Lợi ích sức khỏe của sò điệp và nguy cơ dị ứng cần biết
Tin liên quan
Giá trị dinh dưỡng của sò điệp
Sò điệp là động vật thân mềm và cũng nằm trong danh sách những loại hải sản phổ biến và được ưa thích. Sò điệp giàu protein nhưng ít chất béo, đồng thời chứa nhiều vitamin và khoáng chất như selen, đồng, kẽm và vitamin B12.
Lợi ích sức khỏe của sò điệp đầu tiên phải kể đến thành phần dinh dưỡng khá đa dạng. Theo ước tính, 100g thịt sò điệp luộc có chứa khoảng 137 calo, bên cạnh đó là một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như:
- Chất béo: 1 g
- Carbohydrate: 6,3 g
- Chất đạm: 24 g
- Natri: 660 mg
- Magie: 44 mg
- Kẽm: 1,8 mg
- Selen: 25,5 mcg
- Choline: 129,4 mg
- Vitamin B12: 2,5 mcg
Ăn sò điệp đúng cách có lợi gì?
Duy trì sức khỏe hệ tim mạch
Sò điệp khi được tiêu thụ nguyên chất, tức là hạn chế bổ sung quá nhiều gia vị sẽ trở thành nguồn cung cấp protein lý tưởng cho cơ thể của bạn. Ngoài ra, hàm lượng chất béo bão hòa trong loài hải sản này rất ít, thích hợp để thay thế nhiều loại mỡ động vật.
Lợi ích của sò điệp còn thể hiện ở chỗ bổ sung chất béo không bão hòa đa, trong đó có axit béo Omega-3 tốt cho tim mạch. Vì vậy, bạn có thể thêm món sò điệp vào khẩu phần ăn uống để thay đổi khẩu vị, tăng cường sự khỏe mạnh của trái tim.
Khá phù hợp với cả bà bầu
Phụ nữ mang thai cần nhiều dinh dưỡng hơn và nhiều người thường thèm ăn thèm uống một cách kỳ lạ. Sò điệp được xem là lựa chọn tương đối an toàn cho mẹ bầu vì nó chứa ít thủy ngân hơn, hạn chế rủi ro trong thai kỳ.
Bạn có thể ăn sò điệp kết hợp luân phiên với nhiều hải sản khác như tôm, cá hồi, cá bơn… để bổ sung và cân bằng dinh dưỡng. Tuy nhiên, lời khuyên cho bạn là tốt nhất hãy hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa để được hướng dẫn ăn hải sản an toàn, khỏe mạnh.
Cải thiện và phòng ngừa nhiều bệnh tật liên quan đến lối sống
Tiêu thụ hợp lý có thể tận dụng được lợi ích sức khỏe của sò điệp. Loài hải sản này có chứa taurine, một loại axit amin có vai trò quan trọng, nó tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể như điều chỉnh canxi, sản xuất axit mật, ổn định màng và chức năng hệ miễn dịch…
Taurine trong hải sản được cho là cao hơn có trong thịt. Bổ sung đầy đủ taurine cần thiết có tác dụng cân bằng huyết áp, giảm cholesterol xấu, chống viêm, hạn chế nhiều bệnh tật mãn tính như bệnh tim, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh tuyến giáp…
Giúp xương chắc khỏe
Sò điệp còn là nguồn cung cấp protein, canxi, magie và selen… đều là dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe của xương khớp. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ protein nạc và canxi có thể giảm đáng kể nguy cơ loãng xương gây viêm, nứt gãy xương.
Hỗ trợ giảm cân
Sò điệp giàu protein nhưng ít chất béo, thật sự là thực phẩm phù hợp với người đang ăn kiêng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, tiêu thụ hải sản còn giảm nguy cơ kháng insulin sau khi nhịn ăn hoặc sau khi ăn no.
Nguy cơ dị ứng và những điều cần lưu ý khi ăn sò điệp
Dị ứng với động vật có vỏ khá phổ biến, đặc biệt là ở người lớn. Nếu bạn có thể chất đặc thù thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn hải sản như sò điệp, tôm, cua và các loài động vật thân mềm.
Khi ăn hải sản bên ngoài hãy thận trọng hơn vì có thể quá trình bảo quản, sơ chế và chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn sẽ dễ có nguy cơ dị ứng hơn với các triệu chứng nôn mửa, đau bụng, khó thở, cảm giác nghẹt ở cổ, chóng mặt, nổi mề đay…
Sò điệp cũng chứa hàm lượng natri khá cao. Nếu bạn chế biến tại nhà, hãy hạn chế cho thêm muối và các loại gia vị khác, đảm bảo ăn sò điệp càng nguyên chất càng hấp thu được nhiều dinh dưỡng và hạn chế tác dụng phụ.
Sò điệp cần được nấu chín kỹ, thông thường cần nhiệt độ khoảng 145oF. Khi chọn mua sò điệp sống, bạn nên tránh mua những con sò điệp đã có mùi ôi chua, tanh hoặc mùi amoniac.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về lợi ích sức khỏe của sò điệp, đem lại những món ăn ngon và bổ dưỡng cho cả gia đình.
Thiên Khuê (Theo Fit)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất