Vào mùa đông, trẻ thường bị các căn bệnh ở đường hô hấp, mũi họng. Không ít ông bố bà mẹ tự làm theo những kinh nghiệm chia sẻ trên mạng xã hội mà không biết đến sự nguy hiểm có thể gặp phải.
Mới đây, tờ Vnexpress đưa tin về một bé 2,5 tháng tuổi ngừng thở, tím tái toàn thân. Người nhà hô hấp nhân tạo rồi đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu do bị sặc nước. Khi đưa vào viện, bé ở tình trạng kích thích, thở gắng sức, nhịp tim nhanh.
Nguyên nhân được xác định do dịch rửa mũi họng chảy qua thanh quản vào khí quản gây co thắt thanh quản và khí quản. Trẻ khó thở cấp tính, thiếu oxy trầm trọng. Rất may, gia đình đã kịp thời hô hấp nhân tạo cho bé trước khi đưa vào viện. Sau khi được cấp cứu thì bé đã qua cơn nguy kịch.
Sự việc đã khiến cho nhiều phụ huynh xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, tự rửa mũi tại nhà là nguy hiểm vì dịch rửa có thể tràn xuống gây ảnh hưởng khí quản và thanh quản. Đây được xem là trường hợp gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những phụ huynh có con nhỏ.
Một bà mẹ có nickname Hoàng Giang nói: "Hồi con tôi còn bé, mọi người cứ bảo là rửa mũi kiểu này , nhưng mình chịu. Sợ làm không đúng cách lại thành ra viêm tai giữa các kiểu, hại con".
Một bà mẹ khác cho rằng: "Chắc lại học được trên mấy hội các mẹ. Lắm bà còn lấy sữa nhỏ mắt với các thứ cho con dẫn đến viêm nặng. Y học mất mấy trăm năm để tìm ra các phương pháp tiên tiến. Đằng này lại đi ngược lại tiến hoá".
Một người khác thì nêu ý kiến:"Nếu người lớn rửa không quen còn tràn ra tận tai khiến tai ù chứ đừng áp dụng với trẻ con dù là tuổi nào".
Việc rửa mũi được thực hiện tại nhà là rất nguy hiểm, do đó cha mẹ không nên thực hiện. Đặc biệt nếu cha mẹ không có kiến thức, áp dụng không đúng lại càng nguy hiểm. Bằng cách này có thể khiến trẻ bị tổn thương niêm mạc mũi, nhiễm trùng mũi...
Đặc biệt, trẻ có thể bị viêm tại giữa do việc rửa mũi sai lầm này. Điều trị viêm tai giữa sẽ nhiều phức tạp, có thể gây viêm tai giữa có mủ, vi khuẩn đi vào não gây vieemmangf não, thậm chí biến chứng méo mặt, tổn thương dây thần kinh số 7...
Bác sĩ nói gì?
Bác sĩ Nhi Khoa Phí Văn Công viết trên trang cá nhân cho hay, dưới 2 tuổi (tuổi còn bú mẹ) thì không nên dùng xi lanh để rửa mũi cho con vì:
- Rất dễ làm dịch trào lên tai giữa gây viêm tai giữa.
- Rất dễ gây sặc ở trẻ nhỏ
- Tạo tâm lý sợ hãi cho trẻ, rồi sau này cứ giơ cái gì trước mặt trẻ là trẻ lại khóc ré lên trốn đi
"Hành động rửa là hành động dùng nhiều và mạnh chất lỏng để cuốn trôi chất bẩn. Mũi nhiều thì em rửa mũi. Nghe cũng có lý. Nhưng lại không hợp lý chút nào. Tuổi nào thì nên rửa mũi, tuổi nào thì không. Tình trạng nào thì nên rửa mũi, tình trạng nào thì không. Nhiều vấn đề xung quanh cái mũi lắm.
Mũi trẻ em có đặc điểm là ngắn và nhỏ. Chính vì ngắn và nhỏ như vậy nên dễ bị tắc mũi. Kèm thêm niêm mạc mũi tụi nhỏ khá nhạy cảm. Mùa đông, không khí khô lạnh, thêm tí bụi bẩn của thủ đô ngàn năm văn hiến, niêm mạc bị kích thích và thế là chảy mũi.
Nhiều trẻ chảy mũi ròng ròng, những mũi loãng, có thể chảy ra thì đâu cần phải rửa. Nó có thể tự chảy ra ngoài cơ mà", bác sĩ Công nói
Với trẻ nhỏ (nhỏ hơn 2 tuổi), các bạn dùng xi lanh để bơm như thế là không được vì:
"Bình thường, tai giữa nối thông với khoang mũi bởi 1 ống. Ống này bình thường thông thoáng. Nhưng khi viêm mũi, thì đầu ra của ống ở khoang mũi có thể bị chèn và tắc, ống này không thoát được các dịch, chất bẩn và thế là “cháu cứ bị mũi xong lại lên tai”.
Ống này ở trẻ nhỏ (< 2 tuổi) thì còn rộng, ngắn và nằm ngang. Thế nên khi các bạn đè nghiêng đầu con ra thì không khác gì các bạn đang đổ nước vào tai con cả. Nếu muốn rửa kiểu vậy, hãy ra phòng khám. Ở đó họ có máy hút liên tục, nước vào mũi bên trên tí nào thì được hút liên tục qua mũi bên dưới tí đó. Còn ở nhà, một là bạn không kiểm soát được lực bơm, hai là bạn hút bằng dụng cụ mũi – miệng của mẹ không phải là hút liên tục, kèm thêm trẻ khóc ré lên, mẹ lại cuống. Đổ nước vào tai con rồi mới bắt đầu hút ra. Không ổn.
Trẻ lớn (> 2 tuổi), ống tai đã dài hơn, hẹp hơn và nằm nghiêng hơn. Việc rửa mũi như kia có thể đỡ nguy cơ hơn, nhưng nhìn chung vẫn là không ổn",
“Nhưng em rửa mũi cháu xong ra được nhiều mũi lắm” – Đừng lấy việc này làm thành tích, vì trước khi đạt được thành tích này, không biết chuyện gì đã xảy ra đâu", bác sĩ nhấn mạnh
Theo chúng tôi, trong trường hợp còn có nhiều dịch mũi họng, cha mẹ nên đưa đến bác sĩ nhi khoa để khám và có tư vấn cụ thể để tránh những hậu quả đáng tiếc.
AM
5 xu hướng trang điểm nổi bật đến từ Tiktok mọi cô gái đều làm được