Khi tình yêu đương đầu với nghịch cảnh: Vợ nghỉ việc ở nhà chăm chồng hơn 1 năm chiến đấu với ung thư
Tin liên quan
Từng có câu nói: “Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười”, đối với chị Hà và anh Bút lý do để cười có lẽ là tình yêu, sự đồng cảm và mong muốn chia sẻ với nhau. Tình yêu có một sức mạnh kỳ diệu, giúp xoa dịu mọi vết thương, bệnh tật theo một cách riêng.
Câu chuyện của chị Hà về hành trình cùng chồng bị ung thư sống những ngày trọn vẹn nhất được chia sẻ trong chiến dịch cộng đồng “Tin nhắn tri kỷ” do nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) tổ chức nhận được “triệu tim” cùng hàng ngàn lời động viên, chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Ngày gửi những dòng tâm sự chia sẻ trong chiến dịch cộng đồng “Tin nhắn tri kỷ” do nhóm Yêu Bếp tổ chức, cũng là vào những ngày 2 vợ chồng chị Hà đang lang thang trong bệnh viện để truyền hoá chất đợt 3 cho anh Bút.
Những dòng gửi gắm đến “tri kỷ” được viết ra khi chị ngồi trong đêm nhìn anh chồng tay chằng chịt dây chuyền đang say giấc ngủ. 5 năm bên nhau và năm nay đã là mùa Noel thứ 2 chị Hà và anh Bút cùng nhau đón giáng sinh tại bệnh viện.
Chị Nguyễn Thị Hà (34 tuổi) cùng chồng mình là anh Nguyễn Hữu Bút (34 tuổi) quen nhau khi tham gia chung trong một câu lạc bộ xứ Thanh. Trước đây chị Hà là giáo viên mầm non, còn chồng chị lái taxi. Lần đầu gặp anh, chị Hà đã ấn tượng với anh chàng có dáng người cao, cử chỉ nhẹ nhàng, hiền lành và luôn giữ lời hứa. Tình yêu của họ cũng bắt đầu nảy nở và có cái kết trọn vẹn.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng bắt đầu vòng xoay của cơm áo gạo tiền, nhưng chưa bao giờ chị Hà và chồng bất hòa vì kinh tế, quan điểm sống. Bởi với chị, anh Bút là người đàn ông của gia đình, mang lại cảm giác an tâm cho vợ và 2 đứa con nhỏ.
Tháng 12/2021, anh Bút có cảm giác đau nhức đầu gối và vùng bắp chân phải. Sờ vào chân, anh phát hiện có một khối u nhỏ ở đùi nên đến bệnh viện tỉnh kiểm tra. Lúc đó, các kết quả đều là u lành tính nên anh chị quyết định phẫu thuật bóc u. Tuy nhiên, cuối tháng 2/2021, anh Bút lại có cảm giác đau nhức nên sau Tết Nguyên đán, vợ chồng anh đến bệnh viện Việt Đức khám lại. Anh tiến hành mổ lần 2 và đợi kết quả sau 15 ngày. Nghe tin từ bác sĩ thông báo anh mắc khối u ác tính cao, cần chuyển sang bệnh viện K (Tân Triều) để có phác đồ điều trị chuyên sâu, cả hai như chết lặng, chỉ biết ôm nhau khóc.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, chị Hà nói: “Thật sự lúc đó cả hai vợ chồng rất hoảng loạn, mọi thứ như sụp đổ vậy. Phần lo về bệnh tật, phần lo về chi phí chữa bệnh. Sau đó, cả hai đành chấp nhận sự thật, chuyển viện, gói ghém đồ đạc ra Hà Nội ở để anh tiện điều trị”.
Sau khi chuyển hồ sơ sang bệnh viện K3 Tân Triều, anh Bút được khám lại tổng quát và làm các xét nghiệm. Nhận tờ kết luận anh mắc ung thư phần mềm xâm lấn mạch khoeo và dây thần kinh, cả chị Hà và chồng quyết định không yếu đuối, trốn tránh mà cùng nhau đương đầu với căn bệnh.
Thời điểm đó, hai vợ chồng được các bác sĩ đưa ra phương án phẫu thuật lần 3 mổ rộng vét u. Sau khi mổ xong, anh sẽ tiếp tục được điều trị xạ trị. Thời gian đầu, anh chỉ đến bệnh viện một vài tuần, chị Hà xin tạm nghỉ công việc giáo viên, gửi 2 con nhỏ cho ông bà để ra Hà Nội tiện chăm sóc anh.
Định bụng chỉ xin nghỉ tạm thời vài tháng để chăm anh, sau khi sức khoẻ anh ổn định chị Hà sẽ xin đi làm lại. Nhưng sau khi xạ trị 33 mũi, đến tháng 8/2022 anh lại bị tái phát, u phát triển to xâm lấn nhiều gây chèn ép có thể dẫn đến hoại tử. Thời điểm đó, chân của anh Bút phù nề to, gây đau nhức đến độ anh không thể nằm xuống giường ngủ được. Hai tay anh chống nạng đứng, gục đầu vào lưng chị để tựa cho đỡ mỏi, cứ như thế 8 ngày không được nằm, hai vợ chồng cũng chẳng được một giấc ngủ ngon. Đó cũng là lúc chị Hà nghỉ hẳn việc để ở lại Hà Nội đồng hành cùng chồng chữa bệnh.
Nghe vợ đưa ra quyết định nghỉ công việc đã gắn bó suốt 8 năm để ở cạnh mình, anh Bút nhất quyết không đồng ý. Nhưng chị Hà biết, bệnh của anh chỉ cố gắng kéo dài thời gian, lỡ anh có chuyện gì mà chị không bên cạnh sẽ rất hối hận, dần dần nghe chị thuyết phục anh Bút cũng đồng ý.
Trước đây, khi mổ và xạ trị anh chị phải ở Hà Nội liên tục vì anh điều trị hằng ngày, chỉ nghỉ thứ 7, chủ nhật. Khi chuyển sang truyền hoá chất cứ 15 ngày lại ra truyền 1 đợt 5 ngày rồi về, 15 ngày sau lại ra. Tính đến nay, anh Bút đã trải qua 3 đợt truyền hoá chất.
Từ ngày anh bị bệnh, chị Hà phải tự học rất nhiều thứ như tìm hiểu về dinh dưỡng cho chồng, cách rửa vết thương cho anh, ghi nhớ tên các loại thuốc, giờ uống thuốc của anh.
“Thật ra là 2 vợ chồng động viên nhau, có thời điểm mình không kiềm chế được cảm xúc, cứ khóc suốt, anh lại là người động viên chị mạnh mẽ lên. Mình là giáo viên đã gắn bó với nghề được 8 năm rồi. Nên khi đưa ra quyết định nghỉ việc mình cũng đắn đo. Nhưng đến thời điểm hiện tại mình không thấy hối hận về quyết định này”, chị Hà bộc bạch.
Trong suốt 1 năm cùng đồng điều trị ung thư, cặp vợ chồng có nhiều kỷ niệm với nhau. Nhưng có lẽ, điều mà chị Hà không bao giờ quên là cách cả hai tìm thấy niềm vui để vượt qua căn bệnh ung thư quái ác.
Chị chia sẻ: “Mình còn nhớ hồi tháng 4-5, nửa đêm về sáng 2 vợ chồng mình cùng dìu nhau xuống đường đi lại để hóng gió cho anh quên đau, thời gian ấy đêm nào 2 vợ chồng cùng lang thang quanh cổng bệnh viện. Điều trị lâu quá thành ra ở ngoài đây xung quanh viện các cô, các bác nhớ cả mặt, cả tên lúc nào gặp cũng hỏi thăm xem tình hình sức khỏe thế nào.
Có đợt không có cách nào làm anh bớt đau được nêm chị đành đưa con gái lớn 4 tuổi ra ngoài viện này ở cùng để có con gái gần bố xem bố có đỡ đau hơn không. Đúng là có con gái trò chuyện làm trò bố đỡ hơn nhiều ấy”.
Với anh Bút, chị Hà và các con là “hóa chất” đặc biệt nhất truyền cho anh tinh thần lạc quan, khao khát được sống. Là người phụ nữ, ai cũng yếu đuối và mệt mỏi nhưng chị Hà luôn tự nhủ bản thân phải là chỗ dựa cho anh. Nhìn người mình thương yêu vật vã trong đau đớn cảm xúc của chị Hà có lẽ khó diễn tả được bằng lời, có lúc chị nghĩ chỉ cần anh bớt đau thì chị làm gì cũng được.
Ròng rã hơn 1 năm, hai vợ chồng chị Hà đến nay vẫn vậy luôn yêu thương và động viên nhau, nhìn vào 2 con để cùng cố gắng. Trộm vía, 2 cô con gái ở nhà ngoan và hiểu chuyện, biết bố mẹ phải lên Hà Nội điều trị bệnh đều nghe lời ở cùng ông bà hai bên.
Thời điểm điều trị ngoại trú, ở phòng trọ có thời gian rảnh nên chị Hà lên mạng tìm việc. Chị thấy có lớp làm hoa thủ công, chị cho anh xem rồi cả hai học online và làm thử. Họ bắt đầu làm những chiếc kẹp tóc xinh xắn cho hai con gái và những người xung quanh. Vốn hai vợ chồng khá khéo tay nên học nhanh. Từ tháng 9, anh điều trị hóa chất xong sẽ về phòng trọ nên vợ chồng tranh thủ làm bán online.
“Nói là làm thêm nhưng thực ra giờ là nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng rồi. Cũng may mắn là được rất nhiều chị em bạn bè thương và ủng hộ nên vợ chồng cũng có việc để làm”.
Sau biến cố, chị Hà chợt nhận ra một điều là may mắn còn sức khoẻ hãy cứ làm những điều mình thích và biết yêu thương nhiều hơn, như điều chị hay chia sẻ là “hãy nói lời yêu khi còn có thể”. Với gia đình nhỏ của anh Bút và chị Hà bây giờ ngày nào cũng tràn ngập lời yêu thương. Anh chị cùng nhau sống trọn vẹn trong những ngày bệnh tật, đau ốm có lẽ không phải vì một chữ yêu, cũng chẳng phải một chữ thương là đủ mà có cả một chữ tình.
Hiện tại sức khoẻ của anh Bút yếu hơn do các đợt hoá chất và ảnh hưởng của thời tiết. Các cơn đau vì thế cũng dày lên, điều chị Hà mong mỏi nhất thời điểm này là chồng bớt đau, được nhìn thấy anh cười nhiều hơn.
Hơn 1 năm chiến đấu với ung thư, chứng kiến những gì trần trụi và đau thương nhất của số phận con người không làm anh Bút và chị Hà tuyệt vọng. Họ luôn nhìn cuộc sống với con mắt lạc quan, tìm niềm vui trong những khoảnh khắc còn được bên nhau, và những đứa con là kết tinh của tình yêu, sự hy sinh, duyên nợ của anh chị.
Phương Nga
Ảnh NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất