Sao Ly - ‘Grand Master’ trong ngành phun thêu thẩm mỹ: Làm việc bằng đam mê thì đó chính là chơi
Tin liên quan
Nói chuyện với Sao Ly, bạn rất dễ bị năng lượng của cô ấy cuốn đi. Dù là 12g đêm hay 5g sáng, cô ấy vẫn tỉnh táo như thế, dồi dào ý tưởng như thế. Sao Ly bảo cô không phải người học rộng hiểu nhiều, và gần như không bao giờ đọc sách. Tất cả những gì cô có được như ngày hôm nay, từ tiền bạc đến danh tiếng trong nghề, sự tôn trọng từ các nghệ nhân phun thêu thẩm mỹ khắp thế giới, là chỉ nhờ một thứ: Luôn cảm thấy mình cố gắng chưa đủ!
Gặp Sao Ly vào đúng ngày cô vừa hoàn thành xong cặp chân mày cho một nữ khách hàng bị ung thư đã xạ trị nhiều lần, tóc và lông mày đều đã rụng hết. Khách từ tận Nghệ An ra, xúc động nhắn tin cho Sao Ly khi mang gương mặt có cặp chân mày mới ra gặp chồng. “Anh ấy khen em xinh đẹp”, cái tin nhắn của khách khiến Sao Ly xúc động vì nhớ đến cái ngày cô làm cặp mày cho một phụ nữ bán cá ở Bangkok - cũng là sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô.
Cả gia đình không ai đồng ý cho tôi đi làm phun thêu vì nghĩ nghề này làm cho người ta xấu đi
Người ta bảo nghề chọn người. Với Sao Ly thì sao? Lý do gì chị chọn công việc này?
Trước khi làm phun thêu thẩm mỹ, tôi từng làm rất nhiều nghề khác nhau như thợ cắt tóc, gội đầu, làm nail, làm mi, làm móng… Tôi đến với nghề này không phải do đam mê. Lúc ấy tôi dị ứng với hóa chất làm nail và tóc. Tay tôi giờ vẫn còn nhiều sẹo, vẫn phải bôi thuốc. Nhà tôi ngày ấy nhỏ và chật, hóa chất bốc lên, bố mẹ con cái cũng hít phải. Không muốn người thân của mình chịu độc hại nên tôi chuyển hướng.
Tôi chuyển hướng rất tình cờ là do bạn tôi rủ tôi đi học phun thêu. Tôi đi tham gia một chương trình giới thiệu về phun thêu thẩm mỹ của người Hàn Quốc tại Việt Nam. Từ chương trình trở về, tôi quyết định sẽ theo nghề này. Nhưng lúc đó tôi không được sự đồng thuận của cả gia đình. Cách đây 10 năm, chỉ người trung tuổi và người già mới đi phun thêu. Và những ai đã làm qua phun thêu thẩm mỹ đều nhìn rất đậm và rất xấu. Hơn nữa ngày ấy, người ta làm phun thêu rất xâm lấn, có máu nhiều, cảm giác không an toàn. Nghề thẩm mỹ mà không làm cho người ta đẹp hơn, nên chồng tôi, bố mẹ tôi không đồng ý.
Nhưng tôi đã quyết là tôi làm. Tôi đi học với giáo viên Hàn Quốc. Tôi vay mượn 80 triệu để đóng học phí, nói dối chồng là tôi được học bổng. Lúc đó Hàn Quốc là nước đi đầu về lĩnh vực thẩm mỹ, tôi thuyết phục chồng tôi là người Hàn Quốc người ta làm rất tự nhiên, nên nó sẽ rất đẹp. Nhưng chồng tôi vẫn không thích, vợ chồng tôi trên nguy cơ bỏ nhau. Tôi chuyển sang thuyết phục mẹ chồng tôi thì bà cũng xuôi. Kết quả là sau tất cả sự cố gắng đấu tranh của tôi, tôi thất bại. Khóa học đó không dạy cho tôi thành nghề.
Thất bại với người Hàn Quốc rồi, tôi không chấp nhận. Tôi mày mò đi học mọi nơi. Chặng đường học của tôi rất gian nan vì ngày đó các kênh truyền thông và mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ. Việc cập nhật những công nghệ mới hay sản phẩm đó là thật hay giả tôi cũng không biết. Vì thế tôi vẫn bị dụ đi học vài lần nữa. Tôi tốn rất nhiều tiền và phải âm thầm cày cuốc trả nợ. Dần dần tôi rút ra kinh nghiệm, mày mò được cách làm sau không biết bao nhiêu lần phải trả “khôn phí”.
Đi học phun thêu để chuyển nghề không vì đam mê, lý do gì khiến chị sống chết với nó, bỏ ra rất nhiều tiền bạc công sức đến vậy?
Vì sự hiếu thắng và tính cầu toàn của tôi. Tính của tôi là nếu làm chưa hài lòng thì tôi phải làm cho đến khi nào hài lòng thì thôi. Càng về sau tôi càng có cảm xúc với nghề. Tôi sống thiên về cảm xúc nên chỉ cần 1 “feedback” nhỏ của bạn bè hay khách hàng cũng làm tôi rất xúc động. Nên tự dưng lúc ấy tôi bắt đầu ngấm và yêu nghề dần. Chứ ban đầu tôi đến với nghề không phải vì đam mê hay năng khiếu. Nhưng tôi muốn nói là kể cả không có năng khiếu, chỉ cần mỗi ngày chịu khó rèn luyện rồi cũng sẽ tốt lên.
Trong một hành trình dài miệt mài đi học với rất nhiều “khôn phí” ấy, đâu là bước ngoặt với chị?
Đó là khi tôi sang Thái Lan tham gia 1 cuộc thi về phun thêu thẩm mỹ. Tôi chọn thi trên người thật. Nhưng việc tìm kiếm “model” ở đất nước khác rất khó. Người ta thi được 15’ rồi mà BTC vẫn chưa kiếm được model cho tôi. Mãi sau, người ta mới đưa mẫu tới. Chị ấy có 3 vết sẹo lớn ở chân mày, làm nghề bán cá ở chợ. Lúc nhìn gương mặt của chị ấy, tôi không quan tâm đến cuộc thi nữa mà chỉ cố gắng làm sao để cho chị ấy đẹp hơn. Đến cuối chương trình, mọi người thường sẽ giữ model ở lại để trình diễn nhưng tôi không giữ được vì chị ấy còn về chợ bán hàng.
Buổi tối trao giải, tôi nghĩ chắc là mình không được giải gì rồi. Người ta đọc giải Ba, giải Nhì, giải Nhất không có tôi. Tôi đã định đi ra về thì BTC công bố giải Đặc biệt và lần này họ gọi tên tôi. Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động quá. Mỗi lần nghĩ lại kỷ niệm đó, tôi vẫn khóc. Sau này, nghề này còn mang đến cho tôi nhiều lần xúc động bật khóc như thế.
Sau cuộc thi đó, trở về Việt Nam, tôi hoạt động mạnh, tham gia biểu diễn, đi chấm thi và trở thành một người đào tạo rất ngẫu nhiên. Ngày xưa tôi đi học ở Hàn, Thái, bây giờ họ lại mời tôi sang dạy. Đến thời điểm đó, gia đình tôi cũng đã công nhận khả năng của tôi.
“Bạn tôi nói em cố gắng hết sức rồi mà vẫn không thành công, tôi bảo: Không, em vẫn cố gắng chưa đủ!”
Đã đạt đến bậc “Grand Master” trong nghề phun thêu thẩm mỹ, tại sao chị vẫn muốn đi thi, mà gần đây nhất là sân chơi Wulop 2022?
Có rất nhiều lý do. Wulop là cuộc thi lớn nhất thế giới trong nghề phun thêu thẩm mỹ và năm nay lại được tổ chức ở Việt Nam. Tôi đăng ký ở hạng mục chuyên gia. Cuộc thi có gần 1000 người master tham gia và tôi may mắn được giải nhất. Sắp tới tôi tiếp tục đại diện cho Việt Nam đi thi ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đã rất lâu rồi tôi không tham gia cuộc thi nào từ ngày ở Thái Lan, thế nhưng bây giờ các bạn trẻ lên rất nhanh và giỏi, tôi không thể nào cứ dậm chân tại chỗ được. Đợt vừa rồi tôi muốn tạo thêm áp lực cho bản thân mình, không sống với hào quang của quá khứ. Tôi muốn một lần nữa được xướng tên trên sân khấu. Cuộc thi này 100% giáo viên nước ngoài chấm. Tôi muốn khẳng định khả năng của mình cho các bạn quốc tế biết.
Mọi người không hiểu rằng, tham gia cuộc thi này tôi áp lực rất nhiều, hơn bất kỳ cuộc thi nào trước đây. Học trò của tôi rất đông, họ nhìn vào tôi. Đồng nghiệp nhìn vào tôi. Nếu tôi thất bại nghĩa là những gì tôi đã làm chẳng có ý nghĩa gì nữa. May mắn là tôi đã làm được.
Có bao giờ chị sợ học trò vượt qua mình nên giấu nghề không dạy hết không?
Chưa bao giờ. Tôi từng thất vọng khi học với người Hàn Quốc trong lần đầu tiên nên sau này đi dạy, tôi luôn trong tâm thế dạy hết mình cho học trò. Thành công của người giảng dạy là khi mình có kiến thức mới, các học trò cũ vẫn quay lại chỗ mình cập nhật. Điều đó có nghĩa là mình có tâm với các bạn ấy, các bạn ấy cảm thấy hữu ích khi học mình. Nghề này rất khắc nghiệt và sẽ bị đào thải ngay nếu không có tâm.
Người ta đồn rằng, Sao Ly làm phun thêu thẩm mỹ đắt nhất Hà Nội. Thực hư chuyện này thế nào?
Người ta đồn đúng rồi chị (cười). Giá của tôi bây giờ làm khoảng 12-15 triệu/cặp chân mày mới. Nhiều nơi bây giờ 1-2 triệu/cặp là nhiều rồi. Tôi là người tạo ra xu hướng nên tôi có giá riêng. Tôi chưa bao giờ đi làm nghề mà cạnh tranh về giá, thay vào đó tôi nâng tầm bản thân lên. Khi không ai thay thế được mình thì tăng giá là chuyện bình thường. Ngày xưa tôi đi tìm khách, giờ khách đi tìm tôi. Có những khách hàng phải đặt lịch tôi rất lâu tôi mới có thể làm việc cho người ta.
Khách tìm đến tôi đều biết giá trước rồi, nhưng họ thấy đáng thì làm. Khi đi học, tôi mất không biết bao nhiêu tiền của. Tôi học với những người giỏi nhất thế giới, rồi lại phải mất nhiều thời gian kiên trì mày mò thực hành những gì được thầy nước ngoài dạy trên khung xương màu da của người châu Á, người Việt. Khi làm cho khách, tôi luôn tràn đầy cảm xúc và xem gương mặt khách như một tác phẩm để tôi sáng tạo. Tất cả đều là những kinh nghiệm không thể trả bằng tiền. Do đó, tôi không thể nào “Rẻ” được.
Đúc rút lại hành trình đã đi qua, chị nghĩ điều gì khiến chị thành công?
Tôi có mục tiêu và rất cố gắng. Tôi luôn dặn học trò của mình là em hãy cố gắng lên. Một người bạn của tôi cũng đi học phun thêu thẩm mỹ rồi bỏ nghề, em ấy bảo cố gắng hết sức rồi mà không được. Tôi bảo: Không, nếu làm việc gì mà không thành công thì là do em cố gắng chưa đủ.
Làm việc với cường độ cao từ sáng sớm tới đêm khuya, tiền bạc danh vọng đều có, chị có tính chuyện nghỉ ngơi không?
Nói thật là tôi nghĩ mình bị thừa năng lượng. 3 rưỡi đêm tôi mới ngủ nhưng 6 rưỡi sáng mai vẫn dậy làm việc bình thường. Tôi có thể làm việc tỉnh táo vào nửa đêm mà như người ta làm việc lúc sáng sớm. Khi làm việc, tôi bị cuốn đến mức không biết mệt. Chỉ lúc nghỉ tôi mới thấy mệt.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
H.H
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất