Đặt hàng qua trang web nước ngoài: Từ A đến Z
2014-09-05 15:53
- (Em đẹp) Dù có hay không có thẻ tín dụng, bạn đều có thể chớp lấy thời cơ từ những mùa giảm giá của các hãng thời trang nước ngoài để rinh về những món hàng ưng ý.
Tin liên quan
Bạn "phát điên" vì những dịp giảm giá của những hãng thời trang nước ngoài như Zara, H & M, Forever 21. Dịp Giáng sinh tới, nhưng lại vẫn còn ngần ngại vì không biết phải đặt hàng như thế nào? Hãy đọc kỹ những hướng dẫn tỉ mỉ dưới đây và nhận ra rằng mua hàng giảm giá từ các nước như Anh, Mỹ về Việt Nam cũng không phải là chuyện quá cao siêu nữa nhé.
1. Đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài
Nếu bạn đã có sẵn tài khoản thanh toán quốc tế và muốn tự mình đặt hàng trực tiếp trên các trang web nước ngoài để giảm thiểu các khoản tiền trung gian, hãy chắc chắn rằng mình có vốn ngoại ngữ đủ dùng cho các thao tác, cũng như những mô tả sản phẩm trên các trang web để lựa chọn được chính xác sản phẩm phù hợp với mình.
Bước đầu tiên khi lựa chọn trang web mua hàng, bạn cần phải xác định rõ trang web này có nhận chuyển hàng về Việt Nam hay không. Có rất nhiều website bán hàng chính hãng của nhiều nhãn hàng thời trang không nhận vận chuyển về Việt Nam vì nhiều lý do. Bạn có thể tìm thông tin này trong mục "Shipping" của mỗi trang web và tra cứu danh mục các nước có thể nhận hàng của các hãng.
Trang Asos của Anh có cả dịch vụ chuyển phát thường và chuyển phát nhanh về Việt Nam
Trong trường hợp món đồ bạn yêu thích thuộc về một nhãn hàng không có dịch vụ chuyển hàng về Việt Nam, bạn có thể tìm mua tại các shop trên các trang bán hàng tổng hợp như Ebay, Amazon v.v… Trên các trang này, có nhiều người bán hàng tự do có thể nhận chuyển hàng về Việt Nam. Để đảm bảo độ an toàn, bạn nên lựa chọn các cửa hàng được đánh giá tốt từ 98% hoặc 4/5 sao trở lên.
Khi đã lựa chọn được món đồ và nơi mua đồ, bạn chọn kích cỡ phù hợp với mình. Mỗi hãng có một bảng kích thước riêng, kèm theo hướng dẫn rất cụ thể về số đo của mỗi cỡ, tính theo cả "inch" và "cm". Bạn chỉ cần lựa chọn số đo hợp với mình, hoặc có một cách khá thú vị là bạn ...có thể thử trước sản phẩm đó tại cửa hàng đại lý ở Việt Nam để biết mình mặc cỡ nào.
Sau khi đã chắc chắn về số đo:
- Chọn sản phẩm vào "Trong giỏ hàng" (nút "Add to Cart" hoặc "Add to Bag"). Nếu không cần gấp, bạn có thể cứ để sản phẩm trong giỏ hàng và đợi đến khi chúng được hạ giá tới mức ưng ý.
- Đến khi đã quyết định mua, bạn chuyển sang phần "Thanh toán" (Payment).
Bước đầu tiên, các trang web sẽ yêu cầu thông tin và địa chỉ của người nhận. Một số trang web có thể yêu cầu thông tin và địa chỉ để gửi hóa đơn, bạn có thể dùng chính thông tin người nhận cho phần này. Sau khi điền địa chỉ người nhận, trang web sẽ tính luôn phí vận chuyển cho bạn. Đồng ý với mức phí vận chuyển này, bạn sẽ chuyển sang bước nhập thông tin tài khoản thanh toán.
Bạn lần lượt chọn loại thẻ mình đang sử dụng (lưu ý với thẻ Visa: Bạn phải đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán qua internet với ngân hàng), rồi lần lượt điền số thẻ, tên chủ thẻ, thời gian hết hạn và điền dãy số bảo mật (gồm 3 hoặc 4 chữ số) in ở mặt sau của thẻ. Cuối cùng, bạn nhấn nút "Xác nhận" (Confirm) để hoàn tất việc mua hàng.
Tùy vào từng trang web và từng loại hình chuyển phát mà hàng của bạn sẽ được chuyển về sau một tuần đến một tháng. Thông thường, hàng hóa sẽ không được chuyển đến tận nhà mà sẽ được chuyển về bưu điện khu vực. Phía bưu điện sẽ thông báo (bằng giấy báo hoặc điện thoại) để bạn tới nhận hàng. Với các đơn hàng giá trị dưới khoảng 2 triệu đồng, bạn sẽ không mất thêm phí nhận hàng. Với các đơn hàng lớn hơn, phí nhận hàng ở bưu điện sẽ vào khoảng 100.000 – 300.000 VNĐ.
Trong một số trường hợp, thường là các kiện hàng lớn, hàng có thể bị phía hải quan giữ lại. Cơ quan hải quan sẽ liên hệ với bạn và yêu cầu bạn nộp thuế, tùy trường hợp mức thuế là 5 – 30% giá trị ghi trên nhãn (nghĩa là giá gốc chứ không phải giá đã giảm). Vì vậy, nếu bạn muốn gộp hóa đơn trên 50 – 100 USD để được miễn phí vận chuyển thì có thể lại phải chịu thêm thuế hải quan. Lời khuyên thường được đưa ra cho những người thích tự đặt hàng từ web nước ngoài là đừng nên ham được miễn phí vận chuyển, mà hãy cân nhắc tới việc chia nhỏ đơn hàng ra, như vậy sẽ tránh được các khoản phí bưu điện và phí hải quan.
Một số trang web có chính sách miễn phí đổi trả hàng, tuy nhiên người nhận sẽ phải chịu phí vận chuyển khi gửi trả hàng, Bên cạnh đó, thời gian chờ đợi cũng rất dài. Vì vậy, bạn không nên chủ quan với chính sách này, mà tốt nhất hãy lựa chọn thật kỹ càng trước khi quyết định thanh toán cho các món hàng mình mua từ nước ngoài.
2. Đặt hàng qua dịch vụ trung gian tại Việt Nam
Việc đặt hàng qua các đầu mối trung gian tại Việt Nam không chỉ là lựa chọn dành cho những người không có tài khoản thanh toán quốc tế, mà còn được ưa dùng vì người mua sẽ không phải chịu những rủi ro như hàng thất lạc, các khoản phí hay các thủ tục với phía bưu điện/ hải quan. Giá thành tất nhiên là cao hơn so với việc tự đặt hàng, tuy nhiên chi phí chưa chắc đã cao hơn so với tổng số tiền người mua phải bỏ ra nếu tự mua, đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức. Bạn chỉ cần gửi "đường link" sản phẩm muốn mua tới người đặt hàng và chờ họ báo lại mức giá cuối cùng.
Mức giá cuối cùng của một sản phẩm khi về đến tay người tiêu dùng thường được tính theo công thức dưới đây:
- Giá sản phẩm (giá gốc x tỷ giá ngoại tệ = giá Việt Nam) + phí vận chuyển nội địa (từ nơi bán đến trụ sở của người nhận order (đơn hàng) tại quốc gia đó) + phí vận chuyển về Việt Nam (thường khoảng 150.000 – 300.000 VNĐ/kg, tùy mặt hàng) + tiền công (khoảng 3-5% giá trị sản phẩm).
- Các dịch vụ đặt hàng hộ thường đã bao thuế nên người mua không phải chịu thêm khoản thuế nào. Ngoài ra, người mua có thể phải trả thêm tiền chuyển phát nhanh (nội thành hoặc tới các tỉnh) nếu muốn nhận hàng tại nhà.
Dịch vụ này tất nhiên đem lại rất nhiều lợi ích cho những tín đồ mua sắm qua website nước ngoài. Hoàn toàn không mất công thấp thỏm chờ đợi, vò đầu bứt tai với những trang web bằng tiếng Anh rối mắt hay lo lắng với các thủ tục, giấy tờ. Tất cả bạn cần làm chỉ là gửi tiền đặt cọc, và nhận hàng rồi thanh toán nốt số tiền. Nếu hàng hóa bị thất lạc, bạn sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc. Trong nhiều trường hợp, nếu hàng hóa về chậm hơn so với thỏa thuận, bạn cũng có thể lấy lại được tiền cọc của mình.
Những điểm cần lưu ý:
- Bởi lẽ đây chỉ là dịch vụ tự do, không phải từ những nhà phân phối chính thức, vì vậy độ uy tín, đảm bảo không 100%.
- Điều đầu tiên khiến nhiều người nghi ngại chính là việc phải gửi trước tiền cọc, thông thường là 50% giá trị đơn hàng. Nếu không may mắn gặp phải đối tượng lừa đảo, bạn sẽ mất trắng khoản tiền này. Phương án an toàn là bạn nên đến tận nhà hoặc văn phòng làm việc của người nhận đặt hàng để gửi tiền cọc, khi đưa tiền đặt cọc phải yêu cầu giấy biên nhận rõ ràng.
- Nếu bạn ở tỉnh thành khác, có thể nhờ bạn bè hoặc người thân sống tại gần nơi ở/ nơi làm việc của người nhận đặt hàng để đưa tiền cọc. Điều này giúp đảm bảo hơn nếu có tình huống không mong muốn xảy ra, bạn có thể đến tận nhà của người làm dịch vụ để yêu cầu giải quyết.
- Trong một số trường hợp, người đặt hàng có thể tráo sản phẩm chính hãng với hàng giả, hàng nhái. Có thể là họ tráo khi hàng về đến Việt Nam, hoặc đặt hàng tại website không chính hãng với giá thấp hơn, hàng có thể đã hết hạn sử dụng hoặc là hàng lỗi, hàng đã qua sử dụng. Để tránh điều này, bạn hãy yêu cầu người trung gian gửi lại cho bạn email thông báo xác nhận đặt hàng của trang web mà bạn yêu cầu.
- Đến khi nhận hàng, bạn cũng cần yêu cầu có hóa đơn đầy đủ từ phía trang web gốc. Tốt nhất, mọi thông tin giao dịch của bạn đều nên thực hiện qua email (thay vì điện thoại) để có thể lưu lại thông tin chính xác có thể đem ra đối chứng/ khiếu nại khi có vấn đề xảy ra.
- Để tìm một nơi làm trung gian đặt hàng uy tín, bạn đừng nên chú ý đến lượng "like" của các trang đó trên Facebook (vì con số này có thể “mua” được), mà hãy chú ý đến lượng “talk about” và phản hồi của khách hàng. Một số tên tuổi đặt hàng hiện đang được nhiều người tin dùng hiện nay là Shop USA 24/7, Anhorder... Nếu sử dụng dịch vụ trung gian, bạn có thể rủ nhiều người cùng gộp hóa đơn để được miễn phí vận chuyển nội địa (cho đơn hàng trên 50 – 100 USD) mà không sợ phải chịu thêm thuế.
- Bạn cũng nên tự tính kỹ lại mức giá cuối cùng theo công thức của người trung gian để có con số chính xác, đừng nên phụ thuộc hoàn toàn vào mức giá của họ đưa ra (Có thể người đặt hàng tính nhầm, hoặc là họ cố ý để gian lận của bạn thêm một khoản nữa).
Eve Nguyễn
Tổng hợp
Mong rằng bài viết phản ánh thực trạng hàng "Sale off", thông tin "Sale off" từ các nhãn hàng uy tín và kinh nghiệm săn hàng giảm giá mà chúng tôi đề cập trong tuyến bài này, thực sự hữu ích, giúp bổ sung vào sổ tay shopping của bạn thêm nhiều điều thú vị! Tổ chức chuyên đề: Jane Di Thực hiện: Eve Nguyễn, Dậu Dậu, Nguyệt Cát |
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Điểm mặt 3 con giáp cực kỳ để ý đến ánh nhìn của người khác