Nhân chuyện Trang Hạ và con lợn: Bàn về sự bình quyền trong căn bếp!

2015-03-14 22:59
- Bình quyền trong căn bếp có chắc là sự đảm bảo cho hạnh phúc gia đình?

Có lẽ với nhiều chị em phụ nữ, nhà văn Trang Hạ đã không còn xa lạ với họ bởi chị được biết đến như một biểu tượng cho phụ nữ hiện đại với những quan điểm sống mạnh mẽ, phóng khoáng và những phát ngôn táo bạo. Thế nhưng trong một bài phỏng vấn gần đây, nữ nhà văn đã khiến cộng đồng mạng phải “dậy sóng” chỉ vì một câu nói ví von: “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không phải như... chăm lợn, thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi”.

Thật ra, đây không phải là lần đầu Trang Hạ "ngoa ngôn" bởi trước đó, cô đã có cuộc “bút chiến” nảy lửa với đạo diễn Lê Hoàng về việc rửa bát giữa đàn ông và đàn bà. Đạo diễn Lê Hoàng đưa ra quan điểm: “Rửa bát là quyền của đàn ông” để châm biếm những người phụ nữ cứ vơ việc rửa bát làm tội bản thân mình, vừa rửa bát vừa cau có thì Trang Hạ ngay lập tức phản pháo lại bằng những bài viết kể tội, vạch mặt đàn ông rất…chi tiết. Tôi không biết ai là người thắng cuộc trong “cuộc chiến” nhân quyền muôn thuở của đàn ông và đàn bà ấy, nhưng nên hay không nên đánh giá bình quyền trong việc gia đình mà tạo hóa đã chọn lựa và phân rõ cho đàn ông và đàn bà những chức năng – trọng trách của mình, để đặt vào tay họ - một số phận, một cuộc đời rất riêng?

Có một nghịch lý ngày nay chỉ ra rằng, hầu hết các cuộc hôn nhân tan vỡ đều là vì những bà vợ hiện đại đi đòi bình quyền với đàn ông trong gia đình chứ không phải vì tỷ lệ ngoại tình đang cao và hầu hết những cuộc hôn nhân êm ái, hạnh phúc, sống cùng nhau đến “đầu bạc răng long” lại là những cuộc hôn nhân mà đàn ông – đàn bà hiểu rõ trọng trách và bổn phận của họ. Cái bổn phận giữa ranh giới bình quyền nam nữ ấy – nhiều người theo chủ nghĩa hiện đại thường cười khẩy, thường cho rằng các chị em đang sống cuộc đời trong góc bếp là “ngu dại”, là đang “cắn răng chịu đựng” tự làm khổ mình để giữ hạnh phúc gia đình. Thì xin thưa rằng đó là suy nghĩ rất cá nhân và phiến diện.

Nhà văn Trang Hạ khiến cư dân mạng dậy sóng với phát ngôn “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn!"

Nếu đòi hỏi bình quyền nam nữ trong xã hội ngày nay thì chúng ta phải bình quyền trên toàn “lãnh thổ”, bình quyền trong mọi vấn đề cuộc sống. Nghĩa là chị em đừng than vãn các ông chồng không lãng mạn, không biết tặng quà cáp, không biết vào bếp để kỷ niệm ngày 20-10, 8-3… Bởi nếu bình quyền thì phải có ngày quốc tế đàn ông, ngày đàn ông Việt Nam nữa để chị em thay họ gánh vác trọng trách của cả gia đình trong một ngày, cũng tặng quà cho họ, cũng tôn vinh họ.

Bởi nếu bình quyền thì mỗi ngày đều sẽ là ngày của cả đàn ông và đàn bà trong việc gánh vác – chia sẻ trọng trách của một gia đình, như thế việc tặng quà cho nhau – đâu cần phải vào một ngày lễ và cũng đâu phải là một bổn phận của người đàn ông vì yêu thương nhau thì vợ hay chồng đều có thể tặng quà. Bởi nếu bình quyền thì các chị em chẳng có quyền gì để chê bai một người đàn ông là vô dụng, là thất bại khi họ không có sự nghiệp như ý, khi họ không thể đem đến cho chị em một cuộc sống giàu sang, phú quý, chẳng lẽ chỉ có phụ nữ được quyền để cuộc đời của mình thất bại rồi thoải mái lấy một ông chồng, nương tựa đời mình vào đó – ăn sẵn mặc bền, ăn sung mặc sướng bằng nhan sắc là xong thôi sao?

