Dầu argan đã có một bước tiến dài từ một nguyên liệu làm đẹp thiên nhiên của những tộc người thiểu số, trở thành một trong những loại dầu dưỡng da đắt giá nhất thế giới. Đây là loại dầu được sản xuất từ phần nhân trong hạt của quả argan, một loại thực vật chỉ được trồng ở Ma-rốc (Morocco). Tuy nhiên, do thiếu sự hợp tác trong quy hoạch và sản xuất, diện tích trồng cây argan hiện đang bị đe dọa bởi việc lạm dụng quá mức, do nạn phá rừng và còn do hoạt động chăn thả gia súc, cụ thể là chăn dê thiếu quản lý.
Hai phụ nữ Ma-rốc đang tự ép dầu argan (Ảnh: Alamy)
Đôi điều về dầu argan
Dầu argan vốn là một loại dầu truyền thống của người Ma-rốc dùng để dưỡng da khô, trị mụn, chống nhăn và còn giúp giảm đau khớp. Đây cũng là một nguyên liệu nấu ăn phổ biến của người Ma-rốc, với nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp làm giảm lượng cholesterol. Với sự phát hiện của các nước phương Tây, dầu argan bắt đầu được sử dụng trong rất nhiều các loại mỹ phẩm công nghiệp, từ dầu gội đến các loại serum dưỡng mắt.
Cây argan chủ yếu được trồng trên vùng đất cằn cỗi ở phía tây nam của Ma-rốc. Loại cây này chính là yếu tố giúp chống xói mòn đất và bảo vệ nguồn nước còn ít ỏi dưới lòng đất của khu vực sa mạc này. Cây argan đem lại nhiều lợi ích cho môi trường của Ma-rốc tới mức rừng cây argan đã được Unesco công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển năm 1998. Tuy nhiên, rừng cây argan vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ phá rừng lấy gỗ xây dựng và lấy củi đun. Phải đến vài năm gần đây, khi nhu cầu thu hoạch quả argan lấy dầu tăng mạnh và mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn, thì tình trạng phá rừng argan mới giảm dần. Theo một nhà cung cấp dầu argan đặt trụ sở ở Anh, chính việc sản xuất dầu argan đã giúp bảo vệ rừng cây argan quý giá này, người dân được trả tiền công xứng đáng và bản thân cây argan không bị ảnh hưởng, bởi các quả argan được thu hoạch chỉ là các quả chín đã rụng xuống đất.
Nếu không có người trông coi, loài dê có thể tự trèo lên cây argan để ăn hết lá và quả (Ảnh: GettyImages)
Quy trình sản xuất lấy dầu argan sẽ bao gồm phơi khô quả, tách lấy hạt, tách hạt lấy nhân và ép nhân lấy dầu. Phần xác nhân còn lại sau khi ép cũng được bán cho các công ty sản xuất mỹ phẩm, phần thịt quả được dùng làm thức ăn cho gia súc và phần vỏ được dùng làm chất đốt. Như vậy, mọi bộ phận của quả argan sau khi thu hoạch đều được tận dụng triệt để.
