Lắc đầu trước cuộc chạy đua gameshow theo kiểu thương mại
Tin liên quan
Trước hàng loạt những gameshow đang đổ bộ trên sóng truyền hình, rất nhiều những cái tên trong giới chuyên môn đưa ra ý kiến đánh giá, bàn luận về chất lượng của những chương trình này. Dù tỷ suất người xem luôn ở mức cao tuy nhiên, rất nhiều chương trình bị đánh giá là “nhảm nhí”, không còn mang ý nghĩa tích cực như trước đây.
Câu chuyện tỷ lệ nghịch giữa số lượng tăng trong khi chất lượng giảm sút, chưa kể đến những hướng đi lệch lạc, khiến những gameshow không còn mang những giá trị nhất định khi không còn là bệ phóng vững chắc cho những thế hệ mới. Nó đã trở thành những món ăn “chóng chán” mà mất đi những ý nghĩa thâm thuý. Thay vì một sân chơi, nơi tìm kiếm tài năng thì nó lại trở thành nơi... kinh doanh và thương mại.
Thanh Bùi: “Nên dừng những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc và các gameshow nhí”
Giữa lúc những gameshow truyền hình thực tế ào ạt đổ bộ, nhạc sĩ Thanh Bùi không ngại thẳng thắn chia sẻ ý kiến cá nhân về việc có quá nhiều những chương trình gameshow đang thi nhau lên sóng, trong khi chất lượng ngày càng giảm sút, thậm chí nó còn đi theo hướng sai lệch, không còn mang ý nghĩa nghệ thuật.
Thanh Bùi từng làm giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc tuy nhiên, trước hiện trạng khán giả “bội thực” vì những chương trình truyền hình, vị nhạc sĩ trẻ lại khẳng định không hề có ý quay trở lại làm giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc.
>>> Thanh Bùi: "Đã đến lúc phải dừng các game show nhí"
Nói về lý do “nên dừng những chương trình về tìm kiếm tài năng âm nhạc”, giọng ca “Tình về nơi đâu” cho rằng: “game show thực tế đã quá nhiều về số lượng nhưng về chất lượng, nó không đem đến cảm xúc lẫn trở thành “bệ phóng” cho các giọng ca trẻ như trước kia”.
Trưởng thành từ chương trình Vietnam Idol Úc, tuy nhiên Thanh Bùi cho biết, anh đã trải qua quãng thời gian 15 năm khổ luyện để có thành công như hiện tại, chứ không chỉ là vụt sáng từ một cuộc thi. Và không giống với cách mà các chương trình truyền hình ở Việt Nam đang xây dựng cho các thí sinh như hiện nay.
Trả lời cho việc chất lượng của các chương trình truyền hình bị giảm sút, vị giám khảo trẻ cho rằng: “Ngành âm nhạc cần thêm thời gian để thở và phát triển một cách đúng đắn, cân bằng với chất lượng của những nghệ sĩ. Tài năng trẻ cần được nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian”.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, ý kiến của Thanh Bùi lại một lần nữa gây chú ý với chia sẻ thẳng thắn: “Đã đến lúc phải dừng các gameshow nhí”. Nếu lúc trước, những chương trình này mang lại những điều tích cực thì đến hiện tại, nó không còn mang nghĩa tích cực mà còn đi ngược lại. Nó không còn là sân chơi cho trẻ em, nó không còn mang ý nghĩa, nó cũng chẳng phải hoạt động vì nghệ thuật mà hơn hết chỉ là để... kinh doanh. Khi đó, sân chơi này không còn lành mạnh, cuộc thi này sẽ không còn công bằng. Và một khi nó không mang một ý nghĩa tích cực thì người giám khảo như Thanh Bùi cũng không còn hứng thú gì để tiếp tục ngồi vào các vị trí ghế nóng.
Đó là chưa kể đến những mối lo ngại, những sai lầm xuất phát từ những người phụ huynh. Họ muốn con em mình đi học nhạc và đến những cuộc thi để được nổi tiếng. Theo Thanh Bùi, đó là một định hướng “ảo”, định hướng sai lầm cho các em và đó cũng không phải là cách mà anh đang hướng đến.
Anh cũng khẳng định rằng, thị trường Việt Nam còn quá nhỏ, tài năng không thể đáp ứng đủ trong khi các cuộc thi ngày càng “rầm rộ”. Việc nên làm lúc này là “nên dừng lại các cuộc thi tìm kiếm tài năng để các em có thời gian học hỏi cơ bản và định hướng bản thân”.
Hồng Vân: “Gameshow hài đang giật văn hoá của người dân đi xuống”
Trong buổi hội thảo nâng cao hiểu quả hoạt động các thiết chế văn hoá do hội đồng nhân dân và viện nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức, NSƯT Hồng Vân đã trình bày một vài vấn đề xoay quanh việc “bùng nổ” các chương trình gameshow hài trên sóng truyền hình.
