"Con tôi phải là cháu của riêng bà nội!"

2015-10-09 07:00
- Cuộc sống cũng không có gì đáng bàn cho đến ngày tôi sinh cho ông bà đứa cháu đích tôn kháu khỉnh. Mẹ chồng tôi yêu quý cháu khỏi phải nói. Xem cu cậu chẳng khác gì cục kim cương. Như người ta vẫn hay đùa, nhưng có lẽ đến “gan trời” mà có thật thì mẹ chồng tôi cũng phải lấy về cho cháu bằng được.

Tôi là một cô gái tỉnh lẻ, bố mẹ tôi làm nông quanh năm chân lấm tay bùn. Anh là một chàng trai thành đạt, là con độc đinh trong gia đình gốc Hà Nội. Nói thế cũng đủ biết 2 gia đình chúng tôi không môn đăng hộ đối. Chúng tôi yêu nhau 1 năm thì tiến đến hôn nhân, sống cùng bố mẹ chồng nên từng nếp ăn nếp nói của tôi luôn phải cố gồng lên để đúng kiểu gái Tràng An để vừa lòng họ.

Tuy cuộc sống không mấy thoải mái, nhưng tôi vẫn cố gắng cư xử phải đạo. Bố chồng tôi khá hiền, thương con dâu nhưng với mẹ chồng ông luôn nhường bà vài phép. Cuộc sống cũng không có gì đáng bàn cãi cho đến ngày tôi sinh cho ông bà đứa cháu đích tôn kháu khỉnh. Mẹ chồng tôi yêu quý cháu khỏi phải nói. Xem cu cậu chẳng khác gì cục kim cương. Như người ta vẫn hay đùa, nhưng có lẽ đến “gan trời” mà có thật thì mẹ chồng tôi cũng phải lấy về cho cháu bằng được.

Đến người làm mẹ như tôi mặc dù yêu con nhưng cũng cảm thấy nghẹt thở. Thời gian ở cữ, mẹ chồng lúc nào cũng dính chặt vì bà không tin tưởng vào khả năm chăm con của tôi. Từ việc thay tã, cho con ngủ, cho ti… bà đều can thiệp 1 cách thái quá, lên lớp tôi phải thế này, thế kia. Nói chung cách chăm cháu của bà làm tôi thấy bức bách và khó chịu vô cùng.

Ai cũng biết nuôi trẻ nhỏ thì việc cho tắm nắng buổi sáng là việc nên làm, thế nhưng mẹ chồng tôi lại cho đó là phương pháp phản khoa học. Bao nhiêu tháng ngày, bà không để ai bế cháu ra khỏi nhà. Ngay cả bố chồng tôi muốn bế cháu bà cũng nhìn trước ngó sau vì sợ ông vụng về làm rơi cháu. Thậm chí, con tôi mới được 4 tháng bà đã đè ra nhai cơm mớm. Tôi góp ý thì bà đã mắng xối xả vào mặt tôi cái kiểu, cho nó ăn sớm thì mới cứng cáp, 3 cái sữa bột kia tốn tiền mà chẳng có chất dinh dưỡng.

Mẹ chồng tôi cứ như kiểu đó là con của bà, không phải do tôi sinh ra nên cả ngày bà cứ dính như sam lấy cháu chẳng chịu rời. Trẻ con thường ngủ nhiều, trong khi cả ngày mẹ chồng tôi ôm cháu nằm võng. Tôi thấy thế bảo bà cho cháu nằm ít kẻo ảnh hưởng đến thần kinh, chẳng hiểu cho, bà còn buông một câu xanh rờn “tôi chăm thằng chồng cô như thế mà cô có thấy nó bị thần kinh gì không. Cô không phải dạy đời”.