Dầu argan giúp tạo công ăn việc làm
Phụ nữ thu hoạch quả argan ở vùng Ait Baha, Ma-rốc (Ảnh: Alamy)
Dầu argan không chỉ có sức mạnh thay đổi dung mạo cho những người phụ nữ sử dụng nó, mà bản thân quy trình sản xuất dầu argan cũng giúp thay đổi cuộc sống của những phụ nữ địa phương tại Ma-rốc. Trước đây, dầu argan chỉ được sản xuất ở quy mô gia đình: phụ nữ thu hoạch quả argan và ép lấy dầu, nam giới sẽ đem ra chợ bán hoặc đổi lấy hàng hóa, thực phẩm. Những năm gần đây, do nhu cầu rất lớn, nên phụ nữ địa phương có thể coi đây là một công việc chuyên nghiệp, làm việc trong các hợp tác xã, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định hơn và cũng cải thiện được vị trí của mình trong xã hội. Mỗi người phụ nữ có thể kiếm được khoảng 250 USD (từ 5-6 triệu đồng) mỗi tháng, chưa kể tiền thưởng cuối năm, giúp họ có thể tự chủ trong việc chi tiêu, và có tiếng nói hơn trong gia đình, có thể đầu tư cho việc học hành của con cái. Ngoài ra, các công ty tổ chức thu mua, sản xuất dầu argan cũng tạo điều kiện cho nữ công nhân được tiếp cận với y tế và giáo dục nhiều hơn, đem lại bước tiến đáng kể cho cuộc đấu tranh bình đẳng nam nữ ở quốc gia vùng Ả Rập này. Theo một giáo sư tại một trường đại học ở Ma-rốc, “ngành công nghiệp dầu argan đã giúp đem lại sự thay đổi trong cách xã hội nhìn nhận phụ nữ tại Ma-rốc”.
Một người phụ nữ địa phương dùng chày gõ hạt argan để tách lấy nhân (Ảnh: Alamy)
Những thách thức trong nguồn cung
Tuy đã mở ra con đường hy vọng mới, nhưng chính ngành công nghiệp dầu argan vẫn đang gặp khá nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên xuất hiện ngay trong chính những hợp tác xã sản xuất dầu argan. Bởi lẽ, đa phần những người phụ nữ địa phương hiện có trình độ dân trí thấp, thậm chí mù chữ, vì vậy, rất có thể, tuy kiếm được thu nhập lớn, nhưng họ sẽ dễ bị chồng hoặc cha quản lý, bóc lột và chiếm đoạt tiền công. Một số tổ chức phi chính phủ hiện đang có kế hoạch giúp đỡ các phụ nữ Ma-rốc vượt qua hoàn cảnh này, như một đại diện đã cho biết: “Ít nhất thì họ cũng phải biết thế nào là kinh doanh, thế nào là dân chủ, thế nào là minh bạch, và cũng phải biết những thao tác kế toán đơn giản.”
Việc nâng cao trình độ của người dân địa phương cũng nhằm mục đích nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm dầu argan. Bản thân đại diện của các công ty mỹ phẩm thu mua dầu argan cũng thường xuyên phải đến thị sát và tập huấn cho các hợp tác xã địa phương để đảm bảo quy trình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn của các sản phẩm hữu cơ. Nếu các hợp tác xã thiếu đi sự chỉ đạo chuyên nghiệp, thì các dầu argan thành phẩm có thể không đạt yêu cầu của các khách hàng quốc tế.
Dầu argan rất giàu vitamin E (Ảnh: Chromorange)
Đồng thời, một số tổ chức hiện cũng phải theo dõi sát sao tình trạng thu mua của một số công ty mỹ phẩm nước ngoài. Do trào lưu sử dụng dầu argan để làm đẹp đã trở nên quá phổ biến, nên rất nhiều công ty mỹ phẩm sẵn sàng thu mua dầu argan số lượng lớn với chất lượng thấp hơn, gây ra tình trạng tận thu nhưng lãng phí nguồn tài nguyên argan quý giá. Thay vì thu hoạch quả argan chín đã rụng xuống đất, nhiều gia đình sẵn sàng dùng gậy để rung cành, hái những quả chưa rụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây argan.
Nếu bạn muốn bảo đảm sản phẩm dầu argan mình mua là sản phẩm của một quá trình hỗ trợ cho sự tiến bộ của phụ nữ Ma-rốc, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng cây argan, hãy chú ý tới các logo trên nhãn chai, ví dụ như các nhãn “Fair Trade USA”, “Fair Trade International” v.v... Những logo này cũng giúp bạn yên tâm với chất lượng và tiêu chuẩn an toàn của dầu argan đối với làn da, mái tóc của mình.
Eve Nguyễn (Tổng hợp)
(Theo Congluan)
Toner Klairs “đỉnh chóp” cho mọi chu trình dưỡng da