Phòng cúm A (H7N9): Khi mổ gà tuyệt đối tránh thói quen này để đảm bảo an toàn

2017-02-25 15:00
- Nhiều người mổ gà không có găng tay hay khẩu trang, sau khi làm xong không rửa kỹ tay hay dụng cụ thớt, dao là những thói quen không tốt cho sức khỏe.

Nhiều người vẫn chủ quan

Dù Bộ Y tế đã ra cảnh báo dịch cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ lây lan sang Việt Nam do gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc nhưng không ít người vẫn tỏ ra chủ quan. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ gây bệnh ở người giết mổ do tiếp xúc trực tiếp.

Theo khảo sát của tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội thì hoạt động giết mổ gia cầm để bán hiện nay vẫn diễn ra bình thường. Không chỉ người mua tỏ bàng quan mà ngay cả người bán cũng không mấy quan tâm.

Nếu có vết thương hở người mổ gia cầm hãy cẩn trọng

Người mổ gà có nguy cơ nhiễm vi rút cao.

Khi được hỏi có biết về virus cúm A (H7N9) hay nguy cơ mắc bệnh do trực tiếp giết mổ gia cầm hay không? Anh Nguyễn Văn H. (Quê Nam Định) - chủ cửa hàng bán gia cầm tại chợ Văn Trì, Hà Nội cho hay: "Gà nhà tôi toàn gà sạch mua ở quê, đến từng nhà bắt tại chuồng làm sao bị được. Nguồn cung rõ ràng có phải gà nhập lậu ở đâu mà sợ lây bệnh. Khi chọn mua gà, tôi cũng chỉ mua những con khỏe. Nhà nào có gà mắc bệnh tôi sẽ không mua”.

Anh H. nói thêm, nhà anh đã làm nghề bán gà được hơn 10 năm. Trong đợt dịch cúm H5N1 xảy ra cách đây không lâu, nhà anh vẫn có người mua  gà.

Chị Lê Thị L. bán gà tại chợ Triều Khúc, Hà Nội cho rằng, dịch cúm gia cầm mới xảy ra tại Trung Quốc nên chị và chồng không lo lắng mấy.

Khi phóng viên hỏi chị có đeo khẩu trang hay găng tay khi làm gà, chị L. cho biết: "Tôi không đeo. Vì đeo găng tay vào làm chậm lắm.

Chú ý khi mổ gà hay ăn trứng, thịt gà

Theo cảnh báo của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) mối nguy lớn nhất của dịch cúm gia cầm chính là tâm lý chủ quan của người dân.

“Người trực tiếp tiếp xúc, giết mổ gia cầm thường có nguy cơ nhiễm vi rút cao nhất. Nhưng không phải người giết mổ gia cầm nào cũng biết được điều đó”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.

Vi rút cúm gia cầm có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hay qua dịch tiết từ gà mà người mua, người bán hay giết mổ không để ý.

Vi rút cúm từ gia cầm cũng có thể xâm nhập qua đường miệng (ăn, uống). Người mổ gia cầm sau khi mổ không rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn mà dùng tay ăn, uống có thể đưa vi rút vào miệng.

“Tôi đi chợ quan sát thấy người mổ gà hầu hết đều không đeo găng tay hay có bất cứ thiết bị bảo vệ nào. Có trường hợp đang mổ gà cho khách vẫn dùng tay gãi ngứa ở mặt, đầu. Hay có người vừa mới đưa gà xong cho khách xong đã dùng tay vơ bỏng cho vào miệng ăn ngon lành”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm vi rút từ gia cầm, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, chỉ mổ gà khi đã được kiểm dịch. Với người mổ gia cầm tại nhà phải đảm bảo gà còn khỏe mạnh. Khi mổ gà phải chú ý đeo găng tay, khẩu trang. Sau khi mổ gà xong phải rửa sạch dao, thớt  và chỗ làm gà, rửa tay sạch bằng xà phòng.

“Thịt gia cầm cần phải nấu chín trước khi ăn. Với trứng gà, trứng vịt không nên ăn sống hay ăn khi còn lòng đào. Tuyệt đối không làm thịt gà hay bán gà chết để phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, không chỉ có gia cầm mà ngay cả các loài gia súc khi bị mắc bệnh người dân cũng không nên tiếc thịt ăn. Tuy bệnh của gia súc ít truyền sang cho người, nhưng trong hợp gia súc nhiễm vi rút con người ăn vào có thể gây bệnh cho người.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Việt Hương đáp trả gắt khi bị anti-fan chửi rủa liên quan đến cái chết Phi Nhung