Đầu năm đến Anh xem trận bóng đông người chơi nhất thế giới
2016-02-16 16:12
- Không chỉ có số người chơi đông đảo, những trận cầu đặc biệt tại Ashbourne còn vô số điều đặc biệt khiến người đến xem không khỏi ngỡ ngàng.
Tin liên quan
Cứ vào dịp tháng 2 hàng năm, khắp mọi nẻo đường góc phố của thị trấn Ashbourne nước Anh lại tưng bừng nhộn nhịp với đoàn người đổ xô tham gia trận cầu có một không hai tại đây. Không giống như bất kỳ trận bóng đá nào trên thế giới, những trận bóng Royal Shrovetide tại Ashbourne khiến nhiều du khách lần đầu ghé thăm không khỏi choáng ngợp.
Trận bóng Royal Shrovetide, hay còn được biết đến là trận bóng "ôm", có đến ti tỉ điều khác biệt so với một trận đấu bóng đá thông thường.
Các hoạt động bám dính lấy đội đối thủ, tranh cướp bóng, chen lấn xô đẩy là một phần không thể thiếu của trận cầu. Với số lượng người chơi không hạn chế, gần như không thể tìm thấy một khe hở giữa người tham gia. Không chỉ có vậy, kích thước sân đấu và thời lượng của trận cầu cũng đặc biệt ấn tượng.
Hai gôn bóng của địa điểm thi đấu cách nhau khoảng 5km, và trận đấu sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 16 tiếng cho đến 2 ngày.
Các trận cầu Royal Shrovetide đã được tổ chức từ năm 1667 mặc dù môn thể thao vua 'ngược đời' này đã xuất hiện tại Anh từ thế kỉ 12. Đáng tiếc thay những phiên bản đầu tiên của trận đấu không được ghi lại đầy đủ, duy chỉ còn một phiên bản 'rùng rợn' kể lại rằng những trận cầu thời cổ đại đã từng dùng đầu người thay cho quả bóng lớn như hiện nay. Các trận đấu Royal Shrovetide ngày nay sử dụng bóng làm bằng phao bần để bóng dễ nổi trên mặt sông sau mỗi lần ghi bàn.
Các trận bóng tại Ashbourne là dịp tranh tài giữa hai đội đến từ phía Bắc và phía Nam thị trấn.
Hai đội sẽ không ghi điểm bằng cách đưa bóng vào đội đối phương mà cần phải dẫn bóng về khung thành đội nhà, vốn là một phiến đá tròn bên bờ sông Henmore Brook. Quả bóng phải được vỗ vào mặt gôn 3 lần mới được tính điểm. Vì lượng người chơi quá đông nên ít ai có khả năng kỳ diệu là dùng chân để đá bóng mà chủ yếu dùng tay đẩy hay thậm chí lấy thân mình ôm bóng hoặc đối thủ để có được trái bóng quý giá.
Trận đấu kinh điển này sẽ bắt đầu từ 2 giờ chiều cho đến 10 giờ tối trong hai ngày thi đấu.
Nếu một đội ghi điểm trước 5 giờ chiều thì bóng mới sẽ được thả xuống và trò chơi bắt đầu một vòng mới, ngược lại trận cầu cứ tiếp diễn cho đến khi hết ngày. Vì lượng người tham gia rất lớn nên trận đấu diễn ra hầu như khắp nơi trong thị trấn, ngoại trừ một số địa điểm như nhà thờ hay lăng mộ.
Khi trận cầu diễn ra, nhiều cửa hàng và các con phố tại đây đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ với vô số màn chen lấn xô đẩy. Thương vong cũng là điều khó tránh khỏi của những trận đấu này.
Vào năm 1928, hoàng tử xứ Wales đến tham gia trận đấu đã ra về với một chiếc mũi đẫm máu. Mặc dù vậy, lễ hội vẫn được tổ chức thường niên và trở thành một hoạt động quen thuộc khi mùa xuân về tại thị trấn nhỏ này.
Lam Anh
Nguồn: AP
(Theo Congluan)
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Chỉ với 5 phút mỗi ngày với 6 bài tập, bạn sẽ sớm có vòng eo đẹp như Ngọc Trinh