Từ vụ sản phụ 24 tuổi tử vong tại bệnh viện Việt - Pháp: Sau khi sinh mà thấy dấu hiệu này, cần thông báo với bác sĩ ngay kẻo gặp nguy

2020-11-06 15:30
- Băng huyết sau sinh là một trong những biến chứng sản khoa gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài việc chảy máu ồ ạt sau sinh, sản phụ bị băng huyết còn có rất nhiều triệu chứng rõ rệt khác.

Mới đây sự việc  một sản phụ 24 tuổi tử vong sau sinh tại Bệnh viện Việt - Pháp , Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Theo thông tin từ phía Bệnh viện, sản phụ đã bị mất máu quá nhiều sau sinh. Dù được các bác sĩ cứu chữa tích cực bằng nhiều phương pháp nhưng sản phụ không qua khỏi.  

Sự việc đáng tiếc này khiến rất nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ cảm thấy lo lắng. Người xưa có câu "cửa sinh là cửa tử" quả không sai, khi người phụ nữ sinh nở sẽ phải đối diện với những nguy cơ không thể lường trước được. 

Một lần nữa, biến chứng sản khoa nguy hiểm mang tên  BĂNG HUYẾT   lại được nhiều người nhắc đến. Vậy băng huyết là gì, nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh và làm thế nào để phòng ngừa băng huyết sau sinh là điều hiện rất nhiều người quan tâm.  

Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội, nơi một sản phụ vừa tử vong sau sinh. Băng huyết sau sinh là gì? Những dấu hiệu của băng huyết sau sinh 

Băng huyết sau sinh là tình trạng chảy máu trên 500ml đối với sinh thường hoặc trên 1000ml đối với sinh mổ. Khi sản phụ bị băng huyết sau sinh, máu có thể chảy ra ồ ạt, đột ngột, nhưng cũng có trường hợp máu chảy một cách từ từ và kín đáo. Băng huyết sau sinh cũng có thể xác định dựa vào các yếu tố khách quan hơn như: Những biến động về mạch, huyết áp, nước tiểu, Hematocrit…  

Đi kèm với việc chảy máu không kiểm soát, sản phụ bị băng huyết sau sinh còn bị tụt huyết áp, tim đập nhanh bất thường, da xanh nhợt, khát nước, chân tay lạnh, vã mồ hôi, giảm số lượng hồng cầu... Khi có những dấu hiệu này, sản phụ phải thông báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.  

Băng huyết sau sinh có thể gây ra những biến chứng lâu dài như thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan hay cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, những biến chứng nặng nề sẽ khiến sản phụ bị choáng do giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong.  

Đây là 1 trong 5 biến chứng sản khoa nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở sản phụ trên toàn thế giới (chiếm 35%). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có 14 triệu phụ nữ bị băng huyết sau sinh. Tại Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 3-8%. 

Băng huyết sau sinh được chia làm 2 loại:  

- Băng huyết nguyên phát: Tình trạng băng huyết diễn ra sớm trong vòng 24h đầu sau sinh. 

- Băng huyết thứ phát: Tình trạng băng huyết xảy ra từ 24h đến 12 tuần sau sinh hoặc hơn.  

Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh 

Sau sinh, tử cung sẽ co bóp và đẩy nhau thai ra ngoài, gọi là sổ nhau. Sau sổ nhau, tử cung sẽ bắt đầu tiến trình co thắt, tiến trình này cùng với cơ chế đông máu bình thường của cơ thể sẽ tạo thành các cục máu đông ở mạch máu giúp ngưng chảy máu. Tuy nhiên, nếu tử cung không co bóp đủ mạnh thì các mạch máu này sẽ chảy máu tự do. Đây là cơ chế gây băng huyết sau sinh. 

Các nguyên nhân khác: 

- Đờ tử cung: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, nguy cơ cao ở các sản phụ có tử cung quá căng do đa thai, đa ối, thai to...   

- Cơ tử cung yếu do sinh nhiều lần, u xơ tử cung, tử cung bị dị dạng, có sẹo. 

- Lấy nhau không đúng quy cách, làm sót nhau trong buồng tử cung. Nhau bám bất thường như: Nhau cài răng lược, nhau bám đoạn dưới, nhau bám ở góc tử cung, dây nhau ngắn, quấn cổ nhiều vòng... 

- Sản phụ suy nhược, thiếu máu, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, có tiền sử sảy thai, nạo hút thai nhiều lần, từng bị sót rau viêm niêm mạc tử cung. 

- Sản phụ đẻ non, xử lý thai lưu, chuyển dạ nhanh, chuyển dạ kéo dài, nhiễm trùng ối, cắt tầng sinh môn quá rộng hoặc sâu, đỡ đẻ không đúng cách.  

- Rối loạn đông máu: Bệnh lý đông máu di truyền hoặc mắc phải: Hemophilie, xuất huyết giảm tiểu cầu, xơ gan, điều trị thuốc kháng đông... Hướng đối phó và cách phòng ngừa băng huyết sau sinh  

Để giảm được tần suất và tỷ lệ tử vong do băng huyết sau sinh, nhân viên y tế cần dự phòng băng huyết trước khi nó xảy ra bằng các biện pháp như:   

- Tránh chuyển dạ kéo dài, tiêm oxytocin cho sản phụ ngay sau khi sổ nhau.  

- Phòng ngừa nhiễm trùng ối, sử dụng cẩn thận các loại thuốc tê, mê. 

- Điều chỉnh các rối loạn đông máu (nếu có) cho sản phụ trước khi sinh. 

Sản phụ bị băng huyết sau sinh do đờ tử cung sẽ được điều trị bằng thuốc co hồi tử cung, bóng chèn tử cung, các thủ thuật phẫu thuật để kiểm soát chảy máu, thắt động mạch chậu trong hoặc cắt tử cung (Ảnh minh họa). 

- Không thực hiện các thủ thuật giúp sinh nếu không có chỉ định rõ ràng hoặc khi chưa đủ điều kiện.  

- Lấy nhau thai đúng cách, tránh sót nhau, theo dõi sản phụ sau sinh để kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu băng huyết sau sinh. 

- Sản phụ bị băng huyết sau sinh do đờ tử cung sẽ được điều trị bằng thuốc co hồi tử cung, bóng chèn tử cung, các thủ thuật phẫu thuật để kiểm soát chảy máu, thắt động mạch chậu trong hoặc cắt tử cung. 

Về phía sản phụ:  

- Sản phụ cần có kế hoạch mang thai để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như em bé, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra. 

- Khi có thai, mẹ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ, thực hiện các kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết để tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có. 

- Bổ sung đầy đủ sắt và acid folic theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt thai kỳ để phòng ngừa thiếu máu, thiết lập một chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học, điều độ.  

- Trong lúc mang thai nếu có những dấu hiệu bất thường như: Đau bụng, ra nước âm đạo, ra máu âm đạo, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, thai máy yếu, khó thở... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.   

    Theo Pháp Luật và Bạn Đọc

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

100 năm trước, vẻ đẹp của phụ nữ Việt ra sao so với thế giới