Thời gian nghỉ thai sản 6 tháng của tôi cũng hết tôi trở lại công ty làm việc. Vì nuôi con nhỏ nên tôi được ưu ái đi sớm về muộn. Buổi trưa tôi thường tranh thủ về nhà cho con bú. Thời gian đi lại không nhiều nhưng mẹ chồng tôi thật sự quá khắt khe đối với cháu. Có lẽ bà muốn cháu của bà phải sống trong bầu không khí vô trùng, không một con vi khuẩn ( tôi nghĩ thế). Dù chỉ tranh thủ được 1 tiếng nghỉ trưa, con tôi đói khóc đòi ti thế nhưng mẹ chồng tôi vẫn bắt tôi phải thực hiện nghiêm chỉnh các “công đoạn khử trùng”. Nào là đi tắm, đánh răng, thay quần áo…. Mọi thứ đâu vào đấy mới được sờ vào con. Có lần tôi vội vàng bỏ qua 1 công đoạn nào là y như rằng bị bà thuyết giáo cho một tràng. Nào là cô định cho cháu tôi bú cả tấn vi khuẩn trên người đấy ah. Cứ nghĩ suy cho cùng cũng là do bà quá yêu cháu nên mới thế. Vậy nên dù máu nóng có nổi lên mặt tôi vẫn cố kiềm chế trong lòng.

Rồi đến cả việc cho con ăn dặm bà cũng gằn giọng lên mà quát. Cô không biết cô sinh ra ở đâu hay sao mà cho con ăn uống kiểu đó hả. “Nuôi nấng kiểu này chả trách cháu tôi còi dí còi dị. Dẹp hết”. Có lần tôi ngồi mát xa nhẹ nhàng cho con thì mẹ tôi từ đâu nhảy xổ vào đẩy tôi ngã lăn ra giường. Chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì bà đã gào lên. Ối dời ôi, sao cô nhẫn tâm thế, nỡ lòng nào vật thằng bé ra thế, cô vặn xương cháu tôi thế kia ah.

Nhiều lần tôi mang chuyện này ra tâm sự với chồng thì anh lại cười xuề nói tôi quá để bụng. Bà chăm chút thế cũng là vì quá yêu cháu thôi. Em đừng quá coi trọng vấn đề đó mà nảy sinh mâu thuẫn với mẹ.

'Con tôi phải là cháu của riêng bà nội!'

Nếu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì tôi vẫn có thể cố gắng chấp nhận. Cứ tưởng bà chỉ can thiệp trong giai đoạn sơ sinh. Nào ngờ khi con tôi lớn bà càng can thiệp một cách thái quá. Những dịp lễ tết tôi muốn đưa con về  ngoại chơi mà mẹ chồng tôi không đồng ý, bà bắt tôi muốn đi thì đi một mình, trẻ con không nên đi nhiều kẻo ốm. Nhưng thực chất là bà không muốn tôi đưa con sang ngoại. Với mẹ chồng tôi, con tôi sinh ra là cháu của riêng bà nội, nhất nhất cái gì cũng phải bà nội, chứ không muốn có từ “bà ngoại” tồn tại trong đầu chúng. Có lần tôi tủi thân phát khóc khi nghe được cuộc hội thoại của mẹ với chồng. “Cháu tôi đang cái tuổi tập nói, đưa nó về cái vùng quê nghèo đó làm gì. Nói năng thì toàn mấy từ địa phương nghe mất hết cảm tình. Người Hà Nội pha tạp mấy cái giọng quê mùa ấy để hỏng người à?”.

Thú thật, bà nội hay bà ngoại thì cũng yêu cháu như nhau, và trên đời này chẳng có tình thương nào cao cả bằng mẫu tử. Tôi yêu con và muốn giáo dục con thành một người tốt, tôi muốn con mình hiểu về gốc gác quê hương mình. Thế nhưng câu nói ấy của mẹ chồng khiến tôi cảm thấy phần nào bị xúc phạm.

Những mâu thuẫn cứ ngày một tích tụ lại làm tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Tôi muốn ra ở riêng nhưng đó là điều không thể. Tôi phải làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của mẹ và chăm sóc cho con tôi một cách tốt nhất đây?



Trịnh Bồng
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mách bạn 4 bài tập để có ngay cánh tay thon dài mỏng manh ai nhìn cũng mê mẩn