Bộ ảnh tuyệt đẹp và thật đến từng mi-li-mét về sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ

2017-11-22 13:45
- Ngắm nhìn những bức ảnh này để biết sự phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi kì diệu thế nào nhé.

Thiên thần nhỏ của bạn mới đầu như một cụm nhỏ các tế bào nhưng trong quá trình mang thai 9 tháng sẽ trở thành một đứa bé vô cùng đáng yêu với các đường nét trên khuôn mặt, một trái tim đang đập và đôi chân đạp đạp. Hãy tìm hiểu  sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ theo từng tuần nhé! 

Tuần 1 

Trên thực tế, bạn khó có thể phát hiện mình có “tin vui” ở tuần đầu của thai kỳ vì chúng ta thường không biết thời điểm thụ thai chính xác. 

Tuần 2 

 

Tuần thứ 2 là tuần trứng rụng và thiên thần của bạn vẫn chưa tồn tại đâu. Ở thời điểm đó, buồng trứng sẽ giải phóng một trứng chín vào ống dẫn trứng - nơi kiên nhẫn chờ đợi các tinh trùng sống sót sau chuyến đi qua cổ tử cung của bạn. 

Tuần 3 

Thật đáng ngạc nhiên, tất cả các đặc điểm di truyền như màu mắt, màu tóc, màu da, và loại hình cơ thể đều được thiết lập từ lúc thụ thai. Thiên thần của bạn giờ gọi là hợp tử gồm 46 nhiễm sắc thể, 23 NST từ bạn và 23 NST từ đối tác của bạn. 

Tuần 4 

Phôi ở tuần 4 còn rất nhỏ nhưng đã tách thành hai phần. Một nửa trở thành nhau thai cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho bé trong suốt thai kỳ. Phần còn lại, phôi thai tiếp tục phát triển để tạo ra các ống thần kinh và là nơi hình thành bộ não, tủy sống và xương sống của bé. 

Tuần 5 

Thường bạn sẽ phát hiện ra mình mang thai ở tuần này thông qua dụng cụ thử thai. Sự phát triển mạnh mẽ của thai nhi ở tuần thứ 5 dù bạn hay bác sĩ không nghe thấy nhưng nó cũng sẽ thể hiện qua hình ảnh siêu âm. 

Tuần 6 

Kích thước của thai nhi sẽ tăng gấp ba và nhịp tim đập thường xuyên hơn, khoảng 150 lần/phút. 

Tuần 7 

Khuôn mặt của em bé phát triển đáng kinh ngạc. Đốm đen đánh dấu những khu vực mắt và lỗ mũi, một chút miệng và tai đều đang bắt đầu hình thành. Não của bé cũng đang phát triển phức tạp hơn. 

Tuần 8 

Đặc điểm khuôn mặt tinh tế hơn, nhìn thấy rõ ràng hơn. Mí mắt cũng dần hình thành và trái tim đang phát triển khỏe mạnh hơn từng ngày. 

Tuần 9 

Cùng với một số cơ quan quan trọng như tuyến tụy và túi mật, cơ quan sinh sản đang bắt đầu hình thành ở tuần thứ 9. Tại thời điểm này, thai nhi tăng gấp đôi kích thước và đầu chiếm nửa chiều dài của toàn bộ cơ thể. Ngón tay nhỏ xinh của bé đang phát triển dài hơn, dấu vân tay dần hình thành. 

Tuần 10 

Bào thai có nhiều thay đổi: bàn tay và bàn chân bây giờ sẽ phân tách thành các ngón tay và ngón chân, xương sẽ bắt đầu cứng lại và thận hiện đang sản xuất nước tiểu. Ấn tượng nhất là tại thời điểm này, trí não của bé đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc - gần 250.000 tế bào thần kinh được hình thành mỗi phút!  

Tuần 11 

Ở tuần 10 và 11, thai nhi sẽ bắt đầu hít vào và thở ra một lượng nhỏ nước ối, giúp phổi của bé phát triển. Cũng trong tuần này, tai của bé sẽ phát triển ở hai bên đầu. 

Tuần 12 

Khi các cơ của bé bắt đầu lớn lên ở giai đoạn này, bé bận rộn và đạp nhiều hơn. Khi bạn đặt tay trên bụng, em bé của bạn có thể sẽ ngọ nguậy bởi bắt đầu phát triển khả năng phản xạ. 

Tuần 13 

Thai nhi lớn và đáng yêu với khuôn mặt giống một em bé ngoài đời hơn mỗi ngày. Ở giai đoạn này, cơ thể phát triển mạnh hơn, tay bé phát triển đúng tỷ lệ cơ thể và có thể với tới miệng. 

Tuần 14 

Vòm miệng nhỏ xíu của bé được hình thành đầy đủ và phản xạ mút liên tục giúp tạo ra khuôn miệng đầy đủ, má bụ bẫm. Nếu bạn mang thai con trai , tuyến tiền liệt được hình thành, và buồng trứng đang di chuyển xuống xương chậu nếu mang thai con gái. 

Tuần 15 

Lông tơ, tóc mai bao phủ lưng, vai, tai và trán, giúp giữ nhiệt cơ thể. Bé có thể cười nheo mắt hay nhăn mặt như một cách thể hiện tâm trạng.  

Tuần 16 

Bộ xương mỏng manh của bé tiếp tục hình thành từ sụn tới xương. Nếu bạn mang thai con gái, hàng trăm trứng đang hình thành trong tử cung của bé. 

Tuần 17 

Cuối cùng, cánh tay, chân và thân của em bé phát triển đạt đến kích thước tối đa. Bé bắt đầu căng lên trong tuần này, chất béo cơ thể được giữ dưới da và tuyến mồ hôi phát triển. Nhau thai ở tuần này cũng lớn ngang với thai nhi. 

Tuần 18 

Với phần xương và dây thần kinh tai phát triển đầy đủ các chức năng, bé có thể nghe các loại âm thanh bao gồm tiếng máu chảy qua dây rốn, tiếng bụng bạn réo và nhịp tim của bạn. 

Tuần 19 

Chất nhờn như pho mát phủ màu trắng cơ thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và bảo vệ làn da của bé trong khi đang ngập trong nước ối. Lớp này hầu như sẽ biến mất khi em bé được sinh ra. 

Tuần 20 

Thiên thần nhỏ của bạn thực sự hạnh phúc trong tử cung của bạn: chân tay phát triển và tiếp tục khám phá bằng cách uốn, gập, và đá. Tóc, móng tay và lông mày tiếp tục mọc lên. 

Tuần 21 

Dạ dày của bé giờ đã có chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dù vẫn nhận trực tiếp từ nhau thai. 

Tuần 22 

Làn da trong suốt của bé dần mờ đục; tuy nhiên, nó sẽ vẫn còn nhăn nheo, đỏ, và được bảo về trong lớp nhờn trắng. Cũng trong tuần này, bé đã tinh chỉnh ý thức nhờ tế bào não và dây thần kinh. Thai nhi hình thành lông mày và có thêm kĩ năng mới. 

Tuần 23 

Hàng tỷ tế bào não phát triển trong hai tuần kế tiếp kiểm soát tất cả vận động, cảm giác và những chức năng cơ bản như thở. Giai đoạn này, phổi của thai nhi phát triển hoàn thiện hơn.  

Tuần 24 

Tuần này, bạn sẽ nhận thấy bé bận rộn hơn nhiều vì cơ thể nhỏ bé có đủ khoảng trống để di chuyển trong bụng bạn. Bé có thể đáp lại giọng nói của bạn bằng cách cọ xát vào bụng. 

Tuần 25 

Bé bắt đầu đại tiện lần đầu trong ruột già, và bạn vẫn thường gọi đó là phân su. 

Tuần 26 

Thai nhi bắt đầu thiết lập giờ giấc thức ngủ riêng biệt. Đôi khi bạn sẽ thấy bé đạp “chăm chỉ” và có lúc yên ắng ngủ. 

Tuần 27 

Bé bắt đầu nấc vài tuần/1 lần nhưng sẽ không phát ra tiếng. Giai đoạn này, bạn có thể cảm nhận được những trục trặc của thai nhi - những triệu chứng được kích hoạt bởi cơ thể của bạn. 

Tuần 28 

Mí mắt của bé đã được hoàn thiện, bắt đầu mở và nhắm mắt. Hơn nữa, đồng tử của bé cũng tràn đầy sắc tố. Tuy nhiên bạn vẫn chưa thể biết chắc màu mắt của con vì màu mắt của bé có thể thay đổi tới khi bé 6 tháng hay 1 tuổi. 

Tuần 29 

Thai nhi sẽ nặng hơn từng phút. Tuần này, bé có thể đạp và cuộn người nhiều hơn, mạnh hơn. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy bé đạp mạnh. Khoảng thời gian này, một phần của não bộ và trí thông minh của bé cũng phát triển phức tạp hơn. 

Tuần 30 

Trọng lượng cơ thể bé tăng lên và hầu như làm đầy đôi má bầu bĩnh của bé. Bây giờ tất cả các hệ thống cơ thể của bé được cố định và hình thành chức năng. Mô mỡ được xây dựng cũng sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bé sau khi sinh và cung cấp năng lượng mà bé cần. 

Tuần 31 

Trọng lượng của thai nhi phát triển hơn chiều cao ở tuần thứ 31 vì cơ thể bé khó kéo căng hơn do phải nằm cuộn tròn trong bụng mẹ cho tới khi chào đời. 

Tuần 32 

Ở giai đoạn này, bạn đã có thể sinh ra một đứa bé khỏe mạnh, phát triển bình thường. Ngoài phổi, tất cả những cơ quan nội tạng quan trọng khác đã hoàn thiện chức năng. 

Tuần 33 

Em bé của bạn không có chỗ để cử động khuỷu tay nhiều trong tuần thai này và bé sẽ thường xuyên chọc khuỷu tay vào sườn bạn. 

Tuần 34 

Thiên thần nhỏ của bạn chuẩn bị để chào đời và khi đó, lớp nhờn trắng dần dày hơn. 

Tuần 35 

Thai nhi quay đầu về phía tử cung và âm đạo nhưng khoảng 3% sẽ không quay đầu dẫn tới những ca sinh ngôi ngược. Nếu vậy, bạn nên quyết định sinh mổ để giữ an toàn cho cả bé lẫn bạn. 

Tuần 36 

Thai nhi đang làm việc chăm chỉ để tích lũy tất cả các chất béo có thể vào thời điểm này, và lớp mỡ hiện nay giúp mắt bé tròn ra. Cơ bắp cũng đã hoàn thiện và sẵn sàng cho việc bú mẹ. Bạn biết đấy, bé sẽ đói ngay sau khi chào đời. 

Tuần 37 

Dây rốn bắt đầu chuyển kháng thể cho em bé của bạn để chuẩn bị chào đời. Bằng cách dự trữ kháng thể, con của bạn sẽ được chuẩn bị chống đỡ những căn bệnh bên ngoài tử cung tốt hơn. Tuần này bé có thể nghe và nhận biết giọng nói của bạn. 

Tuần 38 

Thai nhi hưởng thụ những tuần cuối trong tử cung của bạn. Do đó, dù bé có sinh ở tuần này, não của bé đã phát triển hoàn chỉnh. 

Tuần 39 

Giờ cân nặng của thai nhi đã gần như lúc chào đời và thai nhi tích lũy đủ chất béo để gữ ấm khi ra khỏi tử cung. Bên cạnh đó, nhau thai của bạn vẫn tiếp tục cung cấp các chất dinh dưỡng và kháng thể giúp bé chống lại bệnh tật. 

Tuần 40 

Khi con bạn chào đời, bé sẽ được đánh giá và xếp loại sức khỏe theo các yếu tố: cử động của cơ bắp, nhịp tim, phản ứng nhăn mặt (y khoa gọi là "kích thích phản xạ"), da và hô hấp.  

Tuần 41 

hình ảnh thai nhi

Tuần này, bạn có thể gặp thiên thần nhỏ lần đầu và đừng buồn nếu bé không giống bạn tưởng tượng nhé. Bé sinh ra sẽ vẫn còn chất nhờn thai nhi nhưng bạn không cần lo lắng vì lớp này sẽ được rửa sạch khi tắm cho bé. 

Ở tuần thai thứ 41, rất có thể, nhóc tì đáng yêu của bạn vẫn chưa chịu rời bỏ “căn nhà” ấm áp trong bụng bạn ở tuần thứ 41. Nhưng bạn không nên lo ngại về điều này và trọng lượng của bé vẫn còn có thể tiếp tục tăng trong tuần này nữa đấy. 

Theo Thùy Dung/Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thực hiện 3 bài tập này sau 2 tuần chân cột đình sẽ thon gọn ngay