Cá chép rất nhiều dinh dưỡng nhưng mẹ bầu không biết cách ăn cũng chẳng có tác dụng nhiều

2017-05-10 06:40
- Cá chép vốn là món ăn rất dinh dưỡng và có tác dụng an thai vậy nên xuất hiện rất nhiều trong thực đơn của các mẹ bầu. Tuy nhiều chất nhưng món cá chép nếu không biết làm sẽ rất tanh và khó ăn.

Việc mẹ bầu ăn gì để bổ cho cả mẹ lẫn con luôn là đề tài được tranh luận sôi nổi. Ngay cả việc ăn cá chép - món ăn thuộc vào hàng dinh dưỡng nhất cho các bà bầu cũng được các mẹ tranh cãi ăn như thế nào đúng, ăn như thế nào mới khiến cơ thể hấp thụ được toàn vẹn dinh dưỡng của cá. 

Nhắc đến món cá chép, chị Thạch (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, chị được mẹ chồng hầm cho nguyên con để ăn. Chị Thạch cho hay: "Mẹ chồng mình bảo muốn tốt cho con thì cứ mỗi một tuần phải ăn 3 bữa cá chép. Mỗi bữa như thế mình được bà hầm cho cả con to bằng bắp tay, cụ toàn chọn con có trứng, khi sơ chế thì chừa trứng lại. Ôi, khi ăn tanh lắm nhưng vẫn phải cố ăn cho cụ vui, giờ thì mình sợ cá chép luôn rồi, ngửi thấy mùi đã muốn ói".

Các mẹ bầu kể khổ khi phải ăn cá chép an thai

Cũng nói về cách ăn cá chép khi mang thai, chị Lựu (Thanh Xuân, Hà Nội) đang mang bầu "tập hai" cũng chia sẻ quan điểm, vì nghe nhiều người bảo ăn càng nhiều cá chép càng tốt nên cũng cố ăn. Chị Lựu cho hay: "Các cụ ngày xưa có nhiều phương pháp ăn cá chép lắm, người thì bảo để nguyên con ăn cả mật cá mới bổ, người bảo khi ăn không được chừa một chút thịt nào, người lại bảo khi ăn tuyệt đối không để cho người khác biết... Thế thì mình chịu, cá chép nấu lên mà không làm sạch thì tanh vô cùng".

Mặc kệ những phương pháp nấu cá chép "kỳ cục" của các cụ, chị Lựu cứ tự mình túc tắc đi chợ mua lấy 1 con cá chép nặng chừng nửa kg, rửa sạch sẽ rồi hấp lên, gỡ lấy thịt chín đảo qua với hành tăm, sau đó cho vào cháo trắng. "Sinh đứa đầu mình cũng ăn như thế, con đẻ ra khỏe mạnh, nên đứa thứ hai khi ăn cá chép mình cũng chả kiêng kị gì" - chị Lựu cho hay.

Chị Thúy Phương (TP Vinh, Nghệ An) cho hay mẹ chồng chị khi nấu cá chép thường chỉ bỏ mang, rửa sạch rồi cho luôn vào nồi ninh áp suất cho thật nhừ, sau đó cho tất vào nồi cháo khuấy cho nhuyễn. Bà bảo như vậy sẽ giữ được cả tiết cá, không sợ mất bổ: "Bà còn nghiên cứu cả việc ăn bộ phận nào của cá chép thì bổ như mắt cá, vây cá, óc cá, xương cá nữa cơ nên lúc mình ăn cứ bảo mình ăn luôn xương đi, xương cá bà ninh nhừ rồi nên không sợ đâu. Mà ăn được dăm miếng mình lại thấy ngái ngái trong miệng vì nhiều khi ăn phải ruột, mật, có khi còn có cả cái ấy ấy... Thôi thì cứ nhắm mắt mà nuốt".

Các mẹ bầu kể khổ khi phải ăn cá chép an thai

Nhắc đến việc ăn cá chép khi mang bầu, chị Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Cứ nhắc đến việc ăn cá chép khi mang thai mình lại sợ run hết cả người. Nghe người ta bảo mẹ ăn nhiều cá chép thì con sẽ da trắng môi đỏ nhưng mình chả tin, con sinh ra đẹp hay xấu do di truyền cả thôi. Mình cố ăn là vì biết nó tốt cho sức khỏe của hai mẹ con".

Chị Lợi cho biết, vì tự mình nấu nướng nên không biết làm thịt cá chép thế nào mới sạch, cứ nghe người khác bảo nếu mổ cá thì mất hết máu cá nên cứ để nguyên con thế mà hấp cách thủy với lá ngải cứu, khi ăn thì phải ăn tất, không chừa lại gì cả. "Ăn được miếng cá hấp đầu tiên mình sợ muốn nhũn người vì nó tanh khủng khiếp, chồng phải gỡ thịt cho mới chịu ăn. Xong bữa đấy chả dám ăn thịt cá chép hấp nữa, mình toàn chiên giòn hoặc nấu canh chua cho bớt mùi, thịt nào chả là thịt. Vì người ta bảo ăn nhiều cá chép tốt cho con nên mình cố thôi".

Ăn cá chép thế nào mới đúng?

Theo bác sĩ sản khoa Đinh Hùng Vỹ (Bệnh viện Phụ sản TƯ), việc ăn cá chép trong thời điểm thai kỳ là rất tốt. Bác sĩ cho hay: "Khi mang thai, các thai phụ ăn các loại cá là rất tốt, cá có nhiều chất dinh dưỡng quý, thịt cá khá lành so với những loại thịt khác. Các thai phụ nên ăn nhiều loại thịt này. Tuy nhiên, nên hạn chế ăn cá biển vì cá biển có thể chứa nhiều kim loại, nên ăn các loại cá sông, cá nước ngọt, đặc biệt là cá chép, ăn rất tốt cho cả mẹ và con".

Nói về cách ăn cá chép, bác sĩ Đinh Hùng Vỹ cho biết, việc ăn cá chép như thế nào cho hợp khẩu vị thì còn tùy vào sở thích của các mẹ bầu, tuy nhiên nên hạn chế việc rán cá vì sẽ làm mất nhiều dinh dưỡng từ cá chép hơn so với các cách nấu khác.

"Có thể hầm, nấu cháo, hấp, nấu canh cả con cá để giữ được dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi sơ chế cá nên làm sạch cá, nên bỏ mang cá và mật cá vì chúng không tốt. Đối với cá chép nhỏ thì không nên ăn ruột cá, ruột cá chép lớn nếu muốn ăn thì cũng nên làm sạch sẽ một chút, tránh việc để các vi sinh vật, ký sinh trùng có trong ruột cá còn sót lại", bác sĩ cho hay.

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Dung (BV Nhiệt đới TƯ) cho biết: "Thịt cá chép chứa rất nhiều dinh dưỡng như chất béo, arginine, glycine, các loại protein nên có thể giúp mẹ bầu an thai. Mỗi tuần, các thai phụ có thể ăn 1 - 2 bữa cá chép, có thể thay đổi phương pháp nấu để tránh nhàm chán khi ăn. Ngoài ra, các mẹ bầu cũng có thể ăn nhiều loại cá khác nhau, kết hợp ăn với các loại thịt và rau khác để bổ sung thêm dinh dưỡng trong thai kỳ".

Bài tiếp theo, chuyên gia sẽ nói về sự thật quan niệm ăn cá chép giúp con sinh ra da trắng, môi đỏ như lời truyền tụng.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toner “Siêu căng bóng” liệu có thần thánh như lời đồn?