Bởi nếu bình quyền thì ngay từ khi sinh ra, biết mình là phận nữ - các chị em phải tự thân vận động, phấn đấu học hành để có công việc tốt, lương cao, kiểm soát chi tiêu của bản thân và chọn lựa bạn đời theo tiêu chí: Vì tôi – vì anh – vì cả đôi bên, chứ không phải để lấy một ông chồng giàu có – sự nghiệp ổn định cho sướng cái thân rồi phó thác cuộc đời mình cho họ, để rồi luôn mang nặng tư tưởng “phải sinh con trai” để giữ chồng, để nhà chồng không khinh ghét mình, để khi sinh con gái – các chị luôn mong con mình lấy một người chồng giàu, có sự nghiệp ổn định thay vì để con mình bước chân theo tình yêu mà chúng lựa chọn. Bình quyền nằm ở việc các chị muốn cuộc đời mình thế nào chứ không phải muốn một ông chồng ra sao. Một khi phụ nữ đã biết rõ cuộc đời mà họ mong muốn – họ sẽ bắt tay vào xây dựng nó – từ một viên gạch thành một mái nhà, từ một mái nhà thành một thế giới – tất cả đều xoay quanh bản thân họ, khi ấy hạnh phúc luôn nằm chặt trong tay họ - đổi thay ra sao – họ đều nắm rõ. 

Hôn nhân đổ vỡ, nhiều người đổ lỗi cho đàn ông, muôn đời lỗi của đàn ông vẫn nhiều hơn đàn bà, muôn đời xã hội đều chỉ trích kẻ tệ bạc là đàn ông. Còn đàn bà, họ có lỗi gì trong cuộc hôn nhân của họ không? Có – nhiều là đằng khác. Lỗi là ở họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc hôn nhân thay vì bước đến hôn nhân bằng tình yêu không vụ lợi. Nếu ông chồng của bạn không ngoại tình – không vũ phu – thì những vấn đề rắc rối còn lại trong hôn nhân – có đến 50% là trách nhiệm của người phụ nữ. Đổ vỡ - điều mà chị em tiếc nuối nhất là gì? Là đang tiếc một mái ấm hay đang tiếc một tình yêu? Tôi cho rằng, phụ nữ chúng ta đang tiếc nuối một cuộc hôn nhân – một mái ấm hoàn hảo nhiều hơn là tiếc một người đàn ông mà chúng ta từng yêu thương, gắn bó. Nhưng thật ra, hạnh phúc không phải là một cuộc hôn nhân, hạnh phúc là có thể đồng vai sát cánh với người mình yêu đi đến trọn cuộc đời. Bởi cái mà người phụ nữ cần và muốn chỉ nên là tình yêu để gắn bó, để chia sẻ. Vốn dĩ phụ nữ sinh ra – số phận đã đặt vào tay họ trọng trách của một người vợ, người mẹ là vì thế. Nghĩa là cô ấy phải hiểu rõ điều cô ấy cần là người đàn ông, là tình yêu để có thể khiến người đàn ông trở về ngôi nhà chung mà cả hai đã vun vén, xây dựng một cách vui vẻ, có trách nhiệm.

 Đàn ông thật ra rất đơn giản cũng rất dễ bị dụ dỗ. Đừng suốt ngày chỉ biết than vãn, chỉ biết cau có mà ôm việc làm một mình rồi đổ lỗi cho họ ích kỷ. Họ có thể vô tâm, mải chơi – vì bản chất của đàn ông sinh ra để làm những việc lớn – cuộc đời đã dạy họ như vậy, nhưng bất cứ đàn ông có trách nhiệm nào đều sẽ sẵn sàng và vui vẻ làm những việc lặt vặt mà người vợ của anh ta lên tiếng nhờ. Miễn là các chị phải hiểu rõ nhờ vả - chia sẻ khác với sai khiến, càu nhàu. Khéo léo, nhẹ nhàng là điều mà người phụ nữ nên làm với người đàn ông của mình.

