Bạn đã cởi bỏ mặt nạ khi về nhà chưa?
Tin liên quan
Giữa cuộc sống ồn ào bon chen ngoài kia, có ai dám thừa nhận rằng chưa bao giờ phải che giấu cảm xúc, suy nghĩ, con người thật của mình để có thể cân bằng các mối quan hệ xung quanh không? Cho dù bạn là người đơn giản đến đâu, thật thà thế nào, thì đôi khi bạn vẫn phải “dằn lòng”, lời đến môi phải nuốt xuống bụng vì không muốn mất lòng bạn bè, đồng nghiệp, cả người lạ vô tình ngang qua nữa. Hoặc lắm lúc bạn phải nói dối, giả vờ thể hiện cảm xúc ngược với nội tâm, để làm an lòng người khác, khoác lên gương mặt nụ cười nhưng đằng sau đó thực sự là gì thì chỉ có mình mới hiểu.
Trong một khoảnh khắc chạy trốn khỏi cuộc sống Sài Gòn bận rộn ngột ngạt, ông bố trẻ Dương Minh Tú (30 tuổi) đã vô tình bắt gặp cảnh tượng sắp đặt đầy ẩn ý, rất thích hợp để miêu tả chuyện chúng ta phải “đeo mặt nạ” để thích nghi với các mối quan hệ bên ngoài cánh cửa nhà:
Một bức ảnh vô tình chụp được ở quán cafe khiến bao người phải suy ngẫm.
Vì hoà nhập với thế giới bên ngoài mà chúng ta phải làm những việc trái ngược với cảm xúc suy nghĩ của mình, nhưng khi trở về nhà, nơi bình yên quen thuộc, ai cũng muốn rũ bỏ hết mọi lo toan, áp lực cuộc sống ra để sống thật với bản thân, bởi nơi đó chỉ có toàn người thân yêu của ta mà thôi, họ hiểu ta đến chân tơ kẽ tóc, giả tạo để làm gì, đâu có ai xem!
Chính tác giả của bức ảnh, anh Dương Minh Tú đã thừa nhận rằng, những chiếc mặt nạ xếp kín tấm bảng ghi dòng chữ “Nơi để đồ khi vào nhà” đã gây ấn tượng mạnh mẽ với anh, chứa đựng sự thâm thuý, sâu sắc mà ít ai hiểu được hết. Đứng trước tác phẩm sắp đặt tuyệt vời này, chắc hẳn ai cũng lặng im suy ngẫm ít nhiều. Nó giống như một tấm gương, mà khi đối diện, ta nhìn thấy hình ảnh của mình được phản chiếu hoàn toàn chân thực, không giả tạo, không hoa mỹ, không dối trá. Chắc hẳn nhiều người biết, từng có một bộ phim tựa đề “Mặt nạ da người”. Đúng vậy, chính khuôn mặt của chúng ta sinh ra đã là một chiếc mặt nạ tự nhiên, dùng để che đi những cảm xúc, toan tính âm thầm trong lòng. Khuôn mặt ấy còn có thể đi phẫu thuật, chỉnh sửa, tuỳ theo ý muốn của chủ nhân, với nhiều mục đích khác nhau nữa. Một người có khi khoác lên mình vài ba chiếc mặt nạ, để đối phó với vài ba hoàn cảnh khác nhau. Thế nên, người ta bảo, “biết mặt nhưng khó biết lòng”, “đừng trông mặt mà bắt hình dong”…
Ai cũng phải "đeo mặt nạ" khi bước ra ngoài cuộc sống, nhưng khi trở về nhà, sự giả tạo là thứ cần tháo bỏ.
Những chiếc mặt nạ ấy biểu trưng cho nhân cách, lối sống của mỗi chúng ta. Còn dòng chữ trên tấm bảng giống như lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu cay, rằng bạn có thể đeo mặt nạ ở bất kỳ nơi nào, nhưng trở về nhà thì hãy nên trút bỏ. Sống thật hay giả tạo là do mỗi con người tự lựa chọn, phụ thuộc vào môi trường sống, công việc phải làm, và các mối quan hệ xung quanh. Thậm chí, với nhiều người, họ coi chiếc "mặt nạ nhân cách" do họ tạo ra là thứ bảo vệ mình trước hoàn cảnh họ sinh sống và làm việc, là thứ thoả mãn nhu cầu, sở thích cá nhân, ví dụ như tránh khỏi chuyện bị bắt nạt ở trường học nên phải tỏ vẻ ghê gớm hung dữ, không muốn bị đồng nghiệp nói xấu nên luôn phải tươi cười đon đả với tất cả mọi thứ xung quanh, muốn được chú ý khen ngợi nên phải gồng mình tỏ vẻ ăn chơi sành điệu trong khi thực tế chẳng giàu có gì... Về tới nhà, lột bỏ hết ra, họ lại trở về làm con người yếu đuối, mong manh, cô đơn...
Chiếc "mặt nạ nhân cách" đó là thứ trừu tượng thuộc về bản chất, rất khó giải thích vẹn toàn, đại khái giống như ý kiến của một thành viên mạng sau khi xem xong bức ảnh: “Cuộc sống mỗi người một vẻ, nhiều lúc phải giả tạo, câu nệ mới có thể tồn tại được. Nhưng khi về nhà, ai cũng phải trút bỏ hết lớp mặt nạ đó, có thể hiểu đơn giản là sự nghỉ ngơi trong tổ ấm an toàn riêng tư, vứt bỏ hết ưu phiền lo toan cuộc sống, cơm áo gạo tiền bên ngoài cửa”.
Dù dòng đời xô đẩy khiến ta đôi khi phải che giấu cảm xúc, suy nghĩ thật, nhưng rồi cũng phải tháo bỏ mà thôi.
Một lớp ý nghĩa khác của bức ảnh là sự đề cao trân trọng vai trò gia đình với mỗi cá nhân. Như bạn Lĩnh Sơn chia sẻ: “Tháo bỏ chiếc mặt nạ ta phải đóng ở ngoài đời, về nhà ta lại là chính ta”. Gia đình luôn là nơi ấm áp, thoải mái nhất, gắn bó thân thuộc với mỗi người, là nơi ta tìm về sau những sóng gió, xô đẩy của dòng đời, là nơi dang rộng vòng tay ôm ấp vỗ về ta khi ta tổn thương, đau khổ, bị ức hiếp. Người thân trong gia đình luôn đối xử với ta tốt nhất, quan tâm đến mọi điều dù là nhỏ nhất, chẳng bao giờ ta phải lo đối phó, giả vờ lấy lòng họ, vì họ không lợi dụng, nói xấu ta như người xa lạ. Bên ngoài đã quá mệt mỏi rồi, nên khi ở nơi gọi là NHÀ, mọi thứ giả tạo đều chẳng có tác dụng gì cả, phải không?
Bức ảnh thực sự quá thấm thía và có giá trị nhân văn sâu sắc. Chẳng thế mà chưa đầy 24h giờ sau khi đăng tải, nó đã thu hút hơn 2000 lượt like share và nhiều bình luận chia sẻ của cư dân mạng, xoay quanh chủ đề “sống thật khi trở về nhà”. Có lẽ mỗi người sẽ có một cách hiểu riêng, bài học riêng cho mình sau khi ngắm nghía tấm ảnh. "Cuộc sống là phải thế...".
(Theo Trí thức trẻ)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất