Nhạc Trịnh Công Sơn trong suy nghĩ của 3 thế hệ

2016-04-01 07:00
- Ánh Tuyết, Quang Dũng và Hoàng Quyên - 3 thế hệ hát nhạc Trịnh dù cách biệt nhau về tuổi tác, vị thế, suy nghĩ nhưng đều dành cho dòng nhạc bất hủ này sự trân trọng.

Ánh Tuyết: Hát nhạc Trịnh cần phải hiểu đời, hiểu người, hiểu ta


Nhạc Trịnh có ca từ rất đẹp, bay bổng, âm nhạc du dương và lãng mạn nhưng thật sự lại rất đời. Âm nhạc của ông là những câu chuyện có thật về những mảnh đời khác nhau, có khi hân hoan với niềm vui, cũng có khi là nỗi đau tột cùng của sự mất mát. Do đó, nhạc Trịnh có nhiều người hát, nhưng muốn hát hay và ra chất thì hoàn toàn không dễ.

Người nghệ sĩ khi muốn truyền tải được tâm tư, tình cảm của Trịnh Công Sơn trước tiên phải hiểu đời, hiểu người và hiểu ta. Năm 2011, tôi phát hành album Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn nhưng đã phải đắn đo suy nghĩ rất lâu mới dám thực hiện. Với tôi, đứa con tinh thần này là cả một sự nỗ lực và thấm thía cuộc đời mới có thể hát lên được.

Ba thế hệ tạo nên sự “bất tử” cho nhạc Trịnh

Cũng vì “sự đời” nên tất cả các ca khúc của Trịnh Công Sơn đều dễ mang đến cảm xúc cho người nghe. Tôi hát nhiều nhạc Trịnh, nhiều lần bật khóc trên sân khấu. Tuy nhiên, ca khúc làm khó tôi nhiều nhất chính là Đường xa vạn dặm. Sau này, mỗi khi hát sáng tác này của ông, tôi đều hát chay chứ không cần nhạc để có thể lột tả được những tình cảm một cách thật nhất. Và cứ thế, tôi, gia đình của anh Sơn và khán giả đều không cầm được nước mắt.

Trịnh Công Sơn là người rất yêu mẹ. Các tác phẩm của ông phần lớn có bóng dáng của người phụ nữ, trong đó có nhiều bài dành cho mẹ và Đường xa vạn dặm là một trong số đó. Tôi nghe gia đình kể lại, ca khúc được viết vào đúng ngày mẹ ông mất. Muốn gửi tặng mẹ, ông mang ra mộ phần của bà để đốt. Tuy nhiên được gia đình ca ngăn nên giữ lại được tác phẩm để đời này.

Tôi nhớ khi còn sinh thời, một lần được hát ca khúc này trước mặt nhạc sĩ. Sau khi hát ông, ông bảo tôi lại rồi đưa ra 4 chiếc khăn, tình cảm nói: “Này khăn của tôi ướt hết cả rồi”. Lúc đó tôi mới biết chính tác giả của bài hát cũng không thể cầm lòng.

Quang Dũng: Hát nhạc Trịnh bằng tất cả sự trân trọng


Đối với tôi, được gặp gỡ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một duyên may. Từ đó, tôi có thêm cơ hội để học hỏi và niềm tin vào nghề nghiệp. Tôi bắt đầu hát nhạc Trịnh từ những năm tuổi 20 khi còn là học sinh phổ thông tại Quy Nhơn. Dù nhận được lời khen nhưng tôi biết thời điểm đó còn quá non nớt nên lối hát cũng chưa thật sự sâu sắc.

Sau này, tôi có dịp gặp gỡ và hát trực tiếp trước nhạc sĩ. Đó là một buổi trưa, tôi ngồi hát Phôi pha ngay tại chính ngôi nhà của chú tại quận 3 (TP HCM). Chỉ biết hát bằng vốn có sẵn nên tôi được góp ý và chỉnh sửa, hướng dẫn cách thể hiện tác phẩm. Ngoài ra, tôi còn may mắn được ông trực tiếp chọn bài hát phù hợp với chất giọng. Bên cạnh đó, được chính tác giả kể về những câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm khiến tôi có cái nhìn cụ thể hơn.

Ba thế hệ tạo nên sự “bất tử” cho nhạc Trịnh

So với những năm đầu, bây giờ tôi hát nhạc Trịnh với tâm thế hoàn toàn khác. Cộng thêm đó là những trải nghiệm, tuổi đời tuổi nghề càng tăng cũng giúp cách hát già dặn và trăn trở hơn trước rất nhiều.

Nói về nhạc Trịnh, muốn hát hay phải có cái tình. Có người chỉ là giọng ca nghiệp dư nhưng truyền tải được tâm hồn của mỗi ca khúc sẽ tốt hơn là những người được đào tạo bài bản như thể hiện một cách hời hợt. Bản thân tôi khi hát nhạc của ông cũng bằng cả tấm lòng và sự trân trọng. Âm nhạc Trịnh Công Sơn rất quan trọng trên con đường âm nhạc của tôi.

Hoàng Quyên: Hát nhạc Trịnh một cách tự nhiên nhất

Lần đầu tiên được mời tham gia đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cách đây 2 năm, tôi khá lo lắng khi biết những ca khúc của ông chính là những trải nghiệm cả cuộc đời. Tuy nhiên, khi nhớ lại các ca sĩ Khánh Ly, Hồng Nhung, Thanh Lam cũng đều đến với nhạc Trịnh từ khi còn rất trẻ, do đó tôi nghĩ âm nhạc bắt nguồn từ cá duyên và cảm, có thể truyền tải bằng chính tâm hồn của người hát. Còn nếu bắt buộc phải chuyển tải 100% tâm tư của tác giả thì ca sĩ nào cũng sẽ hát giống nhau.

Nhạc Trịnh Công Sơn trong suy nghĩ của 3 thế hệ

Tôi chưa từng gặp trực tiếp nhạc sĩ, nhưng qua một vài đêm nhạc, tôi được ngồi nói chuyện cùng gia đình của ông để được nghe những tâm sự,  muốn có thế hệ tiếp theo hát nhạc Trịnh. Tôi may mắn là một trong những gương mặt đầu tiên được lựa chọn với mong muốn tạo làn gió rộng hơn đến khán giả trẻ, khuyến khích những giọng ca mới thật sự yêu thích dòng nhạc của ông chứ không phải biểu diễn hời hợt. Và xa hơn cả là để nhạc Trịnh còn vang mãi.

Tôi nhớ mãi lời cô Trịnh Vĩnh Trinh tâm sự, muốn hát nhạc Trịnh hay hãy hát một cách tự nhiên nhất với những gì mình có. Bản thân nhạc sĩ vốn là người đơn giản và mộc mạc, nên đó là cách đưa nhạc của ông đến với nhiều người.

Với tâm thế của một người 9X, tôi mong muốn không chỉ những người trưởng thành mà cả lớp trẻ cũng sẽ tìm đến nhạc Trịnh với một tinh thần, hơi thở đương đại. Qua sự hỗ trợ của ê-kíp phối khí giúp tôi phần nào làm được điều này. Ngoài ra, tôi tìm hiểu thêm về những bài viết, hình ảnh mà gia đình còn cất giữ, những quyển sách viết về cố nhạc sĩ để có thể tiếp cận và thấu hiểu con người ông hơn.

Theo Zing

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 bí quyết hạnh phúc cho phụ nữ độc thân