Vientiane - Có những ngày bình yên như thế!
Tin liên quan
Trước đây, mỗi khi nghe đứa bạn tôi ao ước được quay lại Lào thêm một lần nữa, tôi lại phì cười: “Lào mà, có gì hay đâu cơ chứ!” Ấn tượng về Lào trong tôi lúc ấy chỉ là một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn, nằm kế bên Việt Nam. Danh sách điểm đến của tôi phải là những nơi hiện đại, phát triển như Singapore hay Malaysia hoặc chí ít cũng là Thái Lan. Còn Lào, có cho tiền chắc tôi... cũng chẳng đi. Nhưng gần một tháng lưu lại ở thủ đô Vientiane đã khiến tôi thay đổi hẳn suy nghĩ.
“Sao Vientiane giống... Cổ Nhuế quá vậy?”
Những ngày cuối năm, tôi được cử đi công tác ở Vientiane (Lào). Tôi dùng dằng không muốn đi, phần vì công việc học tập bận rộn ở nhà, phần vì tâm lý “Lào mà”. Thoái thác mãi không được, cuối cùng, tôi đành tặc lưỡi: “Thôi đi một lần cho biết.”
Bước xuống máy bay, cảm nhận đầu tiên của tôi là... nóng. Nóng, nóng quá. Bây giờ, ở Hà Nội, những đợt gió mùa Đông Bắc đã bắt đầu tràn về nhưng ở bên này, nắng vẫn chói chang cả ngày. Từng cơn gió bỏng rát táp vào mặt khiến tôi rùng mình: “Thì ra gió Lào là đây!”
Ngồi trên ô tô ngắm nhìn thành phố, cô bạn đồng nghiệp kế bên thốt lên: “Sao Vientiane giống... Cổ Nhuế quá vậy!” Quả thực, Vientiane khá khiêm nhường so với vị thế là thủ đô của một đất nước. Những căn nhà nhỏ bé, những cửa hiệu giản đơn, đường phố vắng bóng xe cộ và người qua lại. Ngoại trừ trục đường chính Lane Xang, đi xa trung tâm một chút là cảnh vật đã thưa thớt hơn rất nhiều.
Buổi sáng thảnh thơi ở Vientiane
Nhịp sống về đêm ở đây cũng không sôi động hơn là mấy. Tám, chín giờ tối, đường phố đã khá vắng lặng. Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, chỉ còn lại một số quán ăn phục vụ khách du lịch. Siêu thị lớn nhất ở đây chỉ có... ba tầng, chủ yếu bán đồ lặt vặt và chỉ mở vào ban ngày. Các quán bar đếm trên đầu ngón tay và lại cách xa trung tâm thành phố. Hình thức giải trí khả dĩ nhất là đi dạo bờ sông Mekong và khu chợ đêm gần đó (cũng đóng cửa khá sớm)
Các món ăn ở đây cũng không mấy hấp dẫn tôi. Ẩm thực Lào khá đơn giản, đồ ăn chủ yếu là cơm nếp và đồ nướng. Trong thời gian ở Vientiane, chúng tôi thường ăn ở các quán cơm Việt Nam, hợp khẩu vị hơn và quan trọng là... có nhiều rau. Người Lào ít ăn rau, nhất là các món rau xào hay nấu, có chăng chỉ là rau sống. Họ cũng rất thích ăn cay. Tôi cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên khi cô bạn người Lào vừa ăn bún vừa nhai ớt rau ráu, miệng liên tục phân bua: “Không cay đâu, không cay đâu mà!”
Khải hoàn môn Patuxay ngày nắng đẹp
Lào trong lần đầu tôi đến không để lại ấn tượng gì sâu đậm, nhạt nhòa và buồn tẻ. Tôi tự hỏi: Có điều gì ở nơi đất này lại khiến bạn tôi lưu luyến đến vậy?
Có những ngày bình yên như hơi thở
Tôi chỉ bắt đầu nhận ra cái “duyên” của mảnh đất Lào kể từ lần thứ hai tôi đến khi tôi có những ngày được “sống”, cảm nhận sự hồn hậu, chân thành của mảnh đất và con người nơi đây.
Không biết tự bao giờ tôi đã yêu nhịp sống thanh bình ở Vientiane mà lúc đầu tôi lầm tưởng là sự buồn tẻ. Đúng như bạn tôi từng nói: “Lào không dành cho những ai kiếm tìm sự ồn ã, xô bồ.” Vientiane đã cho tôi những giây phút tĩnh tại bình yên, để lắng lòng mình lại, để lắng nghe và suy nghĩ nhiều hơn, để trao đi và nhận lại những yêu thương chân thành, những điều tưởng chừng như đã bị lãng quên trong guồng quay hối hả của cuộc sống.
Bình yên thấm đẫm trong từng hơi thở của cuộc sống nơi thành phố này. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều hay buổi tối diễn ra thật chậm. Ai nấy đều làm công việc của mình một cách chậm rãi, từ tốn nhất. Đến cả người bán hàng cũng thong thả, không vội vàng còn khách hàng cũng kiên nhẫn chờ đợi, không hề có một lời phàn nàn hay giục giã. Trong suốt thời gian lưu lại Vientiane, tôi hiếm khi thấy cảnh tắc đường. Có chăng chỉ là cảnh hàng dài xe cộ nối đuôi nhau vào giờ tan tầm, nhưng tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn hay tiếng còi xe inh ỏi. Sự xô bồ, ồn ã trở nên quá lạc lõng trong sự bình yên ấy. Cứ thế, từng ngày trôi qua thật chậm, thật yên ả.
