Mẹ Việt ở Đức rèn con, dạy con cách quản lý thời gian bằng đồng hồ cát từ 18 tháng tuổi

Phương Nga 2022-10-20 09:05
- Xem con cái là dự án lớn nhất cuộc đời cha mẹ, chị Mick Schiess đã tìm hiểu và thực hiện nhiều phương pháp dạy con hiệu quả, giúp nhiều bà mẹ Việt thêm vững tin trong hành trình gian nan mà đầy yêu thương này.

Đối với bất cứ ông bố bà mẹ nào, công việc thiêng liêng vĩ đại nhất là việc dạy dỗ, giáo dục con cái. Mỗi môi trường giáo dục, phương pháp giáo dục sẽ hình thành lên một đứa trẻ khác nhau. Và người trực tiếp tác động lên suy nghĩ, hành động của trẻ không ai khác là các bậc phụ huynh. Việc hiểu tâm lý từng độ tuổi của con là cách tốt nhất giúp cha mẹ cùng con lớn lên, đồng cảm và dễ dàng chia sẻ cùng con nhỏ. Bà mẹ gốc Việt Mick Schiessl đã tìm hiểu và áp dụng nhiều phương pháp dạy con hiệu quả giúp cậu con trai 4 tuổi hình thành nhân cách tốt.

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Nuôi dạy con chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng và tốn ít thời gian

Sinh sống và làm việc tại Đức, chị Mick Schiessl hiện đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và y tế sức khỏe. Công việc hàng ngày của chị khá bận rộn, tuy nhiên điều mà chị Mick luôn ưu tiên là chăm sóc, chỉ bảo cậu con trai 4 tuổi và vun vén cho tổ ấm nhỏ.

Trong thời gian mang thai con trai đầu lòng, bà mẹ bỉm sữa khi ấy đã tự tìm tòi học hỏi về các phương pháp dạy con. Bởi vậy, ngay khi con vừa ra đời là chị đã bắt tay vào rèn rũa. Chị chia sẻ với Emdep.vn: “Gọi là dạy từ khi con còn nhỏ cho có vẻ to tát vậy, chứ thực chất dưới 18 tháng chỉ là thời điểm mình tập trung vào tăng kết nối của cha mẹ và con thông qua các hoạt động hàng ngày như ăn ngủ, trò chuyện, đọc sách, massage, v.v… mà thôi”.

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Giúp con làm quen với các hoạt động hàng ngày trong gia đình là cách làm gần gũi, sự lặp lại dễ tạo thành thói quen cho con trẻ. Theo quan điểm của chị Mick và chồng, 18 tháng tuổi là lúc họ cảm nhận con đã có nề nếp sinh hoạt rõ ràng, khả năng nói tốt hơn. Sự gắn kết, thấu hiểu giữa vợ chồng chị và con cũng dần hình thành, và trong chính thời điểm này bà mẹ một con quyết định dạy con chuyên sâu hơn.

Vận dụng nhiều kiến thức từ lĩnh vực công việc có liên quan một phần đến não bộ, nên trong quá trình nghiên cứu phương pháp dạy con đã dẫn chị Mick đến với nghiên cứu tâm lý hành vi con người. 

“Mình phát hiện ra đây là lĩnh vực mà mình ham thích nên cứ thế mà tự giác tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên sâu hơn mà thôi. Mình cũng có cơ duyên được tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học nên học hỏi được khá nhiều từ họ”, bà mẹ một con cho biết.

Tuy nhiên, thời gian trước chị Mick chỉ tập trung vào tâm lý hành vi con người trong tình yêu, hôn nhân và gia đình. Nhưng có lẽ có con trở thành bước ngoặt lớn dẫn bà mẹ gốc Việt quay sang tập trung vào tâm sinh lý con trẻ.

Có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu tâm lý, tuy nhiên khi tiếp cận với bất cứ nguồn thông tin nào chị Mick cũng dành thời gian chọn lọc kỹ càng trước khi áp dụng cho dạy con. “Mình cho rằng làm cái gì sai trong cuộc đời này cũng có thể chấp nhận được, dù là có thể trả giá đắt, nhưng nuôi dạy con thì tốt nhất là nên hạn chế”.

Hành trình dạy con theo chị Mick cần được bắt đầu ngay từ khi con vừa ra đời, cha mẹ cần có biện pháp để đưa con vào khuôn khổ. “Nói thì nghe có vẻ “dã man”, nhưng khuôn khổ của trẻ khi đó chỉ là việc ăn ngủ và sinh hoạt đúng giờ. Đó là nền tảng rất tốt để con làm quen với kế hoạch, với lịch trình cụ thể”.

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Ngoài ra, khoảng thời gian rèn luyện sớm còn giúp cả cha mẹ và con cái vô thức quen với tính cách của nhau, hiểu cách tương tác của nhau. Nhờ vậy mà sau này khi vợ chồng chị Mick Schiessl bắt tay vào dạy dỗ, cậu con trai 4 tuổi rất hợp tác.

Các phương pháp dạy con phổ biến hiện nay được chị Mick thường xuyên học hỏi là Maria Montessori, Steiner Waldorf, Reggio Emilia và Shichida. Tại Việt Nam, Montessori là phương pháp phổ biến hơn cả, tựu chung của các phương pháp trên là đều tạo điều kiện để con được phát triển thành phiên bản tốt nhất của chính con. 

Theo cá nhân của vợ chồng chị Mick Schiessl, phương pháp nào cũng có cái hay, nhưng xem xét trong từng trường hợp cụ thể đều có những điểm nhỏ chưa hoàn toàn phù hợp với cậu con trai 4 tuổi. Bởi vậy, các phương pháp đều được chị “chế biến xào nấu”, thêm thắt nhiều chi tiết mà chị đã gom nhặt được trong quá trình nghiên cứu về tâm sinh lý con trẻ để tạo thành “phương pháp Mick” riêng biệt, phù hợp với con. 

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Bà mẹ gốc Việt chia sẻ thêm: “Mình hay đưa ra rất nhiều chi tiết cụ thể để phân tích cho từng tình huống, mình cũng thường chỉ rõ ra những điểm cha mẹ nên làm hay không nên làm, kể chính xác các câu nên nói và cách nói luôn, và vì vậy đại đa số các cha mẹ khác khi đọc bài của mình đều thấy dễ hiểu và dễ áp dụng. Nên mình thấy cha mẹ chọn phương pháp dạy con nào cũng tốt cả, chỉ là nên chú ý một xíu cách áp dụng là được”.

Nhắc đến một số phương pháp chị Mick cảm thấy tâm đắc nhất trong hành trình dạy con là phương pháp trị con ăn vạ và các phương pháp giúp con quản lý thời gian hiệu quả. Để đạt được kết quả trong việc dạy con trông có vẻ đến nhanh thực chất đã được chị Mick gieo hạt từ rất lâu, có thể từ các chuyện nhỏ nhặt trông như là không liên quan gì đến nhau, bởi  nuôi dạy con chưa bao giờ là hành trình dễ dàng và tốn ít thời gian.

Áp lực đưa con vào khuôn khổ, tiết lộ phương pháp quản lý thời gian bằng đồng hồ cát

Bố mẹ luôn là chỗ dựa vững vàng nhất trong hành trình lớn lên của người con, cũng chính vì thế điều cần thiết để dạy con hiệu quả là sự ổn định của cha mẹ. Ổn định sẽ giúp cha mẹ có thể lắng nghe thấu hiểu con mình, có tâm lý bình tĩnh, ít biến động, có kế hoạch và luôn giữ lời hứa. Những điều trên giúp con cảm thấy cha mẹ là người an toàn. Và khi được ở bên cạnh người làm mình cảm thấy an toàn, con rất ít khi có nhu cầu chống đối. 

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Bà mẹ gốc Việt chia sẻ: “Con biết là cha mẹ luôn làm điều tốt nhất cho mình. Con biết chống đối phản kháng là không cần thiết, chỉ cần con cảm thấy điều gì không phù hợp thì đều có thể thoải mái trao đổi cùng cha mẹ, và kiểu gì thì cha mẹ cũng sẽ tìm ra được cách thỏa đáng nhất cho mình”.

Cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, vợ chồng chị Mick Schiessl cũng vấp phải những khó khăn nhất định. “Con mình trông có vẻ ngoan nhưng mà thực chất nó cũng chỉ như bao nhiêu đứa trẻ khác thôi, có dễ thương cũng có nghịch ngợm, có hiểu chuyện cũng có luôn vòi vĩnh. Chỉ là mình hay áp dụng các phương pháp làm con được giải tỏa tâm lý, tạo cơ hội cho mình hiểu con hơn, thành ra những điểm tiêu của của con được giảm thiểu đi, và điểm tích cực lại có vẻ hiện rõ hơn”.

Chị cũng từng phạm phải sai lầm khi áp dụng phương pháp dạy con chỉ vì chưa hiểu hết con. Để tránh “lặp lại vết xe đổ”, chị Mick luôn tích cực tìm hiểu con, nhận ra điểm sai trong phương pháp dạy, và sửa chữa kịp thời. 

Nhiều gia đình luôn gặp phải áp lực dạy con đi theo một khuôn khổ nhất định, tuy nhiên đây chưa hẳn là điều đúng đắn. Theo bà mẹ một con, không nhất thiết phải dạy theo độ tuổi sinh lý của trẻ, dạy con theo cảm hứng lại càng sai. Dạy con cần có sự xem xét trước sau kỹ càng chứ không tùy hứng được, điều cha mẹ cần làm là hãy quan sát nhu cầu và khả năng của trẻ mà dẫn đường cho trẻ hướng tới một mục tiêu cao hơn.

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Tuy vậy, các cột mốc phát triển chung của trẻ và của cả con trai ở từng độ tuổi nhất định vẫn được chị Mick tham khảo để có thể định hướng điều nên dạy con cho phù hợp. 

“Dạy con học chữ, có thể bắt đầu với trẻ lên 2, thế nhưng mình đã dạy chữ cho con từ khi con 18 tháng tuổi rồi. Đơn giản là vì mình thấy khi đó con mình đã phù hợp để có thể dạy chữ, và vì mình cũng có kế hoạch để con dù học chữ từ rất sớm thì sau này đi học cũng vẫn không xao nhãng chuyện học hành”.

Quản lý thời gian cũng là vấn đề mà vợ chồng chị Mick Schiessl khá lưu tâm, giúp đốc thúc con tránh tình trạng trì trệ trong mọi việc. Trong nhà, chị chuẩn bị 5 chiếc đồng hồ cát với 5 màu sắc khác nhau, mỗi cái có quỹ thời gian riêng biệt đi từ 30 giây đến 15 phút. 

Bà mẹ gốc Việt  đã sử dụng hệ thống này trong rất nhiều trường hợp: việc đi chơi, ăn uống, phạm lỗi. Ở phương pháp này, chị Mick sử dụng đồng hồ cát để đánh dấu mốc thời gian, giúp con trai nhìn vào đó để thực hiện các hành động sao cho đúng mức thời gian được mẹ quy định. Tránh việc con có thái độ trì trệ, vui chơi, ăn uống, hoạt động theo ý muốn.

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Việc sử dụng các loại đồng hồ cát giúp con có thể thấy được ý nghĩa của các con số. Thấy được 5 phút dài hơn, lâu hơn 1 phút. Bên cạnh đó, bé sẽ thấy được là đồng hồ cát loại 1 phút nếu chạy 5 lần sẽ có thời gian bằng loại đồng hồ 5 phút. Toán học đã xuất hiện trong nhà chị một cách "tự nhiên"giúp con làm quen sớm với môn học.

Để có tác dụng tốt nhất khi sử dụng phương pháp này, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý các vấn đề tránh gây khó chịu cho con và bản thân. Chị Mick ưu tiên việc chọn loại đồng hồ cát an toàn cho con, giữ con luôn nằm trong tầm quan sát của mình. Đồng thời cha mẹ cần dạy cho con ý nghĩa của đồng hồ và thời gian, khi trao đổi thông tin với con cần có giọng nói bình thường nhưng dứt khoát, rõ ràng, không đốc thúc hay cáu bẳn.

Cha mẹ cần nghiêm túc trong từng mốc thời gian, hãy chọn khung thời gian thích hợp. Nếu thấy con cần nhiều thời gian hơn cho 1 việc gì đó thì chị Mick lấy khung giờ dài hơn cho con. Nhưng khi đã đưa ra mốc thời gian có nghĩa là giờ đó là cố định, không cho thêm giờ nữa, 5 phút là đúng 5 phút. 

Chủ động đưa ra hình phạt khi giao trách nhiệm cho con là yếu tố cần thiết giúp con có ý thức bảo vệ, giữ gìn đồ của chính mình. Khi con làm sai, cha mẹ cần chọn hình phạt thích hợp. Không cứng nhắc hay quá khắt khe nhưng phải khiến con ghi nhớ. 

Sử dụng đồng hồ cát tức là bạn cho con lựa chọn, con có quyền lựa chọn không làm theo. Cuối cùng, cha mẹ cần cho con cái hiểu “thời gian là công bằng hết cho mọi người”, vì vậy hãy để ý đến giờ giấc của chính bạn và bạn phải là người làm gương để con học tập theo. 

Dạy con ngoan ngoãn, trưởng thành là “dự án thành công” nhất của cha mẹ

“Con nhàn mà mẹ cũng nhàn” là câu nói ngắn gọn nhất khi chị Mick nhắc đến lợi ích của việc dạy con từ nhỏ. Nhờ việc áp dụng phương pháp phù hợp ngay từ đầu nên cậu con trai 4 tuổi khá hợp tác, rất tự chủ, ít khi nào gây trở ngại nên cuộc sống gia đình êm đềm, nhẹ nhàng.

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

Bà mẹ một con cũng chia sẻ thêm: “Nhiều bậc cha mẹ sau khi áp dụng các phương pháp của chị, họ dễ tìm được tiếng nói chung với con hơn, con cũng phối hợp với cha mẹ hơn hẳn. Các bậc cha mẹ có con nhỏ hơn thì bảo là các bài viết của mình làm họ vững tin hơn trong hành trình làm cha mẹ, và cũng giúp họ định hướng cho con tốt hơn. Thế cũng gọi là có lợi ích rồi nhỉ?”

Trong 4 năm dạy con, chị Mick may mắn có sự hỗ trợ rất lớn từ chồng. Ông xã của chị đã bỏ rất nhiều thời gian dạy dỗ và chăm sóc con từ khi con vừa ra đời. Có những hôm phải đi công tác, anh chắc chắn sẽ thu xếp thêm thời gian dành cho con trước và sau khi đi.

“Một điều mà vợ chồng mình rất thích từ khi có con là cùng nhau bàn bạc lên kế hoạch cho con, bàn từ cách nói cách đối xử với con trong từng trường hợp, đến cả các hệ quả tương thích dành cho con nữa. 

Bạn không thể tưởng tượng là vợ chồng mình đã hào hứng thế nào đâu, khi bàn về hệ quả/kết quả mà con sẽ chịu trách nhiệm cho từng hành động của mình. Giống như là bọn mình có chung 1 dự án lớn mà thành viên nào trong nhóm cũng muốn cái dự án đó thành công rực rỡ vậy, nên ai cũng cố gắng góp sức vào sao cho tốt nhất”, bà mẹ gốc Việt hào hứng chia sẻ.

Mẹ Việt ở Đức tự tìm hiểu về tâm sinh lý con trẻ, bắt đầu áp dụng phương pháp dạy con từ 18 tháng tuổi

“Bình tĩnh” là cụm từ chị Mick tâm đắc khi nói về hành trình làm mẹ của mình, với chị việc làm mẹ chưa bao giờ là nhẹ nhàng và dễ dàng cả. Bất cứ một gia đình dù có hoàn hảo, con cái ngoan, rất nghe lời, học rất giỏi, chắc chắn bên trong đó cũng vẫn có những cơn sóng ngầm nào đó. Điều mà chị cảm nhận rõ nhất là các thành viên trong gia đình của mình đã học được cách lắng nghe, thấu hiểu và biết cách nói chuyện cùng với nhau. 

Trong mọi trường hợp, việc duy nhất chị Mick Schiessl làm là bình tĩnh để có thể chậm lại một  bước mà lắng nghe con và để cho con tự chọn con đường mà con muốn đi. Từ con đường mà con mong muốn, chị Mick và chồng sẽ tìm ra được cách giúp con đi được tốt nhất.

Sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cái có lẽ là hành trình dài, dai dẳng và thiêng liêng nhất của người cha, người mẹ. Mỗi người sẽ có phương pháp dạy khác nhau nhưng họ đều hướng đến một mục đích duy nhất là mong con thành người. Chị Mick và người chồng ngoại quốc cũng vậy, họ luôn dành cho cậu con trai 4 tuổi những điều tuyệt vời nhất và đang cùng nhau hoàn thiện cậu bé từng ngày.

Phương Nga

Ảnh: NVCC

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Váy dài tay bay bổng mùa xuân