“Trong cơn khủng hoảng vỡ nợ, anh ấy có ý định NHẢY CẦU TỰ TỬ vì không muốn liên lụy vợ con”
Tin liên quan
Mùa World Cup đang diễn ra với những trận đấu kịch tính nhất. Nhiều người mong muốn thay đổi cuộc đời, làm giàu nhanh chóng bằng cách tham gia cá độ. Cũng vì vậy mà không ít người vỡ nợ, sống trong khủng hoảng nợ nần và tìm cách tự tử để giải thoát cuộc đời. Thế nhưng, "chết đâu phải là hết", họ có thể nhẹ nhàng ra đi nhưng để lại gánh nặng nợ nần, nỗi đau và cả điều tiếng cho những người ở lại.
Chồng vỡ nợ, vợ rối bời
Chưa bao giờ tình trạng vỡ nợ lại đáng báo động như thời gian gần đây. Vỡ nợ cuốn theo bao nhiêu mái ấm gia đình và nước mắt của người vợ, người con.
TS. Tiến sĩ tâm lý trị liệu Phan Thị Huyền Trân (TP.HCM) cho biết trong quá trình làm tư vấn, cô cũng gặp trường hợp người chồng muốn tự tử để vợ con không phải liên lụy nợ nần.
“Người vợ đến với tôi và mong sẽ làm điều gì đó cho chồng mình bình tĩnh lại. Cô ấy lo lắng vì sợ anh ấy ra đi, để lại con và
cô ấy. Nói đến đây cô ấy đã khóc rất nhiều. Tôi đã khuyên nếu bạn không bình tĩnh, thì làm sao bạn cho chồng bình tĩnh được. Hãy cho tâm mình nhẹ nhàng trước, nếu bạn muốn có điều gì đó cho anh ấy!”, TS. Huyền Trân kể.
Trong cơn khủng hoảng nợ nần, không ít con nợ nghĩ tới việc tự tử. Ảnh minh họa.
Lâm vào tình cảnh vỡ nợ là điều không ai mong muốn. Khủng hoảng chi tiêu gia đình, áp lực nợ nần sẽ kéo theo hàng loạt các hệ lụy. Con nợ vô cùng áp lực, hoảng loạn với con số nợ nần, lãi suất và áp lực từ những người đòi nợ. Trong cơn khủng hoảng đó, họ sẽ nghĩ đến việc nhảy cầu, uống thuốc sâu tự tử để giải thoát khỏi nợ nần và tránh làm liên lụy tới người thân.
Giữ gìn mái ấm gia đình thế nào trong cơn lốc vỡ nợ là phụ thuộc rất lớn vào sự kiên nhẫn, nỗ lực của người phụ nữ.
“Tôi cho rằng dù mình hay người thân là người vỡ nợ thì việc đầu tiên cần là bình tĩnh và suy nghĩ tích cực. Giải thoát khỏi nợ nần là trả nợ, còn sống, còn lao động là còn cơ hội trả chứ không phải là tự tử. Ai dám cam kết khi ta chết thì sẽ được giải thoát hay lại tạo thêm một món nợ với cha mẹ, mắc thêm nợ với người yêu thương? Bạn hãy cho anh biết bạn và con đều cần anh trong cuộc đời. Chính vì anh ấy cảm thấy được mọi người “cần”, anh sẽ không nghĩ quẩn và quyết tâm làm lại từ đầu”, TS. Huyền Trân bày tỏ.
Đừng trốn nợ, hãy tìm sự trợ giúp của mọi người
Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), về phía con nợ, hầu hết họ đều có tâm lý lo sợ, trốn tránh. Điều này, càng làm cho các chủ nợ truy đòi gắt gao hơn thậm chí sử dụng vũ lực “luật rừng”.
Khi đó, vợ con họ cũng chấn động tâm lý rất lớn. Những đứa trẻ còn quá nhỏ, bố mẹ vỡ nợ khiến trẻ xao nhãng học hành.
"Có trường hợp bố mẹ phải gửi con về quê hoặc gửi về ông bà, họ hàng trông coi để tránh các chủ nợ làm ảnh hưởng, dùng con cái gây áp lực lên cha mẹ. Có những trường hợp, ném mắm tôm, ném sơn vào nhà, xảy ra các vụ cố ý gây thương tích, thậm chí là án mạng đe dọa sự an toàn của các con nợ cũng như thành viên trong gia đình con nợ”, Luật sư Minh Long cho biết.
Đừng tự tử hay trốn nợ, hãy tìm sự trợ giúp của mọi người xung quanh và nỗ lực vượt qua khủng hoảng. Ảnh minh họa.
Theo đó, có không ít trường hợp vợ muốn ly hôn khi chồng vỡ nợ để tránh “gánh nợ” cũng như những rủi ro có thể gặp phải. Thực tế luật sư Long đã gặp một số trường hợp khi rơi vào tình trạng “không còn cách nào để xoay sở”, người chồng làm đơn ly hôn để tránh cho vợ con của mình liên lụy.
“Về mặt đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục thì người vợ không nên ly hôn để rũ bỏ trách nhiệm. Tôi cho rằng người vợ với vai trò của mình nên động viên, vực lại tinh thần cho chồng. Người chồng rất cần sự chia sẻ, chân thành để cùng nhau đưa ra hướng giải quyết.
Tốt nhất con nợ nên khôn khéo trong quan hệ ứng xử, có vay thì có trả, chia sẻ với chủ nợ những khó khăn thực tiễn về hoàn cảnh, ngoài ra cần có những văn bản trình bày để thể hiện mình không chây ì. Không nên bỏ trốn, hãy nhờ sự giúp đỡ của mọi người cũng như người am hiểu pháp luật. Vì hành động bỏ trốn sẽ khiến việc đòi nợ thêm căng thẳng, có thể dẫn đến mặt pháp lý có dấu hiệu hình sự về tội lừa đảo hay lạm dụng chiếm đoạt tài sản.
Khi hỗ trợ pháp lý đối với những trường hợp này, trước hết các chúng tôi động viên để họ lấy lại tinh thần, lắng nghe để hiểu họ đang cần gì. Sau đó, chúng tôi hướng dẫn họ viết bản tường trình để nắm được nội dung sự việc, số nợ là bao nhiêu. Còn phương hướng giải quyết lại phụ thuộc vào cụ thể các trường hợp, làm việc với các cá nhân, tổ chức liên quan đến khoản nợ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho con nợ, giảm thiểu rủi ro và hậu quả pháp lý”, Luật sư Long cho biết.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất