Chuyện tình 60 vẫn nồng thắm như ngày đầu của cụ ông 78 tuổi luôn ở bên chăm sóc vợ từng ly từng tí

Minh Anh 2017-07-07 10:16
- Những ngày bà ra Hà Nội nằm viện, bất lực vì không thể đến tận nơi tự tay xoa bóp, đổ bô, giặt quần áo cho bà, ông Đảm chỉ biết ngóng chờ, nhớ nhung ông dồn hết vào những vần thơ chan chứa yêu thương để tặng bà.

“Cứ ngỡ khi trẻ còn có lúc xích mích, xô đẩy nhau thì khi về già tình cảm chẳng còn mặn nồng. Nhưng không, ông bà ngoại tôi lại khác. Tôi biết trên thế giới chẳng thiếu những cặp đôi về già vẫn còn chan chứa yêu thương dành cho nhau nhưng ông bà tôi là cặp đôi đầu tiên như thế tôi được tận mắt chứng kiến”, đây là những lời chia sẻ của cô cháu gái Bùi Thị Trang  về chuyện tình đáng ngưỡng mộ của ông bà mình.

Trao đổi với PV Emdep.vn, Trang kể rằng, cô sống gần nhà với ông bà ngoại trong ngôi làng nhỏ ở thôn Đạo Tú, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Hàng ngày Trang là người thường xuyên chứng kiến những hành động yêu thương, bao bọc rất quen thuộc mà ông bà dành cho nhau. Nhưng mỗi lần nhớ đến cô vẫn luôn xúc động. Không những Trang mà cả người trong xóm, trong làng này ai cũng tỏ ra rất ngưỡng mộ khi nhắc đến cặp vợ chồng già Nguyễn Văn Đảm và Nguyễn Thị Hồng.

Ngưỡng mộ cụ ông 78 tuổi viết thơ tặng vợ vượt cơn tai biến

Ông Đảm và bà Hồng vốn dĩ là một cặp đôi "thanh mai trúc mã", biết nhau từ thuở lọt lòng, cùng nhau chăn trâu, cắt cỏ ở làng quê nhỏ yên bình. Đến tuổi lấy dựng vợ, gả chồng thấy đôi trai gái thân thiết, quý mến nhau nên hai bên gia đình chấp thuận cho hai ông bà "về chung một nhà".

Hai ông bà nên vợ chồng đến nay cũng đã 60 năm, khoảng thời gian ông bà xa nhau lâu nhất đó là khi ông không màng hiểm nguy, đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước, bỏ lại vợ trẻ, con thơ ở quê nhà để tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trang kể, sau khi ông đi là quãng thời gian thật sự vất vả đối với bà, một mình bà vừa sinh xong chưa bao lâu đã phải bươn chải, chắt chiu từng đồng nuôi đứa con mới hai tháng tuổi. 

Về phần ông, là người phá giải quả bom đầu tiên trong tiểu đội, nhưng công lao của ông lại bị ghi nhận nhầm cho một người khác, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, ông đã bị trúng một viên đạn, tuy nhiên không vì những lý do đó mà ông bỏ dở sự nghiệp giữ nước. Về sau những sự đóng góp của ông được ghi nhận, đến thời bình ông được thuyên chuyển về địa phương làm cán bộ. Nhưng di chứng chiến tranh cũng “chung sống” với ông trong suốt quãng đời còn lại.

Trở lại quê nhà, trở lại với vợ con cũng là lúc ông Đảm từ đó đến nay không rời vợ nửa bước. Ông bà làm gì cũng có nhau, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau.

"Bà kể ngày ông từ chiến trường về, hai vợ chồng không có ruộng nên không thể trồng cấy. Ông phải đi cày thuê, làm lụng chăm chỉ nhưng cũng không đủ ăn. Hàng ngày hai ông bà chỉ có một bơ ngô chia hai bữa, phải hầm nhừ từ đêm hôm trước thì hôm sau mới ăn được, nhìn thấy nhà người khác ăn cơm mà thèm", Trang xúc động kể lại thời điểm khó khăn của ông bà mình.

Ngưỡng mộ cụ ông 78 tuổi viết thơ tặng vợ vượt cơn tai biến

Dù đã trải qua vài chục năm hôn nhân nhưng ông bà lúc nào cũng tình cảm như lúc mới cưới. Hàng ngày, hai ông bà cùng nhau tập thể dục buổi sáng để rèn luyện sức khỏe. Buổi chiều khi mặt trời bắt đầu đi ngủ, ông bà lại cùng nhau đi dạo, thăm nom con cái sống cùng ngôi làng nhỏ với mình.

Tối đến ông bà cũng phải đợi bằng được người bạn đời của mình cùng đánh răng rồi sau đó mới yên tâm cùng nhau đi ngủ.

Những lúc con cái bận công việc, ông bà tự nấu cơm cho nhau. Họ vừa nấu nướng vừa ríu rít nói chuyện - những câu chuyện giản dị, thường ngày nhưng đong đầy yêu thương.

Một điều nữa ở cuộc hôn nhân của ông Đảm và bà Hồng khiến nhiều người ngưỡng mộ đó là từ khi mới về chung một nhà cho đến bây giờ chưa bao giờ ông bà lời qua tiếng lại với nhau. Bởi vì ông bà đã tự đặt ra một quy luật ngầm rằng: "Khi giận nhau thì không ai được nói gì nữa, 30 phút sau thì phải tự động làm lành rồi cùng nhau tìm cách giải quyết".

Lâu dần thói quen này của ông Đảm và bà Hồng đã trở thành truyền thống gia đình. Về sau con, cháu của ông bà cũng không bao giờ to tiếng, xích mích với nhau.

Không chỉ luôn yêu thương người bạn đời của mình, ông Đảm, bà Hồng cũng luôn dành tình yêu thương vô bờ cho con cháu.

Cô gái này kể rằng, khi còn khỏe mạnh cứ một tháng ông bà lại tụ họp con cháu một lần và dành từng lời khuyên cho từng người một. Với những ai đi học, ông bà khuyên chịu khó học tập. Với những ai đi làm ông bà khuyên chăm chỉ làm việc. Với những ai đã lập gia đình ông bà khuyên phải biết nhường nhịn, thương yêu và thấu hiểu người còn lại thì hôn nhân mới bền lâu.

Ở cái tuổi 78 khó có thể tránh khỏi những căn bệnh tuổi già hay những bệnh khi thời tiết thay đổi đột ngột. Nhất là khi bà vài năm nay đã đổ bệnh và bị liệt nửa người. Con cái đông đủ, sống gần nhà nhưng ông Đảm chưa bao giờ phải nhờ tới con cái chăm sóc bà Hồng. Như thể ông không yên tâm khi giao người phụ nữ ông yêu thương nhất cuộc đời này cho ai khác mà ông phải tự tay chăm sóc.

Hàng ngày, ông Đảm luôn túc trực bên giường bà xoa bóp cho vợ để dịu đi những cơn đau. Chốc chốc ông lại hỏi “bà còn đau lắm không”, “bà đỡ chưa”, “bà mau khỏe đi, đừng làm tôi lo”. Những câu hỏi vụng về, giản dị nhưng khiến cho bất cứ ai chứng kiến đều cảm thấy ấm lòng.

"Tuy đã già yếu, cộng với di chứng chiến tranh cũng làm ông đau ốm liên miên. Nhưng khi trái gió trở trời nhìn bà ốm, tình yêu thương vô bờ bến dường như đã khiến cho ông trở nên khỏe khoắn vô cùng. Không chỉ nhanh tay xoa bóp những lúc bà bị đau, ông cũng chẳng ngần ngại đổ bô hay giặt từng bộ quần áo, từng chiếc khăn cho bà", Trang tự hào khoe.

Ngưỡng mộ cụ ông 78 tuổi viết thơ tặng vợ vượt cơn tai biến

Chính tình yêu thương vô bờ bến của ông dành cho bà nên sau một thời gian bà đã có thể đi lại được. Song mới đây, một cơn tai biến lại ập đến khiến bệnh tình của bà thêm nặng hơn, con cháu phải đưa bà ra Hà Nội để điều trị.

Ông Đảm một mực đòi đi theo để chăm sóc bà, nhưng vì lo cho sức khỏe của ông nên con cái đã giữ ông ở nhà. Những ngày bà nằm viện là những ngày lúc nào cũng thấy ông buồn bã, ủ rũ. Những lúc nhớ bà Hồng, ông Đảm chỉ biết gọi điện nói chuyện ríu rít để động viên tinh thần bà. Nhưng nỗi lo âu quá lớn, sau những câu chuyện vui, ông lại bật khóc trong điện thoại.

"Vào một buổi chiều sang thăm ông, thấy ông đang cặm cụi viết cái gì đó mới vào xem. Hóa ra ông đang viết thơ tặng cho bà. Thấy cháu ngoại, ông bỗng nhiên rơm rớm nước mắt, giọng run run bảo “ông thương bà lắm”. Ngay sau khi viết xong, ông đã gọi điện và đọc luôn cho bà nghe để phần nào khiến cho bà vui vẻ, lạc quan hơn", Trang kể lại.

Tình yêu 60 năm

Đây không phải lần đầu tiên ông viết thơ tặng bà. Ông đã từng dành tặng cho bà những dòng thơ giản dị, chân thành nhưng đầy ý nghĩa khi bà mừng thọ 60, 70 tuổi. Và ông đang rất mong chờ đến ngày bà 80 tuổi để có cơ hội “trổ tài” thêm một lần nữa.

Một lần nữa, chính nhờ tình yêu thương vô bờ của ông Đảm lại giúp cho bà mạnh mẽ vượt qua căn bệnh tuổi già. Bà Hồng nhanh chóng được xuất viện về với người chồng của mình. Từ ngày bà về, ông không còn ủ rũ nữa, ông cười vui vẻ cả ngày. Ông lại tự tay xoa bóp, tự tay bón cháo, tự tay giúp vợ uống từng viên thuốc. Lúc rảnh rỗi, ông lại lấy những bài thơ do mình tự sáng tác đọc cho vợ nghe một cách đầy trìu mến yêu thương.

Chia sẻ với phóng viên, Trang cho hay: "Tôi không cần học ở đâu xa vời, nhìn ngay vào cuộc hôn nhân hạnh phúc của ông bà tôi, tôi đã tự rút ra được bài học quý báu cho mình. Cuộc sống không tránh khỏi những lúc xích mích, quan trọng là biết nhường nhịn, thông cảm cho nhau thì mọi chuyện đều có thể giải quyết. Đối với bất kỳ mối quan  hệ người thân, vợ chồng, bạn bè nào cũng thế, đều phải tóm gọn lại trong hai chữ nhường nhịn mới tốt đẹp được".

Minh Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Suzy, Yoona bật mí cách mix chân váy chữ A trẻ như nữ sinh