Lacroix – Hoài niệm về nghệ thuật trên vải vóc
2015-03-16 13:17
- Đẹp như mộng tưởng, những thiết kế cuối cùng của Lacroix chỉ càng làm nỗi tiếc nuối thêm cay đắng.
Tin liên quan
Không như những cái tên quen thuộc như Chanel, Louis Vutton hay Christian Dior, thương hiệu Lacroix là một cái tên chỉ có trong trí nhớ của những tín đồ nghiên cứu chuyên sâu về thời trang cao cấp. Bạn sẽ không còn nhìn thấy những thiết kế của Lacroix trong những Tuần lễ thời trang những năm gần đây, những Lacroix lại là một trong những thương hiệu để lại tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong ngành thời trang may đo cao cấp Haute couture trên thế giới, và là một trong những biểu tượng đầy tự hào của nghệ thuật may mặc nước Pháp.
Một thiết kế cao cấp của Lacroix mùa Xuân Hè 2008.
Lacroix là sản phẩm của nhà thiết kế (NTK) Christian Lacroix, sinh năm 1951 tại Arles, Pháp. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề cơ khí, kỹ thuật, nhưng Lacroix lại may mắn có một người cha và bà nội có sở thích về thời trang. Thế nên khi trưởng thành, ông được theo học ở 3 ngôi trường danh tiếng về nghệ thuật, đồng thời được bồi đắp bởi sở thích về phim ảnh và các ngành nghệ thuật khác. Sau khi tốt nghiệp, Lacroix bắt đầu làm việc trong ngành thời trang với tư cách là một NTK giày dép, đồng thời thiết kế phụ kiện cho hãng Hermes, đồng thời làm trợ lý thiết kế cho Guy Paulin.
Chân dung NTK Christian Lacroix.
Đến năm 1981, Lacroix gia nhập công ty Jean Patou – một thương hiệu chưa mấy nổi tiếng vào thời kỳ đó. Chính sự gia nhập của ông đã giúp nâng cao doanh số lên gấp 3 lần và biến công ty trở thành một thương hiệu vững mạnh.
Một mẫu đồ của Lacroix thập niên 80 của thế kỷ trước.
Chỉ 5 năm sau, Lacroix đã được nhận giải thưởng “De d'or” cao quý do hiệp hội thời trang cao cấp Paris trao tặng. Đến năm 1987, ông tiếp tục được nhận giải NTK nước ngoài xuất sắc nhất do Hiệp hội Thiết kế Thời trang Hoa Kỳ trao tặng.
Lacroix khi làm việc năm 1988.
Đến năm 1987, Lacroix rời công ty Patou để gây dựng nhà mốt của riêng mình. Điều đáng nói, nhà mốt của ông là nhà mốt may đo cao cấp đâu tiên được mở tại Paris trong vòng 20 năm, kể từ 1967. Và trong suốt thời hoàng kim của thập kỷ 80, những thiết kế thời trang may đo cao cấp của ông gây tiếng vang trên toàn thế giới. Các mẫu váy áo của ông đa phần đều được lấy cảm hứng từ những tác phẩm hội họa hiện đại, hoa mỹ và đầy màu sắc.
Lacroix rất nổi tiếng với những thiết kế lấy cảm hứng từ đấu sĩ bò tót và cũng chính là người phát minh ra kiểu váy phồng túm.
Đến năm 1989, Lacroix mới bắt đầu giới thiệu BST thời trang ứng dụng đầu tiên của mình. Cùng với sự phát triển nhiều phân khúc khác, đến năm 1990, thương hiệu Lacroix đã phát triển cả về thời trang cao cấp, thời trang ứng dụng, nước hoa, giày dép, kính râm, túi xách, mũ, trang sức, khăn quàng và thắt lưng. Đến năm 1995, Lacroix lại tung ra dòng sản phẩm mang tên Bazaar, là thời trang ứng dụng mang phong cách trẻ trung, sôi động. Chính dòng sản phẩm này đã mang lại thành công vang dội cho thương hiệu Lacroix.
Ảnh quảng cáo cho BST cao cấp của Lacroix mùa thu năm 1996, có sự tham gia của Naomi Campbell.
Một cảnh trong phim The Absolutely Fabulous năm 1996: các nhân vật nữ chính cùng đi mua sắm đồ của Christian Lacroix.