Tôi nhớ buổi sáng cuối tuần đi thăm ngôi chùa gần nơi tôi ở. Tôi ngồi trong sân chùa mà thấy lòng mình an nhiên đến lạ. Tiếng kinh sáng tan vào trong gió, tiếng chim ríu rít trong tán cây, những chú tiểu thong dong đi lại, những con người thành tâm cầu nguyện. Mọi bon chen đố kị đều đã bỏ lại bên ngoài cánh cửa gỗ.
Tìm chút an yên trong một ngôi chùa
Tôi cũng nhớ những buổi tối cùng bạn thả bộ bên bờ sông Mekong, ngồi trên bờ kè và nghe những cơn gió mát lành ùa lên từ mặt sông. Bên kia bờ sông là tỉnh Udon Thani của Thái Lan. Bên ấy nhộn nhịp hơn, hiện đại hơn nhưng chắc gì đã có sự bình yên như bên này bờ? Suy cho cùng, mỗi bước phát triển đều đòi hỏi có sự hy sinh hay đánh đổi, biết đâu khi cuộc sống đã khấm khá hơn, có điện thoại xịn, xe sang, quần áo đắt tiền, người dân Lào lại không còn giữ được những nét văn hóa truyền thống, hay không còn thời gian quây quần bên gia đình, bạn bè, hoặc không còn sự thanh thản trong tâm hồn nữa. Như vậy có gọi là hạnh phúc không?
Tôi và bạn trở về khách sạn khi thành phố đã say ngủ. Những con phố dài rợp bóng cây xanh tĩnh mịch, một vài quán ăn mở muộn cho khách du lịch nhưng cũng không hề ồn ào. Cả thành phố trong đêm bình yên như thở…
Miền đất Phật hiền hậu như chính con người nơi đây
Tôi cũng yêu mến cả những con người chân thật, hồn hậu mà tôi đã gặp. Đó là các bạn đồng nghiệp người Lào, buổi sáng mới gặp mà buổi chiều đã thân thiết như thể quen lâu lắm. Các bạn chở chúng tôi đi ăn, đi làm, rồi huyên thuyên đủ thứ chuyện về công việc, học tập, về ước mơ, về khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Lào… Trong những cuộc nói chuyện không lúc nào thiếu đi tiếng cười. Rồi còn cả những người xa lạ luôn nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi dù có đôi lúc bất đồng ngôn ngữ. Nụ cười hiền hậu và ánh mắt trong veo của họ luôn làm tôi thấy ấm lòng. Tình cảm lại có thể dễ dàng nảy nở ở một nơi xa lạ đến thế!
Nói về cái “duyên” của người Lào, tôi lại nhớ đến một anh bạn đồng nghiệp người Việt Nam. Trong một lần đến Vientiane công tác, cậu bị thu hút bởi nụ cười của một cô bé phục vụ trong quán kem. Sau đó hai người vẫn thường xuyên liên lạc qua Internet và gặp gỡ mỗi khi cậu sang công tác. Đến một ngày, cậu khiến tất cả mọi người ngạc nhiên khi quyết định nghỉ việc và… chuyển hẳn sang Lào sinh sống. Không ai nghĩ cậu lại nghiêm túc đến thế nhưng đối với cậu, đó là điều mang lại hạnh phúc. Hiện tại, hai người đã có cuộc sống ổn định, công việc tốt, thu nhập khá và chuẩn bị “góp gạo thổi cơm chung”.
Thành phố nhìn từ đỉnh khải hoàn môn Patuxay
Ngày cuối cùng ở Vientiane, tôi leo lên đỉnh khải hoàn môn Patuxay, thu vào tầm mắt một lần nữa quang cảnh thành phố. Còn nhớ những ngày đầu khi đến mảnh đất này, tôi đã chỉ muốn quay về Việt Nam nhưng sao giờ thấy lưu luyến quá. Nhớ lại lời bạn tôi lúc trước, tôi chợt nhận ra: Có nhiều điều níu giữ lòng người lắm!
• Vietnam Airlines và Laos Airlines có khai thác các đường bay thẳng từ Việt Nam đến Vientiane. Giá trung bình khoảng 2,8 triệu đồng/chiều. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tiếp cận Vientiane bằng đường bộ với xe khách giường nằm hoặc xe ô tô tự lái.
• Đơn vị tiền tệ của Lào là Kip. 1 Kip = 3 VNĐ.
• Phương tiện di chuyển trong thành phố chủ yếu là tuk tuk, tính tiền theo đầu người chứ không theo khoảng cách, khoảng 10.000 kip/người/chuyến (30.000 đồng). Nếu đi theo nhóm từ 5 - 6 người thì có thể mặc cả xuống 30.000 kip (90.000 đồng) cho tất cả.
• Khu ăn uống tập trung ở phố Fa Ngum và Setthathirath dọc bờ sông Mekong. Nhớ thử món Lạp (món ăn đặc trưng của người Lào, gồm thịt băm nhỏ trộn với đậu đũa, rau sống và ớt), đồ nướng (thịt gà, lợn, cá sông) ăn kèm với xôi nếp, bia Lào.
• Một số điểm tham quan đáng chú ý ở thủ đô Vientiane: Khải hoàn môn Patuxay, Chùa Sisaket (Wat Sisaket), Chùa Ho Phra Keo (Wat Ho Phra Keo), Đại bảo tháp That Luang, khu chợ đêm sông Mekong... Các điểm này đều nằm dọc đại lộ chính Lane Xang nên rất dễ tìm.
• Bạn cũng có thể đón xe đi thăm Vườn Phật (Buddha Park), cách Vientiane 28 km về phía Nam hoặc đi mua sắm ở tỉnh Udon Thani (Thái Lan), nối với Vientiane bởi cây cầu Hữu Nghị bắc ngang sông Mekong.
Minh Phạm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất