Con rể biếu quà Tết bố mẹ vợ phải xuất phát từ cái tâm!

Hòa Lê 2017-01-28 14:00
- Ở Việt Nam rất nhiều nơi còn giữ phong tục con rể phải 'đi Tết' nhà vợ. Với nhiều gia đình, tính chất lễ nghĩa này là không thể thiếu, thậm chí còn là thước đo phẩm giá của con rể.

Ngày Tết là dịp con rể thể hiện tình cảm, sự tôn trọng và lòng hiếu thảo của mình với bố mẹ vợ. Tuy nhiên, nếu không để ý đến nghi thức, lễ nghĩa thì nảy sinh nhiều vấn đề dở khóc, dở cười. Thậm chí làm bố mẹ vợ phật ý, tự ái, khiến ngày Tết của gia đình mất vui.

Đó là trường Hợp của anh Quang - quê Sài Gòn ra định cư và làm rể của một gia đình Hà Nội gốc. Vốn không am hiểu phong tục miền Bắc, lại là năm đầu làm rể nên gần ngày Tết anh cũng lo mua sắm những món quà trang trọng, ý nghĩa để biếu bố mẹ vợ. Một phần do cuối năm công việc quá bận rộn nên không có thời gian mang sang nhà bố vợ. Một phần vì nghĩ đơn giản và tiện có cậu em vợ sang nhà nên anh gửi quà nhờ cậu ta mang về biếu các cụ.

Dĩ nhiên, anh Quang có gọi điện thông báo với bố mẹ vợ là gửi quà cậu em. Nhưng chưa kịp dứt lời thì nhận được cơn lôi đình của bố vợ. Cụ cho rằng anh không thành tâm tặng quà, biếu quà mang tính chiếu lệ… rồi một mực đòi trả lại quà, bắt cậu em vợ mang sang tận nhà anh để trả.

Con rể biếu quà Tết bố mẹ vợ phải xuất phát từ cái tâm!

Việc đi quà cáp, lễ Tết bố mẹ không quan trọng mâm cao cỗ đầy, mà quan trọng là tấm lòng, sự hiếu kính thành tâm.

Vừa ngượng, vừa sợ nên anh vội vàng mua sắm một mâm lễ khác, mang sang tận nhà bố mẹ vợ. Vừa đến cổng đã luôn miệng xin lỗi, và xin phép được thắp hương cho gia tiên. Thấy được sự thành tâm của anh, bố vợ giải thích: “Việc đi quà cáp, lễ Tết bố mẹ không quan trọng mâm cao cỗ đầy, mà quan trọng là tấm lòng, sự hiếu kính thành tâm…”.

Còn với anh Nam (Thanh hóa) thì cũng tương tự. Mọi năm anh mua sắm quà cáp lễ lạt đầy đủ trang trọng, bố mẹ vợ rất hài lòng. Nhưng năm ngoái do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều nên anh sợ bày biện, mua sắm bố mẹ vợ sẽ trách lãng phí. Nên anh mua quà biếu các cụ nhỏ hơn mọi năm, chỉ đơn giản bánh mứt kẹo và và chai rượu nội.

Nhưng vừa mang lễ vào nhà, bố mẹ vợ thở dài sườn sượt. Mới đầu anh Nam cũng không hiểu chuyện, nhưng về sau nghe cô em vợ nói lại anh mới biết. Bố mẹ vợ không hiểu tâm ý của anh, lại cho rằng anh cậy đã lấy được con gái cụ, đã là rể cũ “thông tường ngõ lối” nên chẳng để ý lễ nghĩa, quà cáp trang trọng như mọi năm…

Con rể biếu quà Tết bố mẹ vợ phải xuất phát từ cái tâm!

Đừng vì sự dễ dãi, thông cảm của bố mẹ mà lơ là đi nghi lễ đẹp, truyền thống.

Với anh Khánh (Nam Định) thì lại rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Cách đây 2 năm, là rể mới nhưng anh bị tai nạn giao thông, nên sát ngày mới nói vợ mang quà Tết sang biếu bố mẹ vợ. Vốn gốc là thầy giáo, ưa lễ nghĩa nên bố vợ anh nhất định không chịu, bắt bằng được anh phải sang biếu quà mới nhận. Vì lý do “con gái cho quà bố mẹ khác nào áo gấm đi đêm. Đối với rể mới, phải tự tay mang quà sang biếu, còn gửi như thế, hàng xóm biết chuyện sẽ cười, nói gia đình không có phép tắc”. Chính vì vậy mà dù chân đau, anh cũng phải thuê xe đưa quà Tết đến tận nhà bố mẹ vợ, xin phép được thắp hương gia tiên.

Có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xoay quanh chuyện các chàng rể mới tặng quà Tết bố mẹ vợ. Với những bố mẹ thông cảm, không câu nệ lễ nghĩa thì dù con cái có làm sai, không vừa ý cũng chỉ góp ý và bỏ qua. Nhưng có những gia đình bố mẹ quan trọng lễ nghĩa, sĩ diện và danh tiếng, thì việc tặng quà Tết của chàng rể đối với bố mẹ vợ cũng hết sức khó khăn và cầu kỳ.

Được hỏi về phong tục và lễ nghĩa trong việc tặng quà Tết cho bố mẹ, Chị Hiền (chuyên viên Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) cho biết: Đối với người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung thì việc tặng, biếu quà Tết cho bố mẹ vẫn được duy trì và là một nét đẹp trong lễ nghĩa. Tuy nhiên, đối với việc con rể tặng quà Tết bố mẹ thì được chú ý, câu nệ hơn. Vì ông bà ta quan niệm “dâu là con, rể là khách”, mà khách thì phải trang trọng, lịch sự.

Con rể biếu quà Tết bố mẹ vợ phải xuất phát từ cái tâm!

Những gì thuộc về lễ nghĩa thì tấm lòng thành kính, sự thực tâm mới là quan trọng.

Trường hợp những anh con rể không có lý do chính đáng mà gửi, biếu quà qua loa, chiếu lệ thì thật là đáng trách. Còn đối với những trường hợp có lý do chính đáng thì mong các bậc sinh thành hãy hiểu, cảm thông và bỏ qua cho con cái.

Nhưng cũng đừng vì thế mà phận làm con lơ là, bỏ qua những nét “lễ - nghĩa”, những nét đẹp trong truyền thống văn hóa. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng, những gì thuộc về lễ nghĩa thì tấm lòng thành kính, sự thực tâm mới là quan trọng.

Mong rằng, những bạn trẻ, nhất là những bạn nam, đã đang và sẽ là con rể hãy lưu tâm, lưu giữ nét đẹp này để việc tặng quà, biếu quà Tết bố mẹ vợ không còn là việc khó khăn, hình thức mà xuất phát từ tâm mỗi người, để gia đình có được niềm vui ngày Tết trọn vẹn.

 Lê Hòa

Ảnh minh họa

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Quiet quitting: Bạn có đang ‘làm việc cầm chừng’?