Bị "cắm sừng" sau 5 năm yêu đương, cô gái mắc hội chứng sợ yêu

Khánh An 2024-07-04 09:00
- Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh cho biết chứng sợ yêu (Philophobia) được xem là nỗi sợ yêu, sợ nhận được tình yêu, sợ yêu người khác hoặc cả hai.

Tình yêu là một cảm xúc nguyên thủy của con người. Tình yêu đã xuất hiện trong nhiều câu chuyện, bộ phim, cũng như lý thuyết khoa học để giải thích hiện tượng tâm lý này. Trong thời gian yêu đương, mỗi người trải qua nhiều giai đoạn với cảm xúc đa dạng, xen lẫn hạnh phúc và đau khổ. Nhiều bạn trẻ đã trải qua tổn thương trong chuyện tình yêu, dẫn đến ám ảnh và lo sợ, không dám tham gia vào tình yêu, từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội trong các mối quan hệ tình yêu lành mạnh.

Mới đây, tại trường Đại học FPT Hà Nội, đã diễn ra sự kiện “Fearless Love” dưới sự điều phối của Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh – một chuyên gia tâm lý tại Viện tâm lý Giáo dục Braincare. Sự kiện này nhằm giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về các lý thuyết liên quan đến chứng sợ yêu và tìm ra cách vượt qua nỗi sợ yêu của bản thân.

Bị cắm sừng sau 5 năm yêu đương, cô gái mắc hội chứng sợ yêu

Thạc sĩ Tâm lý học Lê Thế Hanh.

Bạn Đức Linh sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, chia sẻ trong sự kiện về chứng sợ yêu của bản thân:

"Em đã từng có một mối quan hệ tình cảm trong 5 năm nhưng lại kết thúc trong sự bế tắc. Trong suốt thời gian đó, em đã cố gắng giữ sự kết nối nhưng chúng em không có được tiếng nói chung, mỗi khi bất đồng quan điểm là cãi nhau, to tiếng và đập phá đồ.

Cho đến khi bạn ấy ngoại tình và chia tay em một cách bất ngờ, em bị sốc, em không dám yêu một ai khác nữa, em cũng ngại bắt đầu lại, mệt mỏi khi phải tìm hiểu một người mới và suy nghĩ rằng liệu mối quan hệ mới có bị kết thúc như mối quan hệ cũ hay không? Em mong đợi mình sẽ có thêm nhiều kiến thức và có thêm niềm tin vào tình yêu trong những mối quan hệ trong tương lai."

Giải mã về hội chứng sợ yêu

Hội chứng sợ yêu có tên gọi Philophobia. Cái tên này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó “Philo” có nghĩa là tình yêu và “phobia” có nghĩa là sợ hãi. Đây là một dạng rối loạn gắn bó với các mối quan hệ, khiến người mắc phải có thể trải qua sự cô lập với xã hội, lạm dụng chất kích thích hoặc mắc rối loạn trầm cảm.

Trong cuộc sống, hầu như ai cũng sẽ sợ hãi hoặc né tránh một số vấn đề, chẳng hạn như sợ động vật, xe cộ, giao thông, thang máy hoặc một khoảng trống nào đó. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi mà chúng ta đang nói tới là nỗi sợ gắn liền với cảm xúc tình yêu.

Bị cắm sừng sau 5 năm yêu đương, cô gái mắc hội chứng sợ yêu

(Ảnh minh họa)

Hội chứng sợ yêu tập trung vào nỗi sợ hãi về tình yêu – mối quan hệ cặp đôi mang lại cảm xúc đặc biệt mà không có bất kỳ mối quan hệ nào có thể thay thế được. Phản ứng phổ biến nhất của chúng ta là né tránh và hoảng sợ khi lại gần đối tượng được xác định là sẽ tán tỉnh yêu đương. Khoảng 5-10% dân số mắc một loại ám ảnh nào đó và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân

Làm sao để vượt qua hội chứng sợ yêu?

Tiến sĩ Rituparna Ghosh - Chuyên gia tư vấn tâm lí học, Bệnh viện Apollo, Navi Mumbai (Ấn Độ) cho biết, một người mắc chứng philophobia, tức là sợ phải yêu hoặc được yêu, không phải là hiếm. Tuy nhiên họ có thể cải thiện được hội chứng này nếu kiên trì. Theo Tiến sĩ, dưới đây là những cách bạn có thể tham khảo để vượt qua hội chứng sợ yêu.

Tự nhìn lại bản thân: Bạn không cần vội vàng đi tìm các cách khác nhau, điều đầu tiên cần làm là dành thời gian để hiểu về nỗi sợ hãi của bản thân và nguyên nhân cơ bản gây ra nỗi sợ đó. Chuyên gia cho biết tự nhìn lại bản thân có thể giúp nâng cao nhận thức về bản thân và cung cấp điểm khởi đầu để giải quyết nỗi sợ hãi của bạn.

Bị cắm sừng sau 5 năm yêu đương, cô gái mắc hội chứng sợ yêu

(Ảnh minh họa)

Thách thức bản thân vượt lên những suy nghĩ tiêu cực: Bạn cần xác định và thách thức bản thân vượt lên những suy nghĩ tiêu cực. Hãy thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực và thực tế hơn.

Tiếp xúc dần dần: Bạn cần dần dần tiếp xúc và làm quen với các tình huống liên quan đến tình yêu và các mối quan hệ. Bắt đầu bằng cách tham gia vào các tương tác xã hội mang tính kết nối thân mật hơn. Sự tiếp xúc dần dần này cho phép bạn xây dựng sự tự tin và thách thức nỗi sợ hãi của mình một cách có kiểm soát.

Kĩ thuật chánh niệm và thư giãn: Thực hành các bài tập chánh niệm, thiền định hoặc thư giãn để kiểm soát sự lo lắng và duy trì những suy nghĩ tích cực. Những kĩ thuật này có thể giúp giảm bớt sự lo lắng và cảm xúc choáng ngợp liên quan đến nỗi sợ yêu.

Giải quyết những tổn thương trong quá khứ: Nếu nỗi sợ yêu của bạn có liên quan đến những tổn thương trong quá khứ hoặc những vấn đề chưa được giải quyết, hãy cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp để giải quyết và chữa lành những trải nghiệm này.

Tập trung vào việc yêu bản thân và chăm sóc bản thân: Ưu tiên các hoạt động chăm sóc bản thân giúp nuôi dưỡng hạnh phúc và lòng tự trọng của bạn. Thực hiện những việc làm mà bạn thích, rèn luyện lòng trắc ẩn và nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với chính mình. Xây dựng một nền tảng vững chắc về tình yêu bản thân có thể giúp bạn dễ dàng đón nhận tình yêu từ người khác hơn.

Khánh An (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Na Ngọc Anh: Tình yêu giống như viên kẹo ngọt, hãy yêu hết mình