Học mẹ thông thái bắt bệnh cực chuẩn cho bé yêu (Phần 3)

2015-04-17 14:03
- (Em đẹp) - Tuần này, mẹ sẽ cùng tìm hiểu về các bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ em để có cách phòng chống, cũng như biết chăm sóc bé thật đúng cách nếu con mắc bệnh nhé!

Học mẹ thông thái cách "bắt bệnh" cực chuẩn cho bé yêu (Phần 1)

Thuỷ đậu, quai bị là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hay gặp ở trẻ em, dễ gây thành dịch và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhưng nhiều mẹ vẫn còn chưa thực sự hiểu biết về biểu hiện của bệnh cũng như có chế độ chăm sóc thiếu khoa học dễ gây biến chứng cho con.

Thuỷ đậu

Là bệnh do virut Varicella zoster gây nên, vì là bệnh virut nên không có thuốc đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp quần áo. Biểu hiện ban đầu có thể trẻ chỉ sốt nhẹ, mệt, bỏ ăn, sau đó thấy xuất hiện các mụn nước nhỏ 1-3mm ở vùng mặt, chi, thân. Mụn mọc rất nhanh, có khi trong 1 ngày đã nổi khắp người. Các mẹ chú ý mụn thuỷ đậu có nước trong, nếu đục là có nhiễm khuẩn. Khi mụn mọc sẽ gây ngứa nhiều nên trẻ hay gãi - đây là nguyên nhân dẫn đến việc để lại sẹo sau này.

Chăm sóc con sao cho đúng?

Mẹ phải chú ý khi xuất hiện những mụn nước đầu tiên để kịp thời cách ly con với anh chị em trong nhà. Sai lầm hay mắc của các mẹ khi con mắc thuỷ đậu đó là kiêng không tắm, không ra gió. Nhưng các mẹ lại không biết đó chính là nguy cơ gây nhiễm trùng da do không đảm bảo vệ sinh. Việc tắm là rất cần thiết, nhưng cần tắm nhanh, lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm tránh kì cọ dẫn đến vỡ mụn. Nhiều mẹ cũng hay tắm cho trẻ bằng các loại lá, chủ yếu là kinh nghiệm truyền tai. Nhưng thật ra tắm lá cũng như dùng thuốc vậy đó, tuỳ cơ địa từng người, có trẻ tắm hợp có trẻ lại không. Trong khi điều quan trọng nhất là chúng ta cần đảm bảo vệ sinh da cho trẻ thì việc sử dụng các loại lá đôi khi lại là nguy cơ gây viêm da, nhiễm trùng da. Vì thế, các mẹ chỉ cần tắm nước sạch cho trẻ là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, mẹ nên để con nằm ở phòng thoáng mát chứ không nhất thiết phải kín mít để tránh gió.

Lưu ý chế độ dinh dưỡng

Khi mắc thuỷ đậu, cơ thể cần tăng cường sức đề kháng thì nhiều mẹ lại áp dụng chế độ kiêng khem thái quá hoặc đôi khi lại tẩm bổ quá nhiều, cả hai cách đó đều không hợp lý. Giai đoạn này mẹ vẫn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng cho con, chỉ nên hạn chế các đồ ăn khó tiêu chứa nhiều mỡ động vật, cay và có tính nóng. Chế độ ăn cho bé thời gian này nên mềm, lỏng, dễ tiêu, nên bổ sung các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen và hoa quả như cam, đu đủ, dưa hấu, ổi.....vì chúng rất tốt cho trẻ. Có thể cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, tránh dồn vào một bữa. Quan trọng nữa là nếu trẻ còn bú thì tăng cường cho bú, nếu không bổ sung đủ nước và vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng.

Thủy đậu là bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi sử dụng bất kì thuốc nào cũng cần sự hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt mẹ đừng tự ý dùng kháng sinh nhé!

Quai bị

Đây cũng là một bệnh do virut gây nên, biểu hiện ban đầu khá giống thuỷ đậu: Trẻ thường chỉ mệt, bỏ ăn và sốt nhẹ. Sau đó vùng tuyến nước bọt mang tai (ở phía dưới, trước tai) có thể sưng khiến mặt lệch hẳn đi, không sờ thấy xương góc hàm nữa.

Quai bị có thể lên 1 bên, 2 bên hoặc bên này lặn thì bên kia bị. Điều này khiến trẻ đau, không muốn ăn và có thể sốt kéo dài. Khi nói đến quai bị các mẹ thường rất lo lắng, nhất là với con trai vì nhiều người cho rằng cứ bị quai bị là vô sinh, nhưng thật ra vô sinh là biến chứng rất hiếm gặp. Vì thế chỉ cần mẹ chăm sóc bé đúng cách, tránh để biến chứng xảy ra là không ảnh hưởng đi đến khả năng sinh sản của con.

Cũng như thuỷ đậu, đây là bệnh do virut nên không có thuốc điều trị đặc hiệu và vẫn chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng cách hạ sốt và giảm đau, nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn giàu vitamin. Khi sử dụng bất kì thuốc gì các mẹ đều cần được sự cho phép của bác sĩ. Nhiều mẹ thường mắc phải sai lầm nghiêm trọng là cứ thấy con ốm, dù là bệnh gì cũng cho uống kháng sinh. Nhưng nhiều khi đó lại chính là nguyên nhân khiến bệnh con nặng thêm do mẹ vô tình gây ra.

Phòng bệnh

Thuỷ đậu và quai bị đều đã có vacxin phòng bệnh, vì thế khi con chưa mắc bệnh các mẹ nên cho con đi tiêm chủng phòng ngừa. Hai bệnh này sau khi mắc đều có miễn dịch bền vững, nhưng với những người chưa bị khả năng lây khi tiếp xúc với người bệnh rất cao. Trẻ học tập trung, ăn tập thể là điều kiện tốt để bệnh lây lan nhanh. Nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để tránh tình trạng bùng phát dịch. Khi có trẻ bị bệnh cần phải cho nghỉ học, cách ky kịp thời, vệ sinh sạch sẽ đồ dùng, dụng cụ của học sinh.

Hai bệnh trên đây thường được các mẹ tự chữa ở nhà bằng kinh ngiệm truyền miệng rất nhiều, tuy nhiên, hiện nay bệnh tật diễn biến phức tạp, đa dạng hơn rất nhiều. Các mẹ khi thấy con có các biểu hiện trên nên đưa con đi gặp bác sĩ sớm, không tự ý dùng thuốc, đắp lá. Việc chăm sóc con cái là của cha mẹ, nhưng việc chữa bệnh thì nên để bác sĩ mẹ nhé!

Mèo Hoa
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 bí quyết vàng giúp nàng mèo lười giảm mỡ bụng, mỡ đùi mà chẳng cần tập luyện vất vả