Lỗi sai cực nguy hiểm khi bố mẹ bảo quản hóa chất tại nhà có thể khiến con nhập viện trong tích tắc

2017-04-20 18:00
- Việc bố mẹ không chú ý bảo quản hóa chất cẩn thận rất có thể khiến bé ăn, uống nhầm dẫn đến ngộ độc.

Mới đây, cháu bé Nguyễn Văn Mạnh (Hòa Bình) đã phải nhập viện trong tình trạng bỏng loét miệng. Theo lời phía gia đình, trong khi đang chơi cùng anh trai, cháu thấy có một gói bột hóa chất màu trắng nên tưởng là đường mới cho lên miệng ăn. Nhưng thực chất đây là hỗn hợp bazo. Sau sự việc, cháu bé được đưa vào bệnh viện khẩn cấp.

Những vụ việc trẻ ăn uống nhầm hóa chất, xăng không phải là mới. Tuy nhiên gần như năm nào cũng xảy ra trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình. Thông thường vấn đề này xuất phát từ thói quen chủ quan của phụ huynh. Nhiều bố mẹ dùng các chai nước, gói kẹo đựng hóa chất. Trong khi trẻ không phân biệt được mới dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

uống nhầm hóa chất

Chị Nga (Hà Đông, Hà Nội) kể, gia đình chị thường dùng thuốc tẩy để tẩy vết bẩn. Có lần chị không có chai đựng nên dùng chai nước khoáng để trữ thuốc tẩy dùng cho lần sau. Mặc dù chị Nga đã để ở góc kín của nhà tắm nhưng vẫn không yên tâm. Khi con gái chị đi học về, cầm chai nước ra xem và định uống thì chị bất ngờ ngăn lại.

"Tôi hốt hoảng, chỉ chậm vài giây là con tôi đã uống cả lọ thuốc tẩy vào người. Từ đó tôi không dám để thuốc tẩy trong chai nước khoáng nữa và cất ở tủ cao tránh tầm với của con. Nhiều khi phụ huynh đều nghĩ đơn giản là bản thân biết nhưng trẻ đâu có nhận diện được. Kể cả những đồ dao kéo hay các vật nhỏ như đinh ốc, tôi cũng không để ở bàn hay tủ mà để ở trong các hộp kỹ thuật chuyên dụng hoặc hộp có khóa nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc", chị Nga cho hay.

Phòng tránh trẻ ăn, uống nhầm hóa chất

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Nghĩa (Kỹ sư Hóa chất) cho hay, trẻ uống nhầm hóa chất do thói quen thờ ơ và không cẩn thận của bố mẹ. Bản thân bố mẹ không trách móc bé đã làm sai. "Phụ huynh thường mắc các lỗi như để hóa chất ở nơi trẻ có thể với tới, để hóa chất trong các túi kẹo hay các chai nước ngọt và nước khoáng, để hóa chất trong nhà nhưng không có cảnh báo và không có dây buộc nên trẻ dễ dàng lấy được", anh Nghĩa nói.

Theo anh Nghĩa, phụ huynh nếu có hóa chất trong nhà phải lưu ý bảo quản cẩn thận. Trong đó, tuyệt đối không đựng trong các chai, lọ quen thuộc như chai nước ngọt, nước khoáng do trẻ hoặc người lớn bị nhầm lẫn và uống ngay.

Các lọ hóa chất tuyệt đối không để trong tầm với trẻ em như bàn, tủ thấp mà phải để ở tủ cao, có khóa cẩn thận. "Phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ cẩn thận, và cách nhận dạng lọ hóa chất nhằm cảnh báo trước. Bởi vì nhiều trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất là do trẻ đi học về cầm lên và không biết nên uống, ăn ngay", anh Nghĩa cho biết.

Cũng theo anh Nghĩa, việc trữ hóa chất phải bọc trong túi, lọ kín và có dây buộc. Nhiều người sơ hở nên để trần bên ngoài, có thể tác động lên da và cơ thể hoặc trẻ thấy lạ mắt nên ăn ngay.

"Nhắc nhở trẻ khi thấy hoặc nhặt bất cứ gói, lọ có chất lạ tuyệt đối không ăn và cũng không nên ngửi, chạm vào rất dễ bị nhiễm độc", anh Nghĩa nhấn mạnh. Nếu cẩn thận hơn, phụ huynh cần dán nhãn bên ngoài túi, lọ để cảnh báo tên hóa chất độc hại, thêm các hình nguy hiểm để cảnh báo cao hơn.

"Nếu phải dùng hóa chất để tẩy rửa, phụ huynh có thể chọn các loại gần gũi thiên nhiên hoặc làm từ các loại củ, quả để tránh được độc hại", kỹ sư khuyên.

Khi có trẻ bị uống, ăn nhầm hóa chất cần lưu ý:

- Xác định trẻ ăn hay uống phải hóa chất gì để sau này còn báo cáo với bác sĩ

- Nếu ăn uống phải hóa chất ăn mòn thì cần cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng hoặc lau rửa miệng.

- Lau rửa cần cẩn thận tránh gây hóa chất làm tổn thương sâu hơn. Sau đó đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

 Đông Phong

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Không nhất thiết quên đi người yêu cũ, nhưng bạn phải tiếp bước