Người mẹ không tin nổi kết quả từ bác sĩ sau một thời gian con dùng iPad, tivi như cơm bữa

2018-01-11 08:07
- Để trẻ chơi các thiết bị công nghệ kéo dài có thể ảnh hưởng đến đôi mắt.

Việc cho con dùng iPad, điện thoại, xem tivi sớm và kéo dài có thể tiềm ẩn nhiều hệ lụy đặc biệt với đôi mắt. Chị Sang (Hà Nội) đã có thời gian dài cho con chơi iPad, điện thoại và xem tivi. Chỉ đến khi nhận được kết quả kiểm tra mắt của con, chị mới hốt hoảng.

Người mẹ tá hỏa

Trao đổi với PV Emđẹp, chị Sang cho hay bản thân chị không ngờ con bị loạn thị nặng như vậy. Trước đây, con chị có dùng iPad, điện thoại... quá trình thời gian sử dụng kéo dài, thiếu sự chú ý của bố mẹ đã dẫn đến điều không mong muốn.

Chị Sang còn nhớ khi biết tin nhà trường kiểm tra mắt cho con, bản thân khá lo lắng, bởi trước đây con trai lớn thường hay xem tivi, iPad và điện thoại. Sau đó 3 ngày, kết quả nhận được khiến chị điếng người. "Tôi không nghĩ con bị loạn thị nặng như vậy và gần như không tin. Trước đó, cháu không hề có dấu hiệu gì, mắt chỉ nháy 1-2 cái mà thôi. Vì không có dấu hiệu gì nặng nên bản thân vợ chồng tôi cũng chưa mấy để ý", chị Sang cho hay.

Kết quả xác nhận bị bệnh về mắt của con chị Sang.

Theo chị Sang, một phần gia đình cũng chưa chú ý đến mắt của con là do cảm nhận mắt của bé vẫn bình thường, không có dấu hiệu của cận thị hay loạn thị. Thậm chí, sau khi nhận được kết quả từ nhà trường, chị Sang đã đưa con đi khám một lần nữa cho chắc chắn.

"Kết quả kiểm tra ở Bệnh viện Mắt Trung ương cũng trùng với kết quả khám ở trường. Do xem iPad, tivi nhiều nên mắt của bé không điều tiết được, dẫn đến tăng độ nhanh. Hiện tại, cháu đang được nhỏ thuốc và uống thuốc bổ mắt, hẹn khám lại sau 5 ngày nữa", chị Sang nói.

Khi biết con bị loạn thị, chị Sang và gia đình hết sức bất ngờ và hối hận. Chị Sang cho hay giá như bản thân kiểm soát thời gian xem tivi và dùng iPad của con nhiều hơn sẽ không dẫn đến điều này.

Theo chị Sang, khi mới 2 tuổi, con trai lớn của chị biết đến iPad và bắt đầu chơi cùng thiết bị này. Ngoài ra, khi chị Sang sinh bé thứ 2, không có thời gian chơi và giám sát con nên con trai lớn chủ yếu tự chơi một mình. Mỗi khi muốn con nghe lời và ngoan ngoãn, chị Sang đành phải chọn iPad để con bớt quấy hay chịu uống thuốc.

"Sai lầm của tôi là đưa iPad cho con chơi khi con lười ăn, còi cọc", chị Sang nhớ lại. Bên cạnh đó, giờ đây, người mẹ này nhận ra, khi cho con dùng iPad là cách sai lầm. Bởi lúc đó, con chỉ tập trung vào iPad và xem trên màn hình, không tập trung khi ăn. Thậm chí, bé cố gắng ăn rất nhanh nên không nhai kỹ hoặc không thưởng thức hết hương vị của bữa ăn.

"Dù biết không tốt nhưng tâm lý của người làm mẹ khi con không ăn thường tỏ ra rất lo lắng. Cho nên, đành phải cho con xem iPad để bé có thể tập trung", người mẹ này cho hay.

Đặc biệt trong thời gian chị Sang sinh bé thứ hai, nhìn cảnh con chơi một mình, không có ai chơi cùng, chị đã đồng ý cho con dùng iPad. Theo thói quen, sau này, mỗi khi có việc bận, chị đành cho con xem iPad để đỡ mè nheo. "Gần như đây là tâm lý của các bà mẹ, khi nhà neo người, muốn con đi ngủ hay chơi ngoan thường dùng cách này", chị Sang tâm sự.

Giá như...

Thực tế hiện nay cho thấy nhiều gia đình mỗi khi đi ăn ở nhà hàng cũng tận dụng iPad để con có thể chơi, giúp bố mẹ và gia đình có thể thoải mái ăn uống mà không bị mè nheo hay quấy khóc. "Tôi chứng kiến nhiều trẻ đang xem iPad mà bố mẹ bắt buộc cất đi để ăn uống là gào khóc, ăn vạ. Con tôi có lúc cũng vậy, không được dùng iPad sẽ khóc lóc, hò hét, đến bao giờ được dùng điện thoại, iPad mới thôi. Vì phải lo cơm nước cho gia đình nên tôi lại đưa cho con chơi", chị nói.

Ngoài việc cho con dùng điện thoại, iPad từ khi còn nhỏ, chị Sang cũng cho rằng bản thân cũng thiếu quan tâm đến khoảng cách giữa các thiết bị này với mắt con. Nguyên nhân do tay bé ngắn nên cầm các thiết bị rất gần. Với người lớn, nhìn lâu như vậy sẽ cảm thấy mỏi. Các bé có mắt còn yếu, không điều tiết mắt dễ bị ảnh hưởng lâu dài.

"Một thời gian sau, tôi nghiêm khắc hơn. Mỗi ngày tôi chỉ cho bé dùng một tiếng iPad và điện thoại. Tuy nhiên, lúc đó, mắt của bé đã bắt đầu kém. Giá như tôi đưa con đi khám sớm hơn", chị Sang nói.

Biểu hiện ban đầu của bé là dụi mắt, hay nháy mắt và nheo mắt nhiều. Chị Sang mong muốn các bậc phụ huynh chú ý con nhiều hơn, nếu có các biểu hiện trên phải đi khám ngay.

Từ lúc phát hiện con bị loạn thị, chị Sang đã bắt đầu nói chuyện, chơi với con nhiều hơn. Bên cạnh đó, chị mua các đồ chơi thông minh, đồ chơi mang tính khám phá. Đặc biệt chị Sang chú ý mua các đồ chơi mà con thích như siêu nhân, người nhện.

"Ngày đầu tiên khi không cho con dùng điện thoại, iPad, tôi nghiêm nghị và nhẹ nhàng. Còn sau đó, tôi tắt cả Wifi và tivi, rút toàn bộ pin điều khiển", chị Sang chia sẻ.

Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ hỏi ý kiến bác sĩ về trường hợp mắt loạn thị của con chị Sang và liệu có thể phục hồi bằng cách luyện tập hay không.

Ngọc Ánh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Địch Lệ Nhiệt Ba - Dương Dương tái xuất với bộ phim lãng mạn khiến fan phấn khích