Thả diều và những trò chơi ngoài trời nguy hiểm với bé

2015-03-17 17:02
- Vui chơi ngoài trời là cần thiết để con phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, nhưng cùng với đó, mẹ cần nắm rõ các biện pháp an toàn để bảo vệ con, tránh để bé gặp những hiểm họa khôn lường.

Những đợt mưa rét đã qua đi, khí hậu miền Bắc đang dần có nắng ấm và đó cũng là thời điểm mà trẻ em được ra ngoài vui chơi nhiều hơn. Vui chơi ngoài trời thực sự cần thiết và tốt cho con trẻ, thế nhưng, có một thực tế là rất nhiều trò chơi tưởng chừng vô hại mà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ. Vụ em bé tử vong vì thả diều là một ví dụ. Vì thế, bố mẹ không bao giờ được lơ là khi cho trẻ ra ngoài, hơn nữa, điều quan trọng nhất là cần hiểu rõ 1 số trò chơi có thể gây nguy hiểm cho con như dưới đây:

Thả diều

Đây là trò chơi khá phổ biến với trẻ em nông thôn và cũng là  “ước mơ” của rất nhiều bé sống ở thành phố. Và mùa hè là dịp để không chỉ trẻ em mà cả người lớn tha hồ vui đùa với những con diều. Trò chơi này thực sự thú vị và khiến nhiều bé thích mê, đó cũng sẽ là những trải nghiệm, kỉ niệm đáng nhớ về tuổi thơ của các con. Thế nhưng, những hiểm họa từ cánh diều luôn “nhăm nhe” các bé bất cứ lúc nào, nhất là ngày nay, ngay cả vùng nông thôn cũng thiếu đi những bãi đất trống rộng rãi, dây điện chăng khắp nơi và người lớn thì có xu hướng thích làm những cánh diều “khổng lồ” thay vì con diều nhỏ xinh như trước đây.

Khi thả diều, nếu không cẩn thận, trẻ có thể vấp ngã vì mải chú ý đến con diều bay trên cao. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị điện giật khi chẳng may con diều mắc phải dây điện (điều này dễ xảy ra vì hệ thống dây điện giăng chằng chịt). Đặc biệt, có một thực tế là hiện nay, nhiều người thích đua nhau làm những con diều “khổng lồ” – với người lớn thì không sao nhưng nó lại là mối hiểm họa lớn với trẻ nhỏ, bởi nếu để trẻ giữ diều, nó có thể khiến con bị kéo lên rồi ngã xuống. Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi trẻ thả diều mà hậu quả đôi khi chẳng thể khắc phục…

Chơi cầu trượt

Trò chơi đơn giản này “mê hoặc” bọn trẻ từ khi mới lẫm chẫm biết đi đến khi chúng là “lũ giặc nhỏ” biết chạy loăng quăng. Và ở bất cứ nơi đâu: vườn hoa, công viên, sân trường, khu vui chơi,… thì đều có cầu trượt để các bé tha hồ chơi đùa. Nhưng, phổ biến như thế không có nghĩa là chiếc cầu trượt hoàn toàn an toàn cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, ở độ tuổi đang thích “mò mẫm, khám phá”, bé có thể “sáng tạo” ra rất nhiều kiểu trượt khiến người lớn phải… giật mình. Có bé thích ngồi hẳn sang 1 bên của máng trượt và trượt xuống rồi bị ngã, có bé nằm úp xuống máng trượt, thậm chí có bé ngồi ngược hoặc khi đang trượt thì lăn qua lăn lại để bị ngã,…

Thực tế đã ghi nhận khá nhiều trường hợp trẻ chơi cầu trượt mà ngã gãy tay, gãy chân, cổ, lưng… Nhẹ hơn thì là những thương tích nhỏ như trầy xước, bầm tím vì va quệt. Và nếu người lớn không để mắt tới trẻ, chẳng biết còn những mối hiểm họa nào đe dọa các con nữa.

Chơi súng cao su

Thị trường đồ chơi tràn ngập và việc những cậu nhóc có được 1 “khẩu” súng cao su thật chẳng khó khăn gì. Hiện nay, có nhiều loại súng cao su dùng viên đạn nhựa, rồi có những bé nghịch ngợm hơn, dùng que sắt hay cành cây khô để bắn. Trò này thực sự rất nguy hiểm vì “đạn” có thể dễ dàng bắn vào người khác gây thương tích, đặc biệt là ở mắt.

Súng cao su có thể gây họa lớn nếu chẳng may "đạn" bay vào mắt. (Ảnh minh họa)

Trượt patin, đá bóng,... trên đường phố

Những khu vui chơi cho trẻ con ngày càng ít đi, nên một điều dễ dàng nhận thấy là rất nhiều bé đã phải coi... đường phố là nơi vui chơi hàng ngày, với không thiếu các trò chơi như đá cầu, đá bóng, trượt patin,.... Điều này có nghĩa là trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tai nạn bởi đường phố đông đúc, chật chội, chuyện va chạm với người khác, va vào các phương tiện lưu thông cùng vô số “chướng ngại vật” trên đường rất dễ xảy ra và gây thương tích, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tắm sông

Nếu như ở thành phố, các bạn nhỏ thường chỉ được đến bể bơi vào cuối tuần thì ở nông thôn, lũ trẻ có cả một “bể bơi thiên nhiên” lớn là sông, suối, ao hồ,… Nắng lên rồi, đây cũng là thời điểm để các con tha hồ vùng vẫy dưới làn nước mát. Nhưng, sông suối, ao hồ chưa bao giờ là nơi an toàn với trẻ nhỏ, bằng chứng là rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi trẻ bị đuối nước. Và ngay cả ở bể bơi, nếu trẻ không được để mắt tới cũng như chưa được “đào tạo” bài bản các biện pháp an toàn cũng rất dễ gặp tai nạn như sặc nước, ngộp thở,…

Leo trèo

Trẻ em, nhất là các bé trai luôn có sở thích nhảy nhót, leo trèo. Và chỉ cần 1 sơ sẩy nhỏ cũng có thể khiến bé ngã từ trên cao xuống gây nguy hiểm.

Chơi trận giả có “vũ khí”

Ngay cả khi “vũ khí” cũng là giả - là những thanh kiếm nhựa, súng nhựa,… nhưng khi trẻ mải mê “chiến đấu” sẽ rất dễ đâm vào mặt, vào mắt nhau gây thương tích nghiêm trọng. Hơn nữa, khi bé chạy nhảy, đuổi bắt cũng dễ bị xô va, vấp ngã và tự gây thương tích với mình, nhất là khi trên tay con đang cầm vật nhọn.

Còn rất nhiều những trò chơi ngoài trời khác có nguy cơ gây thương tích, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ, các mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ sẽ cấm đoán, cách ly con với tất cả các "mối hiểm họa" đó, "nhốt" luôn bé trong nhà để đảm bảo an toàn; hoặc có mẹ tặc lưỡi: "Trò gì nói ra cũng nguy hiểm như thế thì biết chơi gì, thôi thì... kệ". Đó là những cách suy nghĩ hết sức sai lầm...

Việc vui chơi ngoài trời giúp trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, con người, được hoạt động, sáng tạo,... Nên đó là một hoạt động rất cần thiết. Bố mẹ vẫn nên khuyến khích con vui chơi để kích thích sự phát triển thể chất và trí tuệ của con, chỉ cần mẹ lưu ý:

- Dạy con các quy tắc an toàn khi vui chơi: Không leo trèo, không chơi các trò bắn súng, không trượt patin trên đường phố,... Bố mẹ nên phân tích rõ ràng và cụ thể những nguy cơ có thể xảy ra nếu con không nghe lời, không làm theo hướng dẫn của mỗi trò chơi.

- Không cấm đoán mà nên giải thích rõ cho con hiểu về những trò chơi nguy hiểm với bé, để trẻ không mang tâm lý tò mò mà biết cách tự mình tránh xa những nơi nguy hiểm.

- Nhắc nhở con khi nô đùa, chạy nhảy, tuyệt đối không được phép cầm các vật nhọn như kiếm đồ chơi, đũa ăn hay ngậm kẹo mút,... Những vật nhọn đó có thể làm bé tổn thương nặng nếu chẳng may bị ngã hay va đập.

- Lường trước những nguy cơ có thể xảy ra khi bé chơi bất cứ trò gì, vừa để nhắc nhở con, vừa để tự nhắc bản thân lưu ý quan tâm đến sự an toàn của con.

Trẻ nhỏ vốn mải chơi và thường không lường trước được điều gì, vì thế, điều quan trọng nhất là bố mẹ luôn quan tâm và nhắc nhở con. Mùa hè - mùa vui chơi sắp tới, hi vọng các mẹ và bé sẽ có những buổi vui chơi thú vị, thỏa thích và thực sự an toàn.

Mỹ Anh
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thực đơn giảm cân với trứng, giúp bạn gái giảm liền 10kg trong 2 tuần