Học mẹ thông thái cách "bắt bệnh" cực chuẩn cho bé yêu (P2)

Mèo Hoa 2015-04-10 12:32
- Ngoài các bệnh về viêm phổi, tiêu chảy,... đã trình bày trong bài trước, lần này, bài viết lần này sẽ giúp các mẹ có cái nhìn khoa học hơn về bệnh còi xương, suy dinh dưỡng để rút ra kinh nghiệm chăm con thật "chuẩn" nhé!

>> Phần 1: Học mẹ thông thái cách bắt bệnh cực chuẩn cho bé yêu

Ngoài các bệnh hay gặp ở trẻ như viêm phổi, tiêu chảy.... thì ở giai đoạn trước 1 tuổi các mẹ cực kì phải chú ý chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cho trẻ đề phòng còi xương, suy dinh dưỡng. Trước đây tôi vẫn hiểu nhầm còi xương và suy dinh dưỡng là một, sau đó qua tìm hiểu mới rõ đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Còi xương

Đây là bệnh do cơ thể trẻ thiếu vitamin D, dẫn đến thiếu canxi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương. Thiếu vitamin D có thể do thiếu cung cấp, do bị đào thải quá nhiều qua thận...

Biểu hiện sớm của trẻ còi xương mà mẹ nào cũng nhận thấy được là trẻ hay quấy khóc, giật mình, ngủ không yên giấc và hay ra mồ hôi trộm. Các mẹ đừng nghĩ con nóng nên mới toát mồ hôi, nếu trẻ thức và chơi thì cơ thể toát mồ hôi là bình thường, còn khi con ngủ ở điều kiện không nóng bức mà mẹ thường xuyên thấy lưng, trán, gáy con toát mồ hôi thì đó chính là mồ hôi trộm. Bên cạnh đó dễ nhận thấy tóc trẻ rụng và dễ gẫy, nhất là vùng sau gáy, rụng tóc hình vành khăn mà nhiều bà mẹ nhầm tưởng là do con nằm cọ sát vào gối hoặc chiếu nên bị thế. Trẻ cũng chậm mọc răng hơn các trẻ khác. Quan sát đầu trẻ không tròn như bình thường mà vùng đỉnh đầu nhìn rõ thành 2 bướu, thậm chí trán cũng có thể nhô cao ra, giai đoạn này nhìn đầu trẻ to hơn hẳn.

Các mẹ đừng chủ quan khi thấy con mình bụ bẫm mà không nghĩ có thể còi xương. Trẻ càng bụ bẫm thì nguy cơ còi xương càng cao nhé, nếu quan sát thấy con có các dấu hiệu trên chúng ta cần đưa con đến bác sĩ để được tư vấn khám chữa kịp thời, trước khi để lại các biến chứng nặng nề.

Các cách phòng tránh để con không bị còi xương

Ở nhiều nơi, sau khi trẻ sinh ra thường có phong tục để trẻ trong nhà mà không cho ra ngoài, đặc biệt là không tiếp xúc với ánh nắng. Đấy chính là nguyên nhân thiếu cung cấp. Ánh nắng vào buổi sớm rất tốt cho việc chuyển hoá vitamin D, nên trẻ cần được tắm nắng, tốt nhất là từ 7h30 - 8h30 hàng ngày, khi ánh nắng dịu nhẹ. Tắm nắng khác với việc cho con phơi ngoài nắng gắt các mẹ nhé, từ 9h -3h là lúc ánh nắng có nhiều tia tử ngoại nhất, nó không tốt cho cả da người lớn chứ không chỉ trẻ em. Tắm nắng là một việc làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất lớn, các mẹ không nên bỏ qua.

Ngoài ra chính chế độ ăn không hợp lý cũng là nguyên nhân khiến trẻ còi xương. Nhiều mẹ thương con nhưng lại thương không đúng cách, vì muốn con mau lớn mà vô tình để con ăn quá nhiều đạm kéo theo lượng canxi mất qua thận cũng tăng lên, dẫn đến việc làm con bị còi xương. Vậy nên chế độ ăn của trẻ cần phải cân bằng các hàm lượng, ăn nhiều thực phẩm chứa canxi như: tôm, cua, cá..., bổ sung đầy đủ dầu, mỡ vì vitamin D là loại vitamin tan trong dầu.

Suy dinh dưỡng

Đây là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và sự phát triển bình thường của cơ thể.

Các nguyên nhân

- Giảm cung cấp: trẻ biếng ăn, ăn không đủ nhu cầu, thức ăn không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết. Cũng có thể phải ăn kiêng trong thời gian quá lâu.

- Tăng cung cấp: trẻ bị các bệnh tiêu hoá, đường ruột quá lâu, tiêu chảy kéo dài....

Thường thì suy dinh dưỡng là do các nguyên nhân kết hợp.

Mẹ đừng chủ quan khi thấy bé bụ bẫm thì nghĩ rằng bé chẳng bao giờ bị còi xương nhé! (Ảnh minh họa)

Vậy làm sao để biết con mình có nguy cơ suy dinh dưỡng không? Thật đơn giản khi hiện nay các trạm y tế hay ngay tại lớp mẫu giáo đều có biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Việc cân đo hàng tháng và ghi vào biểu đồ giúp mẹ biết con mình đang phát triển ở mức độ nào.

Cách phòng

Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn hợp lý theo từng độ tuổi. Trẻ dưới 4 tháng tuổi cần bú mẹ hoàn toàn. Mẹ nên nhớ, không thực phẩm nào có thể vượt qua sữa mẹ về chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Từ tháng thứ 5 có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Lúc này, mẹ nên chú ý đến chất lượng mỗi bữa bột. Có nhiều mẹ chỉ cho con ăn bột gạo và muối trắng, hoặc có khi chỉ thêm chút thịt xay, ninh nước xương. Như vậy sẽ không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Cần "tô màu đĩa bột" bằng rau, củ, bổ sung đủ dầu mỡ để trẻ hấp thu được các loại vitamin tan trong dầu như: vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K.

Bữa ăn cũng nên chia nhỏ ra, vì ở độ tuổi này trẻ không thể ăn số lượng nhiều. Với trẻ mắc các bệnh về đường ruột kéo dài, tiêu chảy các mẹ cũng nên tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ, không nên kiêng khem sẽ khiến trẻ có thể suy nhược cơ thể. Ngoài ra các mẹ nên duy trì cho con bú đến 2 tuổi, đừng vì giữ dáng hay lo hỏng ngực mà con phải cai sữa sớm, đây là một thiệt thòi của trẻ. Bên cạnh việc can thiệp về chế độ dinh dưỡng thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là cực kỳ quan trọng, để đảm bảo không nhiễm kí sinh trùng, giun sán và ngăn ngừa việc trẻ mắc các bệnh về tiêu hoá. Đồ ăn cho trẻ phải luôn tươi ngon, không nên để qua ngày. Không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp hay đồ đông lạnh.

Trên đây chỉ là những điều cơ bản để các mẹ có thể tham khảo cho việc chăm sóc các em bé được tốt hơn. Những biểu hiện ban đầu thường hay bị bỏ qua nên khi phát hiện thường hay nặng nề và nhiều biến chứng. Các mẹ chỉ cần chú ý một chút thôi chắc chắn chúng ta sẽ trở thành một bác sĩ gia đình tuyệt vời.

Mèo Hoa
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 5 cô nàng khó cưa đổ nhất trong 12 con giáp