Không chỉ người già, đây là bệnh mà người trẻ mắc ngày càng nhiều

2016-12-29 06:50
- Không chỉ ở những người cao tuổi hay những phụ nữ 40 - 45 tuổi mới bị loãng xương, mà chính người trẻ ở độ tuổi 25 đến 30 cũng có thể mắc căn bệnh này.

Bệnh loãng xương còn được gọi là bệnh thưa xương, xốp xương. Nhiều người cho rằng đây là một bệnh lý của tuổi già bởi bệnh có liên quan nhiều đến vấn đề tuổi tác.

Tuy nhiên, ngày nay độ tuổi mắc căn bệnh này càng ngày càng trẻ hóa. Không chỉ ở những người cao tuổi hay những phụ nữ 40 - 45 tuổi mới bị loãng xương, mà nhiều người người trẻ trong độ tuổi 25 đến 30 cũng có thể mắc căn bệnh này. 

Loãng xương đang có dấu hiệu "trẻ hóa"

Chị Nguyễn Thị Lý (Hà Nội) năm nay mới chỉ 25 tuổi nhưng đã phát hiện mắc căn bệnh loãng xương hơn 1 năm nay. Năm lên 8 tuổi, chị Lý bị viêm cơ chân nên chân khá yếu, hay đau nhức và bị chuột rút ở bắp chân. Tình trạng trên xảy ra được vài năm, chị được gia đình đưa đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán cơ thể bị thiếu hụt một lượng lớn canxi cần bổ sung.

Đến năm 2015, chị Lý đi khám sức khỏe tổng thể và phát hiện bản thân bị loãng xương. Nhưng may mắn chỉ số loãng xương thấp nên không xảy ra những vấn đề nghiêm trọng khác. 

"Bác sĩ khuyên không nên dùng thuốc vì chỉ số loãng xương thấp, nhưng phải tăng khẩu phần ăn các loại thịt tôm, cua, ốc và tập thể dục để cải thiện. Hiện giờ tôi đã ít bị chuột rút hơn, thi thoảng vẫn nhức chân nhưng không dai dẳng như trước" - chị Lý chia sẻ.

Không còn là bệnh của người già, bệnh loãng xương đang dần trẻ hóa

Hiện nay, số lượng người trẻ tuổi bị loãng xương đang có dấu hiệu gia tăng

Theo bác sĩ Thanh Thủy - chuyên khoa Cơ - Xương khớp (BV Bạch Mai) cho biết: "Khi tuổi còn trẻ, đặc biệt là giai đoạn dậy thì, xương phát triển rất mạnh để tăng chiều cao. Nhưng khi đến ngưỡng nhất định, thường là 20 đến 23 tuổi sẽ chững lại, quá trình tạo xương sẽ giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra. Xương sẽ phải tái tạo liên tục để cân bằng. Tuy nhiên, trong nhiều năm lao động, cơ thể không được bổ sung đủ canxi khiến quá trình hủy xương diễn ra nhanh và mạnh hơn quá trình tái tạo dẫn đến tỷ trọng các khoáng chất của xương tụt nhanh, làm xương giòn, yếu, dễ gãy. Bệnh loãng xương trước đây thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay đang có dấu hiệu "trẻ hóa".

Có 3 nguyên nhân chính khiến người trẻ bị loãng xương là nồng độ estrogen thấp, ăn uống không đủ chất hoặc do sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh.

Đối với bất cứ ai, khi nồng độ estrogen trong cơ thể thấp sẽ xảy ra tình trạng loãng xương, vì đây là chất có tác dụng bảo vệ xương. Khi nồng độ estrogen giảm đi sẽ khiến xương bị suy yếu. Đối với những người lớn tuổi, việc sụt giảm estrogen không có gì khó hiểu. Còn ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, việc nồng độ estrogen giảm có thể do bệnh di truyền, chu kỳ kinh nguyệt không đều...

Nếu những bạn trẻ chủ quan với tình hình sức khỏe mà không ăn uống đầy đủ sẽ tăng nguy cơ bị bệnh loãng xương sớm.

"Khi chế độ ăn uống thiếu hụt canxi, cơ thể sẽ tác động lên xương để lấy đủ lượng canxi cần thiết, khiến một lượng xương bị thiếu hụt. Ngoài ra, chế độ ăn uống không có đủ lượng vitamin D cũng sẽ khiến cơ thể không hấp thụ được canxi. Đây chính là nguyên nhân dễ thấy nhất đối với những người trẻ bị loãng xương, bởi chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu chất" - bác sĩ Thanh Thủy cho hay.

Không còn là bệnh của người già, bệnh loãng xương đang dần trẻ hóa

Ngoài ra, một số người trẻ tuổi bị mắc các bệnh như rối loạn tuyến giáp, tiểu đường, điều trị bệnh tim phải dùng một số loại thuốc đặc trị trong thời gian dài cũng có thể khiến mật độ xương bị giảm sút hoặc làm giảm sự hấp thụ canxi của cơ thể.

Làm thế nào để người trẻ đối phó với loãng xương?

Đối với người trẻ tuổi, bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu sẽ không có những dấu hiệu rõ rệt, thường là những triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh khác như mỏi xương và khớp, tê ngứa. Khi mật độ xương giảm nhiều hơn, các triệu chứng sẽ ngày càng rõ rệt.

Bác sĩ Thanh Thủy cho biết: "Khi bị loãng xương, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở các vùng như hông, lưng, đầu gối, cổ tay do phải chịu nhiều lực từ cơ thể. Những người trẻ bị loãng xương còn có hiện tượng đau nhức đầu xương, mỏi ở dọc các xương, đau nặng hơn khi về đêm và khi trời thay đổi nhiệt độ đột ngột. Cơn đau đặc biệt khó chịu khi người bệnh thay đổi tư thế, gây khó khăn khi quay lưng, cúi hay ngả người. Nếu không phát hiện sớm và chữa trị, những người trẻ cũng có khả năng bị biến dạng cột sống, lún đốt sống dẫn tới gù lưng. Nguy hiểm hơn là gãy xương tự nhiên khi về già".

Để phòng ngừa bệnh loãng xương, người trẻ tuổi cần phải có thói quen sinh hoạt lành mạnh, điều độ, thường xuyên tập thể dục và có chế độ dinh dưỡng thích hợp. Mỗi bữa ăn nên tăng thêm khẩu phần giàu canxi như sữa, tôm, cua, tép, ốc, trứng, rau dền, rau đay, mùng tơi, đậu nành, vừng... Thường xuyên tắm nắng để cơ thể được tổng hợp vitamin D.

Ngoài ra, nên tránh xa các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu vì có thể tăng quá trình bài tiết canxi của cơ thể. 

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đừng bao giờ tự tin về vị trí của mình trong trái tim ai đó