Đến năm 2002, những thành công lại đến liên tiếp với Lacroix. Trong Tuần lễ thời trang Paris vào tháng 10, thay vì tổ chức một buổi trình diễn chuyên nghiệp, ông chỉ mời bạn bè đến dự một bữa tối thân mật. Tại đây, ông giới thiệu những mẫu đồ jeans mang đặc trưng thiết kế của mình, các sản phẩm từ dòng Bazaar và vài mẫu váy cao cấp cổ điển. Sự hòa trộn của nhiều kiểu sản phẩm trong cùng một buổi trình diễn ngẫu hứng này đã chứng minh tài thiết kế đa dạng mà hiện đại của Lacroix.
Madonna mặc đồ do Lacroix thiết kế trong chuyến lưu diễn năm 2004.
Sự đa tài và đa năng của Lacroix còn được thể hiện trong lĩnh vực thiết kế đồng phục. Mùa xuân năm 2005, những mẫu đồng phục do ông thiết kế cho các tiếp viên hàng không hãng Air France đã trở thành một mẫu trang phục gây sốt đến nỗi các hãng sản xuất búp bê còn cho ra các mẫu búp bê ăn theo kiểu trang phục này. Các quán cafe, bánh ngọt tại Paris cũng trưng bày những mẫu đồng phục này ngoài cửa kính trong nhiều tuần để hưởng ứng và thu hút khách hàng.
Mẫu đồng phục “đẹp như phim” của tiếp viên hàng không và phi công của Air France do Lacroix thiết kế.
Lacroix không phải là cái tên có thế mạnh về truyền thống, uy tín hay chiều dài lịch sử, nhưng Christian Lacroix lại được coi là một trong những NTK đồ cao cấp có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Đặc điểm riêng của Lacroix mà các NTK khác có có thể so bì được chính là khả năng sử dụng màu sắc. Ông được mệnh danh là “Người đàn ông có cây cọ thần”, với khả năng kết hợp những màu sắc nổi bật tuyệt đẹp với nhau. Ông thường thích kết hợp những tông màu tươi sáng nhất, như đỏ, hồng tươi, cam, vàng, xanh dương và xanh lá, đôi khi là dùng tất cả những màu này trên cùng một bộ trang phục. Phong cách màu sắc đặc trưng khó lẫn của của Lacroix được cho là ảnh hưởng bởi khí hậu tươi sáng rực rỡ vùng Province. Về kiểu dáng, đa phần các mẫu thiết kế đều có dạng hình thang và hình kim tự tham, nên mang lại cảm giác dài, rộng, thoải mái, phóng khoáng. Ngoài ra, các thiết kế váy áo thường được may nhiều lớp, với các chi tiết hoa, bèo nhún, ren trên cổ áo và mũ. Và, cũng giống như nhiều nhà may cao cấp khác, Lacroix rất mê mẩn các chi tiết thêu tay, nhưng lại tận dụng các hiệu ứng thêu tay không theo phong cách Pháp mà lại lấy cảm hứng từ trang phục cổ của Tây Ban Nha. Và để tăng thêm độ xa hoa cho trang phục, Lacroix thường thêu cả đá quý, hạt cườm lên các họa tiết của mình. Các chất liệu vải mà ông ưa dùng là len, da, vải tuýt, cotton, nhung, tartan, satin, nhấn mạnh sự nữ tính và kiêu kỳ. Các phụ kiện được sử dụng cũng mang đậm cá tính nghệ sĩ của Lacroix, thường là trang sức bản to, mũ da lộn hoặc da báo, áo choàng chắp vải, mũ trùm đầu, mũ beret thêu, khăn kẻ sọc hoặc khăn quàng có tua rua, thắt lưng nạm đinh, găng tay thêu hoa, bốt ánh kim, và các họa tiết hình thánh giá. Lacroix cũng rất biết cách thích nghi với xu thế hiện đại, sử dụng máy tính và công nghệ cao để ứng dụng các kiểu họa tiết đồ họa, hình khối từ năm 2001.
Mẫu thiết kế cao cấp mùa Thu Đông năm 1988.
Mẫu thiết kế cao cấp mùa Thu Đông năm 1990.
Một trang phục trong BST mùa Xuân năm 2003.
Một thiết kế cao cấp trong BST năm 2004.
Mẫu váy lộng lẫy tới ma mị trong BST cao cấp mùa Thu Đông 2005.
Một trong những BST đáng nhắc đến nhất của Lacroix là BST Thu Đông 2006-2007, lấy cảm hứng từ Thời kỳ Phục hưng. NTK đã kết hợp những chất liệu vải sang trọng, màu sắc và hình thêu cườm – đá quý đặc trưng của thời Phục hưng với những kiểu dáng hiện đại như áo khoác trench coat và váy ngắn, tạo ra một tổng thể thiết kế vô cùng lộng lẫy như phim ảnh. BST này của ông lại càng được tôn lên vẻ cao quý và nghệ thuật khi được trình diễn tại Phòng triển lãm Raphael Gallery – nơi trưng bày những tác phẩm hội họa kinh điển từ thời Phục hưng, tạo ra một bối cảnh lịch sử thú vị và hào hùng cho các bộ trang phục.
Các thiết kế của Christian Lacroix trong BST cao cấp mùa Thu Đông 2006-2007.
BST cuối cùng của Christian Lacroix là BST thời trang cao cấp mùa thu năm 2009, được coi là một màn tổng kết chỉn chu, tinh lọc tất cả những cống hiến của ông dành cho ngành thời trang, là sự tổng hòa nhịp nhàng giữa những ý tưởng lãng mạn, mộng mơ và có phần thị phi nhất với đường nét tinh tế, những kiểu dáng bất hủ với thời gian, thể hiện rõ niềm đam mê với lịch sử và gợi mở ra những khả năng mới cho thế giới đương đại. BST Haute Coutur cuối cùng này cũng là công sức chung, thể hiện sự đoàn kết và thịnh tình của những người có tâm huyết với Lacroix. Với khó khăn về tài chính, Lacroix đã nhận được sự giúp đỡ từ các xưởng may và xưởng giày cho mượn mũ, giày miễn phí, được sử dụng một phòng trưng bày trong bảo tàng Les Arts Décoratifs để trình diễn BST mà không mất phí thuê, trang điểm, làm tóc, âm nhạc đều được hỗ trợ miễn phí, NTK chỉ phải trả một khoản nhỏ cho người mẫu. BST này cũng được thiết kế và cắt may bởi nguồn nhân lực rất hạn chế, không có đông đảo đội ngũ cộng tác viên và thực tập sinh như trước đó, mà chỉ có một mình Lacroix và khoảng 5-6 người trợ lý thân thiết.
Khoác lên mình những thiết kế cầu kỳ, lộng lẫy, nhưng mỗi người mẫu chỉ được trả khoảng 50 Euro tiền thù lao.
Dù những thiết kế có lộng lẫy đến đâu, buổi trình diễn cuối cùng của Lacroix cũng kết thúc trong tiếc nuối. Một biểu ngữ đăng hàng chữ “Mãi mãi Christian Lacroix” được chăng ở buổi trình diễn dường như chỉ làm tăng thêm cảm giác cay đắng cho kết cục không có hậu của NTK tài hoa này. Dù Lacroix chính là người đóng góp quá nhiều cho bức tranh thời trang lộng lẫy của Paris, ông cũng chính là ví dụ điển hình của sự đối lập giữa sáng tạo nghệ thuật và lợi nhuận kinh doanh. Suốt trong 22 năm hoạt động, nhà mốt Lacroix được cho là đã bị lỗ tới khoảng 150 triệu Euro. Các chuyên gia trong ngành đánh giá, Lacroix đã quá chìm đắm trong đam mê nghệ thuật, thích tạo ra những trang phục tiêu tốn cả núi tiền nhưng lại quá khó mặc. Thậm chí, chính bản thân Lacroix cũng đã từng trả lời với tạp chí TIME rằng “thời trang cao cấp chỉ nên làm cho vui, có khi hơi ngớ ngẩn một tí, và thường chẳng dùng để mặc”. Đó chính là lý do khiến cho thương hiệu xa hoa này lâm vào cảnh phá sản, để lại một đội ngũ thợ may lành nghề bỗng trở nên bơ vơ, mất đi sự nghiệp. Lacroix trôi vào hoài niệm, và cũng là bài học lớn nhất cho những tâm hồn nghệ sĩ muốn phát triển những tác phẩm thời trang để đời.
Đẹp như mộng tưởng, những thiết kế cuối cùng của Lacroix chỉ càng làm nỗi tiếc nuối thêm cay đắng.
Eve Nguyễn
Ảnh: Elle, Vogue
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Top 6 cặp cung hoàng đạo không hợp tính, cứ ở bên nhau là chí chóe cãi lộn
#50 sắc thái, diễn viên phim 50 sắc thái, dakota johnson, fashionista, emdep, emdep.vn, thời trang công sở, thời trang xuân hè 2015.
#christian lacroix, haute couture, thoi trang cao cap, thoi trang phap, nghe thuat, pha san, thoi ky phuc hung, chinh tri gia, ngoi sao hollywood