Khi tiền mừng cưới là... thước đo hạnh phúc

Diệp Tử Mộc 2014-12-14 18:09
- Ngày nay, đám cưới không chỉ đơn giản là sự công nhận của gia đình mà còn là một cuộc thương mại được tính toán kỹ lưỡng.
Nếu như ngày xưa đám cưới được tổ chức chỉ đơn thuần là sự công nhận của gia đình, họ hàng đôi bên thì trải qua nhiều biến đổi của thời gian, ngày nay đám cưới không chỉ là sự công nhận của gia đình mà còn là một cuộc thương mại được tính toán kỹ lưỡng, đôi khi không chỉ là giữa cô dâu – chú rể mà còn là sự mua bán, trao đổi giữa bố mẹ của cô dâu – chú rể với quan khách được mời, không ai muốn bị thiệt trong “cuộc vui” này.  Và điều đó khiến xã hội quay cuồng với sự bùng nổ của một ngành công nghiệp dịch vụ hoàn toàn mới – “ngành công nghiệp cưới xin”. 
Tặng quà cho tân lang tân nương đã được coi là truyền thống - phong tục lâu đời ở hầu hết các nước trên thế giới. Người ta mừng cưới bằng các hiện vật gắn liền với đời sống, bản sắc của người dân nơi đó. Ví dụ như ở vùng Trung Á, người ta thường tặng gia súc, tại các nước đạo Hồi, người ta tặng nhau vải vóc, trang sức… Thế nhưng ở Việt Nam bây giờ, đi ăn cưới mà vác một hộp quà dẫu có to thế nào đi nữa thì sẽ bị cười “thối mũi” ngay. Chuyện tặng quà cho tân lang, tân nương bằng phong bì đã trở thành lệ, mà là lệ xã hội chứ chẳng phải cái lệ làng “bé tẻo teo". Cái phong bì mỏng toẹt đấy tưởng là nhẹ, ấy thế mà cũng đủ khiến “kẻ khóc người cười”, có khi trở thành “truyền thuyết” được người đời kể lại từ đầu làng, cuối xóm đến quán nước ven đường những lúc rảnh việc. Tại các đám cưới, người ta đặt thùng đựng phong bì ở ngay bên ngoài sảnh tiếp khách, nhà trai – nhà gái mỗi bên một thùng – có một đội đứng nhận – cảm ơn đàng hoàng như thứ mặc định của cả người tổ chức lẫn quan khách được mời.   
Ở các nước phát triển phương Tây, đám cưới được xem là ngày vui của gia đình nên khách khứa chỉ có gia đình và một vài người bạn thân thiết của cô dâu – chú rể. Thậm chí họ hàng nhiều khi cũng không được mời đến, đồng nghiệp ở cơ quan thì chẳng bao giờ được xếp vào hàng thân thiết rồi. Trong khi đó, đám cưới ở Việt Nam lại trái ngược hoàn toàn, đám cưới càng được tổ chức linh đình, đông khách khứa càng “oách”. Khách mời “tràng giang đại hải” từ quen thân đến xã giao, có bao nhiêu mối quan hệ là cho tất cả vào danh sách, miễn sao người được mời đủ tuổi công dân, điều đó chính là nguyên nhân khiến bao nhiêu người bị ám ảnh, thậm chí có người phải “đi trốn”, “cáo ốm” mỗi khi mùa cưới về. 
 
Phú quý sinh lễ nghĩa, khi chất lượng cuộc sống ngày một khá hơn, nhà nhà có điều kiện nên đám cưới tổ chức cũng ngày một to hơn, hoành tráng hơn và phô trương hơn. Mà người Việt mình thường “con gà thức nhau tiếng gáy”, trẻ thì chọi nhau , già thì chọi con. Cứ hễ con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng là bố mẹ lo ngay ngáy, nhiều khi chẳng vì hạnh phúc của con mà là vì cái danh tiếng với làng xóm láng giềng. Ai mà chẳng muốn con mình lấy được chồng/ vợ “hoành tráng”, đám cưới cũng “hoành tráng” để nở mặt nở mày với thiên hạ. Dần dà cái tâm lý ấy trở thành nỗi lo của các bậc phụ huynh, rồi thành xu thế của xã hội. Và với suy nghĩ, đám cưới là việc trọng đại nhất đời người, nhiều gia đình chẳng mấy khá giả cũng quyết “người ta làm sao thì mình phải làm vậy hoặc hơn vậy, nhất quyết không để thua”. Thành ra đám cưới là ngày vui của gia đình và bạn bè, làng xóm mà cuối cùng cứ nhắc đến mùa cưới là người ta thấy … hoảng hốt, đám cưới đè nặng lên cả chiếc phong bì của người mời và người nhận.
Tôi có anh bạn học cùng đại học, bố mẹ làm công nhân, cả đời quần quật làm việc,đến tuổi về hưu chỉ tích góp được gần trăm triệu để làm cái vốn nhỏ nương tựa tuổi già. Anh bạn đến tuổi lấy vợ, về thưa gửi với hai cụ tổ chức cưới xin. Vốn hai vợ chồng đều là nhân viên làm công ăn lương, tính tình giản dị lại hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên chẳng đòi hỏi gì nhiều, về thưa chuyện với các cụ gọi là làm vài mâm cơm ra mắt hai họ và bạn bè thân thiết thôi. Những tưởng các cụ nghe xong thì mừng con cháu hiểu chuyện, biết gia cảnh mà thương bố mẹ. Ai ngờ hai cụ đùng đùng nổi giận, không bằng lòng chuyện “thằng con cả, thằng cháu đích tôn của dòng họ” lấy vợ lại làm vài mâm cỗ, chẳng bằng người ta ở nông thôn ăn cỗ đám ma. Vậy là hai cụ tức tốc gọi hết họ hàng ở quê ra họp bàn chuyện đám cưới của “thằng con cả”, ai cũng nhao nhao hết cả lên nhất quyết là phải “làm to”, “làm cho ra nhẽ với làng nước chứ lị”. Thế là đám cưới được tổ chức ở nhà hàng sang, cỗ mời cũng dễ đến hai trăm quan khách, chỉ tội nghiệp cô dâu – chú rể ngày cưới đứng tiếp khách mà mặt cứ nghệt hết cả ra. Sau đám cưới, trừ đi tiền mừng, nghe đâu cả nhà vác khoản nợ hơn trăm triệu. Vì khách khứa, bạn bè toàn người ở đã về hưu hoặc công nhân viên chức nghèo, tiền mừng cố gắng lắm cũng chẳng được bao nhiêu.
Ngoài anh bạn lấy vợ bị gia đình ép “làm to”, tôi cũng từng chứng kiến cảnh đồng nghiệp nam ở cơ quan, thu nhập 5-6 triệu/ tháng, gia đình ở quê làm ruộng mà tổ chức đám cưới nhất quyết phải “oách nhất làng”. Ngày về ăn cưới, nhiều đồng nghiệp nhìn gia cảnh chủ nhân mà cười buồn ngao ngán. Trong căn nhà cấp bốn, tường vôi lem nhem, đồ đạc tềnh toàng, khách khứa ngồi chật ních, dễ đến cả làng cả huyện được mời về ăn cỗ, mỗi mâm đặt nửa con lợn quay rất hoành tráng, quà bố mẹ chồng tặng cho cô con dâu thì nguyên cả cái kiềng một cây vàng. Khỏi phái nói, cả cơ quan choáng nặng, người bàn ra kẻ tán vào. Chẳng biết sau đám cưới, đôi tân lang tân nương hạnh phúc ra sao nhưng trước mắt họ đối diện với món nợ lớn. Mới đây, bố mẹ tôi khi nhận được thiệp hồng của hàng xóm đã tá hỏa vì nghe nói mâm cỗ nhà họ đặt có giá lên đến gần ngàn đô. Các cụ đã về hưu cả rồi, lấy đâu ra phong bì tiền đô để đi ăn tiệc ở khách sạn năm sao? Mà chỗ hàng xóm láng giềng, tắt lửa tối đèn có nhau, chẳng nhẽ lại cáo lỗi ở nhà? 
Có lẽ, cái tâm lý “ngày trọng đại nhất trong đời” không thể làm qua loa, đại khái được nên nhiều người dẫu có phải vác nợ cũng nhất định phải làm cho “bằng bạn bằng bè”. Nhưng trong niềm vui và hạnh phúc của một vài cá nhân thì nhiều người phải mất ăn mất ngủ suy tính việc tặng phong bì bao nhiêu cho một đám cưới là vừa lòng gia chủ? Với người có thu nhập cao thì khi được mời đi ăn cưới là “không thành vấn đề”, nhưng với những người được mời đã về hưu, cán bộ công chức nhà nước, công nhân lương ba cọc ba đồng với trăm ngàn nỗi lo về cơm áo gạo tiền thì cũng chẳng thể thoái mái nếu đi ăn tiệc sang ở một nhà hàng mà phong bì chỉ độ một – hai trăm ngàn, nhưng nhiều hơn thì họ không có, thành ra ngày cầm cánh thiệp hồng, lẽ ra phải vui mừng với hạnh phúc của bạn thì họ lại cảm thấy như cầm trên tay một tảng đá. Nhiều lúc phải bóp mồm bóp miệng, chịu đói cả tháng hoặc vài tháng để đi ăn cơm bụi giá cao khi mùa cưới đến. Thành ra, có những chuyện bi hài cười ra nước mắt ở những đám cưới mà nhiều người được nghe lại vẫn chẳng tin như người đi ăn tiệc mừng phong bì ghi chữ… “xin thiếu nợ, có lương sẽ hoàn trả”, hay cảnh những bác đã về hưu, tranh thủ xin túi nilon để mang ít đồ ăn thừa về ăn cho qua bữa sau khi đã đem tiền ăn làm tiền mừng cưới gia chủ. 
Nói đến mùa cưới, có lẽ còn nhiều chuyện để kể. Cái phong bì chẳng có tội, ở nước ngoài, người ta cũng tặng cô dâu chú rể phong bì thay quà mừng nhưng văn hóa giữa trao và nhận phong bì ở Việt Nam lại khiến mọi người e ngại. Nào đâu chỉ có những bậc quan chức sắp về hưu phải tổ chức đám cưới chạy cho con để hòng thu lại một khoản bẫm, ngày nay sự biến tướng của các đám cưới đã trở thành một gánh nặng cho toàn xã hội. Dẫu biết rằng “việc riêng mỗi nhà” nhưng không thể không lên tiếng, vì rằng cái hạnh phúc tuy là riêng ấy lại là vấn nạn chung của nhiều người, của toàn xã hội. Đến bao giờ các đám cưới ở Việt Nam mới có văn hóa từ chối phong bì? Có lẽ phải đến khi người ta nhận ra, hạnh phúc của con cái không bao giờ nằm ở những cái đám cưới linh đình, phô trương kia.
Diệp Tử Mộc
 (Theo congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 kiểu tóc xoăn retro thời thượng biến mặt O-line núng nính thành mặt V-line đẳng cấp