Hai bé Rin, Ren đáng yêu như thiên thần (Ảnh: NVCC)
- Dạ dày hoạt động liên tục. Vì lúc nào bé cũng ăn, nên hầu như dạ dày phải hoạt động thường xuyên.
- Khó ợ hơi nên trong người lúc nào cũng đầy hơi, dẫn đến dễ quấy khóc.
- Ít có thời gian hoạt động thể chất. Thường muốn tập cho bé các kỹ năng thì phải sau khi bé ăn ít nhất 30 phút để dạ dày bé tiêu bớt sữa hạn chế ọc sữa.
- Bé bám mẹ, vì người liên tục ở bên bé chính là mẹ. Nên càng về sau khi bé lớn hơn, biết phân biệt ai là mẹ. Bé sẽ không chịu ở bên người khác.
- Sau này khi mẹ đi làm, bé phải đi học hoặc gửi cho người khác trông hộ, nơi trông họ sẽ rất khó giữ bé.
- Về lâu về dài khi bé biết ăn dặm bé vẫn quen nếp này, mẹ phải dụ bé ăn bé mới ăn hết chén, phải bế đi rong hoặc mở tivi để cho bé ăn. Bé sẽ ăn trong bị động sẽ không tốt cho dạ dày của bé. Ngoài ra việc coi tivi sớm cũng không tốt cho mắt và não bộ của bé.
Phương pháp để bé hết ti vặt?
Bàn về vấn đề này, chị Ánh Tuyết cho hay, nói ra thì khá đơn giản, đó chính là bạn kéo dài mỗi cữ của bé ra 3 tiếng, nhưng thực hiện thì mất khá nhiều thời gian, công sức và nước mắt. Để kéo giãn cữ ra, thì mỗi lần bé đói, các mẹ nên cố gắng kéo thời gian bé bú lâu hơn 15, 20 phút.
Bế bé hay làm cách gì cũng được, miễn sao để bé quên việc ăn, giúp bé đói hơn sẽ ăn được nhiều hơn và lần sau bé sẽ đói lâu hơn. Lần sau các mẹ lại hực hiện y như vậy, cố kéo hơn so với lần trước 15, 20 phút nữa cho đến khi được 3 tiếng là được.
“Trước đây, cứ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng Rin - Ren ti 1 lần nên ba mẹ đuối sức. Gần cả tháng trời không ngủ được. Sau đó ba mẹ quyết định sẽ kéo giãn cữ cho 2 bạn lên 3 tiếng. Mỗi lần khóc đòi ăn là ba mẹ bế 2 bạn lên dỗ, chơi cho 2 bạn quên đói. Cứ mỗi lần 1 chút thế là mất khoảng 1 tuần, 2 con đã quen nếp, cứ 3 tiếng ăn 1 lần.
Mỗi cữ 2 con ăn được nhiều hơn, xưa là 90ml/ lần, sau đó lên 120ml/ lần. Giờ thì 2 con đã lớn hơn nên mẹ cho ăn lên 4 tiếng/ lần. Vì giờ khả năng trữ năng lượng của con đã lên, có thể bú nhiều hơn nên no lâu hơn. Từ hồi 2 con lên 4 tiếng/ lần thì từ 120ml/ lần đã uống lên 200ml/ lần. Đây là tiền đề cho các con tập ăn dặm và sau này dần dần bé sẽ ăn giống người lớn”, mẹ 2 bé Rin, Ren cho hay.
Làm thế nào để bé hết vừa ti vừa chơi
Chị Tuyết cho rằng, càng ngày bé sẽ càng nhận biết được nhiều hơn, nên bé sẽ càng ngày càng mất tập trung dẫn đến bú rất lâu và thậm chí bỏ sữa. Theo đó, bà mẹ trẻ cũng đưa ra một số cách giúp bé tập trung hơn như sau:
- Mỗi lần ti dưới 30 phút, nếu lâu hơn mẹ hãy cho bé ngưng lại. Và để qua cữ sau mới ti lại.
- Cho bé ti trong phòng tối.
- Nếu bé ngủ gật hãy đánh thức bé dậy, như lau mặt, gãi nhẹ ngay miệng bé, thay bỉm cho bé.
- Không nói chuyện với bé khi cho ti, thậm chí hạn chế nhìn bé.
- Tắt hết tivi, máy phát nhạc.
- Cất hết đồ chơi hay các đồ làm bé phân tâm.
- Nếu đi ra ngoài thì chùm khăn lại để hạn chế tầm nhìn của bé.
“Mình thực sự vần còn nhớ như in vấn đề này với Rin, Ren. Hồi sau 2 tháng, Ren bắt đầu có dấu hiệu ti nhơi. Mọi lần Ren chỉ mất có 20 phút là ti hết 120ml. Nhưng đột nhiên vài hôm liền Ren mất cả tiếng mới ti hết 120ml, làm mẹ mỏi rả rời cả tay. Nên mẹ bắt đầu áp dụng quân lệnh, cứ hết 30 phút không uống xong mẹ sẽ cất đi. Đến cữ sau mới cho uống lại, đói sớm mẹ cũng không cho uống. Sau 2, 3 lần Ren biết sợ, về sau mỗi lần chỉ cần mất 10, 15phút là Ren ti sạch 1 bình. Còn tới bé Rin, dạo này bé bắt đầu có thói quen xấu. Mỗi lần uống sữa chỉ lo nói chuyện không lo ti .
Mấy lần đầu mình sợ con ti không đủ, tối đói ngủ không được nên cố dụ. Sau vài lần thất bại, mình quyết định quán triệt. Tối đó uống không hết mẹ không cho uống nữa, cho vào ngủ luôn. Kết quả là Rin ngủ đến nửa đêm, đói quá dậy đòi ăn. Mẹ nhất định không cho ăn, bắt đợi đến sáng hôm sau. Sau 2 hôm tối bị đói thì lúc ăn đã tập trung hơn, bớt ti nhơi hẳn”, bà mẹ trẻ tâm sự.
Thông qua quá trình nuôi con của mình, chị Ánh Tuyết cũng đưa ra lời khuyên rằng, đừng cho rằng trẻ còn nhỏ nên chưa biết gì,thực ra con đều nhận biết được hết. Do đó, bố mẹ nên quán triệt và đưa ra biện pháp xử lý sớm trước những thói quen xấu của con, nếu không sau này, người vất vả nhất chính là bố mẹ.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất