Những ai không nên ăn củ đậu? Lưu ý khi ăn củ đậu

Minh LT 2024-09-12 16:41
- Củ đậu mát lành, tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn củ đậu? Vậy những ai không nên ăn củ đậu? Xem ngay bài viết dưới đây của Emdep.vn để có lời giải đáp chính xác nhất nhé!

Củ đậu có vị ngọt, giàu chất xơ và vitamin C, tốt cho sức khỏe, là loại thực phẩm yêu thích của không ít người dân Việt. Tuy nhiên, có một sự thật mà ít ai biết, củ đậu không phải là loại thực phẩm phù hợp với tất cả mọi người. Một số trường hợp có thể được khuyến cáo không nên ăn củ đậu tránh ảnh hưởng sức khỏe. Vậy những ai không nên ăn củ đậu? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Emdep.vn để có thêm thông tin hữu ích, bạn nhé!

Giá trị dinh dưỡng của củ đậu

Trong 1 cốc - khoảng 130 gram củ đậu sống chứa:

  • Lượng calo: 49 calo
  • Carbohydrate: 12g
  • Chất béo: 0.1g
  • Cholesterol: 0g
  • Chất xơ: 6.4g
  • Chất đạm: 1g
  • Natri: 5mg
  • Đường: 2.3g
  • Vitamin C: 26.3mg (44% giá trị hàng ngày)
  • Kali: 195mg (6% giá trị hàng ngày)
  • Folate: 15.6mcg (4% giá trị hàng ngày)
  • Sắt: 0.78mg (4% giá trị hàng ngày)
  • Magie: 15.6mg (4% giá trị hàng ngày)
  • Canxi: 16mg (1% giá trị hàng ngày)

Giá trị dinh dưỡng của củ đậu

Củ đậu giàu chất xơ và vitamin C

Ăn củ đậu có tác dụng gì?

  • Cải thiện tiêu hóa: Củ đậu chứa nhiều chất xơ, giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách tăng khối lượng phân và ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, chất xơ còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi.
  • Hỗ trợ giảm cân: Củ đậu chứa lượng calo thấp, nhiều chất xơ và nước (khoảng 90% nước), giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và kiểm soát cảm giác thèm ăn, từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
  • Giúp kiểm soát đường huyết: Nhờ hàm lượng chất xơ cao và ít đường, củ đậu giúp làm chậm quá trình tiêu hóa glucose, giữ cho mức đường huyết ổn định, có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những ai đang theo dõi lượng đường trong máu.
  • Cải thiện sức khỏe tim mạch: Củ đậu chứa kali, giúp giảm huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất xơ cũng giúp giảm mức cholesterol xấu, ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Củ đậu giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virus và vi khuẩn. 
  • Chống oxy hóa: Củ đậu cung cấp một lượng lớn vitamin C, cùng với các chất chống oxy hóa khác như vitamin A, E và selen, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự phá hủy của gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa sớm và các bệnh mãn tính.
  • Hỗ trợ sức khỏe xương: Oligofructose inulin trong củ đậu là một loại chất xơ prebiotic có tác dụng tăng cường sức khỏe xương. Inulin giúp tăng khả năng hấp thụ canxi vào xương, làm cho xương chắc khỏe hơn. Ngoài ra, nó còn có khả năng tích trữ khoáng chất và giảm tỷ lệ bào mòn xương, ngăn ngừa loãng xương. Ngoài ra, củ đậu còn chứa các khoáng chất như kali, magie và mangan, giúp duy trì sức khỏe xương và phòng ngừa loãng xương, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Tốt cho bà bầu: Củ đậu chứa nhiều nước, tinh bột và đường glucose, giúp cung cấp năng lượng cho bà bầu, đặc biệt trong những giai đoạn cảm thấy mệt mỏi hay ốm nghén. Củ đậu giòn ngọt, dễ ăn, tạo cảm giác ngon miệng cho bà bầu. Ngoài ra, chất xơ trong củ đậu còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, các vấn đề thường gặp trong thời kỳ mang thai. 
  • Giúp làm đẹp da: Vitamin C trong củ đậu hỗ trợ quá trình sản xuất collagen, giúp da mềm mịn, săn chắc và chống lão hóa. Các chất chống oxy hóa còn giúp giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, vết chân chim.

Ăn củ đậu có tác dụng gì

Ăn củ đậu cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân

Những ai không nên ăn củ đậu?

Mặc dù cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe nhưng củ đậu không phải là loại thực phẩm phù hợp với tất cả mọi người. Một số trường hợp có thể được khuyến không nên hoặc hạn chế ăn củ đậu bao gồm:

1. Người bị đau dạ dày

Những người có vấn đề về dạ dày, đặc biệt là viêm loét dạ dày, trào ngược axit, đau dạ dày, không nên ăn củ đậu. Do củ đậu chứa nhiều nước, khi ăn nhiều có thể gây căng dạ dày, kích thích tiết axit và gây ra triệu chứng ợ nóng, ợ chua.

2. Người có vấn đề về tiêu hóa

Chất xơ trong củ đậu có lợi cho tiêu hóa, nhưng nếu ăn quá nhiều, nó có thể gây đầy bụng hoặc khó tiêu, đặc biệt đối với những người có hệ tiêu hóa yếu. Những người dễ bị đầy hơi hoặc khó tiêu nên hạn chế ăn củ đậu với lượng lớn.

3. Người bị dị ứng

Mặc dù dị ứng với củ đậu không phổ biến, nhưng một số người có thể có dị ứng với họ đậu (Fabaceae), bao gồm cả củ đậu. Nếu có dấu hiệu dị ứng như ngứa, phát ban hoặc khó thở sau khi ăn củ đậu, nên ngừng ăn và tham khảo ý kiến bác sĩ.

4. Phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu

Mặc dù củ đậu có nhiều lợi ích cho bà bầu, nhưng do tính thanh mát của củ đậu, phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu không nên ăn quá nhiều, tránh gây lạnh bụng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.

5. Người mắc bệnh thận mạn tính

Củ đậu chứa kali và phốt pho, hai chất này có thể gây khó khăn cho người mắc bệnh thận mạn tính trong việc điều hòa cân bằng điện giải. Những người có chức năng thận suy yếu nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu kali để tránh tình trạng tăng kali máu.

Những ai không nên ăn củ đậu

Người bị đau dạ dày không nên ăn củ đậu

Cách lựa chọn và bảo quản củ đậu

Cách lựa chọn củ đậu:

  • Chọn củ chắc, khô: Củ đậu tươi thường có vỏ mịn, chắc tay và khô ráo.
  • Tránh củ có dấu hiệu hư hỏng: Không chọn những củ có vỏ nhăn nheo, bầm tím hoặc có vết thâm, đây là những dấu hiệu cho thấy củ đã bị hỏng hoặc mất chất lượng.

Cách bảo quản củ đậu:

  • Bảo quản củ đậu chưa gọt vỏ: Đặt củ đậu chưa gọt vỏ vào túi nhựa và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Củ đậu có thể để được tối đa hai tuần nếu bảo quản đúng cách.
  • Bảo quản củ đậu sau khi gọt vỏ: Sau khi gọt vỏ, nên đậy kín củ đậu đã cắt trong hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh. Củ đậu đã bóc vỏ có thể để được tối đa ba ngày.

Cách lựa chọn củ đậu

Nên chọn củ đậu có vỏ mụn, chắc tay và khô ráo

Lưu ý khi ăn củ đậu

Ngoài việc nắm rõ “Những ai không nên ăn củ đậu?”, dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi ăn củ đậu, đảm bảo an toàn và hiệu quả:

  • Không ăn lá và hạt củ đậu: Lá và hạt của củ đậu chứa chất độc rotenon và tephrosin, có thể gây ngộ độc khi ăn phải. Triệu chứng ngộ độc bao gồm co giật, đau bụng, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp. Do đó, tuyệt đối không ăn hoặc sử dụng hai bộ phận này.
  • Không ăn củ đậu thay cơm khi giảm cân: Mặc dù củ đậu có ít calo, có thể hỗ trợ giảm cân, nhưng không thể thay thế bữa ăn chính. Củ đậu không cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết như protein, chất béo và nhiều vitamin quan trọng khác. Nếu ăn củ đậu thay cơm trong thời gian dài, bạn có thể bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến mệt mỏi và suy giảm sức khỏe.
  • Không ăn quá nhiều củ đậu: Củ đậu chứa nhiều nước, khi ăn nhiều sẽ làm giãn rộng dạ dày, gây cảm giác căng phồng và khó chịu. Điều này có thể dẫn đến tăng tiết dịch vị dạ dày, làm nặng thêm các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, đặc biệt đối với người có vấn đề về dạ dày như viêm loét.
  • Không nên ăn củ đậu khi đói: Do củ đậu có hàm lượng nước cao, ăn khi đói có thể gây cảm giác no ảo, nhưng sau đó nhanh chóng tăng cảm giác đói, dẫn đến việc ăn quá nhiều và ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết của Emdep.vn, các bạn đã tìm được lời đáp cho câu hỏi “Những ai không nên ăn củ đậu?” đồng thời có thêm những thông tin hữu ích về tác dụng của củ đậu và những điều cần lưu ý khi ăn đậu, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Minh LT (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


07 loại trà rất tốt để uống vào buổi sáng