Nhà ở chật chội, vì sao nhiều cặp vợ chồng Nhật vẫn ngủ riêng?
Tin liên quan
Ở những đô thị lớn của Nhật Bản, không gian sống thường hạn chế, khiến nhiều gia đình phải chấp nhận cuộc sống trong các căn hộ nhỏ. Tuy nhiên, điều này không làm giảm bớt xu hướng của các cặp đôi chọn ngủ riêng lẻ, dù là trên giường khác nhau hay thậm chí là trong các phòng khác nhau.
Theo nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách “Sống ở một nơi” của Giáo sư Hideki Kobayashi, một tỷ lệ đáng kể các cặp vợ chồng Nhật Bản có thói quen ngủ không chung phòng. Cụ thể, khoảng 26% các cặp vợ chồng sinh sống tại các chung cư ở Tokyo lựa chọn ngủ ở hai phòng riêng biệt. Trong số các cặp vợ chồng lớn tuổi hơn 60, có đến 40% không ngủ cùng giường. Và khi con cái đã dọn ra ở riêng, có tới 53% số cặp vợ chồng thích thú với việc ngủ một mình.
Lịch trình ngủ khác nhau
Một trong những lý do chính khiến các cặp đôi ở Nhật Bản chọn ngủ riêng là do sự khác biệt trong thời gian làm việc. Khi một người về nhà muộn, họ có thể làm phiền giấc ngủ của đối phương, ảnh hưởng đến chất lượng nghỉ ngơi của họ. Chính vì vậy, việc nghỉ đêm ở một căn phòng riêng biệt trở nên thực tế và giúp cả hai có được giấc ngủ sâu và khỏe mạnh hơn.
Hiện tượng cả hai vợ chồng cùng làm việc và thường xuyên tăng ca đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản, dẫn đến việc lịch trình sinh hoạt hàng ngày có thể không đồng bộ. Trái với quan niệm cho rằng ngủ riêng là dấu hiệu của mối quan hệ rạn nứt, người Nhật lại coi trọng việc bảo vệ giấc ngủ của mình và không muốn bị làm phiền. Điều này có nghĩa là họ không muốn phải chịu đựng tiếng ngáy hay những hành động bất ổn trong lúc ngủ của người bên cạnh. Mặc dù không phải ai cũng có cơ hội ngủ ở phòng riêng nhưng nhiều người vẫn mong muốn có được giấc ngủ ngon lành.
Trẻ sơ sinh ngủ với mẹ
Ở Nhật Bản, việc mẹ ngủ cùng con nhỏ là một truyền thống quan trọng. Người cha phải quyết định liệu anh ta có muốn ngủ chung giường với họ hay chuyển sang phòng khác. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc ngủ chung có thể giúp cả cha mẹ và con cái có giấc ngủ tốt hơn, giữ cho trẻ có thân nhiệt và nhịp tim ổn định - điều cực kỳ quan trọng đối với trẻ sơ sinh - và cũng giảm thiểu nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Ly thân không ly dị
Giáo sư Kobayashi đã đưa ra giả thuyết rằng, giống như nhiều quốc gia phát triển khác, Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng trong tỷ lệ ly hôn, hiện nay là khoảng 35%. Đặc biệt, tỷ lệ ly hôn trong số những cặp đôi đã kết hôn từ lâu đang tăng lên, với số vụ ly dị sau 25 năm chung sống tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, theo Sora News 24, việc ly hôn chính thức ở Nhật Bản không phổ biến như ở nhiều quốc gia khác. Giáo sư Kobayashi nhận thấy rằng nhiều cặp đôi không muốn chấm dứt cuộc hôn nhân của mình theo pháp luật. Thay vào đó, họ chọn giải pháp “ly hôn tại gia”, tức là tiếp tục sống chung nhưng không ngủ chung giường.
Ngủ riêng là thói quen lâu đời
Chăn ga, gối đệm của người Nhật - hay còn gọi là Futons, được độn bằng bông, đem lại cho chủ nhân sự thoải mái, dễ chịu khi vào giấc ngủ. Từ thời xa xưa, nó chỉ có một kích thước duy nhất, được trải ra làm giường cho một người ngủ.
Ngày nay, các thiết kế nội thất hiện đại đã xâm nhập vào gia đình người Nhật nhưng song song với giường đôi, nhiều gia đình vẫn sử dụng loại giường trải truyền thống, bởi nó không chiếm nhiều không gian, lại dễ sử dụng và dễ cất đi sau khi dùng.
Khánh An (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất