Ly hôn xanh: Vì sao hôn nhân ngày nay không bền vững?

Khánh An 2024-10-05 16:53
- Thuật ngữ 'ly hôn xanh' được sử dụng để chỉ những cuộc hôn nhân có 'tuổi đời' ngắn hạn.

Thông thường, các cặp vợ chồng trẻ ly hôn sau 1 đến 5 năm chung sống. Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để duy trì hôn nhân bền vững?

Tình trạng "cả thèm chóng chán"

Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TPHCM (2023), mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt kết hôn, trong đó 600.000 cặp ly hôn, tức trung bình cứ 4 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn.

Chia sẻ về cuộc hôn nhân kéo dài chỉ 11 tháng, Nguyễn Vương Hà (25 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết cô cảm thấy "vỡ mộng" sau khi lập gia đình. Hà từng bỏ học đại học vì mang thai ngoài ý muốn và kết hôn khi mới 20 tuổi. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân không chỉ có màu hồng, đặc biệt là khi cả hai đều còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống và mối quan hệ.

Ly hôn xanh: Vì sao hôn nhân ngày nay không bền vững?

"Tôi phải nghỉ học để ở nhà chăm con, điều này khiến tôi bị stress, không biết chia sẻ với ai. Trong khi đó, chồng tôi vẫn đi học, đi chơi mà không giúp đỡ hay quan tâm mẹ con tôi. Ngược lại, anh ấy thấy tôi thay đổi, dễ cáu gắt, không còn dịu dàng như lúc mới yêu. Điều này dẫn đến nhiều cuộc cãi vã, thậm chí xô xát và cuối cùng chúng tôi ly hôn khi con còn rất nhỏ," Hà buồn bã kể.

Hoàng Thu Phương, kết hôn khi 26 tuổi và đã có sự nghiệp ổn định, cũng trải qua một cuộc hôn nhân không kéo dài. Hai năm sau khi kết hôn, cô phát hiện chồng ngoại tình. Vì không có con chung hay tài sản chung, hai người nhanh chóng ly hôn. Các nguyên nhân như ngoại tình, mâu thuẫn kinh tế, khác biệt lối sống thường xuyên dẫn đến ly hôn ở nhóm tuổi từ 18 đến 30.

Thống kê cho thấy tỷ lệ ly hôn ở những người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 là cao nhất, lên đến 70%. Đặc biệt, khoảng 60% các trường hợp ly hôn xảy ra trong vòng 1 đến 5 năm chung sống, thậm chí có những cặp ly hôn chỉ sau vài tháng, vài tuần hoặc thậm chí vài ngày sau kết hôn.

Những góc nhìn đa chiều

Lý giải về tỷ lệ “ly hôn xanh” ở người trẻ đang ngày càng có xu hướng gia tăng, Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Liên, giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã đưa ra một số nguyên nhân dưới góc độ tâm lý học.

Thứ nhất, xã hội phát triển dẫn đến góc nhìn, tư duy của con người có những chuyển biến nhất định. Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Liên giải thích, trong xã hội truyền thống, người Việt Nam xưa vẫn luôn giữ những phong tục, nghi thức cưới hỏi như dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, rước dâu, đãi tiệc, lại mặt…

Nói cách khác, việc kết hôn không chỉ là câu chuyện giữa hai người mà còn là sự liên kết, ràng buộc giữa hai bên gia đình, họ hàng nội ngoại bốn bên. Bên cạnh đó, xã hội trước đây có cái nhìn vô cùng gay gắt, khắt khe với người phụ nữ.

Vì vậy, khi có xung đột xảy ra, nhiều người vì sợ mất thể diện của gia đình nên không thể hoặc không dám ly hôn. Trái lại, trong xã hội hiện đại, khi tự do cá nhân được đề cao, sự khác biệt được tôn trọng, người trẻ tuổi đã đơn giản hóa mọi thứ từ nghi thức cưới hỏi đến quan điểm sống trong hôn nhân.

Ly hôn xanh: Vì sao hôn nhân ngày nay không bền vững?

Hiểu một cách ngắn gọn, các bạn trẻ mưu cầu hạnh phúc và đề cao quyền lợi cá nhân vì vậy ly hôn không còn là câu chuyện “mất mặt”, “mất thể diện” như trước đây. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh khi thấy con cái sống không hạnh phúc cũng cảm thông, tôn trọng và ủng hộ quyết định ly hôn của con.

“Đến cả quy trình và thủ tục ly hôn của nhiều đôi vợ chồng trẻ bây giờ cũng được đơn giản hoá, xử lý dứt khoát và nhanh gọn. Không tài sản chung, chưa con cái, nhiều cặp chọn ly hôn hoà bình, bỏ qua các thủ tục lên tòa án hoà giải”, chuyên gia Hạnh Liên cho hay.

Thứ hai, khi xã hội càng hiện đại thì sự cá nhân hóa trong mỗi con người càng phát triển mạnh mẽ. Mỗi cá nhân đều là một cá thể độc lập, có cá tính, độc lập và chính kiến riêng nên khi yêu họ dễ dàng trở thành nam châm thu hút nhau. Thế nhưng mặt trái của lối suy nghĩ “không cần phụ thuộc vào ai”, lại là việc quá đề cao và bảo vệ cái tôi cá nhân bằng mọi giá, khó chấp nhận và bao dung người khác.

Vì vậy, một trong những nhóm lý do dẫn đến ly hôn phổ biến nhất là mâu thuẫn về lối sống, đặc biệt là khi tuổi đời còn trẻ, ít kinh nghiệm hành xử và trải nghiệm cuộc sống. Theo thống kê của Toà án Nhân dân năm 2022, cả nước có trên 500.000 vụ ly hôn, 70% thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30, xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống, xung đột và bất đồng quan điểm.

Khánh An (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Từ Hy Viên phẫn nộ chồng cũ