Dạy con tự vệ thế nào cho đúng khi bị bạn đánh?

2017-01-06 14:10
- Hình ảnh của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hành động và suy nghĩ của con cái. Do vậy, cách giải quyết của cha mẹ là vô cùng quan trọng trong việc dạy con tự vệ khi bị bạn đánh.

Hàng trăm lý do khiến trẻ đánh nhau

Việc trẻ nhỏ đánh nhau ở trường, ở nhà khi đang chơi vui vẻ là chuyện không hiếm gặp. Nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân do hiếu chiến, tranh giành đồ chơi, đồ ăn hay những câu chuyện mang tính tiêu cực khiến đối phương không hài lòng.

Trẻ sẵn sàng đánh nhau với bạn do muốn thể hiện bản thân, do thói hung hăng bức xúc không kìm chế về một vấn đề nào đó… việc này cần phải ngăn chặn để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, chuyện đáng nói là đối với trẻ bị đánh, có nên tự vệ bằng cách đánh lại bạn không, là điều khiến nhiều phụ huynh quan tâm.

Dạy con tự vệ thế nào cho đúng khi bị bạn đánh?

Việc trẻ nhỏ đánh nhau ở trường, ở nhà khi đang chơi vui vẻ là chuyện không hiếm gặp. Ảnh minh họa

Chia sẻ về điều này, cô giáo Phạm Thị Ngọc Hoa – Giáo viên tại một trường mầm non tư thục ở Hà Nội cho biết, việc hàng ngày phải giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa các bé trong lớp là chuyện thường nhật, việc đánh nhau giữa các bé cũng diễn ra thường xuyên.

Đối với trẻ nhỏ, chuyện mâu thuẫn thù hằn cá nhân giữa các dường như không xảy ra, mà nguyên nhân dẫn đến việc các bé đánh nhau xuất phát từ việc tranh giành đồ chơi hoặc kích bác giữa các nhóm bạn chơi với nhau… Khi đó, những trẻ có tính hung hăng, hiếu chiến thường không kìm chế bản thân nên lao vào đánh bạn.

“Hầu hết trẻ khi bị đánh thì thường được các bạn thông báo với giáo viên hoặc chính bản thân trẻ “mách” cô giáo về sự việc. Tuy nhiên, không ít trẻ do bị bạn đánh hoặc chế diễu, đã lao vào đánh và cào cấu lại bạn như một cách bảo vệ bản thân, nhưng lại vô cùng nguy hiểm khi không có người lớn kịp thời can ngăn.

Lo lắng về việc con thường xuyên bị bạn bắt nạt, chị Liên (Hà Nội) có con trai 4 tuổi chia sẻ, việc con trai đi học về với những vết xước do bị cào cấu trên mặt hoặc trên cơ thể là chuyện rất hay xảy ra. Hàng ngày chị Liên cũng thường nhắc nhở con về việc không nên gây sự đánh nhau với bạn bè trong lớp cũng như quanh khu vực khi chơi với nhau. Tuy nhiên, biết con trai có tính nhút nhát từ nhỏ, chị Liên lại khuyến khích con có thể đánh lại bạn để tự vệ nếu bị bạn bè bắt nạt.

Cha mẹ sẽ cực kỳ sai lầm khi khuyến khích con… trả thù

Việc trẻ hung hăng, hay bắt nạt bạn và việc trẻ đánh bạn với lý do tự vệ là hoàn toàn khác nhau, thế nhưng tất cả xuất phát từ cảm xúc của trẻ. Mà theo chia sẻ của cô giáo Hoa, thì việc điều chỉnh cảm xúc ở trẻ giai đoạn tuổi mầm non là việc vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi lớn lên và trưởng thành.

Cô giáo Hoa cũng cho hay, việc phụ huynh khuyến khích con đánh lại bạn để tự vệ là chưa đúng, bởi đối với trẻ nhỏ đánh nhau chỉ là suy nghĩ nhất thời, trẻ sẽ quên ngay sau đó và lại vui vẻ chơi với nhau. Tuy nhiên, nếu được bố mẹ cổ súy cho việc đánh nhau, trẻ sẽ bị hình thành lối suy nghĩ thích trả thù, sự việc cũng sẽ không được giải quyết nhẹ nhàng theo tính tích cực.

Dạy con tự vệ thế nào cho đúng khi bị bạn đánh?

Cha mẹ hãy chỉ cho con cách duy trì các mối quan hệ với bạn bè trên cơ sở hòa bình thay vì mâu thuẫn hay tiêu cực. Ảnh: Minh Hà

Dạy con tự vệ thế nào cho đúng khi bị bạn đánh?

Cha mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng trẻ nhỏ, lời nói và hành động của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hành động và suy nghĩ của con cái.

Do vậy, cách giải quyết của cha mẹ là vô cùng quan trọng trong việc dạy con cách tự vệ khi bị bạn đánh.

Cùng tham khảo cách giải quyết của những cha mẹ dưới đây khi gặp tình huống con bị bạn bắt nạt nhé!

Nên tìm hiểu sự việc: Trước hết việc cha mẹ cần làm là tìm hiểu nguyên nhân sự việc vì sao con bạn bị bạn đánh và bắt nạt, tình trạng này diễn ra lâu chưa. Bố mẹ cần biết rõ lỗi từ con mình hay từ bạn bè để tìm hướng giải quyết.

(Phạm Ngọc Thơ – Hà Nội)

Không khuyến khích trẻ đánh nhau: Cha mẹ tuyệt đối không khuyến khích con đánh nhau hay cổ súy cho việc con cần đánh lại bạn để tự vệ khi bị bắt nạt. Việc làm này vô cùng nguy hiểm, có thể đẩy sự việc tới mức nghiêm trọng và có thể khiến con bạn bị thương. Đặc biệt, việc làm của cha mẹ có thể khiến trẻ hình thành lối suy nghĩ tiêu cực trong việc giải quyết vấn đề của cuộc sống.

(Ngô Tuấn Tú – TP.HCM)

Định hướng cho con cách giải quyết: Cha mẹ là người định hướng cho con cách giải quyết khi không may xảy ra mâu thuẫn với bạn. Cần chỉ cho con cách trò chuyện với bạn để giải quyết mâu thuẫn hoặc thông báo cho người lớn biết sự việc. Dạy con cách duy trì các mối quan hệ với bạn bè trên cơ sở hòa bình thay vì mâu thuẫn hay tiêu cực.

(Phạm Thị Tuyết Mai – Hà Nội)

Trao đổi với giáo viên của con: Nếu phát hiện con bị bạn đánh hoặc bắt nạt, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên để xử lý tình huống. Giáo viên của con sẽ có biện pháp khuyên nhủ, răn đe hoặc ngăn chặn… không để sự việc tái diễn.

(Nguyễn Thu Hằng - Hà Nội)

Minh Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 kiểu áo khoác được Black Pink diện mãi không chán nhưng lúc nào cũng 'chiếm sóng'