Cách sống của hai người phụ nữ thích được ở cùng bố mẹ chồng

Phạm Quyên 2016-11-16 14:00
- "Mẹ chồng tôi ngang lại hay tự ái, bố chồng tôi kĩ tính và quá sạch sẽ, nhưng không sao, tôi đã dần dần dung hòa được mọi điều trong gia đình, nên hiện tại, gia đình tôi vẫn luôn vui vẻ"...

Theo chuyên gia Tâm lý học Đinh Đoàn, một trong ba nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều mái ấm gia đình chính là do mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, mẹ chồng quá khắt khe trong khi người chồng không biết cách để làm vừa lòng hai bên. (hastc.org.vn)

Có thể khẳng định, chuyện mẹ chồng nàng dâu luôn là nỗi "quan ngại" rất lớn đối với các cô gái trước khi về nhà chồng. Nhưng vẫn có những người phụ nữ không hề muốn ở riêng bởi họ đã tìm được cách sống hòa hợp với bố mẹ chồng.

"Chọn" người yêu có hoàn cảnh gia đình mình cảm thấy phù hợp 

Chị Phạm Thị Liên (28 tuổi, Quảng Ninh) chia sẻ, khi chưa lấy chồng, đọc nhiều bài báo, tâm sự của các nàng dâu, chị tự rút cho mình "nguyên tắc" chọn người yêu, là gia đình hai bên phải "môn đăng hộ đối" để tránh bị chê bai hay khinh thường về gia cảnh, cũng tránh chuyện quan niệm sống rất khác nhau.

"Các bà mẹ chồng ở nông thôn, sẽ có suy nghĩ "thuần nông", cổ hủ hơn các bà mẹ chồng ở thành thị. Nếu bạn là người sống theo tư tưởng hiện đại, thì nên tránh nhà chồng có vẻ "cổ xưa", vì như thế rất dễ nảy sinh bất đồng quan điểm sau này" - Chị Liên nói.

"Tất nhiên, sự "lựa chọn" này chỉ mang tính chất tương đối. Nhiều bà mẹ chồng nông thôn nhưng tư tưởng rất tân tiến, và ngược lại. Yếu tố "may mắn" chiếm một nửa trong vấn đề này. Cô gái kém may mắn sẽ không lường trước được sự tai quái của mẹ chồng, bởi lòng người khó đoán, gặp gỡ vài lần trước khi chính thức về làm dâu nên không thể hiểu rõ tính cách mẹ chồng để "thấy khó thì lui".

mẹ chồng nàng dâu

Chị Liên hiện thấy thoải mái và hài lòng khi ở cùng bố mẹ chồng. Ảnh: NVCC

Giống như chị Liên, chị Vũ Thị Thu (31 tuổi, Quảng Ninh) chia sẻ, chị cũng ngại "va chạm" với mẹ chồng, nhưng chị chưa từng nghĩ sẽ chọn con trai thứ để không phải sống với bố mẹ chồng.

"Quen một ai đó, khi tìm hiểu về chàng, tôi cũng tiện thể tìm hiểu qua qua về gia cảnh nhà chàng. Chỉ khi cảm thấy có thể hoà hợp, tôi mới cho phép mình tiến tới bước tiếp theo" - chị Thu nói.

Chính vì sự cẩn thận này, nên khi lấy chồng, chị Thu có được một "nhà chồng" khá ưng ý. 

"Nếu ai hỏi tôi đã bao giờ muốn ra ở riêng chưa, tôi sẽ thành thật trả lời: Tôi chưa từng có ý nghĩ đó, từ trước khi về nhà chồng cho đến giờ, khi đã sống cùng bố mẹ chồng năm năm, tôi đều chưa từng muốn ra ở riêng, trừ khi bị "đuổi". - chị Thu quả quyết.

Tìm cách dung hòa sự khác biệt trong thói quen ăn uống, sinh hoạt

"Tôi khẳng định mình là một phụ nữ hiện đại trong cách sống, nhưng vẫn có quan điểm khá cổ hủ về vai trò người vợ trong gia đình. Tôi coi chuyện con trai sống với bố mẹ là đương nhiên, là "chân lý" bất di bất dịch" - Chị Liên nói.

"Mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, mỗi nhà có một thói quen sinh hoạt riêng, nhưng, để dung hoà các quan điểm hay thói quen, cũng không quá khó. Bố chồng thích các món nấu nhừ, tôi lại ưa các món dai dai. Vậy chả nhẽ, khi đi chợ, mỗi bữa tôi sẽ phải làm nhiều món ăn mặn khác nhau sao? Không, tôi tập cho mình cũng thấy ngon miệng khi ăn đồ nấu nhừ, và thi thoảng đành để bố chồng tôi ăn món không được mềm lắm. Mẹ chồng tôi không ăn được chua, cay, nhưng tôi lại có thói quen ăn rất cay, chua. Nên giải pháp của tôi là thi thoảng thêm chút gia vị ấy vào món ăn để mẹ chồng quen dần. Cho đến giờ, các món ăn trong bữa cơm gia đình tôi đã dễ ăn cho tất cả mọi người. Sự khác biệt trong cách ăn uống đã được tôi từ từ giải quyết như thế".- chị Liên giải thích cách dung hòa của mình.

Dùng chữ "nhẫn"  khi có mâu thuẫn

Trong cuộc sống với bố mẹ chồng, không tránh khỏi những lúc có bất đồng quan điểm hay mâu thuẫn, nhưng chị Liên và chị Thu luôn dùng chữ "nhẫn" làm kim chỉ nam ứng xử của mình.

"Với tôi, sống luôn cần "nhẫn", và nhất là với bố mẹ chồng. Tôi coi bố mẹ chồng gần như bố mẹ đẻ mình. Chỉ là "gần như" thôi vì bố mẹ đẻ chỉ có một. Sẽ không ai có thể yêu thương, chiều chuộng mình hơn những người đã sinh ra mình. Bố mẹ chồng sinh ra chồng mình, làm mọi điều tốt nhất để mình có được người chồng như hôm nay, vậy nên, phận con dâu cần kính trọng và biết ơn bố mẹ chồng thật nhiều" - Chị Liên nói.

"Tôi vẫn nghĩ, tương lai chính mình cũng sẽ thành mẹ vợ, mẹ chồng. Nếu hiện tại, mình không biết kính trọng, biết ơn mẹ chồng, sau này sao đòi hỏi con dâu phải đối xử tốt với mình" - Chị Thu giải thích.

Việc chăm sóc con cháu, chuyện bất đồng hai thế hệ hiển nhiên cũng xảy ra trong gia đình hai chị. 

"Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương, nên khi xảy ra mâu thuẫn, tôi luôn tìm cách dung hoà. Đôi khi tôi ấm ức, đôi lúc mẹ chồng tôi bực mình, nhưng quan trọng, mọi chuyện sẽ qua đi rất nhanh khi cùng ôm con, ôm cháu. Để bụng, so đo, cãi vã không giải quyết được vấn đề gì, thay bằng im lặng, và mọi chuyện sẽ qua đi thật đơn giản" - Chị Thu nói.

"Có được một cuộc sống thuận hoà hai thế hệ, 50% do may mắn, và 50% do chính sự nỗ lực của các nàng dâu". - hai chị khẳng định.

 Phạm Quyên

Gửi chia sẻ của bạn về: 

Email: banbientap@i-com.vn

Đường dây nóng: 0914926900

Xem thêm: 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 6 cặp cung hoàng đạo không hợp tính, cứ ở bên nhau là chí chóe cãi lộn