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta ví von vậy đâu. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, vì sao những người phụ nữ luôn tìm thấy hạnh phúc khi họ ở trong căn bếp của mình với hàng tá mùi thức ăn, với khuôn mặt đỏ gay vì nóng nực, với bàn tay thô ráp và nứt nẻ để chuẩn bị những món ăn cho người chồng, người con của họ? Tôi đã từng không hiểu, khi còn là một đứa trẻ, yêu thích sự tự do và chối bỏ những ràng buộc, đặt cho mình những hoài bão và ước mơ xa xôi. Thế rồi, khi tôi ở đấy - trong căn bếp mà mình chưa từng muốn gắn bó cuộc đời vào nó trước kia, tôi nhận ra và thấu hiểu hạnh phúc trong đôi mắt của những người phụ nữ như mẹ mình.

Hạnh phúc của người phụ nữ đơn giản lắm, là được nhìn thấy người họ yêu thương có thể ăn thật ngon lành những món ăn họ đã nhọc công làm, là thấy được gia đình êm ấm, quây quần bên nhau, là thỉnh thoảng vui vui khi người chồng của mình khoe với đám bạn trong một cuộc nhậu “không ai nấu ăn ngon bằng vợ tôi”. Thì như thế, vất vả việc nhà đến đâu, có lẽ được làm vì người mình yêu – phụ nữ đều hài lòng. Vậy nên – đòi hỏi nữ quyền trong căn bếp để làm gì? Bởi chẳng người phụ nữ nào thích nhìn người chồng của mình loay hoay trong căn bếp với dầu mỡ, với tạp dề, với lỉnh kỉnh gia vị, mắm muối để rồi ngồi chơi xơi nước cả đâu. Cũng chẳng người chồng nào vui vẻ khi thấy người vợ của mình bôn ba bên ngoài xã hội để kiếm tiền về nuôi họ. Chỉ những người vợ từng chứng kiến cảnh chồng mình trải qua những tháng ngày buồn tẻ, khó khăn vì thất nghiệp mới hiểu rõ nỗi đau của người đàn ông lớn nhường nào khi không thể lo được cho gia đình của mình êm ấm, an nhàn.

Với phụ nữ, thất nghiệp là một điều gì đó bình thường lắm, bởi họ có thể về nhà, lui vào xó bếp, làm bạn với con cái, lấy niềm vui chăm sóc gia đình làm mối bận tâm, bởi bên họ - đã có người đàn ông của họ chia sẻ gánh nặng mưu sinh. Còn với đàn ông – thất nghiệp hay công việc không như ý là một điều tồi tệ, thậm chí là một nỗi nhục – họ không thể lấy niềm vui bếp núc để thay thế cho thất bại của mình, họ cũng không thể nhường lại gánh nặng mưu sinh cho người vợ, đàn ông không có sự nghiệp thì đồng nghĩa với hạnh phúc cũng bỏ đi. Vậy thì – đàn ông hay đàn bà – bình quyền trong việc nhà có chắc đã là một cam kết đảm bảo cho hạnh phúc gia đình?


Xin đừng phán xét và oán trách đàn ông quá nhiều, bởi số phận sinh ra đã đặt vào tay người phụ nữ và tay người đàn ông những điều chênh lệch rất rõ ràng. Tay phụ nữ bé nhỏ và mềm mại để lùi về phía sau chăm lo gia đình, tay người đàn ông to lớn và cứng cỏi để tiến lên phía – gánh vác sóng gió, lèo lái bình yên. Sóng to hay nhỏ đều có thể lật thuyền – cùng nhau chèo lái con thuyền gia đình đi tới bình yên chẳng phải là điều tốt đẹp nhất hay sao? Cớ gì cần phải phân chia rõ ràng trong gia đình, ai làm nhiều, ai làm ít, hơn thua chỉ là điều người ta làm khi không có đủ yêu thương mà thôi.

 

Đáng gì đâu cũng một kiếp người, nhưng đàn bà có niềm vui của họ, đó là giữ lửa cho gia đình. Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp, vậy nên giữ lửa là cả một nghệ thuật và nghệ thuật ấy đôi khi lại là hạnh phúc độc quyền – là niềm kiêu hãnh của người phụ nữ.
 

 

  Diệp Tử Mộc
(Theo Congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Lật tẩy bản chất thực sự của 12 cung Hoàng Đạo