Kim Xuân: Đường đến với nghề và tình yêu

2016-08-19 10:26
- NSƯT Kim Xuân đã gần 60 vẫn nhẹ nhàng, khoan thai như thời son trẻ. Chị kể về con đường đến với nghề và tình yêu, vai diễn "quá sức" đầu đời và những tháng năm tuổi trẻ...

Một buổi trưa tháng 7, hẹn NSƯT Kim Xuân ở một quán cà phê gần nhà chị ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Như thường lệ, ông xã là người chở chị đến.

Người phụ nữ đã gần 60 ấy vẫn nhẹ nhàng, khoan thai như thời son trẻ. Nhẹ nhàng, dịu dàng và luôn mở đầu câu chuyện bằng những tính từ ngọt ngào như “à, ơi, nè, nghen” thế thôi nhưng Kim Xuân trong công việc lại mạnh mẽ, quyết đoán vô cùng.

Kim Xuân - Kỳ 1: Đường đến với nghề và tình yêu

NSƯT Kim Xuân - Ảnh: NVCC

Vào nghề từ những năm 1976, khi đất nước đang có nhiều xáo trộn, đổi thay, Kim Xuân đứng vững trước biết bao đổi dời của thời cuộc và luôn bắt kịp những làn sóng mới trong nghệ thuật.

Chị bảo có lúc cũng trái ý chồng khi bàn bạc về con đường tiếp theo mình phải đi nhưng những lần làm theo ý mình ấy, Kim Xuân chưa bao giờ sai.

“Tôi cũng bướng lắm. Tôi cứ nói ông xã là anh để cho em làm, từ từ anh sẽ thấy. Và không hiểu may mắn làm sao mà chưa lần nào tôi đoán sai đường đi nước bước của mình”, chị nói.

Nhưng khoan hãy nói về “người đàn bà trải thảm nhung trong cuộc sống gia đình” như cách một phóng viên gọi chị, hãy bắt đầu nói về Kim Xuân từ những vai diễn ấn tượng trải dài từ những năm 1970-1980 đến tận bây giờ.

Con đường đến với nghề và tình yêu

Kim Xuân - Kỳ 1: Đường đến với nghề và tình yêu

NSƯT Kim Xuân cùng NSND Hồng Vân, cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu và nhà báo Thanh Hiệp - Ảnh: NVCC

Năm 1976, cô bé Kim Xuân 19 tuổi cùng các anh, chị ở quận đoàn Bình Thạnh được cử đi tham gia Nhà nghệ thuật quần chúng tại số 11 Công trường Lam Sơn (bây giờ nằm cạnh khách sạn Caravelle Saigon).

Đó là một cuộc tập trung đông đảo những hạt nhân văn nghệ của các quận huyện. Tại lớp học này, Kim Xuân cũng gặp người đàn ông của đời mình.

Lớp học chỉ kéo dài vài tháng nhưng những gì nó mang lại cho Kim Xuân không hề nhỏ. Từ một diễn viên tay ngang, chị được rèn giũa bởi những bậc thầy đáng kính như NSND Can Trường, thầy Quỳnh Nga, thầy Trương Quốc Khánh…

“Thầy Can Trường dạy chúng tôi về kĩ thuật diễn xuất, động tác hình thể, cách luyện thanh... Mỗi lần dạy xong, thầy đều thực hành ngay tại lớp. Mỗi lần thực hành của thầy đối với lứa học sinh còn non nớt như chúng tôi ngày ấy đều rất “thần thánh”, đến mức không thể cưỡng lại được sức hút của thầy trong diễn xuất.

Thầy Can Trường của chúng tôi cũng là người VN đầu tiên được thủ vai Lênin, thầy diễn đạt đến nỗi người ở nước Nga cũng phải công nhận là rất giống.

Cũng chính thầy là người nhận tôi vào đoàn kịch Cửu Long Giang, đoàn kịch đưa tôi đến với vai chính đầu tiên trong đời mình, khi chỉ mới 19 tuổi”, Kim Xuân nhớ về người thầy đầu tiên của mình.

Giảm 6kg để diễn “Tình ca”

Kim Xuân - Kỳ 1: Đường đến với nghề và tình yêu

Đoàn kịch nói Nam bộ vào miền Nam và đổi tên thành Đoàn kịch Cửu Long Giang. Lúc này, đoàn bắt đầu tuyển lớp diễn viên trẻ đầu tiên, toàn bộ là người Sài Gòn.

Lớp học của Kim Xuân ngày ấy có 12 người đậu vào Đoàn.

Với người khác không biết thế nào nhưng với Kim Xuân, đây chính là dấu son đầu tiên đánh dấu một hành trình mới trong cuộc đời.

Qua đến Đoàn kịch Cửu Long Giang, Kim Xuân chưa được diễn ngay mà phải học tiếp những kỹ năng sân khấu cho thành thạo.

Đến tháng 11-1979, cả lớp tham gia diễn vở Tình ca (tác giả Ngô Uy Linh, đạo diễn NSƯT Bạch Lan) để báo cáo tốt nghiệp.

Hội đồng nghệ thuật quyết định giao vai chính cho Kim Xuân, một điều chưa hề có tiền lệ, nhất là với một cô gái vừa chạm ngõ nghệ thuật.

“Việc được đứng trên sân khấu cách mạng không chỉ là ước mơ của một cô gái vừa tròn đôi mươi như tôi, mà còn là ước mơ của biết bao nhiêu bạn học sinh trường sân khấu lúc ấy. Tôi may mắn được tuyển vào, lại còn được đóng đào chính. Tôi phải giảm 6kg để vào vai này”, Kim Xuân nhớ lại.

Chưa từng trải hương vị tình yêu nhưng lại phải vào vai một người yêu say đắm một chàng sinh viên trốn quân dịch là thử thách không nhỏ với Kim Xuân.

“Được NSƯT Bạch Lan dựng vở diễn đầu tiên của mình, đó là một điều may mắn đối với tôi. Cô ấy khi đó vừa trở về từ Liên Xô, nhiệt huyết, máu lửa với nghề rất lớn. Lửa cô ấy truyền cho chúng tôi mạnh vô cùng, đến mức có lúc dường như không chịu nổi vì áp lực.

Có lần tôi diễn hoài vẫn không ra được nhân vật, cô Bạch Lan nổi giận, quăng chiếc đồng hồ vỡ toang. Tôi lúc ấy thấy mình như một con chuột bị dồn vào chân tường, chỉ còn biết run rẩy”, Kim Xuân vẫn còn nguyên những bồi hồi của ngày đầu.

Vai diễn này, theo cách nhìn của Kim Xuân là hoàn toàn quá lớn so với sức diễn của chị lúc đó nhưng cô gái 19 tuổi năm ấy đã không bỏ cuộc và luôn tự nhủ với bản thân rằng: Phải làm, phải làm, cương quyết phải làm cho bằng được.

Kim Xuân - Kỳ 1: Đường đến với nghề và tình yêu

NSƯT Kim Xuân và những bạn diễn của mình

“Trước khi đóng màn phần 1, chú Văn Thành - là bạn diễn của tôi - trong bóng đêm rít một hơi thuốc. Đèn tắt dần và khán giả chỉ còn nhìn thấy đốm thuốc lập lòe trong tấm lưới đan bằng dây thừng kéo dài hết sân khấu.

Chú như một người đàn ông bị giăng bẫy, bị mắc kẹt, không biết vùng vẫy đi đâu. Một cảnh quá đẹp và đến giờ vẫn còn hiện rõ trong tâm trí tôi”, Kim Xuân kể.

Vai diễn ấy cũng đồng thời đem lại cho Kim Xuân nhiều vinh dự. Chị nhớ lại:

Báo Tuổi Trẻ cũng là một trong những nơi đầu tiên ghi lại dấu ấn của tôi trong lòng công chúng. Tôi nhớ rất rõ bài viết có đăng cả hình tôi với tiêu đề: “Gương mặt nữ thế hệ đầu tiên của TP.HCM tham gia sân khấu cách mạng”. Đó thật sự là một sự trân trọng và vinh dự rất lớn đối với tôi.

Tuổi trẻ chúng tôi như thế...

Kim Xuân: Đường đến với nghề và tình yêu

NSƯT Kim Xuân thời trẻ - Ảnh: NVCC

\Những năm tháng trui rèn cùng các “cây đa, cây đề” của làng nghệ thuật, bầm mình vì vai diễn quá sức và nỗ lực để được ghi nhận, Kim Xuân nói tuổi trẻ của chị cùng những người bạn của mình diễn ra như thế, khó khăn mấy cũng rực lửa và đầy đam mê.

Những năm 1980-1988, Kim Xuân về diễn cho đoàn Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng và đảm nhận vai chính trong một số vở như: Đôi bông tai, Cho tình yêu mai sau, Cầu hôn, Cô lái xe và cái bình cổ…

Ngày ấy, kịch diễn cả tuần, chỉ trừ ngày thứ hai. Đó cũng là thời gian Kim Xuân cùng ông xã đi đi về về hằng tuần giữa cư xá Đô Thành (nhà của hai người lúc ấy) và bùng binh Cây Gõ.

Đến năm 1988, NSƯT Bảo Quốc có ý định thành lập nhóm hài nên đã kéo Kim Xuân, Hữu Châu, Chí Hiếu và cô Kiều Mai Lý vào nhóm.

“Những năm đó, hài nở rộ lắm. Tôi vào nhóm cũng chỉ “làm hương làm hoa” thôi nhưng quả thật những show hài khi ấy đỡ đần chúng tôi về mặt kinh tế rất nhiều.

Được một thời gian, tôi thấy mình phải quay về với chính kịch - đó mới là con đường tôi chọn cho nghiệp diễn viên của mình”, Kim Xuân nhớ lại một trong những quyết định mang tính bước ngoặt của mình. 

(Theo Tuổi trẻ)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí kíp mặc đồ gam màu hồng pastel đón hè không bị sến súa