Chị hiện đang là giám đốc sân khấu kịch Phú Nhuận, giữ nhiều vai trò quan trọng ở các sân khấu lớn, hiện tại cũng xuất hiện là giám khảo của nhiều chương trình hài. Tuy nhiên, chị bày tỏ sự thất vọng với hàng loạt những chương trình game show mà theo chị cho là “nhảm”.
Bà “bầu” sân khấu thẳng thắn đưa ra nhận định: “Gameshow, nhất là những gameshow hài đang giật văn hoá, giật thẩm mỹ xuống đến mức lệch lạc, lệch hướng khiến chúng tôi là người vừa quản lý, vừa trực tiếp tham gia gameshow đó cũng bị mất phương hướng”.
NSƯT Hồng Vân lại cho rằng, những gameshow hài đang làm mất đi những tiếng cười thâm thuý
Trước tình trạng gameshow, chương trình truyền hình “bùng nổ” với tỷ lệ người xem cao ngất ngưỡng khiến nhiều người bị ngộ nhận về mặt bằng văn hoá người dân là thích tiếp nhận những điều đó. Trong khi những chương trình biểu diễn nghệ thuật vĩ mô, được đầu tư nhưng lại rất ít người xem, vì không có đối tượng hưởng thụ văn hoá.
Hồng Vân cũng không ngại chỉ điểm một vài chương trình gameshow “hot” đối với khán giả Việt. Nếu như để lấy 100 triệu đồng từ chương trình “Thách thức danh hài” quá dễ dàng, chỉ cần chọc cười giám khảo mà đôi khi những cái cười ấy còn khá dễ dãi. Trong khi đó, những chương trình như “Chiếc nón kỳ diệu”, “Đường lên đỉnh Olympia”... thì việc giành lấy giải thưởng 10 triệu đồng quả thật rất khó khăn.
Sự dễ dãi luôn đi kèm với sự “chóng chán”, một thời gian ngắn những tiết mục hài “nhảm” sẽ đi vào quên lãng mà không để lại bất kỳ một ý nghĩa gì. Những câu chuyện sẽ chẳng vui lâu, những tiếng cười không nội dung và thiếu đi sự thâm thuý. Đó là hướng đi sai lệch của thị trường gameshow Việt.
Thanh Lam: “Chỉ thấy nực cười khi xem show truyền hình thực tế”
Trong một bài phỏng vấn cũ, Thanh Lam từng lên tiếng cho rằng, những gameshow thực tế như hiện nay không phù hợp với mình, bởi nó hoàn toàn mang tính thị hiếu hơn là những yếu tố chuyên môn.
Trước đây, nữ diva cũng chọn ngồi ghế nóng chương trình “Sao mai điểm hẹn” vì cho rằng: “Đây là chương trình nghiêm túc, có một giá trị nhất định”. “Người đàn bà hát” đã thẳng thắn phân trần việc “cầm cân nảy mực” ở một chương trình truyền hình rằng: “Có bột mới gột nên hồ, phải có trình độ mới dạy được”.
Cô còn không ngại chỉ đích danh và đưa ý kiến đánh giá về khả năng của những ca sĩ thế hệ đàn em: “Khi xem chương trình này tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?”
Sau ý kiến nhận xét đàn em, Thanh Lam đã nhận phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.
Việc chạy đua các chương trình gameshow, từ những chương trình tự sản xuất cho đến những format lấy từ nước ngoài, tất cả chỉ được đong đếm về số lượng, trong khi chất lượng sai lệch, thậm chí là đi ngược với tiêu chí của các nhà đài quốc tế.
Thanh Lam nhận định và chỉ ra sự khác biệt: “Ở nước ngoài vẫn có những gameshow thu hút khán giả nhưng họ đều có tiêu chí cả. Chứ không phải như ở mình. Mình bị văn hoá phương Tây đè, mình bị non quá, cái bản ngã văn hoá của mình còn ít.” Và đỉnh điểm là phát ngôn khiến nhiều người không khỏi giật mình: “Thú thật với bạn, hôm nào rỗi ở nhà bật ti vi lên xem, vào đúng show truyền hình thực tế thì tôi chỉ thấy nực cười thôi”.
Vừa mới đây, Thanh Lam bất ngờ nhận lời ngồi ghế nóng trong chương trình “Nhân tố bí ẩn”. Câu chuyện về một chương trình truyền hình có giá trị, nghiêm túc hay một chương trình mang tính thị hiếu, thương mại lại một lần nữa được khơi gợi. Những phát ngôn cũ đã vô tình trở thành một sức ép lớn và khán giả đang chờ đợi những gì mà nữ diva sẽ làm trong thời gian tới.
Hoàng Thương
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất