Lợi ích của quả thanh long và triệu chứng dị ứng cần quan tâm
Tin liên quan
Giá trị dinh dưỡng của trái thanh long
Thanh long có thể nói là loại trái cây quen thuộc, dễ tìm và cũng có hương vị ngọt mát đặc trưng. Thông thường, thanh long có thể chia thành 3 loại phổ biến, bao gồm: Vỏ đỏ - thịt trắng, vỏ hồng sáng - thịt hồng đậm và vỏ vàng - thịt trắng.
Lợi ích của quả thanh long là chứa ít calo nhưng đa dạng thành phần dinh dưỡng. Ăn thanh long đúng cách có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng miễn dịch, tiêu hóa tốt và làm đẹp da. Giá trị dinh dưỡng của thanh long theo ước tính với khối lượng 100g như sau:
- Năng lượng: 60 calo
- Protein: 1,18g
- Carbohydrate: 12,9g
- Chất xơ: 2,9g
- Đường: 7,65g
- Canxi: 18mg
- Sắt: 0,74mg
- Magie: 40mg
- Vitamin C: 2,5mg
- Riboflavin (B2): 0,1mg
- Niacin (B3): 0,353mg
- Vitamin A: 59 IU (đơn vị quốc tế)
Ăn thanh long có lợi gì?
Nâng cao hệ thống miễn dịch
Thanh long có chứa khá nhiều vitamin C, flavonoid và chất chống oxy hóa, đồng thời còn có nguyên tố vi lượng như canxi và phốt pho. Các chất này đều cần thiết và thúc đẩy tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, tái tạo tế bào bạch cầu và chống các tổn hại.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Những hạt thanh long nhỏ bé nhưng chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Thành phần omega-3 và các axit béo lành mạnh khác trong hạt thanh long có tác dụng nâng cao sự khỏe mạnh của tim mạch, giảm cholesterol và nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ.
Thúc đẩy tiêu hóa
Lợi ích của quả thanh long còn ở chỗ giàu chất xơ. Chúng hoạt động như prebiotic, tăng cường sự phát triển của lợi khuẩn, hỗ trợ chức năng tiêu hóa cũng như hiệu quả hấp thu dinh dưỡng.
Ổn định đường huyết
Chất xơ dồi dào trong trái thanh long cũng tăng cảm giác mau no, giúp no lâu, duy trì cân nặng ổn định và cân bằng lượng đường trong máu. Đây cũng là một lợi thế mà người bị tiểu đường tuýp II có thể đưa thanh long vào khẩu phần ăn của mình.
Giảm nguy cơ ung thư
Đặc biệt với loại thanh long đỏ có chứa Lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh, có hiệu quả giảm tác hại của các gốc tự do xấu, giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh ung thư, nhất là ung thư vú ở nữ giới.
Kháng viêm
Các chất chống oxy hóa có trong thanh long cũng giúp giảm sưng phù, kháng viêm tự nhiên. Người bị đau xương khớp có thể bổ sung thanh long trong chế độ ăn uống để cải thiện bệnh.
Nuôi dưỡng làn da
Không chỉ tốt cho sức khỏe mà ăn thanh long hợp lý còn làm chậm quá trình lão hóa, giảm bớt mụn, nếp nhăn, giúp bạn có làn da tươi trẻ, sáng mịn. Thậm chí, một số chị em còn dùng những lát thanh long để làm mặt nạ dưỡng da.
Triệu chứng dị ứng có thể xảy ra khi ăn thanh long và một số điều cần lưu ý
Mặc dù trường hợp dị ứng thanh long là rất hiếm nhưng nếu bạn xuất hiện những triệu chứng như sưng lưỡi, phát ban, nôn, khó nuốt, chóng mặt, mạch yếu, sốc phản vệ… thì nên dừng ăn, thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ xử lý.
Thanh long đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều, bạn có thể gặp tác dụng phụ như đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy, tụt huyết áp, ảnh hưởng chức năng của thuốc trị tiểu đường… Vì vậy, hãy đảm bảo bạn ăn uống cân bằng và đa dạng.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích của quả thanh long, đồng thời hạn chế được tác dụng phụ khi tiêu thụ loại trái cây này.
Thiên Khuê (Theo Health)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất