Tầm soát ung thư: Chi phí thế nào, chờ đợi bao lâu sẽ có kết quả?
Tin liên quan
Tầm soát ung thư là việc cần làm đặc biệt với người trên 40 và 50 tuổi. Tuy nhiên, khi tiến hành tầm soát cần chú ý những điều gì. PGS.TS. Lê Đình Roanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát hiện sớm ung thư sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
PGS.TS. Lê Đình Roanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát hiện sớm ung thư.
Tôi đang sống ở Hà Nội, sắp tới, tôi có dự định tiến hành tầm soát ung thư. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp tôi nên thực hiện tầm soát ung thư ở địa chỉ nào là uy tín và đáng tin cậy nhất?
(Thụy Anh, 38 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Ở Hà Nội có rất nhiều địa chỉ tin cậy để có thể tiến hành tầm soát ung thư. Ông/bà có thể đến bệnh viện bệnh viện K, bệnh viện 108, các bệnh viện có thực hiện tầm soát để thực hiện.
Xin bác sĩ cho biết chi phí tầm soát ung thư là bao nhiêu? Nếu tôi có bảo hiểm thì có được thanh toán theo bảo hiểm hay không?
(Văn Phát, 45 tuổi, Tp.HCM)
Trả lời:
Tầm soát ung thư không có một gói mức chi phí chung nào cho việc này bởi vì khi tiến hành thực hiện, bác sĩ phải định hướng theo từng lứa tuổi và những yếu tố khác nữa. Từ đó đưa ra những xét nghiệm cụ thể. Sau đó mới có thể tính được chi phí của một cuộc tầm soát ung thư. Có thể xét nghiệm từ chi phí rất thấp là vài trăm ngàn nhưng cũng có thể lên đến vài triệu đồng.
Ở một số bệnh viện công họ có thể thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm cho việc này. Nhưng rất ít bệnh viện thực hiện việc đó mà hầu hết là bảo hiểm không chi trả cho việc tầm soát ung thư. Chỉ có những xét nghiệm thuộc diện chi trả bảo hiểm, bệnh viện mới thực hiện giải quyết theo chế độ bảo hiểm.
Ngày mai tôi đi tầm soát ung thư, trước khi đi tôi cần chú ý những điều gì? Có phải ăn kiêng hay có lưu ý gì khác để việc tầm soát ung thư được tiến hành thuận lợi nhất. Thời gian chờ đợi để có kết quả tầm soát ung thư là bao lâu?
(Quỳnh Trang, 32 tuổi, Hà Giang)
Trả lời:
Buổi sáng trước khi tiến hành tầm soát ung thư thì anh/chị không nên ăn để bác sĩ tiến hành lấy máu xét nghiệm.
Thời gian chờ đợi để có kết quả tầm soát ung thư trong một ngày. Tất cả các cuộc xét nghiệm đều chỉ trong một ngày có thể biết kết quả.
Nguy cơ gây ung thư có 80% nguyên nhân do các yếu tố bên ngoài tác động.
Nếu sau khi tầm soát ung thư có kết quả và phát hiện ra có nguy cơ ung thư, tôi cần phải làm gì?
(Minh Phương, 45 tuổi, Đà Nẵng)
Trả lời:
Sau khi tiến hành tầm soát ung thư, nếu bác sĩ phát hiện ra triệu chứng của ung thư nào thì sẽ định hướng xử lý tình huống theo từng trường hợp cụ thể. Những bước này hoàn toàn do bác sỹ quyết định. Lúc này, tất cả việc cần làm của người bệnh là thực hiện theo đúng sự chỉ dẫn của bác sỹ.
Khi tầm soát ung thư, bệnh ung thư nào dễ phát hiện và bệnh ung thư nào là khó phát hiện nhất? Xin bác sĩ cho biết?
(Duy Nam, 36 tuổi, Tây Ninh)
Trả lời:
Khi đã tiến hành tầm soát ung thư thì tất cả các ung thư đều có thể được phát hiện. Tuy nhiên, có một số loại ung thư dễ phát hiện đó là ung thư da, ung thư cổ tử cung, ung thư vú ở phụ nữ.
Ngoài ra, có một số loại ung thư rất khó phát hiện. Nhiều khi phát hiện được ra ổ thứ phát và di căn nhưng vẫn không thể phát hiện được ổ nguyên phát từ đâu ra. Những loại ung thư đó có thể là ung thư ở tủy, ở tuyến thượng thận, ung thư ở não. Những loại ung thư này ở sâu trong cơ thể nên khi tiến hành tầm soát ung thư sẽ khó phát hiện ra.
Khi mầm mống ung thư đã có sẵn trong cơ thể của tôi thì khoảng thời gian bao lâu kể từ ngày tôi mắc bệnh, tầm soát ung thư sẽ phát hiện ra?
(Ngọc Anh, 41 tuổi, Gia Lai)
Trả lời:
Điều này không thể dự đoán được. Bởi vì, mỗi loại ung thư trong cơ thể khác nhau sẽ có tốc độ phát triển khác nhau.
Có những tế bào ung thư phải mất nhiều năm mới hình thành và phát triển được. Nhưng cũng có những tế bào chỉ vài ba tháng sau đó đã phát triển lên rất nhanh. Ví dụ, khi phát hiện một khối ung thư ở vú thì có thể đã âm ỉ từ 1 năm, 2 năm trước đó.
Cùng một loại ung thư vú nhưng ở mỗi cơ thể có độ phát triển nhanh chậm khác nhau. Việc một ung thư phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào mức độ ác tính của tế bào khác nhau.
Chia sẻ về cách phòng tránh ung thư, GS. TS Nguyễn Bá Đức – nguyên GĐ Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ: "Khi con người ở tuổi càng cao, càng va chạm tiếp xúc nhiều với những yếu tố độc hại gây ung thư như hút thuốc nhiều, hít thở nguồn không khí bị ô nhiễm thì nguy cơ mắc ung thư càng cao".
Theo GS. Nguyễn Bá Đức, để phòng chống nguy cơ mắc ung thư, con người cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây ung thư.
Trong đó lưu ý, không hút thuốc, hạn chế uống rượu, sử dụng thực phẩm an toàn.
"Nguy cơ gây ung thư do 80% yếu tố bên ngoài tác động. Các yếu tố còn lại như tuổi tác và gen di truyền (10%)… Những yếu tố này không thể phòng được. Vậy để phòng tránh nguy cơ gây ung thư cần chú ý vận động thể chất. Vận động thể chất giúp cho sức đề kháng trong cơ thể tăng lên, có khả năng đẩy lùi một số yếu tố gây ung thư", GS. Đức nhận định.
Cù Hiền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất