Bầu 9 tháng sắp sinh thai vẫn CHẾT LƯU trong bụng vì những nguyên nhân không ngờ này, mẹ cẩn thận nhé!

2018-06-14 08:52
- Đúng là chuyện chửa đẻ chưa bao giờ là dễ dàng cả. Lấy chồng, mong con lắm, đến khi hay tin mình có thai, rồi mang thai 9 tháng trong bụng, sắp chạm đích, sắp được bế con trên tay thì lại phải ngậm ngùi tiễn con về trời. Đau lòng biết nhường nào.

Hôm nay là tiệc thôi nôi của con em, trộm vía nhìn con lẫm chẫm bước đi, cười toe toét bên ông bà, cô chú mà em thấy hạnh phúc quá chừng. Nhớ lại cách đây 1 năm, ngày con chào đời, cảm giác vẫn còn rõ mồn một như chỉ mới hôm qua thôi. Nước mắt em lại lăn dài xúc động vì vừa sợ, vừa vui, nói chung là hú hồn hú vía!

Khi ấy em bầu được 9 tháng rồi, còn khoảng chục ngày nữa thôi là đến dự sinh, em muốn sinh thường cho khỏe mẹ khỏe con đấy các mẹ ạ. Tối đó là sinh nhật thằng bạn thân của vợ chồng em, em hơi mệt lại lười nên bảo thôi chồng đi đi, em ở nhà nằm rung đùi vừa xem tivi vừa uống nước ăn bánh cho khỏe cái thây. Chồng em năn nỉ mãi chả được nên đành dắt xe đi 1 mình vậy.

Khoảng 9 giờ tối, chồng chưa về, con trong bụng đạp mạnh mấy cái và em bắt đầu bị rỉ ối. Nhưng tai hại ở chỗ em không hề nghĩ đó là nước ối mà cứ tưởng mình bị són tiểu như mọi ngày. Thành ra em cứ ung dung như chẳng có chuyện gì, chốc chốc lại vô ôm nhà vệ sinh, lấy giấy mà lau mà thấm.

Lúc chồng đi sinh nhật bạn về thì em đã ngủ queo rồi, khoảng 2 giờ sáng, chồng nằm sờ thấy đệm ướt nên gọi em dậy, em tưởng tè dầm nên xấu hổ quá chừng. Bước xuống giường định thay cái đầm khác thì bất ngờ “bục” một cái, nước chảy xối xả dưới nền. Em chẳng hiểu chuyện gì xảy ra bèn hoảng hốt kêu chồng đưa đi bệnh viện.

Bầu 9 tháng sắp sinh thai vẫn CHẾT LƯU trong bụng vì những nguyên nhân không ngờ này, các mẹ cẩn thận nhé!

(Ảnh minh họa)

Bác sĩ siêu âm và khám trong đau quá trời, xong bác bảo em vỡ ối rồi, thai bị dây rốn quấn cổ 3 vòng, mổ gấp chứ không là em bé bị ngạt, giờ mà đợi truyền thuốc này nọ để đẻ thường thì không kịp nữa. Hóa ra đêm qua lúc em bé đạp mạnh rồi em bị són tiểu là vì con bị dây rốn quấn cổ khó thở nên đạp mạnh khiến ối bị rỉ chảy, đến sáng sớm mới vỡ hoàn toàn. Thế mà em không biết gì cả, chỉ cần kéo dài thêm chút nữa thôi là chắc tiêu hai mẹ con rồi!

Sau hơn nửa tiếng đồng hồ, ca mổ thành công tốt đẹp, may quá, con em không sao chứ không là không biết vợ chồng em phải sống sao nữa.

Đáng nói là hôm đó cũng có một mẹ nữa nhập viện mổ gấp khi thai được 8 tháng. Không may mắn như em, đứa bé đã chết từ khi còn nằm trong bụng mà mẹ đó không hề hay biết. Nghe bảo là nhau thai bị chứng vôi hóa gì đó em cũng chả rõ, khiến oxi và chất dinh dưỡng không truyền tới con được. Nhìn cảnh mẹ ấy và người thân khóc ngất sau khi chuyển ra phòng hậu phẫu mà ai cũng rơi nước mắt.

Đúng là chuyện chửa đẻ chưa bao giờ là dễ dàng cả. Lấy chồng, mong con lắm, đến khi hay tin mình có thai, rồi mang thai 9 tháng trong bụng, sắp chạm đích, sắp được bế con trên tay thì lại phải ngậm ngùi tiễn con về trời. Đau lòng biết nhường nào.

Vì vợ chồng em còn tính đẻ nữa nên qua vụ này, em mới bắt đầu lo và tìm hiểu kĩ hơn về kiến thức thai sản. Và em được biết rằng, có rất nhiều trường hợp sắp đến ngày sinh rồi mà mẹ vẫn mất con, thai vẫn chết lưu trong bụng như vụ em vừa kể cho các mẹ nghe ở trên. Em xin được liệt kê ở dưới để các mẹ đề phòng nha, nếu có thiếu mong các mẹ bổ sung thêm để đầy đủ hơn ạ:

- Thai nhi bị dây rốn quấn cổ: Những tháng cuối, em bé đạt kích cỡ lớn lắm rồi, buồng nhau cũng chật nên bé cảm thấy khó chịu, hay quẫy đạp tứ tung. Điều này khiến bé hay rơi vào tình huống bị dây rốn quấn cổ. Nếu dây rốn quấn cổ nhiều vòng và siết quá chặt, bé dễ bị ngạt thở đó nha các mẹ. Như trường hợp của em bé ngạt khó chịu nên đạp mạnh khiến vỡ ối sinh sớm hơn dự kiến đấy ạ.

Bầu 9 tháng sắp sinh thai vẫn CHẾT LƯU trong bụng vì những nguyên nhân không ngờ này, các mẹ cẩn thận nhé!

(Ảnh minh họa)

- Nhau thai bị vôi hóa: Nhau thai bị vôi hóa là tình trạng nhau bị xơ cứng, lão hóa sớm khiến oxi và chất dinh dưỡng không thể truyền tới thai nhi được. Điều này khiến em bé bị ngạt, thiếu dinh dưỡng để duy trì sự sống. Nếu không can thiệp kịp thời rất nhanh bị tử vong.

- Mẹ bầu bị cạn ối, đục ối: Nước ối là môi trường để thai nhi tồn tại. Trong môi trường này, em bé tha hồ bơi lội, cử động, tiểu tiện, uống nước... Nếu ối bị cạn hoặc ối bị đục, bẩn thì em bé sẽ không còn được bảo vệ nữa, sẽ bị nhiễm khuẩn, cử động kém, ngạt... Nhiều thai phụ ở những tháng cuối hay rơi vào tình trạng mực nước ối tụt nhanh hoặc bé đi ị ra phân su làm đục ối rất nguy hiểm.

- Mẹ bầu bị trượt ngã, va đập: Nếu không cẩn thận bị trượt chân hay va đập ở vùng bụng, lưng, mẹ sẽ rất dễ bị bong tróc nhau thai hoặc vỡ ối. Nếu vỡ ối sớm thì dễ phát hiện hơn và đi sinh sớm hơn. Còn bong tróc nhau thai thì thường đau bụng và ra ít máu, có người còn không bị ra máu nữa nên mẹ bầu chủ quan không đi thăm khám, hậu quả là con trong bụng bị ảnh hưởng, không loại trừ được nguy cơ chết lưu.

- Mẹ không biết mình sắp sinh: Cái này cũng tương tự như trường hợp của em kể ở phía trên đó các mẹ. Không phải ai cũng có dấu hiệu sinh giống nhau. Chẳng hạn người này bị rỉ ối, đau bụng, ra máu nhưng người khác lại chỉ bị rỉ ối (nhầm là són tiểu), hoặc có mẹ chỉ hơi đau lưng, buồn đi đại tiện... Nhiều mẹ mới có thai lần đầu chưa có kinh nghiệm nên nhiều khi có dấu hiệu chuyển dạ mà không biết, cứ ỉ i ở nhà. Hậu quả là con bị đẻ rơi đẻ rớt ngoài đường hoặc xấu hơn nữa có thể chết lưu trước khi được phát hiện ra.

- Mẹ bầu bị tiền sản giật, sản giật: Tiền sản giật, sản giật luôn là nỗi ám ảnh đối với các mẹ đang mang thai. Nếu mắc hội chứng này, mẹ bầu dễ bị lên cơn co giật, máu và oxi chuyển đến thai nhi bị ngưng trệ rất nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con.

- Mẹ bầu bị nhiễm độc hoặc mắc các bệnh nguy hiểm: Dù là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối thai kỳ, việc mẹ bầu tiếp xúc, ăn uống phải hóa chất độc hại hoặc mắc các căn bệnh nặng, nguy hiểm cũng ít nhiều tác động đến sức khỏe, tính mạng của thai nhi trong bụng. Vì vậy, quãng thời gian gần sinh, mẹ cũng cần cảnh giác để hoàn thành nốt thai kỳ của mình trong an lành mẹ nhé.

Chỉ cần nghiêm túc thực hiện các cách sau, em tin chắc các mẹ bầu sẽ về đích thành công, con yêu khỏe mạnh:

- Siêu âm, thăm khám định kỳ thường xuyên trong những tháng cuối thai kỳ: để kịp thời phát hiện những bất thường và nguy hiểm xảy đến với em bé nếu có.

- Đếm cử động thai máy vào những thời điểm nhất định trong ngày: Để biết con có khỏe không, có gặp vấn đề gì không. Nếu con ít máy hơn, không máy, hoặc máy quá nhiều, hỗn loạn thì nên đi khám ngay lập tức.

- Ăn uống khoa học, tránh để tăng cân quá mức, uống nhiều nước: để ngăn ngừa tiền sản giật, sản giật, các vấn đề liên quan đến ối.

- Giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh các nguồn bệnh lây lan: Giúp hai mẹ con khỏe mạnh, không bị nhiễm độc, nhiễm vi-rút gây bệnh...

- Tuyệt đối không áp dụng các mẹo truyền miệng để dễ đẻ mà không có sự tham khảo ý kiến bác sĩ: Không tự ý uống nước lá tía tô, ăn dứa ồ ạt để tử cung mềm, dễ đẻ. Trước khi làm bất cứ thứ gì cần phải hỏi bác sĩ có nên hay không đã.

- Đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng nhọc, tránh va đập, trợt té: Để tránh động thai, vỡ ối sinh non.

- Không tự ý bổ sung canxi mà phải theo đơn của bác sĩ: Ngăn ngừa vôi hóa nhau thai, dây rốn, gai cột sống, tật xương to ở trẻ...

- Để ý các dấu hiệu báo mẹ sắp lâm bồn: Để kịp thời đến viện sinh, tránh làm bé bị ngạt, đẻ rơi rớt, nhiễm khuẩn...

- Tham gia các lớp học tiền sản: Để trang bị tất cả kiến thức sinh sản cần thiết, giúp vượt qua thai kỳ một cách trơn tru nhất.

Theo Webtretho

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vì sao Cristiano Ronaldo và bạn gái chưa kết hôn?