Nữ phượt thủ Việt đi vòng quanh thế giới bằng xe máy: Đi vì bản thân và gia đình
Tin liên quan
Liên Phạm, nữ phượt thủ đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, muốn chuyến đi của mình có thể truyền cảm hứng cho giới trẻ và thúc đẩy họ dám thực hiện ước mơ, đặc biệt là phái nữ.
Khi Zing.vn liên hệ với Phạm Thị Kim Liên, hay còn gọi là Liên Phạm, cô đang ở Argentina. Theo lời hẹn, 19h tối giờ Việt Nam, gương mặt nhỏ nhắn, giản dị nhưng tràn đầy năng lượng hiện lên trên màn hình.
- Là một người trẻ và đang trên đà phát triển của sự nghiệp, nguyên nhân nào khiến chị quyết định dừng lại và thực hiện chuyến đi khắp châu Âu trong nhiều tháng?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, vùng đất nghèo quanh năm mưa, lũ và hạn hán. Đa số người dân ở đây làm nông. Cuộc sống của mọi người rất khó khăn, ba mẹ tôi cũng vậy. Do đó, khi còn nhỏ, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà và đi học. Ba mẹ bảo chỉ học mới có thể giúp chúng tôi thoát khỏi hoàn cảnh.
Ngày đó, tôi rất thích xem chương trình mang tính phiêu lưu và ước mình có thể đến những đất nước tôi từng thấy qua màn ảnh nhỏ để xem thực tế với trên tivi có giống nhau không.
Khi học cấp 2, tôi nhận được tờ rơi quảng cáo về Suối Tiên (TP.HCM). Trên đó, họ in rất nhiều ảnh đẹp. Tôi vội vã mang về khoe với ba. Ba tôi nằm trên võng xem và bảo: "Cái này đẹp quá con ha. Không biết bao giờ mình mới được vô trong này chơi".
Lúc ấy, với đầu óc một đứa trẻ, tôi đã nói: "Ba hãy đợi đi! Hãy đợi 15 năm nữa, con sẽ đưa ba đi không chỉ Sài Gòn mà còn đi khắp thế giới này".
Nghe xong, ba tôi cười: "Chỉ cần con gái ba nói câu đó là ba đã hạnh phúc rồi, không cần đi nữa".
Tuy nhiên, tôi vẫn quả quyết: "Không, ba cứ chờ đi. Con nói được là sẽ làm được!".
- Nguyên nhân chỉ dừng lại ở đó?
- Thực tế, tôi luôn nhớ về lời hứa nhưng chưa thể hình dung ra mình phải làm gì để thực hiện. Sau này, tôi đi học rồi đi làm xa nhà. Như bao người, tôi cũng chỉ nghĩ cố gắng thật nhiều để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Sự thay đổi lớn nhất bắt nguồn từ một buổi nói chuyện bên hội doanh nhân. Lúc đó, các câu chuyện chỉ xoay quanh kinh doanh. Tuy nhiên, một câu nói khiến tôi nghĩ về cuộc đời.
Đó là chia sẻ của một nữ doanh nhân về việc chị còn trẻ và gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, chị từ chối làm theo cách cha và chú, những người đi trước với 20 năm kinh nghiệm về kinh doanh. Chị muốn tìm con đường riêng của mình.
Tôi vẫn nhớ chị hỏi ba: "20 năm kinh nghiệm hay là một kinh nghiệm được thực hiện 20 lần?". Câu nói đó khiến tôi phải tự vấn: "Người ta vẫn nói 60 năm cuộc đời nhưng thực chất mình được bao nhiêu? Hay mình sống một năm nhưng lại thực hiện trong 60 lần?".
Trong đầu tôi bỗng có một giọng nói như đang thúc giục tôi phải làm ngay điều tôi muốn và không được do dự. Tôi nhớ về những điều ngày xưa đã hứa với ba mẹ vẫn chưa làm được.
Tôi sực nhận ra mình làm quá nhiều nhưng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Hiện tại, tôi còn độc thân mà chưa thể thực hiện những điều mình muốn thì khi lập gia đình và sinh con, khả năng lại càng hạn hẹp.
Cuối cùng, tôi quyết định tạm gác lại sự nghiệp và bắt đầu chuyến đi.
- Có rất nhiều phương tiện để di chuyển nhưng vì sao chị lại chọn xe máy cho hành trình của mình?
- Tôi có thể khám phá châu Âu bằng 4 loại phương tiện: Xe đạp, xe máy, ôtô và máy bay. Sau khi tính toán, tôi nhận ra với số lượng những quốc gia mình muốn đến, nếu đi bằng máy bay, tài chính của tôi không đủ, ôtô thì không thể vì tôi bị say xe, xe đạp cũng không vì sức khỏe của tôi không đảm bảo. Do đó, tôi quyết định đi xe máy.
Hơn nữa, xe máy phù hợp với mục đích trải nghiệm và đến những nơi mọi người chưa tới. Tôi không muốn đến những nơi nổi tiếng, chụp tấm hình để khoe. Tôi muốn đi để khám phá những điều ẩn sâu bên trong, biết về văn hóa và con người bản địa. Càng những nơi heo hút, tôi càng thích.
Tôi không mong mình nổi tiếng. Tôi thực hiện hành trình một phần vì bản thân và gia đình. Tôi muốn mang thế giới đến bên ba mẹ. Một phần vì muốn truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt những người không có điều kiện như gia đình tôi, có thể bước ra và nhìn thấy thế giới.
- Chị mất bao lâu để lên kế hoạch và chuẩn bị cho hành trình?
- Sau khi rời buổi nói chuyện của hội doanh nhân và về nhà, tôi bắt đầu suy nghĩ và lên kế hoạch ngay trong đêm đó. Tôi liệt kê ra những cái gì được và không được. Tưởng tượng về hành trình, tôi bỗng thấy cuộc sống của tôi có ý nghĩa và hạnh phúc.
Sáng hôm sau, tôi lên cơ quan và chia sẻ suy nghĩ này cùng sếp. Tôi mong anh sẽ cho tôi những lời tư vấn. Tất nhiên, chuyện đi, tôi đã quyết định. Chuyện công việc, tôi vẫn dành thời gian hỗ trợ kể cả khi đã lên đường.
Tiếp theo, tôi đặt vé bay về Quảng Ngãi để xin phép ba mẹ và lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị những thứ cần thiết cho hành trình của mình. Quá trình này diễn ra trong 6 tháng. Trong thời gian đó, tôi vẫn dành thời gian làm việc. Buổi tối mới lên kế hoạch.
- Là con gái lại đi xa bằng xe máy, ba mẹ chị có ngăn cản con thực hiện chuyến đi?
- Ban đầu, trước khi về nhà, tôi cũng lo ba mẹ không đồng ý bởi dù sao tôi cũng là con gái và còn nhiều thứ phải lo như công việc, gia đình rồi chồng con. Không ngờ, sau khi nói chuyện, ba mẹ lại đồng ý luôn.
Ba mẹ khuyến khích tôi làm những điều khiến tôi hạnh phúc. Họ dặn dò tôi giữ sức khỏe cũng như thường xuyên liên lạc về nhà. Thuở trẻ, ba mẹ cũng muốn làm những điều như tôi nhưng cuộc đời họ không thể.
Hai người còn học cách dùng Facebook để theo dõi hành trình của tôi. Tất nhiên, những lo lắng là không tránh khỏi, nhất là vấn đề tài chính.
- Từ Việt Nam, làm thế nào để chị đưa xe máy qua châu Âu?
- Với phương tiện là xe máy, tôi xác định có 3 hướng. Hướng đầu tiên là đi xe máy từ Việt Nam, qua Campuchia, sang Thái Lan, Myanmar, Bangladesh rồi Ấn Độ. Hướng thứ 2 khác hướng đầu tiên ở chỗ sau khi qua bên Thái Lan, tôi sẽ chuyển xe trực tiếp qua Nepal hoặc Ấn Độ. Trong khi đó, hướng thứ 3, tôi sẽ chuyển xe trực tiếp từ Việt Nam sang Nepal hoặc Ấn Độ.
Phương án đầu tiên thất bại vì tôi không thể mang xe vào Myanmar. Trong khi đó, với phương án 3, việc chuyển xe trực tiếp từ Việt Nam sang Nepal hoặc Ấn Độ rất phức tạp về mặt thủ tục và gặp nhiều hạn chế. Do đó, tôi làm theo phương án thứ 2.
- Đi xe máy qua nhiều nước như vậy, hành trình xin visa của chị đã phải xoay xở như thế nào?
- So với nhiều nước, công dân Việt Nam không dễ xin visa du lịch tự túc ở những nước như Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và khối Schengen. Tuy nhiên, việc khó chứ không phải là không thể. Để xin được visa, bạn phải khiến cơ quan lãnh sự tin những điều bạn nói là sự thật, bạn chỉ đi du lịch và bạn sẽ trở về. Để làm được điều này, bạn phải quyết tâm và lên kế hoạch chi tiết, cụ thể.
Điển hình như bên Pakistan, cơ quan lãnh sự yêu cầu hồ sơ phải có bảo lãnh của người quen bên Pakistan và thư mời. Song, tôi không có. Nếu theo quy định, trường hợp của tôi sẽ trượt.
Thực tế, tôi có thể mua thư mời và bảo lãnh từ phía các công ty du lịch với mức giá đắt đỏ. Nhưng tôi không thích lừa dối nên đã nói thật với bên lãnh sự. Tôi nói về những lý do tôi muốn đến đất nước của họ và họ đã tin tôi. Cuối cùng, họ cấp cho tôi visa 3 tháng chỉ sau 2 ngày.
Khi nhận thông tin, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi không biết vì sao họ đồng ý. Có thể như mọi người nói, đó là phép nhiệm màu. Tôi nghĩ, khi bạn cố gắng và quyết tâm, bạn có thể truyền năng lượng tích cực đến cho người khác và giúp bạn đạt được những điều tưởng chừng không thể.
- Vậy còn vấn đề tài chính, chị đã xoay sở thế nào cho chuyến đi của mình?
- Trong chặng đầu tiên đến châu Âu, tôi dùng tiền tiết kiệm và xoay thêm trong quá trình đi qua các nước. Vì số tiền mang theo khá ít nên tôi phải phải tính toán sao cho hợp lý.
Ví dụ, thay vì ở khách sạn, tôi cắm trại là chính. Quyết định này mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Về ăn uống, tôi tự nấu thay vì ăn hàng. Hơn nữa, trong quá trình đi, tôi vẫn làm việc online với công ty.
Trên đường, tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía những người ủng hộ, thậm chí là những người tôi chưa từng quen. Điển hình là một anh chàng người Việt với cô vợ người Pháp. Họ đã cho tôi ở lại nhà, giúp tôi gia hạn visa cũng như một số chi phí khác.
- Trước khi đi, chị có cảm thấy lo lắng gì không?
- Tôi lo lắng rất nhiều. Tôi e ngại khu vực Trung Đông đang có chiến sự, việc đi lại rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi lại động viên bản thân và nghĩ về những điều đang chờ đợi tôi ở phía trước. Do đó, tôi lại thấy dẫu trường hợp xấu nhất xảy ra, tôi vẫn hạnh phúc.
Tôi còn định chuẩn bị một tờ giấy ghi các thông tin quan trọng khác phòng khi xảy ra chuyện. Song, vì thời gian hạn hẹp, tôi cón nhiều việc phải chuẩn bị nên không làm kịp.
Nỗi sợ cũng chỉ hiện hữu trước lúc đi. Khi khởi hành, tôi nhanh chóng hòa vào hành trình. Nỗi sợ biến mất và chỉ còn niềm thích thú.
- Khi đặt chân đến đất nước đầu tiên, cảm nhận của chị ra sao? Cảm nhận này thay đổi thế nào khi chị đến các nước khác?
- Từ Việt Nam, tôi đến Campuchia rồi qua Thái Lan. Trước đây, tôi đến hai nước này nhiều nên không nán lại lâu. Do đó, trải nghiệm của tôi chủ yếu là lái xe trên các cung đường.
Campuchia thực sự yên bình. Tuy nhiên, mỗi nước lại có một vẻ đẹp riêng. Cảnh vật, cây cối, nhà cửa, văn hóa và con người đều khác nhau. Thật khó để so sánh và diễn tả thành lời. Ví dụ, đường xá Thái Lan tốt và rắc rối hơn, nhiều đường cao tốc, đặc biệt là thành phố.
Tại Pakistan, hai bên đường là những dãy núi đẹp khủng khiếp kèm theo sa mạc hoặc bán sa mạc. Ban đầu, tôi thích thú khi được trải nghiệm thực tế chứ không phải qua sách vở. Tuy nhiên, sau đó, tôi phải cẩn thận vì lốc cát. Gió mạnh nên lái xe rất khó khăn.
Thực sự, chuyến đi khiến tôi phấn khích. Mỗi ngày, tôi lại bắt đầu một hành trình mới, gặp những người bạn mới, có những câu chuyện mới, nhìn thấy cảnh vật mới và học nhiều điều mới lạ.
- Liệu chị có thể chia sẻ những điều chị học được từ chuyến đi?
- Tôi học được nhiều lắm và những điều đó đã làm thay đổi chính con người tôi. Ví dụ, tôi học được về tình yêu thương. Ngày trước, ba mẹ tôi vẫn dạy sống phải thương người. Song, trong cuộc sống, tôi vẫn mang theo những vị kỷ của riêng mình.
Nếu như ngày trước, thấy người gặp tai nạn, tôi rất muốn giúp họ nhưng không dám. Song, hiện tại, việc cứu người trở thành vô thức. Tôi chẳng còn suy nghĩ, tính toán hay lo sợ những điều xung quanh mà chỉ biết giúp họ.
Hay tại Iran, tôi đã có bài học về sự hiếu khách, thân thiện và đối đãi người khác không vì tư lợi. Ban đầu, khi đến đất nước này, thấy họ chủ động giúp đỡ không cần mình nhờ, tôi khá đề phòng. Tuy nhiên, những đề phòng đó dần trở thành câu hỏi: "Tại sao người Iran lại nhiệt tình và hiếu khách đến vậy?"...
Sau này, một anh chàng người Iran nói với tôi rằng: "Iran có nhiều vấn đề khiến mọi người sợ và không dám tới. Chúng tôi chẳng biết làm sao để giúp đất nước của mình nên chỉ có thể dùng tình cảm và sự chân thành để đối đãi, coi những người xa lạ như chính anh em để cứu Iran".
Bỗng nhiên, tôi cảm thấy lòng tự hào dân tộc dâng cao. Có lẽ, những hành động nhỏ, không cần cao siêu, cũng có thể thay đổi nhiều thứ.
- Là phụ nữ, lại đi một mình trên hành trình dài như vậy, chắc hẳn những rắc rối, khó khăn đến với chị không ít, chị đã làm thế nào để vượt qua điều đó?
- Vấn đề tôi gặp phải trong hành trình rất nhiều và ngôn ngữ là một phần trong đó. Thông thường, mọi người vẫn nghĩ giỏi tiếng Anh có thể đi đến khắp nơi. Nhưng tại nhiều nơi, tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính và rất ít người có thể nói thứ ngôn ngữ này. Bạn có thể khắc phục khó khăn này các công cụ hỗ trợ hoặc ngôn ngữ cơ thể.
Thực tế, tại những nước tôi đi qua, đường xá rất tốt, biển báo rõ ràng. Thậm chí, nhiều nơi tôi không cần dùng Google Map vì biển báo rất chi tiết. Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt nên tôi chỉ cần chú ý xem nước bên đó chạy xe bên trái hay phải.
Khó khăn cũng đến từ chính nỗi sợ trong con người mình. Nhiều khi qua đêm ở những chỗ vắng vẻ, tôi cũng mất ngủ và hôm sau, tinh thần không tốt dẫn đến mất tập trung khi lái xe.
Tuy nhiên, những rắc rối tôi gặp chủ yếu đến từ thiên nhiên, điều không ai có thể kiểm soát. Trong hành trình, tôi đã gặp những nơi sức gió rất mạnh, lên đến 120 km/h. Những hiện tượng khác như mưa và lốc cát cũng gây cản trở trên đường đi.
Những rủi ro là không thể tránh khỏi. Tôi hạn chế bằng cách chuẩn bị trang bị bảo hộ, hạ mức rủi ro xuống tối đa.
- Kết thúc chặng đường đầu tiên đến châu Âu, những dấu ấn để lại trong chị là gì?
- Hành trình mang đến cho tôi rất nhiều điều bất ngờ. Khi còn ở Việt Nam, tôi rất háo hức đến xem các nước phát triển thực chất trông như thế nào. Trong suy nghĩ, đó là những quốc gia đáng sống và yên bình.
Tại châu Âu, tôi choáng váng với cảnh đẹp. Từ cảnh vật đến con người, từ bồn hoa đến ngôi nhà, bàn ăn cho khách đến thảm cỏ... tất cả tựa như miền cổ tích.
Tại những nước tôi từng e ngại, xã hội của họ rất bình yên. Thậm chí, tại Thổ Nhĩ Kỳ, những người dân địa phương còn xúm lại bảo vệ tôi vì sợ tôi, một vị khách du lịch, bị bắt nạt. Ngay cả lúc đó, họ cư xử với nhau cũng rất nhẹ nhàng.
Tôi nhận ra những điều mình nghĩ chưa hẳn đã đúng. Khi trải nghiệm thực tế, bạn sẽ thấy mọi thứ thay đổi rất nhiều. Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn trở lại những nước như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục khám phá những vùng đất mới ở châu Âu, những nơi tôi chưa kịp đặt chân đến trong hành trình này.
- Đi xa lâu ngày như vậy, chị có cảm thấy nhớ gia đình không?
- Đi xa, ai cũng nhớ nhà, nhớ quê hương và những điều quen thuộc. Lúc chưa đi, tôi luôn muốn bay nhảy. Nhưng đi rồi, ở nơi xa, tôi lại thấy chạnh lòng, nhất là khi đêm xuống. Khi đó, tôi cảm thấy rất buồn, nhớ ba mẹ và bạn bè.
Tuy nhiên, tôi vẫn hay gọi điện về nhà nên nỗi nhớ cũng vơi đi phần nào. Hơn nữa, tôi đi làm xa nên đã quen với cảm giác này. Do đó, tâm trạng qua rất nhanh và thay vào đó là sự thích thú, hứng khởi với chuyến đi.
- Chị nghĩ thế nào về chuyện con gái du lịch bụi một mình đến những vùng đất xa lạ?
- Theo tôi, con gái du lịch bụi một mình cũng không có vấn đề, quan trọng là mình muốn hay không. Nếu đủ khả năng và thích đi một mình, bạn cứ đi.
Chỉ cần trước khi bắt đầu, bạn chuẩn bị kỹ cho hành trình, đặc biệt là những nỗi sợ để hạn chế rủi ro. Tại những nước tôi đi qua, tôi gặp nhiều traveler là con gái. Họ vẫn đi du lịch một mình và đi phượt. Họ làm được, mình cũng có thể.
Độc hành hay đồng hành không quan trọng. Quan trọng là những điều bạn có thể trải nghiệm thực tế trong hành trình, những thứ có thể học cũng như những điều bạn hướng tới trong chuyến đi.
Như tôi, tôi muốn là một minh chứng để những bạn trẻ chưa có tiền nhưng yêu xê dịch có thể vượt lên nỗi sợ của bản thân và thực hiện đam mê. Giới hạn là do con người tự tạo cho mình. Vì vậy, nếu bạn đã có ước mơ và mong muốn làm một điều gì đó thì ngay bây giờ, ngay lúc này, không phải là ngày mai, chẳng chờ đợi gì hết, hãy bắt tay thực hiện để có thể đạt được ước mơ của mình và không phải hối tiếc về một điều gì hết.
Đối với tôi, điều khó nhất là không có ước mơ. Còn nếu đã có, thực hiện hay không là do chính bạn. Con người thường sợ sự đánh đổi nên họ lựa chọn cứ từ từ, cứ chờ đợi. Nhưng với tôi, trải nghiệm là không chờ đợi.
Theo Zing.vn
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất