Hôn nhân không phải bộ quần áo, nếu không đẹp thì có thể bỏ đi luôn!

Linh Lan 2017-07-24 06:59
- Hôn nhân là đích đến cuối cùng cho chặng đường hạnh phúc của tình yêu, là ở đó, chúng ta có gia đình, có những người sẵn sàng yêu thương và che chở. Vậy chìa khóa nào cho những gia đình “cơm không lành, canh không ngọt?”.

“Trời không chịu đất, đất phải chịu trời”

Các cụ ngày xưa có câu: “Trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời”. Điều này có thể áp dụng trong cuộc sống hôn nhân và cho chúng ta những kết quả tốt đẹp.

Hôn nhân gia đình là giai đoạn cuối cùng của một tình yêu. Nó là bản cam kết của không chỉ hai người yêu nhau, mà là bản cam kết của hết thảy những người thân trong gia đình 2 bên nội, bên ngoại.

Giữa cuộc sống hôn nhân đó, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những sai lầm, cãi vã, những thứ làm tổn thương nhau mỗi lần nóng giận. Khi đó, chúng ta không thể giữ khư khư quan điểm “mình không sai, mình không chịu thua”.

Chìa khóa cho gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”

Hạnh phúc gia đình cần sự vun vén, nỗ lực rất nhiều. Ảnh minh họa

Hôn nhân có nghĩa là người ta nói không với thắng - thua, được - mất, là ai đúng, ai sai, ai thắng, ai thua không còn quá quan trọng.

Quan trọng là giữ vững mối quan hệ đó của chúng ta. Mỗi lần cãi vã, cần có bên nhu, bên cương, một người nóng tình, thì phải có một người xoa dịu, trở thành người mở lời, sẵn sàng thỏa hiệp với đối phương. Cũng có nghĩa là: “Trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời”.

Tôn trọng mọi suy nghĩ và việc làm của nhau

Một trong những lý do kiến các cặp vợ chồng trở nên bất hòa, khó chịu khi sống chung với nhau đó chính là việc: “Họ không còn được tôn trọng như lúc đang yêu, thế giới riêng của họ bị đảo lộn”.

Điều này vốn dĩ không thể tránh khỏi trong một cuộc sống gia đình. Bởi không có một ai trên đời có thể hợp nhau hoàn toàn về suy nghĩ và hành động. Sẽ vẫn có những ngã rẽ suy nghĩ và cách hành xử khác nhau. Chính những sự khác nhau đó như vừa bổ sung vừa hoàn thiện cho đối phương hơn.

Vì vậy, trong một cuộc sống gia đình, bất kể là thành viên nào đi chăng nữa, vẫn cần sự tôn trọng nhau tuyệt đối.

Đây là chìa khóa giảm thiểu sự va chạm, xích mích không đáng có cho các thành viên trong gia đình. Bởi mỗi người một độ tuổi, một tính cách, một suy nghĩ riêng, chúng ta hãy tôn trọng điều đó.

Hãy chân thành

Tình cảm xuất phát từ sự chân thành, luôn luôn là những tình cảm đẹp và cao quý. Tình yêu chân thành sẽ được đền đáp bằng sự chân thành.

Chân thành ở trong một gia đình có nghĩa là nguyện ý yêu thương nhau, thành ý vun vén hạnh phúc gia đình, mọi người ở đó, đều đối đãi chân thành với nhau nhất.

Chìa khóa cho gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”

Tình yêu cần sự chân thành, hôn nhân cũng vậy. Ảnh minh họa

Thứ tình cảm không phải là xu nịnh hay bằng mặt mà không bằng lòng. Đó là niềm yêu, sự quý mến, tôn trọng nhau, trước sau như một. Dẫu có thể, đó không thể so sánh với tình máu mủ ruột già, nhưng đó là thứ tình cảm xuất phát từ trái tim yêu thương và sự đối đãi tử tế, chân thật.

Nếu có thể, hãy biết bao dung và tha thứ

Trong cuộc sống hôn nhân, bao dung và tha thứ là những cụm từ được nhắc nhiều nhất đứng sau hạnh phúc.

Con người chúng ta, không một ai trên đời này là hoàn hảo, nên chúng ta không thể bắt buộc người khác tránh khỏi những sai lầm.

Sai lầm vốn dĩ không đáng trách, đáng trách là con người ta biết mình sai nhưng lại không tự mình sửa chữa.

Còn lại, chúng ta cần nhiều hơn một lòng bao dung, nhiều hơn một chữ “tha thứ”, vì cuộc sống hôn nhân, không nên bị đổ vỡ chỉ vì một vài những sai lầm.

Có nhiều người nói rằng, họ sẽ không tha thứ cho chồng/vợ mình, nếu họ ngoại tình. Nhưng trong một vài giây phút ngắn ngủi, họ đã mắc sai lầm, chúng ta có thể vì thế mà tha thứ được không?

Sẽ rất nhiều người nói không, thậm chí có thể đưa đơn ly hôn ra ngay sau đó. Nhưng hôn nhân không phải là cuộc dạo chơi một sớm một chiều, có thể bỏ dở khi không bước tiếp.

Hôn nhân cũng không phải bộ quần áo, mà nếu không đẹp thì có thể bỏ đi luôn. Hôn nhân là cam kết, là ràng buộc của đôi bên, là con mẹ cha, xóm giềng, anh em, cô chú. Và nếu có thể, hãy vị tha. Nếu không thể, hãy rời xa. Bởi hạnh phúc, là do chính bản thân chúng ta nắm bắt.

Nếu sống chung với bố mẹ chồng, hãy tâm lý và cư xử đúng mực

Không lạ lẫm gì với những cô gái bước chân vào nhà chồng, chân ướt, chân ráo và rồi bị mẹ chồng “để ý”.

gia đình

Hãy tâm lý và cư xử đúng mực với cha mẹ chồng. Ảnh minh họa

Với những trường hợp bất khả kháng, các nàng dâu khi sống chung với mẹ chồng cần lưu ý. Hãy cư xử, hành vi đúng mực và tâm lý. Thế nào là cư xử đúng mực? Là kính trên nhường dưới, biết bề bậc, lễ phép và hiểu chuyện.

Thế nào là tâm lý? Là phải biết nắm bắt ý nguyện của cha mẹ chồng, bởi người già, suy nghĩ cũng khác, có dăm ba phần khó tính và không vừa lòng. Hãy trở thành một người con biết lo lắng, quan tâm, chăm sóc cho hạnh phúc to lớn của gia đình, đừng suy nghĩ gì nhiều quá.

Chìa khóa cuối cùng: Hãy yêu thương nhau nhiều hơn

Xuất phát từ yêu thương, sẽ chạm tới yêu thương. Bí quyết đặc biệt quan trọng cho những gia đình đang trong trường hợp “Cơm không lành, canh không ngọt” chính là: “Biết yêu thương nhau”.

Chỉ có yêu thương nhau nhiều hơn, chúng ta mới có thể nhường nhịn, vị tha và bao dung, vì nhau mà cố gắng, vun vén cho mái ấm của mình. Chỉ có yêu thương nhau nhiều hơn, chúng ta mới có thể có một gia đình hạnh phúc.

Linh Lan

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Ly hôn, loạt sao nam này vẫn giữ mối quan hệ thân mật với vợ cũ